Những điều cần ấy đã được các tác giả là những nhà nghiên cứu, phê bình, nhà quản lý, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ uy tín thể hiện bằng sự tâm huyết và chín chắn trong từng bài viết, từng câu chữ.

Cùng độ lùi nhất định của thời gian, sự từng trải của các tác giả đã giúp họ có cái nhìn sâu sắc về đất nước, con người và vai trò của văn học nghệ thuật. Trong các bài viết của Giáo sư (GS), Tiến sĩ (TS) Đinh Xuân Dũng; GS Phong Lê; nhà văn Ngô Thảo; PGS, TS Phạm Quang Long... Quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phân tích, khẳng định ý nghĩa nền tảng xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời gian cũng bồi đắp những thông tin và cách nhìn về trạng thái tinh thần của người dân, người lính Cụ Hồ trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Không ngạc nhiên nhưng thật tự hào sau khi được đọc câu chuyện của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, kể về các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu người dân và người lính Việt Nam trong chiến tranh qua bài viết “Văn học nghệ thuật và việc tạo dựng hồ sơ tâm hồn người lính”. Đó là sự kiện ra mắt tập thơ “Những bài thơ trong tài liệu bị bắt giữ”, tác giả là những người lính Việt Nam viết trên sổ tay hay các giấy tờ mà quân đội Mỹ thu được tại chiến trường. Giữa bom đạn và cái chết cận kề, không có nỗi hoảng sợ, không có sự tuyệt vọng nào mà các bài thơ chỉ ngập tràn tình yêu thương, khát vọng hòa bình, trở về với gia đình, quê hương. Trạng thái tinh thần ấy của Bộ đội Cụ Hồ càng được hiện ra phong phú và sâu sắc trong hàng loạt tác phẩm văn, thơ Việt Nam được xuất bản tại Mỹ sau chiến tranh. Với các nhà nghiên cứu Mỹ, văn học đã viết ra dưới bất kỳ hình thức nào cũng là hồ sơ chính xác nhất về con người. Hiểu biết về tâm hồn người lính Việt Nam giúp họ giải tỏa nỗi dằn vặt, phiền muộn về thất bại trong cuộc chiến tranh và nhận ra thất bại trước những người lính ấy là điều đương nhiên. Cũng qua các tác phẩm văn học, họ đã phát hiện ra một nền văn hóa và hiểu sâu sắc hơn về nền văn hóa đó.

leftcenterrightdel

Cuốn sách “Văn học nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ”. Ảnh: HOÀNG VIỆT 

Thông tin từ phía bên kia là thế, còn trong tự thân nền văn học nghệ thuật nước nhà là cả một khối lượng lớn những tác phẩm mới là tiểu thuyết, trường ca, hồi ký, hồi ức do chính những người lính trận viết ra sau chiến tranh. Những lát cắt chiến trận hay hậu phương, những thân phận, cuộc đời... đã vun đắp thêm vô vàn sắc thái của sức sống con người Việt Nam trong tàn khốc chiến tranh.

Cùng với việc khẳng định những thành tựu văn học nghệ thuật trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, các tác giả cũng phân tích đậm thêm về mục đích, động lực và đặc trưng lao động sáng tạo của những người “vừa cầm súng, vừa cầm bút” trong hoàn cảnh sinh tử của dân tộc. Những phân tích này thêm một lần nữa bác bỏ những ý kiến đánh giá về tính chất minh họa, một chiều của các tác phẩm trong thời chiến. Mặt khác, các bài viết cũng làm rõ giá trị nền móng đó đối với việc kế thừa, phát triển văn học nghệ thuật trong hiện tại và tương lai; cùng với đó là sự gửi gắm và hy vọng vào thế hệ hôm nay sẽ có những khám phá, sáng tạo cho ra đời những tác phẩm mới làm sáng hơn nữa phẩm chất con người Việt Nam và tỏa sáng hình tượng cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp cách mạng kháng chiến đau thương cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Trong thời chiến hay thời bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Cụ Hồ luôn đứng ở tuyến đầu vì nước, vì dân. Thực tế của các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, chống các thế lực thù địch, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, xây dựng xã hội văn minh, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng và các căn bệnh xã hội cũ, mới... đã được các tác giả phân tích cặn kẽ, đi đến việc xác định sự cần thiết để hướng sự sáng tạo văn học nghệ thuật vào xây dựng hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống hôm nay. Như trong bài viết “Văn chương nói được điều sâu thẳm của cõi người”, Đại tá, nhà thơ Trần Anh Thái khẳng định: “Hoạt động của Quân đội là hoạt động vì nhân dân, vì hạnh phúc con người. Bởi vậy, nó trùng khớp với bản chất của văn học nghệ thuật: Đó là sự trùng khớp về khát vọng bình yên, hạnh phúc, đó cũng là vẻ đẹp của một xã hội tiến bộ ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, ngày càng chân hơn, thiện hơn, mỹ hơn”. Vốn có đời sống nội tâm phong phú, nhạy cảm, các nhà thơ, nhà văn và các nhà nghiên cứu, phê bình đều có sự cảm nhận sâu sắc về những đổi thay, biến động xã hội đã và đang tác động đến tâm lý, tinh thần người lính.

Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi ngóc ngách của cuộc sống con người. Trong bối cảnh này, đặc tính vì lợi nhuận của kinh tế thị trường vừa thúc đẩy tiến bộ xã hội vừa là ngòi nổ dẫn đến suy thoái, phân hóa giàu nghèo, xung đột và khủng hoảng. Chính điều này sẽ tạo ra sự đối lập với bản chất văn học nghệ thuật, đối lập cả với bản chất Bộ đội Cụ Hồ là cống hiến vô tư, trong sáng. Sự đối lập này chính là thách thức mà Bộ đội Cụ Hồ hiện nay phải đối mặt và sứ mệnh soi đường của văn học nghệ thuật, là khám phá những tầng sâu tinh thần góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách của Bộ đội Cụ Hồ thế hệ mới.

Trên hành trình mới mẻ này, các tác giả cũng đã xác định rõ những thách thức mới với chính văn học nghệ thuật. Đó là những đổi thay, biến động trong văn hóa cảm thụ cái đẹp của các đối tượng xã hội khi công nghệ ngày càng phát triển, tạo nên sự lấn lướt của văn hóa nghe-nhìn với văn hóa đọc, sự đan xen, xóa nhòa ranh giới giữa thật và ảo. Đó là nhu cầu giải trí, thưởng thức của những người lính có nhiều phần không dễ nắm bắt. Và nữa là đặc tính vụ lợi, thực dụng của thị trường tác động, chi phối văn hóa, là chuyện cơm áo không chỉ là chuyện muôn thuở “không đùa với khách thơ” mà còn bị lợi dụng làm sai lệch định hướng sáng tạo...

Hiển nhiên một dân tộc luôn biết hướng tới những giá trị tinh thần cao đẹp tất sẽ sản sinh ra những văn nghệ sĩ-những kỹ sư tâm hồn góp phần đắc lực tạo nên những giá trị ấy.

Gửi trọn niềm tin vào điều này, nội dung cuốn sách đã gợi mở những giải pháp để xây dựng, phát triển đội ngũ tác giả mới. Có hiểu sâu sắc về Bộ đội Cụ Hồ mới có thể sáng tác được về họ, vậy nên tác giả phải sống, gắn bó “ba cùng” với bộ đội. Việc phát hiện, bồi dưỡng tác giả tiềm năng trong quân ngũ hay các lĩnh vực khác cần được thực hiện liên tục, bài bản. Cách tổ chức thực tế và hữu hiệu trong và ngay sau chiến tranh đó hoàn toàn có thể phát huy trong tình hình, điều kiện hiện nay.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách này, chúng tôi tin rằng rất nhiều suy ngẫm sâu xa cùng nỗi lo toan, trăn trở và hy vọng của các tác giả rất cần được cùng chia sẻ. Chúng ta cũng tin rằng cuốn sách sẽ thực sự có ích đối với các nhà quản lý văn hóa-văn nghệ, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, với các văn nghệ sĩ và bạn đọc rộng rãi.

Đại tá NGUYỄN MẠNH HÙNG

* Lời giới thiệu cuốn sách “Văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ”, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ (Chủ biên), NXB Quân đội nhân dân, 2024.