QĐND - Vâng, có thể nói như vậy về thành tích của Điện ảnh Quân đội nhân dân (QĐND) tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVII (LHP17) tổ chức tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, từ ngày 15 đến 17-12 vừa qua. Trong 4 phim tài liệu nhựa của Điện ảnh QĐND tham gia LHP17 thì có 3 phim đoạt giải, đó là: Bông sen Vàng cho phim “Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc”, Bông sen Bạc cho phim “Sóng nhà giàn” và Bằng khen cho phim “Gươm đàn Thăng Long”. Đại tá, NSưT Lưu Quỳ, đạo diễn phim “Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc” đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất thể loại phim tài liệu nhựa. LHP kỳ này, Điện ảnh QĐND chỉ tham gia 1 phim truyện video “Vũ khúc ánh trăng” và giành được Bằng khen của Ban giám khảo (BGK). Đây là phần thưởng cao nhất của thể loại này tại LHP17 (không có Bông sen Vàng và Bông sen Bạc).

NSND Thế Anh cùng nhiều đồng nghiệp chúc mừng Điện ảnh QĐND sau Lễ bế mạc LHP17. Ảnh: Thúy Mai

Như vậy, ở cả hai thể loại phim tài liệu nhựa và phim truyện video, Điện ảnh QĐND đều giành được những giải thưởng cao nhất và “có mặt” ở tất cả các thứ hạng, chiếm 3/5 tác phẩm đề cử của BGK phim tài liệu nhựa và 1/3 tác phẩm đề cử của BGK phim truyện video. Những kết quả trên đây càng thêm ý nghĩa nếu biết rằng tại LHP17, Điện ảnh QĐND là đơn vị có số lượng giải thưởng nhiều nhất và là đơn vị có tỉ lệ số phim được giải thưởng cao nhất trong tổng số phim mang đi tham gia LHP (4/6 phim). Đây là những thành tích tiếp sau thắng lợi giòn giã của Điện ảnh QĐND tại LHP16  với 1 Bông sen Vàng của phim truyện video, 1 Bông sen Bạc và 1 Bằng khen cho phim tài liệu khoa học cùng 5 Giải thưởng xuất sắc nhất cho nhóm nghệ sĩ làm phim truyện video "Mười ba bến nước" (đạo diễn, quay phim, nam diễn viên chính, nữ diễn viên chính và nữ diễn viên phụ)...

Còn nhớ cách nay dăm năm, Điện ảnh QĐND đứng trước một giai đoạn cực kỳ khó khăn trong tình cảnh chung của nền điện ảnh nước nhà, lại có những khó khăn riêng của thời điểm một thế hệ cán bộ và nghệ sĩ giàu kinh nghiệm đã đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ. Liên tiếp mấy kỳ LHP, Điện ảnh QĐND đành “lỗi hẹn” với đông đảo công chúng mến mộ trong cả nước. Bởi vậy, những thành tích của đơn vị trong hai kỳ LHP gần đây, đặc biệt là những thành tích xuất sắc của phim tài liệu nhựa -thế mạnh truyền thống của Điện ảnh QĐND -tại LHP kỳ này, còn là niềm vui chung của khán giả quân -dân cả nước và các cấp quản lý, lãnh đạo. Ngay sau lễ bế mạc và trao giải LHP17 được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và VTV4, dồn dập tin nhắn chúc mừng của những người thân, bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ trong cả nước đã gửi đến điện thoại của các cán bộ, nghệ sĩ Điện ảnh QĐND. Một trong những lời chúc mừng sớm nhất mà Đại tá, Giám đốc, NSưT Vũ Văn Chính nhận được là của Trung tướng, PGS, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đặc biệt, có tin nhắn từ số máy điện thoại: 01248331960 của một ngư dân ở đảo Lý Sơn -Quảng Ngãi, cho biết: Ngoài đảo Lý Sơn đang mưa bão rất lớn, mất điện, các gia đình phải chạy máy nổ để xem truyền hình. Bà con rất phấn khởi khi bộ phim “Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc” được Bông sen Vàng và vô cùng xúc động với lời phát biểu của ông Lưu Quỳ khi lên nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim này...

