Cái tên Yên Phụ mới xuất hiện từ giữa thế kỷ thứ 19 đến nay, hiện thuộc địa phận quận Tây Hồ. Cùng với sự chuyển mình của vùng Hà Nội, làng xưa nay đã lên phố, nhưng trong phố lại có làng, một sự tiếp nối liên tục quá khứ với đương đại. Giống như 3 cái tên "Yên Phụ" vừa có ở làng, qua con phố nhỏ để hòa vào đường lớn kết nối những không gian đặc trưng của Thủ đô: Khu phố cổ, khu phố cũ và Tây Hồ huyền ảo.
Làng có một vị trí khá đặc biệt, nằm trên dải đất hẹp ven bờ Hồ Tây với doi đất nhô ra hồ tựa hòn đảo nhỏ. Không chỉ có được phong cảnh hữu tình, gắn với những huyền tích sâu đậm của Hồ Tây; khi xưa, làng còn tiếp giáp với sông Hồng trù phú để làm nên nét độc đáo riêng. Những năm người Pháp mang “Giấc mơ Tây phương ở Viễn Đông” đến Hà Nội, họ đã “can thiệp sâu và quyết liệt” và làm biến đổi hoàn toàn cấu trúc cơ bản của hầu hết làng, xóm, thôn của người Việt ở phố. Nhưng lạ thay Yên Phụ vẫn giữ nguyên được hình thái ban đầu. Trong khi cũng là “làng đảo” Ngũ Xã kề bên lại trở thành những phố kẻ ô. Tuy vậy, quá trình đô thị hóa những năm gần đây cũng đã tác động mạnh mẽ, diện mạo của làng Yên Phụ đã đổi thay. Nhưng có lẽ, ở Yên Phụ, hồn cốt làng Việt bao đời vẫn còn đậm nét với cây đa, mái đình hay thấp thoáng trong bóng dáng cổng làng, cổng xóm giữa phố phường đông đúc.
|
|
Phong cảnh chùa Trấn Quốc (Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội).
|
Nhìn từ trên cao, làng có hình như một con cá vàng lớn với phần đầu là xóm Cò hướng về phía khách sạn Thắng Lợi, phần vây lưng quay về phía Hồ Tây còn vây bụng ở phía ao Vả. Đuôi cá bắt đầu từ đình làng, gắn cây đa cổ thụ, tỏa ra theo đường Yên Hoa về hai phía mà vờn mặt nước hồ như đang uốn lượn trên sóng nước lung linh.
Tương truyền, chùa và đình làng trước ở ngoài bãi Yên Hoa (là bãi An Dương bây giờ), sau do xói lở bờ bãi nên được di dời vào phía trong làng và dựng trên các gò đất nổi trên mặt Hồ Tây. Đình làng Yên Phụ ngày nay được dựng vào cuối thế kỷ thứ 17 và hiện nay là Di tích lịch sử cấp quốc gia với kiến trúc cổ kính và mang nét độc đáo hiếm có. Đình có cấu trúc chữ “Đinh” với 5 gian đại đình bố trí theo chiều dọc, 3 gian hậu cung phía sau và cửa đình mở ở phía hồi hướng ra phía trước, đó là điểm đặc biệt khiến duy nhất có ở đình Yên Phụ.
Chùa làng trước kia được dân làng gọi là Bờ Lũy, có lẽ vì chùa như một bờ lũy che chắn sóng gió, mang lại bình yên cho cư dân trong làng. Theo sử sách ghi lại, chùa có nhiều tên gọi qua từng thời kỳ nhưng đến năm Hoằng Định thứ 16 (1615) khi chuyển vào gò Kim Ngư (Cá Vàng) mới đổi tên thành chùa Trấn Quốc. Đến tháng 2 năm Nhâm Dần (1842), vua Thiệu Trị đổi tên chùa thành chùa Trấn Bắc. Tuy nhiên, cái tên chùa Trấn Quốc vẫn là tên gọi quen thuộc với mọi người và tồn tại cho đến nay.
Rất nhiều đổi thay đã làm cho Yên Phụ trở thành một làng trong phố đông đúc và chật chội. Tuy nhiên, đời sống văn hóa tinh thần của dân làng vẫn đậm bản sắc với những giá trị truyền thống. Mỗi năm mùa xuân về, dân làng lại nô nức với lễ hội. Công tác chuẩn bị, tập luyện, tổ chức được các cụ lão niên bàn bạc, phân phó từ trước đó rất lâu. Con cháu các dòng họ trong làng cũng thu xếp để về dự hội đình, cùng gia đình, dòng họ dâng mâm lễ thánh cầu quốc thái dân an, toàn gia thịnh vượng. Nét văn hóa cộng đồng làng xã vốn tưởng như mai một khi cư dân làng cổ sống đan xen với những gia đình mới chuyển đến ngụ cư thực ra lại chuyển hóa và thích nghi một cách tài tình với những mâm lễ chung của xóm, của ngõ dâng lên đức Thánh. Hội làng vì thế mà càng trở nên hấp dẫn và ý nghĩa.
