Làm sâu sắc thêm danh xưng-danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ

Trong dòng chảy lịch sử 80 năm qua (1944-2024), cùng với sự ra đời, phát triển, lớn mạnh, trưởng thành của QĐND Việt Nam, phẩm chất và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ liên tục được bổ sung, phát triển và tỏa sáng trên mọi phương diện, từ văn chương, thơ ca, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, múa, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh đến các loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, báo chí đa phương tiện).

Suốt mấy chục năm qua, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ vừa là đề tài cho văn học, nghệ thuật khám phá những vẻ đẹp về tư tưởng, tính cách, tâm hồn, tình cảm với các chiều cạnh đa dạng, sâu sắc, mang lại những rung cảm thẩm mỹ tích cực, làm phong phú, sâu sắc đời sống tinh thần cho công chúng và bộ đội; vừa là đối tượng để báo chí khai thác, phân tích, lý giải, phản ánh và tìm ra những giá trị văn hóa nhân văn đặc sắc, độc đáo của danh xưng-danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

leftcenterrightdel
Nhà báo Nguyễn Văn Hải nhận giải C Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII-năm 2022. 
leftcenterrightdel

Bìa cuốn sách tỏa ngát danh thơm "Bộ đội Cụ Hồ". 

Với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền và phổ biến những giá trị văn hóa đã làm nên phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ-một tài sản vô giá, xây đắp nên tầm vóc, giá trị, uy tín, vị thế và những chiến công hiển hách của Quân đội ta, Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng biên tập Văn hóa-Thể thao, Báo QĐND đã tập hợp 30 tác phẩm báo chí chọn lọc về đề tài Bộ đội Cụ Hồ được công bố trong khoảng 10 năm gần đây thành cuốn sách có tựa đề “Tỏa ngát danh thơm “Bộ đội Cụ Hồ”. Cuốn sách gồm hai phần: Phần I: “Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” (15 tác phẩm); phần II: “Dấu chân người lính trên mọi miền Tổ quốc” (15 tác phẩm). Cuốn sách thể hiện vinh dự, tự hào, trách nhiệm của tác giả cũng như cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân trong việc giữ gìn, bồi đắp, lan tỏa danh xưng-danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ.

Với phông kiến thức cơ bản về chính trị, quân sự, văn hóa, lại được soi chiếu dưới góc nhìn văn hóa và báo chí-truyền thông, cuốn sách thể hiện chân dung một nhà báo chiến sĩ có 32 năm công tác trong Quân đội, vừa cầm súng, vừa cầm bút, tắm mình trong thực tiễn quân sự, công tác và sáng tạo; từ một chiến sĩ, binh nhì, trải qua cương vị chỉ huy, quản lý ở đơn vị cơ sở rồi trở thành sĩ quan cao cấp, công tác ở Báo QĐND. Tác giả có cái nhìn sâu sắc, toàn diện và biện chứng về cuộc đời quân ngũ, sứ mệnh người lính trong chiến tranh và trong hòa bình, bổn phận, trách nhiệm của người quân nhân khi có được niềm vinh dự mang trên mình bộ quân phục màu xanh, đầu đội mũ có ngôi sao vàng dẫn lối, được vinh danh là Bộ đội Cụ Hồ. Đó là vốn liếng, tài sản-một kho báu rất đáng trân trọng để tác giả chiêm nghiệm, đúc kết, khái quát và khẳng định các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam và phẩm chất đặc sắc, cao quý của Bộ đội Cụ Hồ.

Với kinh nghiệm và sự từng trải trong nghề báo chuyên nghiệp, 23 năm là phóng viên-biên tập viên, nhà báo Nguyễn Văn Hải có điều kiện tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội, đi công tác ở nhiều nơi, đến nhiều vùng đất mới, từ Bắc vào Nam, từ biên giới heo hút đến hải đảo xa xôi, gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ ở mọi miền đất nước... Vì lẽ đó, các tác phẩm trong cuốn sách được thể hiện bằng bút pháp nhẹ nhàng, gần gũi, cuốn hút bạn đọc nhờ cách lý giải tinh tế, thuyết phục về giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ.

Khắc họa, tô thắm chân dung Bộ đội Cụ Hồ thời nay

Tuy cách tiếp cận khác nhau, song cách thể hiện về hình tượng, hình ảnh, danh hiệu, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ của tác giả là nhất quán. Tác giả vừa khéo léo tiếp thu, kế thừa, chung đúc, kết tinh các giá trị về Bộ đội Cụ Hồ mà các nhà văn, nhà báo, nhà khoa học đã đề cập, lý giải trên nhiều phương diện khác nhau; vừa chọn cách lối đi riêng nhờ việc khai thác tối đa vốn từ vựng và ngôn ngữ báo chí sinh động nên khi viết về Bộ đội Cụ Hồ, các nội dung không bị nhòa, bị lẫn vào các tác phẩm, công trình đã xuất bản. Đây là thành công đáng ghi nhận của tác giả do cách tiếp cận mới mẻ, đem lại suy nghĩ mới, tạo được dấn ấn và phong cách riêng.

Có thể tìm thấy nhiều câu từ, đoạn văn thể hiện bút pháp lấp lánh của tác giả trong cuốn sách. “Như dòng sông mỗi ngày bồi đắp phù sa cho cây trồng thêm tốt tươi, Bộ đội Cụ Hồ theo thời gian ngày càng vững vàng về bản lĩnh, ý chí chiến đấu, trong sáng về đạo đức, tâm hồn, phát triển về trí tuệ, văn hóa và tỏ rõ là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước” (Rạng rỡ danh xưng-danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ). “Sinh ra trong khói lửa chiến tranh, lớn lên và trưởng thành trong phong trào bão táp của cách mạng, những người lính Cụ Hồ đã “tạc” vào lịch sử dân tộc Việt Nam một tượng đài tuyệt đẹp về đức hy sinh. Để rồi, khi ra khỏi cuộc chiến, bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người lính thời nay vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi khi quê hương, đồng bào vẫn còn bao gian khó” (Tạc vào lòng dân “tượng đài” về đức hy sinh cao cả).

Trong cuốn sách, bên cạnh những tác phẩm chuyên luận về giáo dục lịch sử, truyền thống của Quân đội với sự đúc kết bổ ích, thú vị, có giá trị lý luận và thực tiễn (phần I), là những tác phẩm phóng sự, ký sự khắc họa vẻ đẹp về chân dung Bộ đội Cụ Hồ “sống và chiến đấu trong thời bình” với nhiều khía cạnh, chiều kích đa dạng, phong phú (phần II). Bằng thể loại phóng sự, ký sự, tác giả đã dày công khám phá, phác thảo diện mạo, tính cách, tư chất, ý chí, nghị lực và những cử chỉ, hành động của người lính dù ở đâu, làm gì, trên cương vị nào nhưng đều tự nguyện một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Với việc khắc họa chân dung người lính bằng cái nhìn đặc tả, lời lẽ nhuần nhị, hình ảnh những người lính canh trời, canh biển, canh biên cương... được tác giả “tạc ghi” bằng những đường nét sinh động, khoáng đạt trong các tác phẩm: “Mặn mòi sương nắng Ba Vì”, “Biển xanh ôm trọn tuổi xanh”, “Dĩnh “thép”, “Kiên cường trên trận tuyến đẩy lùi cái ác”...; hay những người lính làm nhiệm vụ nghi lễ, tăng gia sản xuất, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, làm đẹp cảnh quan đơn vị... được tác giả đã “vẽ” nên những khuôn hình tươi tắn trong các tác phẩm: “Khúc quân hành danh dự”, “Dược “thần”, “Những người “bán nắng, buôn sương”, “Những con đường, hàng cây bất tử”...

Có thể nói rằng, nếu các tác phẩm chuyên luận trong phần I “Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” tập trung lột tả diện mạo, thần thái, cốt cách cao quý của Bộ đội Cụ Hồ và những giá trị đặc biệt vốn chỉ có ở quân nhân trong môi trường Quân đội; thì phần II “Dấu chân người lính trên mọi miền Tổ quốc” là những lát cắt “biết nói” về ý chí khắc phục khó khăn, tinh thần lao động, công tác, chiến đấu bền bỉ, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ thời nay.

Với tình cảm tâm huyết và trách nhiệm chính trị của một nhà báo-chiến sĩ, thông qua cuốn sách, tác giả không chỉ gửi đến bạn đọc thông điệp về tầm vóc, giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ mà còn góp phần bổ sung một góc nhìn mới, một tiếng nói tri ân, làm nổi bật danh xưng-danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, làm cho giá trị văn hóa cao quý này ngày càng thấm sâu vào con tim, khối óc cán bộ, chiến sĩ Quân đội cũng như các hoạt động quân sự, qua đó góp phần làm cho danh thơm tiếng tốt Bộ đội Cụ Hồ lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống chính trị-xã hội và đời sống quân ngũ; đồng thời khẳng định vị thế, sứ mệnh cao cả của Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cuốn sách không chỉ góp phần tuyên truyền, giáo dục phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích, giúp cán bộ, chiến sĩ có thêm niềm tin vững vàng trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng trong Quân đội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và âm mưu phủ nhận “thần tượng Hồ Chí Minh”, xuyên tạc phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới.

 Tác giả Nguyễn Văn Hải đã đoạt 22 giải chính thức giải báo chí cấp quốc gia, toàn quốc, toàn quân, gồm: 5 giải A (nhất), 10 giải B (nhì), 7 giải C (ba). Trong đó có 5 giải (2A, 1B, 2C) Giải Báo chí Quốc gia; 3 giải (2A, 1B) Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); Giải nhất Cuộc thi viết “Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh” năm 2019; 2 giải nhì cuộc thi viết phóng sự về đề tài xây dựng LLVT và quốc phòng toàn dân (2002, 2004)...

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG