Bà con biết ơn thầy Duy nhiều lắm!
Trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con ngõ hẹp trên phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), Trung tướng Đinh Ngọc Duy cho chúng tôi xem bức ảnh đã nhuốm màu thời gian, rồi ông xúc động giới thiệu:
- Đây là cô bé Mùa Thị Mào, khoảng 5 tuổi, ở xã Nà Hỳ, huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu (nay thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên-PV) năm 1999.
Trong ảnh, bé Mào đang hồn nhiên bám trên lưng "ông đầu bạc" Đinh Ngọc Duy. Vậy là đã gần 25 năm kể từ thời điểm lần đầu Trung tướng Đinh Ngọc Duy cùng các bác sĩ Bệnh viện TƯQĐ 108 tổ chức hoạt động dã ngoại, khám, chữa bệnh, giao lưu văn hóa với đồng bào các dân tộc vùng biên giới Tây Bắc. Thời gian đã lâu, nhưng những hình ảnh bà con quây quần bên ông, những đứa trẻ hồn nhiên, thích thú khi được ông bế, cõng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông như mới vừa diễn ra hôm qua...
|
|
Giám đốc Đinh Ngọc Duy và cô bé Mùa Thị Mào năm 1999.
|
Trung tướng Đinh Ngọc Duy là người dân tộc Tày, lớn lên ở vùng núi Việt Bắc, sau này lại có nhiều năm gắn bó với chiến trường nơi núi rừng Tây Nguyên. Có lẽ vì thế mà ông có tình cảm đặc biệt với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đời sống người dân ở một số vùng thuộc biên giới tỉnh Lai Châu (nay thuộc tỉnh Điện Biên) hết sức khó khăn.
Để chăm lo cho sức khỏe nhân dân ở các vùng này được tốt hơn, cuối tháng 8-1999, Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 Đinh Ngọc Duy trực tiếp cùng một số cán bộ Bệnh viện đi tiền trạm để cuối năm tổ chức cho các y sĩ, bác sĩ lên khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho bà con. Điểm đến là xã Nà Hỳ.
Khi đoàn công tác còn cách Nà Hỳ khoảng 30km, đường bị lầy do mưa lũ, ô tô không thể đi tiếp. Giám đốc Đinh Ngọc Duy cho xe quay về Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379 (Quân khu 2), còn ông cùng một số người khác lội bộ vào làm việc với cán bộ địa phương và đại diện Nông trường 1 (thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379), nơi dự kiến sẽ là địa điểm tổ chức chương trình.
Cuối tháng 12-1999, Giám đốc Đinh Ngọc Duy cùng hơn 100 y sĩ, bác sĩ trên 21 chiếc xe hành quân lên xã Nà Hỳ. Mặc dù đã có sự giúp đỡ, vận động từ chính quyền địa phương nhưng để bà con tin tưởng đến khám bệnh, chăm sóc sức khỏe là điều không dễ dàng. Làm sao để kết nối với bà con đây? Ông trăn trở và nảy ra ý tưởng táo bạo. "Trời cuối năm ở Tây Bắc vô cùng giá rét. Hôm trước khi khám bệnh, tôi cho tổ chức đốt lửa, liên hoan văn nghệ. Lửa cháy bập bùng, tiếng ca hát, âm nhạc, tiếng cười vui của y sĩ, bác sĩ thu hút bà con tới xem. Nhưng họ chỉ đứng ngoài không dám vào"-Trung tướng Đinh Ngọc Duy nhớ lại.
Vậy là bước đầu đã thành công. Ông ra tận nơi mời bà con vào cùng tham gia. Cuộc vui kéo dài mãi đến 2 giờ sáng hôm sau bà con mới chịu ra về. Ông động viên: Bà con về, mai đến khám. Khám xong khỏe mạnh lại hát tiếp!
