Ông kể: Từ năm 1950, Chiến dịch Biên Giới nổ ra, tên tuổi của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Lê Trọng Tấn với tài chỉ huy đánh giỏi đã vang xa toàn quân. 4 năm sau, tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, chàng trai Lê Nam Phong lúc này 25 tuổi đã là Đại đội trưởng một đại đội thuộc Đại đoàn 308, càng có điều kiện chứng kiến và biết đến tài nghệ chỉ huy của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn. Chiều 7-5-1954, ta kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, chính Đại đoàn 312 tấn công vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm, bắt sống tướng De Castries. Nghe tin, Đại đội trưởng Lê Nam Phong cùng một số cán bộ xin phép cấp trên chạy vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm của địch với hy vọng tận mắt nhìn xem “hình dáng Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn thế nào?”, nhưng không được toại nguyện. Đến lễ tổng kết chiến dịch, vị trí đứng của Lê Nam Phong lại rất xa khán đài nên dù ông nhón chân, kiễng người lên cũng không biết ai là Lê Trọng Tấn.

Cuộc gặp chính thức của Lê Nam Phong với “thần tượng” diễn ra hơn 10 năm sau đó, khi ông là Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, được đón Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam tại Lộc Ninh. Và từ đó, Lê Nam Phong nhiều lần nhận được sự chỉ bảo chân tình về công tác chỉ huy của thủ trưởng Lê Trọng Tấn. Ông cho rằng, trong cuộc đời binh nghiệp, được làm cấp dưới của Đại tướng Lê Trọng Tấn là điều may mắn và hạnh phúc. Năm 2014, nhân Hội thảo kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Trọng Tấn, Trung tướng Lê Nam Phong đã gửi tham luận với tiêu đề: “Tướng Lê Trọng Tấn là người thầy và tấm gương trực tiếp của đời tôi”. Trong đó, ông cho rằng Lê Trọng Tấn là vị tướng kiệt xuất của Quân đội ta nhưng thường trực ở ông là một phong thái, một nhân cách Bộ đội Cụ Hồ.

Kỷ niệm mà Trung tướng Lê Nam Phong nhớ mãi là sau ngày 30-4-1975, trong một lần ra Hà Nội họp, ông đến nhà riêng thăm Đại tướng Lê Trọng Tấn vào một buổi sáng. Điều ông không ngờ là đại tướng dùng bữa sáng chỉ bằng một tô mì gói. Khi pha chế mì cho chồng, vợ Đại tướng Lê Trọng Tấn trót pha hơi mặn nên có ý xuýt xoa. Đại tướng liền nói: “Có gì đâu, mặn thì cho thêm ít nước sôi là xong”. Đức tính giản dị của Đại tướng Lê Trọng Tấn cũng là điều mà Trung tướng Lê Nam Phong cả đời noi theo.

VÂN NGỌC