Gặp gỡ, quay phim, phỏng vấn, nhất là được trò chuyện với ông tại ngôi nhà nhỏ số 22 phố Quang Trung, Hà Nội, chúng tôi luôn đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác về ông, một trí thức lớn trưởng thành từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng các KTS nổi tiếng Nguyễn Cao Luyện, Trần Hữu Tiềm, Hoàng Như Tiếp. Sau này, các ông đều tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, sáng lập Đoàn KTS Việt Nam, tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay.
KTS Ngô Huy Quỳnh sinh ngày 15-5-1920 tại Mỹ Hào, Hưng Yên. Dòng họ Ngô ở đây thuộc hàng danh gia vọng tộc của đất Mỹ Hào. Thân phụ Ngô Huy Quỳnh là cụ Ngô Huy Khôi từng giữ chức Thừa phái thời kỳ Pháp thuộc. Thân mẫu của ông là cụ Nguyễn Thị Thư nổi tiếng xinh đẹp, nết na đã tạo dựng nền tảng để các con sau này được học hành chu đáo, trưởng thành, trở thành những trí thức lớn phục vụ công cuộc cách mạng.
Ngô Huy Quỳnh từ nhỏ nổi tiếng thông minh. Năm 1938, Ngô Huy Quỳnh tốt nghiệp bậc trung học đã thi đỗ Khoa Kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam)-ngôi trường nghệ thuật danh giá ở Hà Nội quy tụ phần lớn tinh hoa các chuyên ngành nghệ thuật của toàn xứ Đông Dương.
Với tư chất thông minh và luôn đề cao thực hành, những thiết kế của Ngô Huy Quỳnh đã mau chóng lọt vào mắt xanh của các bậc thầy. Khi mới là sinh viên năm thứ ba, Ngô Huy Quỳnh đã được giao thiết kế và hướng dẫn xây dựng nhiều biệt thự lớn ở các phố Nguyễn Du, Cao Đạt (Hà Nội); Đình Bảng (Bắc Ninh); Nam Định... đã cho thấy tài hoa và tính thực tiễn, tính sáng tạo của ông trong những dấu ấn kiến trúc đầu tiên của mình.
Ngô Huy Quỳnh những năm học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thường xuyên viết báo về chuyên ngành kiến trúc và quan điểm thiết kế trên tinh thần bản sắc dân tộc. Những bài báo sâu sắc của ông bày tỏ quan điểm và cổ xúy cho tinh thần nghệ thuật dân tộc, đồng thời thể hiện rõ sự phê phán quan điểm nghệ thuật tư sản của một số họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ đã gây một tiếng vang lớn.
Giới nghệ thuật, nhất là giới họa sĩ và kiến trúc rất chú ý đến chàng thanh niên trẻ tuổi nhiệt huyết, có chiều sâu, am tường nhiều ngành nghệ thuật. Năm 1942, khi mới 22 tuổi, Ngô Huy Quỳnh và nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Lắm đã đoạt giải nhất (đồng tác giả) Cuộc thi thiết kế “Đài Trận vong chiến sĩ” đặt tại Lạng Sơn do chính quyền Pháp tổ chức. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng, sự ghi nhận về nghề nghiệp đối với Ngô Huy Quỳnh để ông mạnh mẽ bước tiếp, thực hiện những hoài bão ấp ủ của mình.
|
|
Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (1920-2003). Ảnh tư liệu
|
Ngô Huy Quỳnh rất say mê hội họa. Bản thân ông luôn dành thời gian để vẽ tranh.
Cũng trong năm 1942, ông cùng hai người bạn học Khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tổ chức triển lãm tranh và bán tranh tại Hà Nội. Đây cũng là một trong những hoạt động gây tiếng vang của giới trí thức, thanh niên, sinh viên Hà Nội thời điểm đó. Số tiền bán được từ các bức tranh trong triển lãm là hơn 300 đồng tiền Đông Dương (một số tiền khá lớn lúc bấy giờ).
Ngô Huy Quỳnh cùng các bạn dùng một phần hỗ trợ sinh viên nghèo, đồng thời ông thực hiện một hành trình xuyên Việt trên chiếc xe đạp cũ chất đầy giá vẽ, bút, màu, giấy, mực lỉnh kỉnh đạp một mạch từ Hà Nội vào Huế, qua Nha Trang, lên Đà Lạt, tới Sài Gòn rồi sang tận đền Angkor (Campuchia), Vientiane (Lào). Hành trình không kém phần mạo hiểm và rất vất vả nhưng đã mở rộng tầm mắt với chàng thanh niên Ngô Huy Quỳnh, đồng thời cho ông tính độc lập về tư duy và tổ chức cuộc sống.
Năm 1943, Ngô Huy Quỳnh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngành kiến trúc, ông được mời về làm việc tại văn phòng thiết kế của KTS nổi tiếng Võ Đức Diên. Cũng ở đây, Ngô Huy Quỳnh đã tham gia và bắt đầu sự nghiệp hoạt động cách mạng. Năm 1945, trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, ông được cấp trên điều đi thành lập chính quyền cách mạng tại TP Nam Định.