Ngày hôm sau, đồng bào từ các bản cùng nhau kéo đến kiểm tra sức khỏe. Giám đốc Đinh Ngọc Duy rất bất ngờ khi bà con đến khám bệnh mà người thì mang gà, người thì mang lợn, mang gạo... đến biếu để đáp lại tình cảm của các y sĩ, bác sĩ Quân đội.
Ngày ấy, Nà Hỳ cũng là nơi tình trạng sinh con không có kế hoạch diễn ra phổ biến. Cuộc sống người dân rất khó khăn. Tuy địa phương đã có tổ kế hoạch hóa gia đình nhưng hoạt động chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Trong lúc đoàn thăm khám, Giám đốc Đinh Ngọc Duy gặp bé Mùa Thị Mào. Mẹ của Mào tuy mới 28 tuổi nhưng chị đã có tới 8 người con.
Bằng sự vận động của các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện TƯQĐ 108, đã có 50 phụ nữ tại xã được đặt vòng tránh thai. Mẹ của Mào cũng là người đầu tiên được đặt vòng. Sau 3 ngày, đoàn đã khám bệnh, cấp thuốc cho 1.012 người của 20 bản thuộc xã Nà Hỳ, vượt xa mục tiêu ban đầu đặt ra là 500 người.
10 năm trên cương vị Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 thì 8 năm Trung tướng Đinh Ngọc Duy đưa các thầy thuốc trình độ cao cùng thiết bị y tế hiện đại về khám, chữa bệnh cho hàng chục nghìn lượt người dân nơi vùng biên giới Tây Bắc. Ông được bà con yêu mến gọi với tên thân mật: "Ông đầu bạc". Có được sự yêu mến ấy bởi với bà con, ông là người đã hứa là làm.
Cuối năm 2005, Trung tướng Đinh Ngọc Duy lại đi tiền trạm trước khi tổ chức đoàn công tác của Bệnh viện đến khám cho bà con. Lần này là ở xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Đây là xã nằm ở ngã ba biên giới, giáp Lào và Trung Quốc. Thấy có mấy chiếc ô tô chạy vào trụ sở xã, Chủ tịch UBND xã khi ấy là ông Sừng Sừng Khai cứ ngỡ trong mơ.
Đồng bào xã biên giới này, lúc ốm đau mà gặp được anh y tá biên phòng đã may mắn, giờ lại có cả các bác sĩ ở bệnh viện tuyến cuối của Quân đội, cùng thiết bị y tế hiện đại chữa trị thì còn gì bằng. Nhưng ông Khai nghĩ việc này còn lâu mới thực hiện. Khi về huyện họp, ông Khai đem chuyện này "khoe" với ông Lò Văn Pơi, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ thì được ông Pơi khẳng định: Ông yên tâm. Thầy Duy đã hứa là làm. Trước đây, thầy Duy đã giúp bà con xã tôi có ti vi để xem vào dịp Tết Nguyên đán. Bà con yêu thương, biết ơn thầy Duy nhiều lắm!
Và đúng thế thật, chỉ sau một thời gian ngắn, các y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện TƯQĐ 108 đã về bản. Đợt này đã có gần 17.000 lượt người của 4 xã: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé, Si Pa Phìn được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí... Trung tướng Đinh Ngọc Duy cho rằng, việc đưa các thầy thuốc về khám, chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa là cách tốt nhất để rèn luyện y đức, xây dựng tình cảm cộng đồng sâu sắc cho người hành nghề y.
Thành tựu làm công tác dân vận của Bệnh viện TƯQĐ 108 thời điểm này không chỉ tính bằng hàng chục nghìn lượt đồng bào được khám, chữa bệnh; hàng chục tỷ đồng tiền thuốc và các nhu yếu phẩm được đưa tận tay người dân mà quan trọng hơn, làm chuyển đổi nếp sống, sinh hoạt của đồng bào, được Ban Dân vận Trung ương công nhận là mô hình “Dân vận khéo”; được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đánh giá là biện pháp thiết thực củng cố quốc phòng, an ninh, củng cố niềm tin của đồng bào vào Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Trăn trở của "ông đầu bạc"
Trung tướng Đinh Ngọc Duy được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 năm 1998. Thời điểm này, Bệnh viện phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất thiếu thốn, không đủ phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, mặc dù đã có một số dự án xây dựng và cải tạo Bệnh viện.
