Tôi có nhiều kỷ niệm với họa sĩ Phạm Thanh Tâm, đặc biệt trong dịp làm phim chân dung về ông năm 2002 tại TP Hồ Chí Minh. Phạm Thanh Tâm là người luôn sôi động, hóm hỉnh nhưng cũng rất sâu sắc và sẵn sàng đưa ra những ý kiến phản biện trong quá trình làm phim. Ngôn ngữ phim tài liệu và ngôn ngữ hội họa khá gần nhau nên nhóm phóng viên chúng tôi gồm có Đoàn Hoài Trung, Trịnh Hòa, Đỗ Viết Nghiệm, tôi và các bạn quay phim luôn có tiếng nói chung với họa sĩ Phạm Thanh Tâm.

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã có mặt trong chiến hào Điện Biên suốt 56 ngày đêm máu trộn bùn non. Người con sinh năm 1933 tại Hải Phòng, quê gốc Nam Định, đã sớm đi theo cách mạng từ tháng 12-1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Năm 1947, Phạm Thanh Tâm làm nhiệm vụ liên lạc ở Ban Tuyên truyền Chiến khu 3, hằng tuần đạp xe đạp đưa bài đến nhà in để in báo. Thấy ông có năng khiếu về mỹ thuật, họa sĩ Mai Văn Nam đã dạy vẽ riêng cho Phạm Thanh Tâm. Ông được chọn dự lớp hội họa ngay trong Chiến khu và từ đó đã khẳng định được tài năng hội họa của mình.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Phạm Thanh Tâm được điều động làm Báo Quyết Thắng của Đại đoàn Công pháo 351. Những số báo nóng hổi có rất nhiều tranh minh họa, biếm họa, ký họa về cả ta và địch đã đến tay chiến sĩ dưới mưa bom bão đạn Điện Biên. Phạm Thanh Tâm đã có gia tài khổng lồ tranh ký họa ngay tại chiến hào Điện Biên đỏ lửa như thế. Đây chính là nguồn chất liệu dồi dào sau này vào tranh của Phạm Thanh Tâm. Tiêu biểu phải kể đến: “Điện Biên Phủ 1954”; “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ”; “Pháo cao xạ chiến đấu trên cánh đồng Mường Thanh”; “Chèn pháo”; “Đường lên Điện Biên”; “Sơn pháo 75 ly bắn thẳng”; “Giặc Pháp ở Điện Biên Phủ sợ pháo ta”; “Hoan hô chiến thắng Điện Biên”... là những tác phẩm chất lượng của Phạm Thanh Tâm.

Trong ký ức của nhà văn Xuân Phượng kể về những kỷ niệm với người họa sĩ Quân đội khi cả hai ở độ tuổi 30 chính là những hình ảnh đẹp của những văn nghệ sĩ một thời: “Chúng tôi gặp nhau lần đầu khi cả hai ở khoảng độ tuổi 30. Thời chống Pháp, chúng tôi cùng thuộc đội pháo binh. Rồi cuộc đời xô đẩy, tôi trở thành phóng viên chiến trường, anh Tâm trở thành họa sĩ ký họa tại mặt trận.

Họa sĩ như anh Tâm thời đó thường phải một thân một mình-bạn đồng hành là giấy bút, phương tiện đi lại là đôi chân. Những người chưa từng đi bộ ở đường Trường Sơn chắc khó mà tưởng tượng được: Đá tai mèo sắc nhọn dưới chân cũng phải bươn lên mà đi, đến nơi có mệt mỏi cũng hết lòng hoàn thành nhiệm vụ.

Phóng viên hay người làm phim như tôi dù khó khăn nhưng ít nhất cũng được hỗ trợ xe cơ giới, tiếp tế lương thực tốt hơn. Vì vậy khi đi quay, tôi thường rủ anh Tâm đi cùng, hoặc anh Tâm đề nghị đi chung. Những nơi vất vả như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Vĩnh Linh, chúng tôi đều đã cùng nhau đi qua. Hai anh em nhờ đó mà trở nên thân thiết”.

Khi thực hiện phim tài liệu chân dung về họa sĩ Phạm Thanh Tâm và không riêng phim về ông, người họa sĩ họ Phạm đều nhiệt thành đồng hành với tôi trong công việc. Đó là các phim về họa sĩ Huỳnh Phương Đông; họa sĩ Huỳnh Văn Gấm; nhà văn Nguyễn Thi; nhà văn Thanh Giang..., Phạm Thanh Tâm đều tham gia đoàn làm phim, thực hiện tất cả yêu cầu và “vào” phim rất ngọt. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên với cá nhân tôi.

