"Lũ chúng tôi/ Bọn người tứ xứ/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ buổi “một hai”/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến"... (Hồng Nguyên). “Gặp nhau hồi chưa biết chữ” là văn hóa theo nghĩa hẹp-trình độ văn hóa. “Lòng vẫn cười vui kháng chiến” là văn hóa theo nghĩa rộng, cũng có thể được gọi là văn hóa “nền” của Quân đội ta.
Chính “nền” văn hóa theo cái nghĩa rộng này (VĂN HÓA viết hoa) làm nên truyền thống-bản sắc-bản lĩnh của bộ đội ta, dù văn hóa theo nghĩa hẹp của họ thấp hay là cao.
Chính “nền” VĂN HÓA viết hoa này làm cho bộ đội ta thành Quân đội nhân dân, nòng cốt của chiến tranh nhân dân bách thắng; làm cho tình quân dân thành tình “cá nước”: “Các anh về mái ấm nhà vui/ Tiếng hát câu cười/ Rộn ràng xóm nhỏ/ Các anh về tưng bừng trước ngõ/ Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau/ Mẹ già bịn rịn áo nâu/ Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về” (Hoàng Trung Thông).
“Nền” VĂN HÓA viết hoa này đánh tan tành câu tục ngữ “Bạc như dân, bất nhân như lính” ở nhiều thời, nhiều nước; bởi vì tục ngữ kia chỉ để lên án những đạo quân vô nhân mà thôi. Quân nhân nghĩa, trong đó có bộ đội ta, khác thế một trời một vực: “Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, “Không lấy cái kim, sợi chỉ của nhân dân”... Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia (năm 1979-1989) từng được nhân dân Campuchia gọi là "Đội quân nhà Phật".
Nhưng “nền” VĂN HÓA viết hoa ấy không phải ngẫu nhiên mà có. Nó được hun đúc từ cả nghìn năm, bắt đầu từ tinh thần độc lập-ái quốc.
Hai Bà Trưng khởi nghĩa để “đòi nợ nước, trả thù chồng”, đánh cho tỏ mặt đàn bà nước Nam. Lý Thường Kiệt đánh Tống vì “Nam quốc sơn hà Nam đế (đồng nghĩa với “dân Nam”) cư”.
Cuối năm 1284 (dưới triều vua Trần Nhân Tông), tướng giặc Thoát Hoan đưa đại binh đánh chiếm Chi Lăng, thống soái Trần Quốc Tuấn phải rút quân về Vạn Kiếp. Nhà vua cho mời ông về Hải Dương, không giấu nỗi âu lo: “Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?”. Trần Quốc Tuấn tâu: “Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!”.
Trở về Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn hiệu triệu quân sĩ, thảo bài hịch “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” thường được gọi là “Hịch tướng sĩ”, nhằm khuyên răn tướng sĩ cùng một lòng với chủ tướng đánh giặc cứu nước. Trong “Hịch tướng sĩ”, có một đoạn như sau: “... Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con vướng bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai...”.
Là tướng sĩ quân đội mọi thời, ai không sa vào những thói tật như Trần Hưng Đạo viết, đó mới là những tướng sĩ có VĂN HÓA. Ngược lại, là phản VĂN HÓA.
Quang Trung bình Thanh: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!” (Đánh cho nó biết, sông núi nước Nam này có chủ!). Bác Hồ thì dạy bộ đội ta: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"; Trung với Đảng, hiếu với dân... Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"...; và lãnh tụ thì: “Rồi Bác đi dém chăn/ Từng người từng người một” (Minh Huệ). Chiến tranh vệ quốc của chúng ta; vì có quân như thế, dân như thế; nên mới thành ra “chiến tranh nhân dân” và Bác Hồ được gọi là “người Cha của các lực lượng vũ trang”; Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới được gọi là “Anh Cả” trong LLVT. Đó là những cái gốc lớn để “nền” VĂN HÓA viết hoa của bộ đội ta vượt ra khỏi khái niệm văn hóa theo nghĩa hẹp và ngày càng sum suê.