|
|
Ngôi làng Yên Phụ thanh bình.
|
Từ ngày 8 đến 10-2 âm lịch, hội làng diễn ra sôi nổi với những hoạt động như hát chèo, hát quan họ, múa lân, nhiều hoạt động biểu diễn của các cháu thiếu nhi. Lễ rước chính hội sẽ diễn ra từ sớm ngày 10-2 với nghi thức lưu truyền từ bao đời nay. Đoàn rước sẽ rước kiệu từ đình làng vượt dốc Yên Phụ, qua đường Thanh Niên tới chùa Trấn Quốc để lấy nước thanh tịnh về làm lễ Mộc Dục. Trên cung đường đoàn rước đi qua, các hộ dân hai bên đường, dù là dân gốc hay dân nhập cư đều bày hương án lễ vật nghênh đón. Tất cả mọi người dường như hòa quyện vào không gian, cảnh quan và hoạt động văn hóa tín ngưỡng để rồi trở nên gắn kết với nhau hơn, củng cố mối quan hệ cộng đồng thêm vững chắc bền chặt. Có lẽ chính niềm tin tín ngưỡng được nhất tâm đồng vọng mà các vị thành hoàng phù trợ cho làng Yên Phụ bình an và phát triển.
Từ xa xưa, dân làng ở ven bờ Hồ Tây, canh tác trồng cấy trên vùng bãi sông. Tuy làm nông nghiệp, nhưng dân làng Yên Phụ rất tháo vát và nhạy bén. Theo thời thế, làng Yên Phụ chuyển qua nhiều nghề từ trồng dâu nuôi tằm, trồng hoa, cây cảnh, làm hương, đánh bắt tôm cá, buôn bán dọc sông, nuôi cá cảnh... Nghề nào dân làng Yên Phụ cũng nổi danh nức tiếng khắp kinh thành Thăng Long để lại dấu ấn trong những câu ca dao được lưu truyền nơi Kinh Kỳ-Kẻ Chợ:
"Hỡi cô đội nón ba tầm
Cô về Yên Phụ phiên rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua".
Hay là: “Yên Phụ buôn mạn thuyền nan/ Xuống đò Phố Mới bán than quạt trà”.
|
|
Một góc phố Yên Hoa (Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: MINH THÀNH
|
Buôn có bạn, bán có phường, mỗi khi học được nghề, người làng lại bảo ban nhau cùng làm. Ngày nay cư dân sống trong làng cũng đã thay đổi nhiều với một lượng dân từ nơi khác đến mua đất làm nhà. Nghề cũ ở làng cũng đổi thay theo những biến đổi của đời sống kinh tế-xã hội. Con cháu các dòng họ gắn bó lâu đời với làng như họ Quách, họ Vũ... vẫn còn sống trong làng và đảm nhiệm những nghĩa vụ tâm linh cùng dòng họ, dù các nghề truyền thống làm hương, làm mã, hồ giấy bồi không còn được duy trì. Nghề cá cảnh và cây, tiểu cảnh thủy sinh cũng chỉ còn vài gia đình vẫn giữ nghề nhưng cũng chuyển dần sang buôn các giống cá nhập theo thị hiếu chứ không gây giống, giữ giống như những năm xưa.
Dự án kè hồ đã tạo nên bước ngoặt cho các hộ gia đình sống ven Hồ Tây, với lợi thế “mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi”, các quán cà phê mọc lên san sát, thậm chí có cả quán bia, quán nhậu ven hồ mang lại nguồn thu nhập cho người dân và làng càng ngày càng trở nên đẹp hơn. Chợ cóc nhỏ giữa làng xưa với dăm ba người bán mớ rau, con cá, có quán xôi chè, có hàng trà chén. Giờ quán xôi chè vẫn tồn tại, bán vài giờ đồng hồ buổi sáng cho những hàng xóm quen thuộc. Chợ làng không còn, thay vào đó là cửa hàng tiện lợi mở ngay đường ven hồ. Vật đổi, sao rời, đường làng không còn lát gạch, cổng làng, cổng xóm trở nên bé nhỏ trước những ngôi nhà tầng chen chúc hai bên. Nhưng cây đa cổ thụ vẫn đứng đó như chỉ dấu cho làng xưa trong phố mới. Như nếp văn hóa xưa cũ-“tình làng nghĩa xóm”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau” bền vững với thời gian. Nhờ vậy mà Yên Phụ vẫn là ngôi làng bình yên, là nơi chốn đi về không chỉ của cư dân bản địa mà còn hấp dẫn cả những người nước ngoài.
Làng Yên Phụ nay đã lên phố, nhưng đối với người dân nơi đây, “làng” vẫn mãi là “quê”. Bởi như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã từng viết: “Thành thị đôi khi là một khái niệm về không gian, nhưng làng quê luôn là khái niệm văn hóa... Tôi cho rằng, trái tim con người mãi mãi thuộc về làng quê ngay cả khi làng quê đó đã biến mất khỏi mặt đất”.
Tiến sĩ, kiến trúc sư VŨ HOÀI ĐỨC