Vậy là "ông đầu bạc" lại thức trắng nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở để tháo gỡ khó khăn. Ông đến “gõ cửa từng nhà” một số bác sĩ của Bệnh viện đã nghỉ hưu, mời họ trở lại làm việc với chế độ chuyên viên. Ông đến nhà Đại tá, GS, Nguyễn Văn Nhân, là bác sĩ nổi tiếng của Việt Nam về lĩnh vực xương và ghép xương để thuyết phục ông trở lại làm việc.
Cũng chính Đại tá, GS Nguyễn Văn Nhân đã hỗ trợ ông trong việc mời được nhiều "cây đa, cây đề" trở lại giúp Bệnh viện. Rồi hội đồng khoa học bao gồm các giáo sư đầu ngành của Bệnh viện được thành lập. "Các thầy là chỗ dựa vững chắc của Bệnh viện trong việc chẩn đoán và kiểm bệnh cho bệnh nhân, cũng là nhân tố quan trọng giúp đào tạo thế hệ kế tiếp"-ông nói.
Trung tướng Đinh Ngọc Duy cũng là người đặc biệt quan tâm đến việc thu hút, đào tạo các nhân tài y học vào phục vụ Quân đội. Tháng 5-2006, Trung tâm Kỹ thuật cao - chuyên sâu của Bệnh viện TƯQĐ 108 đi vào hoạt động, với các trang thiết bị hiện đại tiếp cận với khu vực, thế giới, giúp giải quyết nhiều ca bệnh phức tạp liên quan đến chấn thương chỉnh hình, đột quỵ não, ghép tạng, tim mạch, chẩn đoán di truyền, sàng lọc ung thư... Cùng với đó, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cán bộ cao cấp Trung ương.
|
|
Trung tướng, TS, Thầy thuốc Nhân dân Đinh Ngọc Duy. Ảnh: VIỆT ANH
|
Là thầy thuốc quân y có tâm, người lãnh đạo Bệnh viện có tầm, mặc dù công việc quản lý, công việc chuyên môn rất bận nhưng Trung tướng Đinh Ngọc Duy vẫn tận dụng thời gian để nghiên cứu và đóng góp nhiều công trình khoa học giá trị cho ngành y tế nước nhà. Tiêu biểu nhất là cụm công trình "Nghiên cứu mô hình kết hợp quân dân y phục vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong thời kỳ đổi mới", gồm 11 công trình của 8 nhà khoa học, trong đó có Trung tướng Đinh Ngọc Duy.
Cụm công trình đã đạt được những thành tựu khoa học đặc biệt xuất sắc, làm thay đổi nhận thức, triển khai hiệu quả mô hình kết hợp quân dân y, xây dựng "thế trận lòng dân" và hoàn thiện lý luận tổ chức bảo đảm quân y trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh tại các địa bàn trọng điểm. Cụm công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực Khoa học y dược đợt IV, năm 2010. Thành tích này là niềm tự hào của nền y học Quân đội.
Trung tướng Đinh Ngọc Duy nghỉ hưu năm 2008. Trước khi trở thành vị tướng, ông từng là chiến sĩ, anh nuôi, bác sĩ quân y chăm sóc bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ tại núi rừng Tây Nguyên, rồi tham gia phục vụ chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên... Năm nay ông 85 tuổi, tuy tuổi cao nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Lương y phải như từ mẫu", Trung tướng Đinh Ngọc Duy luôn cống hiến hết mình vì sự phát triển của nền y học Quân đội và nước nhà.
Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT - HẢI ANH