Xe lắc lư bò lên dốc, con đường mòn những năm xưa nay đã được mở rộng, song mới chỉ được rải đá cấp phối dẫn vào rừng, tỉnh Ratanakiri. Phía xa trên đỉnh dốc, mấy dãy nhà cấp 4 nằm đơn lẻ dưới bóng cây, nắng chói chang. Trung tá QNCN Trần Đức Độ cho biết, đó là trụ sở của đồn công an Campuchia và một trạm bảo tồn thiên nhiên của bạn. Nhiều năm nay, các anh ăn ở, sinh hoạt cùng với họ, bởi khu vực này trong những năm kháng chiến chống Mỹ là địa bàn chiến đấu, còn ẩn dưới các khoảng rừng, rông núi những hầm hào, công sự... hoang phế dưới tán rừng suốt 50 năm qua.
Có một điểm chung là ở nơi có mộ liệt sĩ, đó là những khu vực địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu và rất xa khu dân cư. Đây cũng chính là yếu tố để bảo đảm an toàn cho bộ đội ta trong điều kiện chiến tranh. Đến nay, hàng chục năm trôi qua, cảnh vật đã thay đổi nhiều, song cơ bản đây vẫn là những vùng không dễ tiếp cận. Ẩn dưới lòng đất không chỉ là xương máu cha anh mà còn biết bao mìn cóc, lựu đạn và mảnh bom, vỉa sắt của vũ khí cũ sắc nhọn, han gỉ... có thể gây thương vong cho các đội viên Đội K53 bất cứ lúc nào.
Tôi tò mò nhìn vào khu nghỉ của Phân đội III. Điều kiện sinh hoạt đơn sơ, chỉ có những chiếc giường đơn, chăn màn bộ đội gấp gọn gàng và ba lô đã sờn bạc. Điện thắp sáng được chạy bằng máy nổ, nước được dẫn về từ suối và hoàn toàn không có sóng điện thoại. Để bảo đảm không bị nhỡ, bị sót bất cứ thông tin nào, anh Độ luôn cài đặt chế độ báo cuộc gọi nhỡ, để sau những ngày quần quật dưới các lòng hang hay trên đỉnh núi, anh lại tranh thủ chạy xe ra khu vực giáp biên “hứng” sóng điện thoại, gọi lại cho các cuộc gọi nhỡ để những mong có thêm thông tin.
Do công việc nặng nhọc, lại sống cả nửa năm trong rừng nên sốt rét, ghẻ lở trở thành bệnh thường gặp với hầu hết thành viên của đội. Nhiều đợt hành quân đi bộ cả tuần liền, nước uống phải dành dụm từng chút còn lương thực thì cạn kiệt, phải nhịn đói cả ngày. Mùa khô nóng nung người, muỗi vắt đêm rừng nhiều vô kể. Suốt 18 năm qua, Phân đội trưởng Trần Đức Độ cùng anh em trong phân đội đã quen với điều kiện làm việc, sinh hoạt khắc nghiệt trên địa hình hiểm trở như vậy.
Cơ duyên khiến Trung tá QNCN Trần Đức Độ gắn bó với công việc đặc thù này bắt đầu từ năm 2006. Khi đó, người quân nhân đến từ miền quê Nga Sơn, Thanh Hóa này vừa tròn 12 năm tuổi quân và đang công tác tại đơn vị công binh trực thuộc Bộ CHQS tỉnh. Khi đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Campuchia đã tiến hành được 5 năm.
Thượng tá Trần Kiệm, nguyên Đội trưởng Đội K53 giai đoạn 2002-2007 vẫn nhớ dáng vẻ rắn rỏi của người đội viên mới về đơn vị khi ấy: “Khi đồng chí Độ về Đội K53 nhận công tác, đã nhanh chóng nắm bắt đặc thù nhiệm vụ và kết hợp với kỹ năng công binh, hỗ trợ anh em đắc lực trong quá trình khai quật các điểm nghi ngờ có hài cốt liệt sĩ. Độ cũng rất nhanh nhạy và học tiếng Khmer nhanh. Không bao lâu sau còn đảm nhận nhiệm vụ phiên dịch cho đội”.
|
|
Trung tá QNCN Trần Đức Độ (đi đầu) cùng đồng đội trong hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đất nước bạn Campuchia.
|
Trong ký ức của Trung tá QNCN Trần Đức Độ, những lần luồn rừng cả tuần giữa cái nắng chang chang không lùi bước, những lần ngược dòng Mê Công cả chục cây số, những điểm khai quật ròng rã nhiều năm trời mà không nản chí đều là chuyện thường ngày... Nhưng các anh không bao giờ có thể quên được những khoảnh khắc vỡ òa khi tìm thấy di vật đầu tiên, mảnh xương đầu tiên... của các liệt sĩ trên đất bạn. Anh chia sẻ: “18 năm qua, tôi thực sự trân trọng và biết ơn các anh em trong phân đội đã luôn đồng cam cộng khổ, biết ơn các đồng chí cán bộ chuyên trách của tỉnh Ratanakiri đã tích cực bảo vệ an ninh mọi mặt cho Đội K53. Các đồng chí bên bạn còn giúp đội nắm bắt thông tin từ quần chúng nhân dân nước bạn cung cấp về khu vực mộ chí liệt sĩ. Khi đội không tìm thấy hài cốt liệt sĩ, họ cũng buồn, ăn không ngon, ngủ không yên như các thành viên của đội”.