Cách mạng Tháng Tám thành công, biết rõ tài năng và nhiệt huyết của Ngô Huy Quỳnh, cấp trên đã điều động ông về Hà Nội và giao cho thiết kế, chỉ đạo lắp dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Không khí cách mạng sục sôi đã cuốn chàng thanh niên Ngô Huy Quỳnh tham gia và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Chính quyền cách mạng non trẻ sau đó phải đối mặt với sự bội ước của thực dân Pháp. Ngô Huy Quỳnh lập tức tham gia đội quân chiến đấu bảo vệ Thủ đô mùa đông năm 1946 theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau đó ông cùng với gia đình lên chiến khu Việt Bắc thực hiện những công việc của tổ chức phân công.
Ở chiến khu Việt Bắc, Ngô Huy Quỳnh là một trong những KTS tuổi trẻ tài năng và nhiệt huyết tham gia các hoạt động phong trào luôn nhận được sự yêu mến, quý trọng của mọi người. Năm 1951, trước nhu cầu chuẩn bị lực lượng đội ngũ kiến trúc xây dựng đất nước sau này, Ngô Huy Quỳnh được cử sang Liên Xô học tập, nghiên cứu. Ông đã hoàn thành luận án Phó tiến sĩ về nghiên cứu thiết kế quy hoạch đô thị-nông thôn nhưng đang chờ bảo vệ đã lập tức về nước theo yêu cầu của tổ chức và làm việc tại Bộ Kiến trúc.
Năm 1956, chủ trương của cấp trên thành lập Trường Đại học Bách khoa, Ngô Huy Quỳnh là người trực tiếp đề xướng và tham gia giảng dạy lớp sinh viên kiến trúc khóa đầu tiên. Đây là một bước ngoặt, một dấu mốc quan trọng của ngành kiến trúc cách mạng Việt Nam.
Năm 1961, KTS Ngô Huy Quỳnh được cử làm Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam sang giúp Chính phủ Lào thiết kế quy hoạch và chỉ đạo xây dựng thành phố Khang Khay tại căn cứ địa cách mạng Cánh Đồng Chum. Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, năm 1963, KTS Ngô Huy Quỳnh cùng đoàn công tác trở về nước trong sự lưu luyến của Chính phủ và nhân dân Lào. Ngô Huy Quỳnh tiếp tục công tác tại Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Bộ Xây dựng, làm Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc, thành viên Hội đồng Tư vấn Kiến trúc của Thủ tướng Chính phủ và nhiều trọng trách khác trong bộ máy Nhà nước.
Ở lĩnh vực giảng dạy, KTS Ngô Huy Quỳnh đã trực tiếp tham gia dạy tại Trường Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng, góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ KTS tài năng ở Việt Nam. Là người coi trọng công tác thực hành, Ngô Huy Quỳnh đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia thiết kế những công trình tiêu biểu như: Quy hoạch khu trung tâm Hà Nội; trụ sở Nhà Quốc hội với giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ cao. Là người rất coi trọng công tác nghiên cứu lý luận phê bình và lịch sử kiến trúc, KTS Ngô Huy Quỳnh đã viết hàng trăm bài báo, công trình khoa học bàn về tính dân tộc trong kiến trúc và thiết kế đô thị ở từng giai đoạn chuyển đổi xây dựng đất nước.
Là người có nền tảng Tây học và chiều sâu về dân tộc học, nhất là ở mảng kiến trúc, Ngô Huy Quỳnh đã xuất bản nhiều tác phẩm quan trọng đối với ngành kiến trúc Việt Nam như: Thẩm mỹ học kiến trúc; hình thức kiến trúc cổ điển; xây nhà bằng vật liệu tại chỗ ở nông thôn Việt Nam; xây nhà bằng đất; quy hoạch cải tạo xây dựng đô thị... và đặc biệt là cuốn sách "Lịch sử kiến trúc Việt Nam" được giới khoa học xã hội và giới kiến trúc đánh giá rất cao, được đưa vào giảng dạy ở các nhà trường. Tác phẩm này của ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2002. Đây là một ghi nhận xứng đáng đối với KTS Ngô Huy Quỳnh.
KTS Ngô Huy Quỳnh được Nhà nước phong học hàm Giáo sư năm 1984. Năm 2002, ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Nhưng có lẽ đối với ông, cao hơn mọi phần thưởng, mọi tấm huân chương, chính là bản thân ông được làm công dân của một nước độc lập, được làm việc và cống hiến toàn bộ thời gian, trí tuệ và tâm huyết của mình cho ngành kiến trúc.
Người con đất Mỹ Hào-Hưng Yên đã dành toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp chung. Ông mất năm 2003. Năm 2019, một con đường phố mới ở khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội được đặt mang tên Ngô Huy Quỳnh. Điều đó chính là một niềm tự hào lớn của thế hệ trẻ chúng tôi mỗi khi nhắc nhớ về ông- một người con ưu tú đất Hưng Yên.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI