Năm 2013, khi đang thực hiện nhiệm vụ Tùy viên Quốc phòng tại Philippines, ông Phụng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh ký quyết định điều động đột xuất về nước để nhận nhiệm vụ mới và bỏ dở nhiệm kỳ công tác (được xác định là 3 năm) tại Philippines. Ông nhớ rành rọt những câu nói rất thân mật của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại: “Trong lịch sử Quân đội ta mới chỉ có trường hợp kéo Tùy viên Quốc phòng về để kỷ luật. Cậu là người đầu tiên được kéo về để nhận một nhiệm vụ mới, chỉ huy lực lượng mới để thăng cấp, thăng chức!". Là người có nhiều năm công tác dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông Phụng hiểu rằng, đó là mệnh lệnh buộc ông phải nghiêm túc thực hiện.

Chưa đầy một năm sau, ông Phụng được giao nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm và sau đó là Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) đầu tiên của Việt Nam. Ông Phụng tâm sự, điều đó với ông là niềm vinh dự lớn lao nhưng cũng là trọng trách to lớn trước lòng tin của thủ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông luôn tự nhủ không được phép mắc sai sót, phải hết lòng để phụng sự cho một mặt trận mới.

Những ngày đầu thành lập, lực lượng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Phụng, khó khăn lớn nhất là vấn đề nhân sự. Khi ông tiếp cận các đơn vị để ngỏ ý xin cán bộ đáp ứng đủ tiêu chí về Trung tâm GGHB Việt Nam thì hầu hết lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đều không đồng ý, với lý do những người đó đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng hoặc đã được quy hoạch, phát triển. Để giải quyết vấn đề này, ông Phụng trăn trở và dành ra nhiều công sức, trí tuệ tham mưu với Quân ủy Trung ương cho phép Trung tâm GGHB Việt Nam, rồi Cục GGHB Việt Nam (sau này) có một cơ chế đặc biệt về tuyển dụng nhân sự. Và Quân ủy Trung ương đã có giải pháp: Cục GGHB Việt Nam được quyền tạm tuyển tất cả lực lượng trong các đơn vị toàn quân. 

Nhớ lại thời điểm đó, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho rằng, chủ trương trên của Quân ủy Trung ương đã cho phép Đảng ủy Trung tâm (sau này là Cục GGHB Việt Nam) có được nguồn nhân lực chất lượng tốt, đáp ứng đòi hỏi của Liên hợp quốc (LHQ), đồng thời xứng đáng để đảm nhận các cương vị như “sứ giả hòa bình” của Quân đội ta trước bạn bè quốc tế.

Là người chỉ huy cao nhất của lực lượng GGHB Việt Nam, cũng là người chịu trách nhiệm chính trước Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng về 3 chức năng hoạt động (tuyển chọn, đào tạo huấn luyện, quản lý-chỉ huy-điều hành các lực lượng Việt Nam ở các phái bộ GGHB LHQ), ông Phụng rất chú trọng đến từng hoạt động của các quân nhân thuộc quyền đang triển khai nhiệm vụ ở các phái bộ, xa Tổ quốc. Ông yêu cầu họ không chỉ đáp ứng các tiêu chí của LHQ mà còn phải là những người có kiến thức và phẩm chất, thể hiện được hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ, là “đại sứ” cho một nền văn hóa Việt Nam yêu hòa bình trước bạn bè quốc tế.

Ông cũng khuyến khích các quân nhân cấp dưới tận dụng ngày nghỉ, giờ nghỉ để làm từ thiện, dạy học, hướng dẫn người dân làm nông nghiệp. Hình ảnh các đơn vị bệnh viện dã chiến cấp 2, đội công binh và các sĩ quan hoạt động độc lập, mang theo gáo tre, đũa tre, bát gỗ, đĩa giấy... các loại vật liệu thân thiện với môi trường ở các phái bộ tại châu Phi làm cho người dân địa phương, đồng nghiệp quốc tế và lãnh đạo LHQ khâm phục những nghĩa cử cao đẹp đầy nhân văn của sĩ quan Việt Nam. Quân đội ta đi đến đâu cũng luôn bảo vệ môi trường cho nước bạn, để khi các bạn có được cuộc sống hòa bình rồi thì họ cũng không phải lo giải quyết hậu quả rác thải nhựa hoặc những nguy cơ ô nhiễm môi trường khác. Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho rằng, khi đất nước ta đã có hòa bình, chúng ta phải tham gia và đóng góp vào môi trường đa phương để tri ân các dân tộc đã giúp đỡ chúng ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trước đây. Tinh thần đó cũng thể hiện Việt Nam có nền văn hóa yêu chuộng hòa bình, nghĩa tình, có trước có sau.

leftcenterrightdel

 Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng thăm hai con của liệt sĩ, Trung tá Đỗ Anh, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6-2022). Ảnh do nhân vật cung cấp

Cuộc trao đổi với vị “tướng già” (như ông vẫn thường nói vui với chúng tôi) với nhiều mẩu chuyện đa dạng về thể loại, miên man về chủ đề đã làm chúng tôi thực sự mất phương hướng so với dự kiến ban đầu. Chúng tôi chỉ dám xin ông dành cho một thời gian chừng 60 phút nhưng đã ngồi với ông tận 3 giờ đồng hồ; chỉ định hỏi ông vài nét về các lực lượng GGHB Việt Nam nhân dịp 10 năm kỷ niệm, nhưng không ngờ chúng tôi đã bị những câu chuyện hấp dẫn của ông đẩy xa so với mục tiêu ban đầu.

Tôi lo ngại làm phiền đến ông và muốn xin phép ra về nhưng anh bạn đồng nghiệp cố gắng chèo kéo thêm một câu hỏi: "Thiếu tướng cho biết thêm hai ý thật ngắn nữa thôi, đó là một kỷ niệm vui nhất và một kỷ niệm buồn nhất khi ông giữ cương vị "Tư lệnh" các lực lượng GGHB Việt Nam?".

Ông Phụng hóm hỉnh: “Để các bạn rời nhà mình đỡ buồn, mình sẽ kể về kỷ niệm buồn trước và kết thúc sẽ là một “ký ức vui vẻ”!

Ông kể, điều làm ông buồn nhất, đau đớn nhất là sự ra đi vĩnh viễn của Trung tá Đỗ Anh, khi đang thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi (tháng 1-2022). Đó là một sĩ quan trẻ năng động, chịu khó học tập, đạt kết quả cao trong Khóa huấn luyện tiền triển khai... và là tay bóng bàn số 1 của Cục GGHB Việt Nam. Khi được báo cáo về tình trạng sức khỏe của đồng chí Đỗ Anh ở mức độ đáng lo ngại, ông đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng ở địa bàn, gọi điện tới Đại sứ quán, cộng đồng Việt kiều ở các quốc gia lân cận để đưa Trung tá Đỗ Anh đi cứu chữa tại những bệnh viện lớn nhất ở khu vực châu Phi. Nhưng... tất cả đều bất lực!

Hôm chủ trì Lễ đón thi hài Trung tá Đỗ Anh về nước và chủ trì tang lễ, ông biết mình phải cứng rắn để thực hiện tốt một nghi lễ trang trọng của Quân đội, trước sự hiện diện của nhiều đoàn đại biểu quốc tế và trong nước; nhưng mỗi khi nhìn về hai con thơ của liệt sĩ Đỗ Anh, ông lại không kìm được những dòng lệ đau xót cho sự ra đi đột ngột của đồng đội mình. Ông cho biết, Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã rất quan tâm đến chế độ chính sách cho vợ, con liệt sĩ Đỗ Anh, LHQ cũng đã có những tri ân cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng ông và lực lượng GGHB của Việt Nam vẫn mang ơn về sự cống hiến, hy sinh to lớn của liệt sĩ Đỗ Anh vì sự nghiệp chung của đất nước và Quân đội. Ông cho biết thêm, ngày mà mẹ của liệt sĩ Đỗ Anh được đón nhận danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, ông đã có mặt để dự lễ và tặng hoa người mẹ đáng kính của đồng đội mình.

"Còn... kỷ niệm vui ư? Nhiều lắm! Nhưng thôi... kể một chuyện thôi nhé”. Đó là chuyện của ngày 20-10-2022, khi ông tháp tùng Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sang kiểm tra Phái bộ UNISFA thuộc khu vực Abyei (nằm giữa Cộng hòa Sudan và Cộng hòa Nam Sudan). Bằng những cảm xúc đầy ngưỡng mộ, ông được các sĩ quan Ấn Độ, Pakistan và lãnh đạo Phái bộ kể cho nghe về những thành công to lớn làm thay đổi uy tín của lực lượng GGHB LHQ trước người dân địa phương của Đội Công binh Việt Nam. Họ ca ngợi tính chuyên nghiệp trong công tác GGHB LHQ của các quân nhân Việt Nam. Ông được các thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT Abyei chỉ cho xem những lớp học mà các chiến sĩ GGHB Việt Nam đã xây dựng thay cho các lớp dưới gốc cây, những con đường thay cho những hố sình lầy mà trước đây trẻ em phải lội qua để vào trường, những bài giảng tiếng Anh, bài giảng tin học mà bộ đội Việt Nam đã đứng lớp.

Ông đã được chứng kiến cảnh xúc động khi ông Thị trưởng và nhiều người dân thị trấn đứng nhiều giờ đồng hồ dưới cái nắng trên 45 độ C của châu Phi chờ đoàn công tác Bộ Quốc phòng Việt Nam đi qua, để tặng... một con bò (đây được coi là tài sản có giá trị của người dân địa phương) và cảm ơn vì sự giúp đỡ của những anh Bộ đội Cụ Hồ đối với thị trấn... Đấy là niềm kiêu hãnh, là nét văn hóa khác biệt mà “Đội quân mũ nồi xanh" Việt Nam đã để lại dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế và người dân nước sở tại’’, ông Phụng khẳng định.

Buổi đầu thành lập còn nhiều khó khăn, từ tổ 5 người cho tới Trung tâm GGHB Việt Nam và hiện nay là Cục GGHB Việt Nam, Quân đội ta đã triển khai được hơn 800 lượt quân nhân tới 3 phái bộ GGHB ở châu Phi, trụ sở LHQ, có cả lực lượng tham gia vào Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi, được LHQ đánh giá là “hoàn thành tốt”, “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; 100% quân nhân Việt Nam tham gia GGHB đều được LHQ tặng thưởng “Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình”; được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân ủy Trung ương đánh giá cao, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của Quân đội trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Những thành công đó có phần đóng góp quan trọng của Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, người có hơn 9 năm gắn bó với sự nghiệp GGHB LHQ và là vị tướng đầu tiên của lực lượng GGHB Việt Nam. 

VĂN TUẤN - HẢI LÝ