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm còn là người viết nhiều sách, đặc biệt là thể loại truyện ký với bút danh Huỳnh Biếc. Tiêu biểu như “Dung dăng dung dẻ” (Nhà xuất bản Trẻ); “Vượt ngầm” (Nhà xuất bản Trẻ); “Ngày về Sài Gòn” (Nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ)... đã cho thấy sự đa tài của người họa sĩ-chiến sĩ Điện Biên.

leftcenterrightdel

Đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp 

Khi từ Truyền hình Quân đội nhân dân chuyển công tác sang Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2006, tôi thường xuyên nhận được điện thoại của họa sĩ Phạm Thanh Tâm chia sẻ, động viên và nhất là những cuốn sách ảnh, sách in mới của ông. Noi gương ông, cánh nhà văn trẻ chúng tôi dần dần đã ý thức và cầm bút chăm chỉ, quyết liệt hơn.

Trong các cuộc làm việc tại TP Hồ Chí Minh, tôi thường mời họa sĩ Phạm Thanh Tâm và nhà thơ Thanh Tùng, nhà văn Văn Lê, nhà văn Thanh Giang tới số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm trò chuyện cũng là học tập các ông. Hai vị lão trượng một thơ, một họa nhiều khi ngủ tít tại phòng tôi mặc cánh phóng viên trẻ đi làm sự kiện cho đến khi tôi ra máy bay về Hà Nội các ngài mới dời đi.

Trong đời sống cũng như trong sáng tác, họa sĩ Phạm Thanh Tâm luôn dành cảm xúc và trí tuệ của mình cho đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Những tập ký họa, sau này được xây dựng thành các tác phẩm tranh làm nên tên tuổi Phạm Thanh Tâm đều được bắt nguồn với tư cách người lính chiến ở trong lòng cuộc chiến tranh. Từ chiến hào Điện Biên Phủ tới những cánh rừng, trọng điểm bom đạn mịt mùng trên con đường Trường Sơn huyền thoại, đội hình văn nghệ sĩ-chiến sĩ đã không quản thân mình, bám chắc đời sống của bộ đội để viết, vẽ, quay phim và từ đó tạo dựng những tác phẩm phục vụ đời sống tinh thần của bộ đội và nhân dân trong các cuộc chiến tranh.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã có sự đóng góp rất lớn của văn nghệ sĩ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ 20 năm, đội quân văn nghệ sĩ đều nô nức lên đường, đến nơi đạn bom ác liệt, đồng hành với bộ đội sáng tạo nên các tác phẩm văn học-nghệ thuật như những ngọn đèn thắp sáng con tim. Câu thơ của nhà thơ lớn Tố Hữu đã từng mô tả không khí của thời đại “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” đã như mạch nguồn sông suối, mạch nguồn từ tổ tiên nguồn cội tiếp sức cho người chiến sĩ để chiến thắng quân thù. Trong những cánh rừng Trường Sơn hùng vĩ ấy, giới văn nghệ sĩ trong đó có họa sĩ Phạm Thanh Tâm vừa chiến đấu vừa viết, vẽ lên những tác phẩm trở thành niềm tự hào của mỗi văn nghệ sĩ.

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã dành toàn bộ cuộc đời mình để vẽ về bộ đội. Sức làm việc của ông dẻo dai, bền bỉ, ngày này qua tháng khác đã trên nửa thế kỷ tới khi mất. Sức sống và sức sáng tạo ấy chỉ có thể có được ở những người đã được tôi luyện qua lửa đỏ chiến tranh. Nhiều đồng đội của các ông đã nằm lại cánh đồng Mường Thanh, nằm trong những cánh rừng Trường Sơn với gió núi mây ngàn đã cho các ông trăn trở và quyết phải lao động nhiều hơn, sáng tác nhiều hơn, như để thay những người đã vì đất nước, vì nhân dân ngã xuống. Dưới sắc cờ Tổ quốc, mỗi văn nghệ sĩ trong đó có họa sĩ Phạm Thanh Tâm đều như thấy mình nhận lãnh thêm trách nhiệm của đồng chí, đồng đội, sự trao truyền, niềm tin và mong đợi của nhân dân với người nghệ sĩ.

Giới họa sĩ luôn có đặc thù riêng. Thành tựu của nền mỹ thuật Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh chính là công sức và trí tuệ của đội ngũ các họa sĩ trưởng thành trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Nằm trong đội hình ấy, họa sĩ Phạm Thanh Tâm, với tư cách là một người nghệ sĩ mặc áo lính, đã đóng góp toàn bộ thời gian, tâm huyết và năng khiếu hội họa, tạo ra những tác phẩm mà nổi trội nhất chính là mảng sáng tác về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Những bức tranh của ông, các tập ký họa và sách viết về người chiến sĩ mà ông để lại đã nói lên tất cả, khẳng định một sự nghiệp nhất quán, trọn vẹn của người nghệ sĩ.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI