Tô thắm bản hùng ca

“Trời Hà Nội mãi xanh” gồm hai tập, là sự nhìn lại cuộc chiến đấu 12 ngày đêm đánh bại B-52 trên bầu trời Hà Nội. Độ lùi thời gian và tư liệu dày dặn là những lợi thế để thực hiện bộ phim. Nhưng đó cũng là khó khăn, bởi do thời gian sau một đời người, nhiều nhân vật chính đã già yếu, trí nhớ không còn tốt hoặc đã đi xa, khó cho việc phục hồi tư liệu gốc. Rồi đã có nhiều bộ phim tài liệu về sự kiện này, phải làm thế nào để tránh lặp lại? Những người làm phim và ban lãnh đạo Điện ảnh QĐND đã bàn bạc để tìm một cách nói mới, kể mới.

Trong tập 1 “Bầu trời của đạn bom” tái hiện bối cảnh đế quốc Mỹ dùng "siêu pháo đài bay" B-52 tập kích Hà Nội và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc Việt Nam nhằm gây sức ép buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà chúng đưa ra tại Hội nghị Paris; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Để đối phó với cuộc tập kích chiến lược bằng đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân chủng Phòng không-Không quân đã vượt qua mất mát, đau thương, tích cực nghiên cứu cách đánh B-52. Trong 12 ngày đêm "bão lửa", quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động đánh phá miền Bắc và ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam.

leftcenterrightdel

 Cảnh trong phim "Trời Hà Nội mãi xanh". Ảnh: THANH HẢI

Tập 2 “Bầu trời của hòa bình” tập trung thể hiện những chính sách nhân đạo của Việt Nam đối với các tù binh phi công Mỹ trong năm 1972-1973; cảm xúc của các tù binh phi công Mỹ khi họ ở Trại giam Hà Nội và sau khi được trở về với gia đình. Về phía Việt Nam, nhiều phi công không may mắn được như vậy, các anh đã dành cả thanh xuân, sự sống để bảo vệ hòa bình cho bầu trời Tổ quốc. Nhiều năm sau khi chiến tranh lùi xa, các phi công Mỹ quay lại Việt Nam với mong muốn hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại... Trong tập phim, hình ảnh Hà Nội thanh bình và tươi đẹp hôm nay, thành phố vì hòa bình cũng được khắc họa. Trên hết, phim ca ngợi khát vọng hòa bình và trái tim bao dung của người Việt Nam.

Bằng cách kể mới

Dù thuận lợi với nguồn tư liệu phong phú về sự kiện "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" nhưng với Thượng tá Phạm Thanh Hùng, đạo diễn tập phim “Bầu trời của đạn bom” thì cái khó nhất là cách thể hiện bộ phim như thế nào, nhất là với một sự kiện lịch sử lớn đã có nhiều bộ phim thể hiện thành công, người đi sau luôn đứng trước thách thức phải tìm ra được cách kể câu chuyện mới. Bên cạnh đó, việc mở rộng nhân vật cũng là một khó khăn, hay việc xác minh những thông tin liên quan đến lịch sử, sự khác nhau giữa thông tin có được với thực tế khi tới tìm hiểu trực tiếp... cũng đòi hỏi đạo diễn phải rất cẩn trọng, cân nhắc lựa chọn.

Nhà văn Hà Đình Cẩn khi xây dựng kịch bản phim đã nói rằng: “Nhìn lại sau 50 năm, không ít người thấy có đêm Bộ đội Phòng không-Không quân và các lực lượng bắn cháy đến 6 máy bay B-52, thì "thánh hóa" lên, coi người lính phòng không có mắt thần, có thiên bẩm, cứ bắn là trúng. Đâu phải thế. Không có mắt thần nào cả. Chỉ là mắt của những người lính nhìn lên bầu trời, sẵn sàng hy sinh cho bầu trời Thủ đô chiến thắng. Những đôi mắt tinh tường và bình tĩnh đến gan góc, từng trải qua nhiều lần sống chết tìm ra cách đánh B-52, phải nhìn thấy kẻ thù lẩn khuất trong mớ nhiễu rối loạn trên màn hình”.

Bởi vậy, trong tập 1 phim có một trường đoạn về quá trình tìm cách đánh B-52, theo chỉ thị của Bác Hồ. Đã có nhiều hy sinh, những bài học từ thực tiễn trên trận địa, bài học của những lần thất bại cùng với kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học phòng không-không quân, nhiều sĩ quan chỉ huy, trắc thủ giàu kinh nghiệm... để đúc kết thành cuốn cẩm nang “Cách đánh B-52”. Sau đó là liên tục nghiên cứu, bổ sung, cải tiến phương pháp, cách đánh... qua thực tiễn để có 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường bảo vệ bầu trời Hà Nội.