Nhưng để giữ gìn và củng cố “nền” VĂN HÓA viết hoa ấy, Bác Hồ cũng rất chú trọng tới văn hóa theo nghĩa hẹp của bộ đội ta để dần đưa Quân đội ta từ một đạo quân nông dân có thể trở thành một đạo quân hiện đại.
|
|
Bộ đội Lữ đoàn 962, Quân khu 9 trong giờ đọc báo. Ảnh: NSNA Hà Quốc Thái |
Lập nước với một dân tộc có hơn 90% dân số mù chữ, “giặc dốt” vừa là nguy cơ trước mắt, vừa là nguy cơ lâu dài. Vì thế, ngay sau khi độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố, lấy chữ Quốc ngữ làm chữ viết chính thức của chế độ, phát động phong trào xóa nạn mù chữ và lập Nha Bình dân học vụ, lo việc dạy học để toàn dân diệt “giặc dốt”, tính kế lâu dài cho nước mạnh, dân giàu.
Xây dựng LLVT với đội quân nông dân, sinh ra từ một dân tộc bị thực dân, phong kiến bỏ cho thất học như vậy, ngày 18-5-1955, tức là sau một năm “Giải phóng Điện Biên”, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trường Văn hóa Quân đội để toàn quân diệt “giặc dốt”, tính kế lâu dài cho “binh cường”.
Những học viên đầu tiên về trường là những cán bộ Quân đội sơ cấp và chiến sĩ ưu tú đã tốt nghiệp tiểu học trở lên; những cán bộ trung, cao cấp thì có thể đang học dở tiểu học cũng được nhập học. Trong đợt đầu ấy, có những học viên sau này rất thành đạt, từng giữ các trọng trách của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Đó là Đại tướng Lê Đức Anh; các vị tướng: Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung, Bằng Giang, Bùi Phùng, Phùng Thế Tài, Đào Đình Luyện, Trần Hanh...
Từ năm 1960, nhà trường tổ chức thêm Hệ Thiếu sinh quân và Hệ Ngoại ngữ; từ năm 1970, được tổ chức lại, với 2 khối là Khối Bổ túc văn hóa và Khối Ngoại ngữ; đồng thời có thêm Khối Luyện thi đại học. Hàng trăm học viên Khối Bổ túc văn hóa đã trở thành những người lãnh đạo-chỉ huy chủ chốt của Quân đội ta...
Khối Ngoại ngữ dạy tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Hungary. Rất nhiều cán bộ chỉ huy cao cấp và nhiều Anh hùng LLVT nhân dân như: Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Văn Cốc, Phạm Tuân, Nguyễn Văn Lanh, Nguyễn Đức Soát, Phạm Trương Uy... đều đã qua chương trình học ngoại ngữ ở đây. Sau này, Quân đội ta lại thành lập thêm các trường văn hóa quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng để nâng cao trình độ văn hóa cho bộ đội ta, giúp họ đủ điều kiện theo học các trường sĩ quan, các học viện quân sự trong và ngoài nước.
Từ năm 1990, khi trình độ văn hóa của toàn quân đã được nâng cao, các học viện và các trường sĩ quan đều tổ chức thi tuyển theo tiêu chuẩn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng (và các trường văn hóa quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng) mới giải thể và Hệ Ngoại ngữ của Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng tách ra để lớn lên thành Học viện Khoa học Quân sự như ngày nay. Rất nhiều tướng lĩnh và sĩ quan đã được học tập ngoại ngữ ở nơi đây, từ đó họ phát triển, trưởng thành, vận hành tốt các loại vũ khí, trang bị hiện đại của Quân đội. Những nhà khoa học lớp đầu của các học viện, nhà trường... chắc vẫn còn nhớ Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng-nơi "xuất phát" của họ.
Giống như mọi lĩnh vực được sinh ra từ nghèo nàn và lạc hậu, nội hàm văn hóa của Quân đội ta cũng từng bước lớn lên để ngang tầm nhiệm vụ. Văn hóa theo nghĩa hẹp càng cao thì VĂN HÓA viết hoa càng được củng cố và phát triển. Hơn ai hết, Bác Hồ biết rằng, càng có tri thức thì càng dễ tiếp cận chân lý và làm chủ khoa học, và Người đã cho đào tạo, củng cố nội hàm văn hóa Quân đội ta như vậy-công phu nhất trong các thời đại ở Việt Nam. Chính từ đó mà Quân đội ta mới phát triển và có đầy đủ hải-lục-không quân-tác chiến điện tử... như bây giờ.
Đại tá, nhà thơ ĐỖ TRUNG LAI