Bài 1: Sứ mệnh tiên phong trên vùng đất Nam Mỹ
Đến nhà riêng của Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, khá bất ngờ khi thấy ông đón chúng tôi trong bộ quân phục GGHB Việt Nam. Vừa rót chén nước mời khách, ông nói ngay: “Mình đã về hưu nhưng hôm nay đón các phóng viên nên mình mặc bộ quân phục dã chiến này. Mỗi lần khoác lên bộ quân phục GGHB, mình lại cảm thấy rất tự hào”. Những bộ quân phục của Quân đội nhân dân Việt Nam đã gắn bó với bước chân ông trong suốt 17 năm công tác ở nước ngoài, tại nhiều vùng đất xa xôi của cả 5 châu lục, đem lại niềm tự hào, tự tin cho ông; ấn tượng nhất là tại các phái bộ GGHB LHQ ở châu Phi. Khi nhìn thấy bộ quân phục dã chiến với mũ nồi xanh của Bộ đội Cụ Hồ, người dân, đồng nghiệp và chính quyền nước sở tại đều bày tỏ tình cảm, sự ngưỡng mộ, đồng thời tạo điều kiện để ông hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lần đầu tiên gặp Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, chúng tôi cảm nhận từ ông sự gần gũi, chân thành bởi nụ cười hiền hậu nhưng vẫn toát lên vẻ cương nghị trong ánh mắt. Nhớ lại kỷ niệm hơn 20 năm về trước, ông kể, năm 2004, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề ra chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại quốc phòng sang khu vực châu Mỹ; bởi cho đến thời điểm đó, Quân đội ta mới chỉ thiết lập được hai Phòng Tùy viên Quốc phòng trên cả châu Mỹ rộng lớn, đó là Phòng Tùy viên Quốc phòng tại Mỹ và Phòng Tùy viên Quốc phòng tại Cuba. Brazil là một cường quốc trên thế giới, có chính quyền cánh tả của Tổng thống Lula da Silva nắm quyền. Việc mở thêm một Phòng Tùy viên Quốc phòng tại Cộng hòa Brazil là nhu cầu tất yếu, đây cũng là Cơ quan Tùy viên Quốc phòng đầu tiên của Quân đội ta tại Nam Mỹ.
|
|
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam.
|
Quyết tâm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ là phải khai trương cho bằng được Phòng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Brazil vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-2004) và kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil. Ông Phụng được lãnh đạo Bộ Quốc phòng tin tưởng, lựa chọn làm người đứng đầu cơ quan đại diện Quân đội tại Brazil, khi vừa kết thúc nhiệm kỳ (hơn 3 năm trên cương vị Phó tùy viên Quốc phòng) tại Mỹ.
Thượng tá Phụng lúc đó 41 tuổi (Tùy viên Quốc phòng trẻ nhất trong các thế hệ Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tính đến thời điểm bấy giờ), được bổ nhiệm chức danh Tùy viên Quốc phòng. Ông cho biết, bất ngờ này là một niềm vinh dự vì được thủ trưởng cấp trên tin tưởng lựa chọn và giao cho mình trọng trách người đứng đầu, người đi xây dựng cơ quan Tùy viên Quốc phòng bên cạnh Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil.
Nhận nhiệm vụ nhưng tâm trạng của ông Phụng vô cùng lo lắng, bởi thời điểm đó, các hoạt động đối ngoại quốc phòng của chúng ta còn đang ở mức rất hạn chế với các nước châu Mỹ và đặc biệt là còn rất xa lạ với các nước Mỹ Latin (ngoại trừ Cuba). Các thông tin phục vụ cho việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các nước Mỹ Latin rất thiếu thốn và nghèo nàn; số lượng cán bộ biết tiếng Tây Ban Nha trong toàn quân đã hiếm nhưng cán bộ biết tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ chính tại Brazil) thì không có lấy một người. Nhiệm vụ mà ông Phụng đặt ra cho mình và hai cán bộ thuộc quyền là phải tiến hành ngay việc học tiếng Bồ Đào Nha.
Kể đến đây, ông Phụng chợt nhớ chi tiết, ngày 14-10-2004, ông lên đường thực hiện nhiệm vụ, thủ trưởng còn dặn dò rất kỹ: “Sang đó phải sớm đặt được trụ sở cho Phòng Tùy viên Quốc phòng, để kịp ra mắt Phòng Tùy viên Quốc phòng trong dịp 22-12 năm nay”. Lời căn dặn đó với ông là một mệnh lệnh, là trọng trách nặng nề và chỉ được phép thành công, không được thất bại.
