Biết bao người dân Việt Nam yêu nước, biết bao anh Giải phóng quân, cùng các nhà văn, nhà thơ chiến sĩ đã hy sinh để sáng 30-4-1975, Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào dinh Độc Lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc những năm tháng chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt nhưng cũng vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam.
Những năm qua, các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã phân tích nguyên nhân đưa đến thắng lợi này của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tiến trình lịch sử, sự nghiệp dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta là một hệ thống đa giá trị, trong đó giá trị văn hóa quân sự được biểu hiện hết sức phong phú, đa dạng và độc đáo. Tinh thần độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng, chủ động sáng tạo, đại đoàn kết... kết tinh thành giá trị văn hóa quân sự truyền thống, được các thế hệ người dân Việt Nam lưu giữ, trao truyền và phát huy lên tầm cao mới.
Sự nghiệp giải phóng miền Nam được mở đầu từ Phong trào Đồng Khởi (cuối năm 1959, đỉnh cao là năm 1960) đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 là một bước tiến dài, vĩ đại của sự nghiệp cách mạng của dân, do dân, vì dân. Từ nhân dân, ta chủ động mở đầu cuộc đấu tranh chính trị và khởi nghĩa từng bộ phận, đánh vào khâu yếu nhất của địch khi đó là chính quyền cơ sở, tạo thế và lực tại chỗ, đẩy địch vào khủng hoảng triền miên, bị động cả về chính trị, quân sự, ngoại giao ngay từ đầu. Do sức mạnh của nhân dân, cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công để đến thời điểm có thể kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.
Mở đầu và kết thúc chiến tranh bằng các động thái tiến hành chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường, tạo thế, tạo lực và nắm thời cơ cho tổng tiến công “thần tốc, táo bạo, quyết thắng”. Đó là sự kế thừa có chọn lọc kết hợp với sự phát triển của bản lĩnh, trí tuệ và con người Việt Nam. “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” như Nguyễn Trãi khẳng định và “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định luôn là mục đích hoạt động quân sự của dân tộc Việt Nam và giá trị đó tiếp tục được hội tụ, lan tỏa trong Đại thắng mùa xuân 1975. Đó là thắng lợi của chính nghĩa, vì lương tri, vì phẩm giá của con người trên tinh thần “đất nước được độc lập, nhân dân được tự do”. Đó là mục đích cao nhất giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức, bóc lột của giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, phản ánh ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc, quốc gia có chủ quyền với một nền văn hiến lâu đời.
Đại thắng mùa xuân 1975 còn là sự đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng hàng đầu của toàn dân tộc Việt Nam là thống nhất non sông về một mối như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Hơn nữa, chiến thắng ngày 30-4-1975 còn là thắng lợi của nền văn hóa Việt Nam được xây đắp từ tinh hoa văn hóa của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, vươn lên tự khẳng định sức sống trường tồn. Đó là nền văn hóa bắt nguồn từ lòng yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu đất nước, yêu độc lập, tự do, hòa bình; từ lòng nhân ái, trọng chính nghĩa, ghét gian tà, thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; cởi mở tiếp thu những tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới. Đó là cội nguồn sức mạnh vĩ đại của ý chí và trí tuệ Việt Nam, của bản lĩnh, lòng quả cảm và cốt cách Việt Nam, tạo nên sức sống mãnh liệt của nền văn hiến Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà Robert Mc Namara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ được coi là "kiến trúc sư trưởng" cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam đã viết cuốn sách “In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam” (Nhìn lại quá khứ: Bi kịch và những bài học từ Việt Nam), xuất bản năm 1995, thừa nhận 11 sai lầm, trong đó có sai lầm: Cách nhìn nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng ta về lịch sử, văn hóa và chính trị của nhân dân Việt Nam, cũng như về nhân cách và tập quán của các nhà lãnh đạo của họ. Thừa nhận sai lầm của Robert Mc Namara khẳng định cội nguồn thắng lợi của chúng ta là văn hóa.
    |
 |
"Bắc Nam sum họp" - tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh chụp người mẹ hai miền Bắc-Nam gặp nhau tại Bạc Liêu, tháng 10-1975. |
Có thể nói, văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Nam Bộ nói riêng là cội nguồn cho thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam ngày 30-4-1975. Không có dân tộc nào không yêu đất nước của mình, nhưng tinh thần yêu nước của người Việt Nam nói chung, tinh thần yêu nước của người dân Nam Bộ vẫn có những nét riêng có, đó là kiên cường, bất khuất, dũng cảm vô song, không chịu cúi đầu như Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ Nam Bộ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh viết: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”.
