Bài học đầu tiên của mỗi thanh niên khi vào quân ngũ không chỉ là xưng hô, chào hỏi, động tác nghiêm, nghỉ được quy định trong Điều lệnh đội ngũ mà còn là bài học về mối quan hệ quân dân máu thịt. Bài học ấy không chỉ được thể hiện qua lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân... Ngoài lợi ích của nhân dân, Quân đội ta không có lợi ích nào khác”(*) mà còn được thể hiện rõ qua lời hành khúc hùng tráng dễ nhớ, dễ thuộc “Vì nhân dân quên mình”, được Doãn Quang Khải, một Tiểu đội trưởng, học viên Trường Lục quân Việt Nam (Trường Sĩ quan Lục quân 1 ngày nay) sáng tác năm 1951: "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình. Đoàn Vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra được dân mến, được dân tin muôn phần".

Ngay từ khi ra đời ngày 22-12-1944, Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã nêu cao lời thề với 3 điều nên: Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân và 3 điều răn: Không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân.

leftcenterrightdel

Bộ đội Cụ Hồ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: TRUNG CHIẾN 

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Hà Giang giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: TRUNG CHIẾN
leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Hà Giang giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: TRUNG CHIẾN

Thực tế chứng minh, 80 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã luôn thực hiện tốt "3 điều nên" và "3 điều răn". Vì thế, trong mọi thời kỳ cách mạng và mọi giai đoạn lịch sử, kể cả lúc gian khổ, hy sinh và khó khăn nhất, Quân đội luôn được nhân dân che chở, đùm bọc và thương yêu. Câu nói "quân với dân như cá với nước" chính là hình ảnh khái quát từ mối quan hệ gắn bó máu thịt ấy. Dựa vào sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, Quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Nhà thơ Tố Hữu từng sáng tác thi phẩm “Bầm ơi” ca ngợi quê hương, đất nước, tình cảm của nhân dân với bộ đội và tình cảm của bộ đội với nhân dân với những lời thiết tha, thể hiện rõ bản chất, tình quân dân máu thịt qua nỗi nhớ của anh Vệ quốc quân với người mẹ ở quê và được nhà thơ khái quát thành “người mẹ đất nước”: "Con ra tiền tuyến xa xôi/ Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền/ Nhớ thương con, bầm yên tâm nhé/ Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân/ ... Nhớ con, bầm nhé đừng buồn/ Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm...".

Thời bình, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị Quân đội luôn có ý thức làm tròn chức năng đội quân công tác mà mục tiêu cao nhất là tuyên truyền, giúp đỡ nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua nhiều việc làm ý nghĩa thiết thực, như: Giúp dân xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới... Đặc biệt, Quân đội luôn đi đầu trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường và tìm kiếm CHCN. Theo số liệu của Cục CHCN (Bộ Tổng Tham mưu), từ năm 2004 đến hết năm 2023, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tham gia ứng phó khắc phục hậu quả hơn 300 cơn bão và áp thấp nhiệt đới cùng hơn 63.000 sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Đã điều động hơn 4 triệu lượt người và hơn 170.000 lượt phương tiện, cứu được 73.865 người và hơn 6.000 phương tiện, trong đó Quân đội tham gia chiếm 83%, đã cứu được 56.788 người và gần 5.000 phương tiện.

Quân đội thể hiện tinh thần phòng, chống thiên tai, bão lũ, tìm kiếm CHCN bằng hành động chiến lược, như Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 689-NQ/QUTW ngày 10-10-2014 về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, CHCN đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; xây dựng Đề án an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045...

Ở cơ sở, các cơ quan, đơn vị Quân đội luôn chủ động quán triệt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; sử dụng lực lượng tại chỗ; huy động phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để cùng chính quyền các địa phương và nhân dân ứng phó thảm họa, thiên tai, dịch bệnh cho dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ vùng nào. Phương châm ấy được thể hiện trong các kế hoạch công tác giống như kế hoạch tác chiến đã được chuẩn bị từ trước và được luyện tập thường xuyên, đồng thời có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Nhờ có tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng và tích cực nên hậu quả, thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra đối với nhân dân giảm đáng kể. Ví như những ngày đầu tháng 6-2024, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa to, nước thượng nguồn đổ về khiến nhiều địa phương bị ngập úng, sạt lở đất, giao thông ách tắc... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Trước tình hình nguy cấp ấy, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, LLVT tỉnh Hà Giang và Quân khu 2 đã huy động lực lượng, phương tiện tổ chức sơ tán người, tài sản và giúp nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Gần dân, trọng dân, học dân, giúp dân, vì nhân dân phục vụ là lẽ sống cao đẹp nhất của Bộ đội Cụ Hồ.

Đại tá, TS PHẠM DUY VỤ

(*) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.334