Các nhà cách mạng tiền bối của Đảng ta luôn coi trọng văn hóa. Năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo Đề cương văn hóa để chỉ đạo xây dựng nền văn hóa mới, khẳng định vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng nói chung. Đề cương viết: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24-11-1946, Bác Hồ có bài phát biểu quan trọng, chỉ rõ: “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở”.

Kể từ đó, đường lối văn hóa-văn nghệ của Đảng qua mỗi thời kỳ đều có bước phát triển. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vào tháng 11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”.  

Quan điểm, đường lối ấy là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng tinh thần ấy chưa được thể hiện đúng mức trong thực tiễn. Trong bộ máy, trong đầu tư..., cán bộ văn hóa, hoạt động văn hóa thường đứng sau các lĩnh vực khác. Thậm chí có lúc, có nơi, coi văn hóa là cờ đèn kèn trống, có cũng được, không cũng được. Trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, cán bộ văn hóa cũng không được chú trọng. Vì vậy, những nhà văn hóa lớn thường rất khó có cơ hội để trở thành nhà lãnh đạo. Hệ quả là, hoạt động điều hành, bước đi cách mạng “theo quy luật của cái đẹp” như Mác nói, rất khó khăn và nhiều khi chệch hướng.

Sau chiến thắng quân Minh, Nguyễn Trãi đã viết nên thiên "Bình Ngô đại cáo" bất hủ, nhắc nhở con dân Đại Việt và các thế lực ngoại xâm ghi nhớ muôn đời đừng quên rằng: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc-Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương...

Văn là vẻ đẹp, sách vở (văn hóa); hiến là người hiền tài.

Khẳng định ấy cho ta biết: Việt Nam có một nền văn hóa phát triển rực rỡ, ở đỉnh cao và ở đất nước này, lúc nào cũng có những hiền tài mang tầm vóc thế giới. Chính ở tầm cao văn hóa ấy mà chúng ta đã giành chiến thắng bằng cách đánh vào lòng người (mưu phạt tâm công); thắng rồi tha bổng hàng binh, cấp thuyền lương cho về nước. Ấy là ứng xử văn hóa, là truyền thống, đạo lý Việt Nam; là cách để giữ non sông muôn thuở vững âu vàng...

Giữa những ngày bom B-52 ngập trời Hà Nội, tôi đã nghe nghệ sĩ Mỹ Jane Fonda nói: “Các bạn Việt Nam đã chiến thắng vì các bạn đã đặt con người ở trung tâm của sự phát triển đất nước”. Chỉ sau năm 1975, McNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mới nhận ra: Chúng tôi (Mỹ) đã thua, đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp vì không hiểu con người và văn hóa Việt Nam!

Tại Đại hội IV của Đảng, trong Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày, có đoạn rất hào sảng: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, nguyên nhân ấy chính là văn hóa.

leftcenterrightdel

Phố Hoàng Diệu (TP Hà Nội) trước ngày lễ Quốc khánh 2-9-2024. Ảnh: THANH MINH

 

Năm 1945 với sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Sau đó là Chiến thắng Điện Biên Phủ, những tên gọi: Việt Nam-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp vang lên trên khắp thế giới như một biểu tượng của sự giải phóng, của văn hóa.

Chính nhờ lòng yêu nước, nhờ tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", nhờ vào những hiền tài mà thế giới khâm phục, ngưỡng mộ Việt Nam, nhìn thấy ở đó một dân tộc bất khuất, một nền văn hóa của tương lai mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh, là biểu tượng.

Năm 1965, Đại thi hào Nguyễn Du đã được Hội đồng Hòa bình thế giới tôn vinh nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Đại thi hào. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có 7 danh nhân được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Và con số đó chắc chắn chưa dừng lại. Hàng chục di sản vật thể và phi vật thể của Việt Nam được công nhận di sản của thế giới.

Nền văn minh văn hóa Việt Nam được biết muộn vì bị đô hộ, bị cấm vận. Nhưng chỉ trong mấy chục năm hội nhập, con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước; cảnh quan tươi đẹp; ẩm thực độc đáo... đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, một vùng đất đáng sống.

Ông Saleem Hammad, người Palestine chọn Việt Nam làm nơi định cư lâu dài vì cảm nhận: “Bạn có biết vì sao tôi yêu Hà Nội không? Vì người Hà Nội rất tử tế và thân thiện. Người ta luôn chào đón bạn bằng một trái tim nồng ấm và nụ cười dễ thương. Và điều mà tôi thích nhất ở Hà Nội là không khí yên bình mà bạn có thể cảm nhận được ở bất cứ ngõ ngách nào”.

Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà các thế hệ không tiếc máu xương để theo đuổi, chỉ đơn giản có hai mục đích: Độc lập và hạnh phúc. Độc lập, tự do là điều kiện đầu tiên để có hạnh phúc. Như Bác Hồ từng nói: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”. Người lại nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Hạnh phúc là gì?

Biết bao triết nhân và thi nhân đã lúng túng khi tìm câu trả lời.

Tất nhiên, hạnh phúc không phải là một khái niệm bất biến.

Nếu quan niệm hạnh phúc là vật chất đủ đầy, tiện nghi hiện đại thì hẳn thời chống Mỹ, thời phong kiến, nước ta không ai có hạnh phúc cả. Nhưng thực tế người ta vẫn cảm thấy hạnh phúc:

          Giữa bom gào đạn réo

          Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo

          Những con người như ánh sáng lung linh

          Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình

          Để làm nên buổi mai đầy nắng

          Em bối rối, em sững sờ đứng lặng

          Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên

          Thức dậy bao điều mới mẻ trong em

          Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc.

          Và em gọi đó là hạnh phúc...

          (Dương Hương Ly - "Bài thơ về hạnh phúc")

Từ Đại hội III đến Đại hội IV, Đảng ta đều đặt ra nhiệm vụ tiến hành 3 cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa. Ngày nay, dù có cách gọi khác thì vẫn là 3 cuộc cách mạng đó.

Dù xác định vai trò của từng cuộc cách mạng như thế nào, thì ai cũng thấy cách mạng tư tưởng văn hóa-cuộc cách mạng tạo ra sản phẩm con người, ra tính nhân văn của xã hội vẫn là căn bản nhất.

Phải chăng, vì cuộc cách mạng này đôi khi bị xem nhẹ mà để sinh ra “những con sâu”, sinh ra sự suy thoái trong hàng ngũ cán bộ cách mạng, ngay cả những cán bộ cao cấp.

Chúng ta cần nhiều của cải, cần nhiều công nghệ tiên tiến, cần nhiều tiện nghi hiện đại nhưng cần nhất, luôn luôn cần là ứng xử văn hóa giữa con người với con người, cá nhân với Tổ quốc một cách cao cả, theo quy luật của cái đẹp.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính ngày 15-9-2021: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất"!

Cách mạng văn hóa không phải từ bên ngoài mà cả từ bên trong mỗi người.

Nhà thơ NGUYỄN SĨ ĐẠI