Sứ giả của hòa bình

Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục GGHB Việt Nam vừa được cấp trên điều động, bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng Ban Phụ nữ Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Công việc mới khá bận rộn với rất nhiều điều cần làm quen, học hỏi, chị nói đó là một vinh dự nhưng cũng là thử thách lớn với mình. Nhưng, cuộc đời chị vốn đã quen với các thử thách...

Người phụ nữ nhanh nhẹn, sắc sảo, thông minh với ánh mắt cương nghị, tràn đầy xúc cảm khi “rút ruột” kể với chúng tôi về hai lần tham gia nhiệm vụ GGHB của Liên hợp quốc (LHQ) tại Nam Sudan.

- Cơ duyên nào đưa chị đến với công việc đặc biệt này?

- Đó là một sự tình cờ nhưng cũng là cái "duyên trời định" vậy!

Chị trải lòng: Năm 2014, đang công tác tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, được biết thông tin lần đầu tiên Việt Nam cử hai nam sĩ quan tham gia lực lượng GGHB của LHQ qua truyền hình, một ước mơ cháy bỏng được công tác trong lực lượng dần hình thành nơi chị.

Từ đó, chị âm thầm chuẩn bị hành trang cho mình, dù không biết có được tuyển chọn hay không. Sau giờ làm việc, chị tranh thủ đến các trung tâm tiếng Anh để học thêm. Tối về, khi các con nhỏ đã chìm vào giấc ngủ, chị lại ngồi vào bàn làm việc. Có hôm thức đến 2-3 giờ sáng vừa học thêm ngoại ngữ vừa tìm hiểu kiến thức về GGHB, những kiến thức hoàn toàn mới với chị. Bền bỉ trau dồi ngoại ngữ cùng những kỹ năng, kiến thức chuyên môn, cuối năm 2017, khi Bộ Quốc phòng có chủ trương cử nữ sĩ quan tham gia lực lượng GGHB của LHQ, chị Hằng Nga đã đăng ký và được lựa chọn đến Nam Sudan.

leftcenterrightdel

  Chị Đỗ Thị Hằng Nga bên các thiếu nhi Nam Sudan. Ảnh do nhân vật cung cấp

Thời điểm chị nhận nhiệm vụ, chưa có nữ quân nhân nào từng tham gia sứ mệnh GGHB bên ngoài lãnh thổ đất nước. Chị cũng biết mình chuẩn bị đến thực hiện nhiệm vụ ở đất nước đang xảy ra nội chiến, cách xa Tổ quốc hàng nghìn cây số và có thể phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Được sự ủng hộ của hai bên gia đình, chị càng quyết tâm với con đường mình đã lựa chọn.

Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga chia sẻ: “Tôi nghĩ, là một quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam thì luôn sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì. Sau này tôi thấy, mình đã lựa chọn hoàn toàn đúng. Nhờ công việc, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, tôi có cơ hội được thấy nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ và mong muốn đóng góp nhiều giá trị tích cực hơn cho cuộc sống". 

Tình yêu ấy, đến nay lại được chị trao truyền cho hai người con trai là Phạm Xuân Duy và Phạm Xuân Bình. Ngày chị mới sang Nam Sudan, hai con còn nhỏ, Xuân Bình đang học lớp 4, phải mất hàng tháng trời cậu bé mới quen được cảm giác mẹ vắng nhà, phải quàng khăn của mẹ "lấy hơi" mới ngủ được. Thường xuyên trao đổi với các con qua tin nhắn, cuộc gọi video, chị "rèn luyện" các con bằng những câu chuyện kể về cuộc sống và những khó khăn của người dân Nam Sudan.

"Chẳng biết tự lúc nào, những điều mắt thấy tai nghe mà mẹ trải qua đã ăn sâu vào suy nghĩ của các cháu. Bây giờ, các con tôi đều nói sẽ cố gắng học thật giỏi, học thêm nhiều ngoại ngữ ngoài tiếng Anh để sau này có cơ hội được vào Quân đội công tác, được tham gia lực lượng GGHB Việt Nam và hiểu thêm về những tháng ngày mẹ là nữ sĩ quan “mở đường” bên ngoài lãnh thổ đất nước", chị Hằng Nga cho biết.

Trái tim nhân ái

Những ngày đầu mới sang thủ đô Juba, Nam Sudan, công việc tham mưu giám sát các hoạt động quân sự ở Sở chỉ huy Phái bộ GGHB LHQ khiến thời gian của chị hầu như phải ở trong căn cứ. Chị nghĩ trong điều kiện nội chiến, chắc người dân nơi đây gặp không ít khó khăn và cần được giúp đỡ. Chị xin phép chỉ huy Phái bộ và thủ trưởng các cấp ở Việt Nam cho mình được ra ngoài, tìm hiểu cuộc sống của nhân dân nước sở tại sau giờ làm việc và vào ngày nghỉ.

Cho đến giờ, chị vẫn nhớ ấn tượng đầu tiên của mình khi ra thăm người dân ở đây. Cách căn cứ gần 3km, giữa vùng thảo nguyên đất đỏ khô cằn, rộng lớn, người dân Nam Sudan nghèo khổ, thiếu thốn từ cái ăn đến cái mặc, ở trong những ngôi nhà đất tạm bợ. Đặc biệt là trẻ em, những cô bé, cậu bé bằng lứa tuổi con chị ở nhà, đầu trần, chân đất, mặc quần áo rách nhìn chị với ánh mắt tò mò khiến tim chị buốt nhói, xót xa. Phụ nữ ở đây không có việc làm, không biết trồng trọt hay tính toán gì mà sống hoàn toàn dựa vào trợ cấp của các tổ chức phi chính phủ. Họ nhìn chị e dè như không muốn tiếp xúc. Trở về, chị cứ đau đáu suy nghĩ muốn làm điều gì đó để giúp đỡ họ.

Việc đầu tiên khi trở về căn cứ là chị đi quyên góp đồ dùng khắp Phái bộ. Chị xin những vật dụng của những quân nhân, cán bộ, nhân viên LHQ chuẩn bị hết nhiệm kỳ về nước và quyên góp tiền để mua đồ thiết yếu tặng người dân. Nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có những ánh mắt nghi ngờ việc làm của chị. May mắn, chị tìm được người bạn đồng hành là Vibike, nữ sĩ quan người Na Uy. 

Vậy là cứ sau giờ làm việc, từ 17 đến 19 giờ hằng ngày và thứ bảy, chủ nhật, các chị cùng nhau rong ruổi khắp các vùng của thủ đô Juba. Khi thì tặng người dân quần áo, khi là gạo, đường, muối, đồ dùng học tập... Người dân Juba từ chỗ e ngại đã dần trở nên gần gũi với các chị, lâu lâu không thấy các chị đến là họ hỏi thăm. Họ tự tin chụp ảnh cùng các chị-điều mà trước đó là cấm kỵ với họ. Chị hướng dẫn họ cách pha cà phê của người Việt, cách nấu nước hoa atiso mọc tự nhiên khắp vùng pha với đường làm thức uống giải nhiệt...

Chị còn bàn với Vibike tạo việc làm cho phụ nữ ở đây để khi các chị hết nhiệm kỳ về nước, họ vẫn biết cách kiếm sống. Mỗi buổi chiều thứ sáu là lúc nhân viên Phái bộ nghỉ ngơi, giải trí trong khu sinh hoạt chung, các chị đã giúp họ một ít tiền làm vốn, hướng dẫn những phụ nữ nước sở tại cách làm, cung cấp cốc nhựa, đường và cả đá, rồi xin phép Phái bộ để họ mang cà phê vào căn cứ bán. Không ngờ việc này được mọi người rất ủng hộ. Thời điểm chị Hằng Nga hết nhiệm kỳ về nước đầu năm 2019, đã có khoảng 15 phụ nữ ở Juba có thể tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống từ cách rang xay cà phê để bán.

Lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Tháng 5-2022, một lần nữa chị Đỗ Thị Hằng Nga trở lại Nam Sudan với vai trò Phó giám đốc Quân sự Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 số 4. Lần trở lại này, chị đảm nhiệm một vai trò khác, cũng là “lần đầu tiên”, bởi Việt Nam chưa từng có tiền lệ cử nữ chỉ huy trong đội hình đơn vị.

Với vai trò của người tổ chức, chị muốn khơi dậy tình đoàn kết trong BVDC và cùng lan tỏa hình ảnh đẹp về Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong thời gian đảm nhiệm vai trò Phó giám đốc Quân sự BVDC cấp 2 số 4, cùng ban chỉ huy Bệnh viện, chị đã tổ chức hàng loạt hoạt động trong và ngoài đơn vị gây tiếng vang như: Lễ hội truyền thống dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; khám, chữa bệnh, cắt tóc, làm đẹp cho phụ nữ dịp 8-3; thăm hỏi, trao quà tặng các bệnh viện, trường học... tại Bentiu.

Nhớ về hoạt động nhân dịp Tết Quý Mão 2023, chị Đỗ Thị Hằng Nga chia sẻ: “Vào dịp Tết Nguyên đán của ta thì thời tiết ở Nam Sudan rất nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời ban ngày có lúc lên đến 45-50 độ C. Nhưng chúng tôi vẫn mong muốn tổ chức lễ hội để vừa giới thiệu với bạn bè quốc tế về phong tục truyền thống của Việt Nam vừa khơi dậy tình đoàn kết, gắn bó của tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện khi làm nhiệm vụ ở xa Tổ quốc. Thế nên dù khó khăn, thiếu thốn, chúng tôi vẫn quyết tâm làm”.

Vậy là đúng vào 3 ngày Tết, các khoa, ban của Bệnh viện được chia thành 4 đội cùng nhau thi tài nấu những món ăn truyền thống, trang trí các gian hàng Tết... Bạn bè quốc tế lần đầu tiên được cùng gói bánh chưng, làm nem, thưởng thức các món ăn truyền thống cũng như thi thả diều, đốt lửa trại cùng các sĩ quan Việt Nam. Chị Nga rất vui khi có nữ chỉ huy trưởng của Phái bộ tại căn cứ Bentiu ghé vào tai chị nói, bà không ngờ món ăn Việt lại ngon đến thế và bà vô cùng yêu thích phở Việt Nam.

Vào đêm Giao thừa, dưới ánh sáng lung linh của lửa trại, trong tiếng nhạc bập bùng, tất cả mọi người, không phân biệt màu da, quốc tịch đã cùng nắm tay ngân vang những giai điệu về đất nước, con người Việt Nam hiền hòa, tươi đẹp. Trong khoảnh khắc ấy, chị thấy vô cùng tự hào về dòng máu Việt đang chảy trong huyết quản cũng như nguyện cống hiến hết mình cho sứ mệnh cao cả mà Bộ đội Việt Nam đang góp sức thực hiện-GGHB cho những mảnh đất còn chưa được bình yên trên thế giới!

Với những thành tích trong công tác, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019, 2022; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2019; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2019, 2020 cùng nhiều bằng khen của các cấp, ngành; nhiều lần được LHQ tặng thưởng giấy khen, huy chương; được tôn vinh là một trong 50 “Gương sáng pháp luật” do Bộ Tư pháp trao tặng năm 2023. 

PHẠM THU THỦY