Lý giải về những kết quả lớn mà Điện ảnh QĐND đạt được trong những năm gần đây, Đại tá Vũ Văn Chính khẳng định đây là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị. Điều này nghe có vẻ rất... lý thuyết, nhưng trên thực tế nếu không có sự quan tâm giúp đỡ đầy trách nhiệm và hết sức tận tình -xin nhấn mạnh chữ “tận tình” -của thủ trưởng các cấp và các cơ quan chức năng, thì đơn vị sẽ gặp muôn vàn vướng mắc về thủ tục hành chính và những quy định “cứng nhắc” trong hoạt động nghiệp vụ nói riêng và các mặt công tác nói chung. Xin nêu mấy dẫn chứng cụ thể: Trong điều kiện kinh phí chung hiện nay, nhưng cấp trên vẫn quyết định đầu tư trang bị kỹ thuật hiện đại cho hoạt động làm phim, trong đó có thiết bị ARRIFLEX của Đức, là máy quay phim nhựa loại tiên tiến nhất hiện nay và ở nước ta mới chỉ một số hãng phim có loại thiết bị này. Nhờ vậy mà chất lượng kỹ thuật phim được nâng cao rõ rệt và tất cả những phim đoạt giải kỳ này đều được quay bằng thiết bị trên đây. Hoặc như việc tuyển dụng người và giải quyết nghỉ hưu cho những người đã đến độ tuổi, Điện ảnh QĐND cũng được vận dụng cơ chế “thông thoáng” trên cơ sở những quy định chung, phù hợp với đặc thù công tác của đơn vị. Nhờ vậy mấy năm qua đơn vị đã “chiêu mộ” được nhiều tài năng trẻ trong và ngoài quân đội, đồng thời hiện tại vẫn “giữ” được một số nghệ sĩ có kinh nghiệm lâu năm để vừa tiếp tục làm phim, vừa dìu dắt truyền nghề cho lớp trẻ. Hiệu quả cụ thể nhất của sự “ưu ái” trên đây là hầu hết các tác phẩm được giải thưởng lần này đều là sản phẩm của các nhóm tác giả thuộc nhiều thế hệ. Chẳng hạn: Bên cạnh những đạo diễn tên tuổi như: Vũ Văn Chính, Lưu Quỳ, Trần Vinh, Mai Trung Tuyến, Phạm Huyên v.v... là những biên kịch, quay phim, âm thanh, dựng phim... thuộc thế hệ “7X, 8X” được đào tạo chính quy, như: Bùi Duy Đông, Đặng Thái Huyền, Hoàng Ngọc Mỹ, Nguyễn Thị Mai, Phạm Thanh Hùng, Chu Đức Thắng, Phạm Công Trình v.v...

Cùng với sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, nghệ sĩ là yếu tố quyết định những thành tích về chuyên môn của Điện ảnh QĐND những năm gần đây. Điều này thể hiện trong việc lựa chọn đề tài và xử lý đề tài cho các tác phẩm của điện ảnh QĐND, trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn của đất nước và quân đội, theo sở trường truyền thống của các nhà làm phim quân đội. Chẳng hạn, với cảm quan chính trị nhạy bén, từ mấy năm trước đơn vị đã ấp ủ những đề tài về biển, đảo của Tổ quốc. Và lần này đơn vị tham gia LHP17 với hai bộ phim tài liệu nhựa về đề tài bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Biển quê hương muôn đời vẫn đẹp và dịu êm, nhưng “Sóng nhà giàn” (biên kịch Phạm Thanh Hà, đạo diễn Phạm Huyên, quay phim Phạm Thanh Hùng) lại vô cùng dữ dội nghiệt ngã với những người lính bảo vệ đặc khu kinh tế biển. Vào mùa bão tố, sống trong các căn nhà giàn chênh vênh trơ trọi giữa biển khơi thì con người không chỉ phải chống chọi với sự cuồng nộ của thiên nhiên, mà nhiều khi phải chống chọi với nỗi sợ hãi, nao núng của chính mình. Khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, thiếu thốn... nhưng những chiến sĩ nhà giàn vẫn kiên gan trên vọng gác tiền tiêu, kịp thời phát hiện những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ để thông báo cho các lực lượng chức năng đối phó hiệu quả, không để những tình huống xấu xảy ra. Tình yêu của Đất Mẹ dành cho những người lính biển và tình yêu biển của chính họ đã làm nên sức sống nhà giàn, giúp những người lính đứng vững trước bão tố để thực hiện tốt nhiệm vụ thiêng liêng...

Cùng chủ đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhưng bộ phim tài liệu nhựa màu “Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc” (biên kịch Hoàng Ngọc Mỹ, đạo diễn Lưu Quỳ, quay phim Phạm Minh Tuấn) lại thể hiện khao khát chủ quyền của mỗi người dân Việt Nam đối với phần lãnh thổ thiêng liêng Hoàng Sa trên Biển Đông. Bộ phim đã sưu tầm, tập hợp được nhiều cứ liệu văn hóa, lịch sử, nhân vật, sự kiện... có tính thuyết phục cao. Đó là các thư tịch cổ đang được lưu giữ trong nước và nhiều thư viện nước ngoài; là những tấm bản đồ Việt Nam thế kỷ 17, 18, 19... do nhà nước phong kiến Việt Nam hoặc các nhà truyền giáo, các nhà hàng hải nước ngoài đo, vẽ; là những lễ khao lề thế tiễn các thủy binh ra Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, đã trở thành lễ hội dân gian truyền thống; là những nhân chứng như ông Ngô Tấn Phát, nhân viên khí tượng ở Hoàng Sa dưới chế độ Sài Gòn trước đây... Đặc biệt là những ngôi mộ gió được đặc tả suốt từ đầu đến cuối phim, những ngôi mộ bái vọng các thế hệ những người con đất Việt đã bỏ mình nơi biển cả trong những chuyến công vụ theo lệnh của Nhà nước cử ra quần đảo Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Trước khi đến với LHP17, tác phẩm này đã đoạt giải B (không có giải A) Giải báo chí Quốc gia năm 2010 và Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2010.

Trong bữa tiệc chiêu đãi mừng thành công của LHP Việt Nam lần thứ XVII, Đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch đã trực tiếp đến chúc mừng đoàn Điện ảnh QĐND. Nhiều nhà quản lý “dân sự” và các nghệ sĩ thuộc các hãng phim Nhà nước và tư nhân cũng nồng nhiệt chúc mừng và chia vui cùng các đồng nghiệp áo lính. Có người nói rằng đây là bước đột phá, là bước ngoặt để Điện ảnh QĐND lấy lại “phong độ” của chính mình! Đó cũng là mong mỏi của đông đảo công chúng quân -dân trong cả nước!

Mai Nam Thắng