Hành trang của các anh là những hồ sơ, tọa độ từ 50 năm trước được sao chép lại, là nhật ký một số trận đánh của cả ta và Mỹ cung cấp, có thống kê sơ bộ về thương vong của cả ta và địch... Công cụ hỗ trợ của các anh chỉ có một chiếc xe chuyên dụng đã cũ, cuốc, xẻng, la bàn đơn giản cùng nhang nến, vải liệm và những lá cờ Tổ quốc. Trần Đức Độ đã cùng anh em trong phân đội của mình dựa vào kinh nghiệm và khả năng phán đoán, cùng nhau bàn bạc, sàng lọc thông tin từ nhiều nguồn để lần theo các vỉa hầm, công sự đã bị vùi lấp bởi thiên nhiên. Điều tôi cảm thấy nể phục nhất là các anh có đôi tay cần mẫn vạch lá tìm đường, tỉ mẩn bóp từng viên đất để tìm bằng được những mảnh xương dù là nhỏ nhất và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao, linh giác mạnh trong hành trình đi tìm hài cốt cha anh.
Thượng tá Lê Công Khoa, Đội trưởng Đội K53 cho biết, đơn vị anh thực hiện nhiệm vụ trên cả hai tuyến biên giới của Lào và Campuchia. Vì thế, khi sang đất bạn, mọi đội viên đều xác định rất rõ là vừa tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ vừa góp phần vun đắp thêm tình đoàn kết giữa hai dân tộc nên đều rất nỗ lực. Đối với đơn vị mà Trung tá QNCN Trần Đức Độ là Phân đội trưởng, ngoài những lần hành quân tìm kiếm tại những khu vực hiểm trở, mỗi khi thời tiết không thuận lợi, các anh em phối hợp với lực lượng chức năng của bạn tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp bà con hiểu về chính sách của hai Đảng, hai Chính phủ về công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ bộ đội Việt Nam.
Kể từ năm 2009 đến nay, Phân đội III của Trung tá QNCN Trần Đức Độ đã cùng các đơn vị trong Đội K53 tìm kiếm và quy tập được 440 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong nước. Trong mùa khô 2022-2023, các anh đã tìm kiếm, cất bốc được 4 hài cốt liệt sĩ, riêng bản thân Trần Đức Độ phụ trách tìm kiếm, cất bốc được 3 hài cốt liệt sĩ. Anh liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều lần được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và kỷ niệm chương của tỉnh Ratanakiri... “Với khả năng nói tiếng Khmer thành thạo, lại hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán của Campuchia, đồng chí Độ và các đội viên luôn sẵn sàng “3 cùng” giúp đỡ nhân dân nước bạn chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, vượt qua thiên tai, dịch bệnh... Nhờ làm tốt công tác dân vận, chính quyền và nhân dân tỉnh Ratanakiri rất yêu quý và ủng hộ các cán bộ của Đội K53”, Thượng tá Lê Công Khoa nhấn mạnh
Đằng đẵng 18 năm cùng hàng vạn lần luồn rừng giữa chang chang nắng đốt, dìu nhau vượt dốc, qua đèo, ca nước nhường nhau, miếng lương khô chia nửa đã làm nên nghĩa tình giữa Trung tá QNCN Trần Đức Độ với những người trong Ban công tác đặc biệt của tỉnh Ratanakiri. Đặc biệt, Trung tá Khiêu Rưm, một chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy Campuchia có nhiệm vụ hỗ trợ, bảo vệ Đội K53 trong 6 tháng mùa khô. Trung tá QNCN Trần Đức Độ cho biết: “Tôi và anh Khiêu Rưm gắn bó như người thân. Gia đình anh đã giúp phân đội chúng tôi suốt gần 10 năm cho đến khi phân đội được đầu tư một khu nhà để ăn nghỉ và bảo quản hài cốt các liệt sĩ. Dẫu phong tục, tập quán của người Campuchia không cho phép để hài cốt trong nhà, song căn nhà của Khiêu Rưm đã là nơi nghỉ chân của hàng trăm liệt sĩ được tìm thấy trên địa bàn Ratanakiri trước khi về Tổ quốc. Có những lúc trong nhà để hơn 10 bộ hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Tôi và đồng đội thực sự biết ơn họ”.
Cuối mùa khô 2024, cũng là mùa những đóa mai rừng khoe sắc và hoa rumdul nở rộ trên đất bạn Campuchia. Năm nay cũng là năm thứ 18 Trung tá QNCN Trần Đức Độ được ăn Tết truyền thống của người dân nơi đây cùng đồng đội. Các anh được người dân Campuchia yêu quý tặng những vòng hoa nhài thơm nức và dùng son môi vẽ lên mặt những lời cầu chúc bình an, may mắn... Hành trình tâm linh và thấm đẫm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của những người lính làm công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên nước bạn Campuchia như Trung tá QNCN Trần Đức Độ là hành trình lặng lẽ, nhưng đã bền bỉ viết thêm những bài ca đẹp về tình đoàn kết, chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ cao cả mà hai Đảng, hai dân tộc giao phó cho bộ đội Việt Nam và Campuchia, là hành trình nhắc nhớ lại lịch sử kề vai chiến đấu của quân dân hai nước nơi ngã ba Đông Dương huyền thoại.
Bài và ảnh: PHẠM VÂN ANH