Không có những lời ngợi ca, tôn vinh, phim chọn cách kể bằng chính câu chuyện của nhân vật, cảm động và thuyết phục người xem. Những nhân vật xuất hiện trong phim hầu hết là những người từng trực tiếp chỉ huy, chiến đấu trên trận địa. Một số hình ảnh về họ được khai thác trong kho tư liệu phim của Điện ảnh QĐND, một số được tái hiện hôm nay, qua hồi tưởng. Điều đó làm cho bộ phim giàu tính chân thực hơn bất cứ lời bình nào. Phim cũng dành thời lượng để nói về các anh hùng liệt sĩ phi công từng bắn rơi máy bay Mỹ trong 12 ngày đêm nhưng chưa có điều kiện kể nhiều về họ. Và thay vì kể về các chiến công của từng trận đánh, phim đi vào giới thiệu những địa điểm máy bay B-52 rơi trên đất Hà Nội, đã trở thành "địa chỉ đỏ" cho thế hệ trẻ hôm nay khi nhìn về chiến thắng của thế hệ bảo vệ bầu trời nửa thế kỷ trước.

leftcenterrightdel
 Hậu trường phim "Trời Hà Nội mãi xanh". Ảnh: THANH HẢI

Thượng tá Phạm Thanh Hùng là đạo diễn được tin tưởng với nhiều kinh nghiệm để hoàn thành tốt tập phim này, nhất là khi anh được tiếp nối mạch sự kiện và cảm hứng từ bộ phim tài liệu “Lửa từ Thành cổ” nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị mà anh đạo diễn trước đó không lâu. Còn với đạo diễn trẻ Bùi Thanh Hải, tập 2 “Bầu trời của hòa bình” là bộ phim thứ tư mà anh tham gia với vai trò đạo diễn. Anh thừa nhận, cùng sự tự hào thì áp lực với anh cũng rất lớn. Bởi với một người trẻ, nhìn lại lịch sử hào hùng của dân tộc và thể hiện được tốt những thông điệp qua một tập phim tài liệu gần 30 phút không phải là việc dễ dàng. “Thật may mắn khi phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng là một thế mạnh, “thương hiệu” của Điện ảnh QĐND, vì vậy, tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của ban lãnh đạo và các đạo diễn, đồng nghiệp trong cách tìm hiểu tư liệu, tiếp cận nhân chứng... Quá trình làm bộ phim đã mang đến cho tôi những cảm xúc, ấn tượng đặc biệt để hiểu hơn về những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh và giá trị của hòa bình. Đó là khi các nhân chứng phi công Mỹ còn sống chia sẻ câu chuyện và cảm nhận của họ sau cuộc chiến; hay là câu chuyện liệt sĩ, phi công Hoàng Tam Hùng bắn rơi hai chiếc máy bay địch rồi hy sinh ngay trước thềm chiến thắng của ta...”, đạo diễn trẻ Bùi Thanh Hải bộc bạch.

Với cái nhìn của những người sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, bộ phim cũng cho thấy một Hà Nội-Việt Nam đầy quả cảm, bao dung, đã vượt lên những đổ nát, hy sinh, đau thương để xây dựng lại cuộc sống; đã cao thượng khi đối xử với những kẻ thù-tù nhân phi công; và sau đó sẵn sàng hóa giải hận thù để hướng tới tương lai. Thông qua bộ phim “Trời Hà Nội mãi xanh”, những hình ảnh chân thực, sống động về sự kiện lịch sử Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” được tái hiện. Lịch sử đó cần phải được trao truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay để thêm hiểu và quý trọng giá trị của hòa bình.

Nhà văn Hà Đình Cẩn: Có ý kiến trao đổi với chúng tôi về tên phim, nên chăng là “Bản anh hùng ca trên bầu trời Hà Nội”. Chúng tôi xin giữ tên “Trời Hà Nội mãi xanh” bởi cái tên đó không chỉ giản dị mà là kết quả cuối cùng của trận chiến đấu, cũng là ước mơ của mỗi người Hà Nội hôm nay, chính là trên đầu họ là bầu trời xanh hòa bình và hạnh phúc.


Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh QĐND: Tôi được sinh ra tại Hà Nội vào đúng năm 1972. Mẹ tôi thường kể với chúng tôi về ký ức những ngày bà ôm con mới sinh chạy xuống hầm trú ẩn mỗi khi nghe còi báo động vang lên. Ký ức đó thật sống động với mẹ tôi, còn với tôi, nó có gì thật xa xôi. Cho đến khi tôi tổ chức kịch bản và biên tập bộ phim tài liệu “Trời Hà Nội mãi xanh”, ngồi bên bàn dựng xem những thước phim tư liệu về Hà Nội năm 1972, với những máy bay B-52, những bom đạn rải xuống, với những hầm trú ẩn, với Khâm Thiên, Bạch Mai đổ nát và tang thương... thì tôi mới cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn về ký ức mà mẹ tôi vẫn hay kể với các con. Và tôi thực sự xúc động khi xem những hình ảnh, thước phim tư liệu ghi lại những ngày bom đạn đó, bởi các nhà quay phim, trong đó có những nhà quay phim của Điện ảnh QĐND đã hy sinh khi đang ôm máy quay. Tôi thấy trách nhiệm của mình, của Điện ảnh QĐND là phải thực hiện những bộ phim về sự kiện lịch sử như thế. 

 

DƯƠNG THU