Từ cuối thế kỷ 16, lưu dân người Việt vào vùng đất Nam Bộ để kiếm sống, khai khẩn vùng đất Sài Gòn-Nam Bộ hoang vu mà ca dao Nam Bộ thể hiện: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống bưng sợ đỉa lên rừng sợ ma” hay “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Vùng đất Sài Gòn-Nam Bộ đầu thế kỷ 17 được nhà truyền giáo phương Tây Alexandre de Rhodes miêu tả trong sách của ông là “quạnh hiu, hoang mạc”. Trong cuốn “Phủ biên tạp lục”, tác giả Lê Quý Đôn cũng ghi rằng: “Từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại trở lên toàn là rừng rậm hàng nghìn dặm”. Tới lập làng, lập ấp ở vùng đất mà “chim kêu phải sợ, cá vùng phải kinh” nên người Việt Nam trên vùng đất này dần hình thành cho mình một bản lĩnh dám đương đầu với những thử thách và chấp nhận hy sinh vì đại nghĩa.
Câu ca dao của người Nam Bộ thể hiện rõ nét tính cách ấy: “Trời sanh cây cứng lá dai/ Gió lay mặc gió chiều ai không chiều” hay “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. Tính cách hiên ngang, bất khuất, sẵn sàng hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước là hệ giá trị văn hóa của Nam Bộ nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng. Chính vì thế, vai trò của người dân luôn luôn là nguyên nhân đưa đến thắng lợi cho cách mạng.
Các anh hùng tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam hoạt động tình báo trong các cơ quan của chính quyền ngụy (1954-1975) như: Trần Quốc Hương, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo... đều được những người dân bình thường giúp đỡ, bảo vệ, chở che nên thành công trong sự nghiệp tình báo. Với Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975, thực hiện sự lãnh đạo của Thành ủy, toàn thành phố đã nhất tề đứng lên. Nhiều nơi, LLVT và nhân dân địa phương đã chủ động giành chính quyền. Cùng với các mũi tiến công của bộ đội chủ lực, các cuộc tiến công của LLVT và nổi dậy của quần chúng nhân dân đã làm tan rã chính quyền ngụy, xây dựng chính quyền cách mạng. Lực lượng công nhân và các tầng lớp nhân dân đã giữ gìn, bảo vệ các cơ sở sản xuất, không để xảy ra cướp bóc, phá hoại.
Đến sáng 30-4-1975, toàn thành phố Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) đã có 107 điểm nổi dậy. Và đến trưa 30-4-1975, cờ giải phóng tung bay trên khắp phố phường cho tới khi cờ chiến thắng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Cả thành phố rực rỡ cờ hoa chiến thắng, cả thành phố rạng rỡ nụ cười của mọi người dân. Người dân đón chào Quân Giải phóng, thúc giục lính ngụy cởi bỏ quân phục, nộp vũ khí đầu hàng; LLVT chỉ đường cho bộ đội chủ lực, hỗ trợ nhân dân nổi dậy khắp các địa bàn thành phố. Chưa ở đâu có một kỳ tích như ở Việt Nam: Thành phố trung tâm đầu não của chính quyền ngụy được giải phóng nhanh gọn mà vẫn gần như nguyên vẹn. Đó chính là văn hóa của Nam Bộ/TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung giữ vai trò cội nguồn cho thắng lợi của dân tộc Việt Nam, cách đây 50 năm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa là một yếu tố của sức mạnh mềm, có vai trò to lớn trong lịch sử. Hàng nghìn năm qua, văn hóa Việt Nam luôn là sức mạnh đưa dân tộc Việt Nam đến thắng lợi. Với Đại thắng mùa xuân 1975, văn hóa Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng là cội nguồn của thắng lợi vẻ vang, huy hoàng ấy.
GS, TS NGUYỄN CHÍ BỀN