Chân ướt chân ráo đến một đất nước xa xôi có sự khác biệt rất lớn về văn hóa, với ngôn ngữ Bồ Đào Nha nói bồi, pha trộn với tiếng Tây Ban Nha sở trường, ông Phụng mang sứ mệnh to lớn của “người đi tiên phong” đến gặp các cơ quan ngoại giao, cơ quan Bộ Quốc phòng Brazil. Những buổi đầu gặp gỡ, ông Phụng nhận thấy, ở Brazil, từ các cơ quan công quyền trong chính phủ cánh tả của Tổng thống Lula da Silva đến người dân đều dành tình cảm yêu quý đặc biệt và sự ngưỡng mộ đối với Việt Nam. Trong trái tim của người dân Brazil, Việt Nam là một dân tộc anh hùng trong chiến đấu, bộ đội Việt Nam là những chiến binh dũng cảm, sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân, là tấm gương truyền cảm hứng cho nhân dân các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giành độc lập.
|
|
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng tiễn chân đoàn công tác Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ, tháng 3-2021. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nói đến đây, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng không kìm được xúc động, vì chính truyền thống hào hùng của Quân đội ta đã giúp ông có được rất nhiều thuận lợi khi làm nhiệm vụ. Các cơ quan chức năng Brazil bày tỏ sự vui mừng chào đón khi Việt Nam chọn đất nước họ là quốc gia đầu tiên tại Nam Mỹ đặt trụ sở cơ quan Tùy viên Quốc phòng. Phía bạn cử người hỗ trợ, giúp ông Phụng tìm kiếm vị trí vừa ở trung tâm thủ đô Brasilia, vừa an toàn để đặt trụ sở.
Sau khi đàm phán và đi đến thống nhất mọi mặt thì lại gặp không ít vướng mắc trong thủ tục pháp lý về quản lý đất đai, tưởng chừng sẽ bị bế tắc và không thể vượt qua. Ông Phụng phải tất bật như con thoi tới các cơ quan đàm phán, thương thảo tìm cách tháo gỡ. Công việc dù rất phức tạp và rối ren, nhưng khi ông trình bày ý định của Bộ Quốc phòng Việt Nam là cần có một trụ sở để thúc đẩy quan hệ lâu dài với Brazil và tiến tới là với các quốc gia Nam Mỹ lân cận, các cơ quan chức năng đều rất nhiệt tình hướng dẫn, giúp ông tháo gỡ.
Sau hơn hai tháng nỗ lực không mệt mỏi, cộng với sự giúp đỡ của cơ quan ngoại giao hai nước Việt Nam và Brazil, trụ sở Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Brazil đã được cắt băng khánh thành đúng dịp Phòng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Brazil tổ chức chiêu đãi kỷ niệm 60 Ngày thành lập Quân đội và 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil.
Nở một nụ cười thật tươi, ông Phụng cho biết, hoàn thành được nhiệm vụ xây dựng trụ sở, mở được Phòng Tùy viên Quốc phòng tại Brazil để thúc đẩy quan hệ quốc phòng với quân đội Brazil, không chỉ tác động tích cực đến quan hệ quốc phòng song phương, mà với sự hiện diện của các sĩ quan Việt Nam đầu tiên tại Brazil còn góp phần nâng tầm quan hệ ngoại giao giữa hai nước lên một nấc thang mới.
Chúng tôi tò mò hỏi về việc ông được cử đi phiên dịch cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng thống Lula da Silva (trong chuyến thăm Brazil, tháng 5-2007), cũng như động cơ nào đã giúp ông nói thành thạo tiếng Bồ Đào Nha trong vòng hai năm? Ông chỉ khiêm tốn trả lời, sự tương đồng giữa ngôn ngữ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha rất lớn, cộng với việc phải lăn lộn trực tiếp ở địa bàn đã giúp ông trưởng thành trong lĩnh vực này. Chúng tôi hiểu rằng, ông là một trong số ít tướng lĩnh Quân đội ta có thể nói thành thạo và trực tiếp làm việc bằng 3 ngoại ngữ (tiếng Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha).
Để vinh danh những đóng góp trong việc xây dựng, thúc đẩy phát triển hợp tác quốc phòng hai nước, Bộ Quốc phòng Brazil đã tặng thưởng Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng Huân chương Quân công cao quý, khi ông kết thúc nhiệm kỳ công tác (tháng 12-2007).
(còn nữa)
VĂN TUẤN - HẢI LÝ