Công cuộc đổi mới mang lại luồng sinh khí mới tạo thay đổi to lớn trong việc kế thừa và phát triển nền văn hóa dân tộc. Tư duy lý luận của các cấp lãnh đạo về văn học, nghệ thuật có sự chuyển biến mới, giao lưu quốc tế mở ra nhiều cơ hội, nhiều cách tiếp cận mới mẻ; nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên; các chuẩn mực văn hóa và đạo đức mới hình thành... Tất cả yếu tố đó là cơ sở để văn học, nghệ thuật nở rộ.

Trong văn học, ngoài những yếu tố trên còn được chắp cánh bởi một luồng sinh khí mới với sự hội tụ thống nhất của hai dòng văn học lớn ở hai miền Nam-Bắc; sự tương tác, hòa giải giữa văn học trong nước và hải ngoại, sự mở rộng các mối quan hệ quốc tế, cùng với việc phát triển mạnh mẽ của internet, làm cho đời sống văn học thêm sức sống mới, tràn đầy nhiệt huyết trong tinh thần dân chủ, cởi mở và nhân văn...

Đội ngũ đông đảo các nhà văn trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ từ Dũng Hà, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Thái Bá Lợi, Khuất Quang Thụy, Bảo Ninh, Dương Hướng, Lê Văn Thảo, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo...; các nhà thơ Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Đức Mậu, Trúc Thông, Ý Nhi, Trần Đăng Khoa, Anh Ngọc, Vương Trọng, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Thi Hoàng, Y Phương, Trần Nhuận Minh, Hoàng Trần Cương... lần lượt cho ra đời những tác phẩm mới mẻ mang bản sắc riêng biệt của giai đoạn 1975-1986.

Giai đoạn 1975-1986 cũng là giai đoạn các nhà văn, nhà thơ nhận thức sâu sắc về vai trò của nghệ thuật. Thời kỳ của cái tôi được đặt trong mối quan hệ đa chiều, phong phú của đời sống. Nhà văn, nhà thơ tự nhìn lại chính mình, cá tính được đề cao, cái nhìn sử thi vẫn còn đó nhưng được thể hiện ở một chiều kích khác, mới mẻ, đa dạng hơn. Cách nhìn cuộc chiến tranh chân thực hơn. Người viết phải suy ngẫm, sàng lọc và lựa chọn hướng tới cách thể hiện mới mẻ, vượt qua cách nhìn đơn giản, một chiều; mở rộng các chiều kích của hiện thực. Tạo được không khí mới, đa giọng điệu làm nền tảng cho giai đoạn đổi mới sau này.

Sau năm 1986, văn xuôi Việt Nam phát triển lên một tầng mức mới. Nhà văn đã có ý thức viết về con người với nhiều cung bậc phức tạp trong một cuộc chiến đầy cam go, thách thức và khốc liệt. Việc trình bày thân phận con người trong chiến tranh đã đi vào chiều sâu, đa diện, hạn chế cách viết đơn điệu, sơ lược. Những tác phẩm như: “Đất trắng”, "Đất miền đông”, “Chim én bay”, “Thời xa vắng”, “Cỏ lau”, “Bến không chồng”, “Lạc rừng”, “Mình và họ”... đã mang một gương mặt khác, một diện mạo khác về chiến tranh. Đó là những người lính thầm lặng chịu đựng gian khổ, hy sinh, đánh đổi cả tuổi xuân của mình vào cuộc chiến vô cùng tàn khốc. Cách viết về chiến tranh đã không dừng lại ở việc trần thuật, miêu tả đơn thuần mà mạnh dạn khai thác vào chiều sâu bên trong chưa từng biết đến của tâm hồn con người trong chiến tranh.

Thời điểm này cũng chứng kiến sự xuất hiện của các nhà thơ trưởng thành sau năm 1975. Đó là Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Trần Anh Thái, Đỗ Minh Tuấn, Trần Quang Quý, Inrasara, Đặng Huy Giang, Mai Văn Phấn, Dương Thuấn, Trần Quang Đạo, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Việt Chiến, Trương Nam Hương, Trần Hùng, Lê Minh Quốc, Lê Mạnh Tuấn... Thế hệ nhà thơ này cùng với các nhà thơ lớp trước, hội tụ tạo thành một đội quân hùng hậu, giàu nhiệt huyết đam mê bằng việc cho ra đời một số lượng tác phẩm đồ sộ, nhiều phong cách, giọng điệu khác nhau nhưng không loại bỏ, triệt tiêu nhau, đó là cánh rừng đa thanh, đa sắc mang vẻ đẹp độc đáo, mới lạ, làm nên một thời đại mới cho thơ sau năm 1975. 

Sự đổi mới này diễn ra sâu rộng ở cả nội dung và hình thức mà đặc biệt là việc tái khám phá hiện thực, xác lập vị trí của cái tôi cá nhân trên tinh thần cởi mở và nhân văn. Thơ quay về với cuộc sống đời thường, với mọi va đập đắng cay và hạnh phúc, tốt và xấu, yêu thương và căm giận... vượt lên sự mặc cảm phụ thuộc vào bao cấp để độc lập bước ra thế giới mênh mông, bất chấp mọi rủi ro, thách thức. "Thơ là tâm thế, là trạng thái trên đường, đặt ra vấn đề bản thể con người, khao khát quay về với bản thể, vấn đề của sự tồn tại" (Trương Đăng Dung)... Sự đổi mới này tiếp tục thôi thúc các nhà thơ thế hệ sau tìm kiếm, khai phá, mở rộng các cách thức biểu hiện mới, thi pháp mới cho thơ...

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa Đông thực hiện tuần tra bảo vệ đảo. Ảnh: PHÚ SƠN 

Có thể nói, 50 năm qua (1975-2025), thơ phát triển lên tầm mức mới bằng sự mở rộng các chiều kích, đội ngũ sáng tác đông đảo, ở mọi đề tài phong phú, đa dạng muôn màu sắc với rất nhiều tìm tòi sáng tạo. Trong đó, đáng chú ý là thơ về chiến tranh, đặc biệt là làn sóng trường ca lần thứ hai được các nhà thơ đào xới như một nhu cầu trả món nợ cho quá khứ với nhiều giọng điệu, nhiều sắc thái với những mất mát, đau thương, thẩm thấu tận sâu bên trong tâm hồn con người. Cùng với đó là cách nhìn mới mẻ, khác với làn sóng trường ca trước đó. Sự khác này không phải là sự đánh đồng địch-ta, bên chiến thắng và kẻ thua cuộc mà là: “Sự thể cao vời hơn, thăm thẳm hơn: Sự ưu tư về định mệnh dân tộc-suy tư về cội nguồn, về quê hương”... (Inrasara), với “Gọi nhau qua vách núi” của Thi Hoàng; “Đổ bóng xuống mặt trời”, “Ngày đang mở sáng” của Trần Anh Thái; “Chín tháng”, “Đò trăng” của Y Phương; “Trầm tích” của Hoàng Trần Cương...

Bên cạnh dòng văn học viết về chiến tranh, văn xuôi, thơ viết về biên giới, hải đảo từ năm 1986, đặc biệt sau năm 2000 phát triển mạnh mẽ. Tên gọi Hoàng Sa, Trường Sa vang lên đầy xúc động trong trái tim của mọi người Việt Nam ở cả trong nước và hải ngoại.

Nói gọn lại, thơ cũng như văn xuôi về đề tài chiến tranh cách mạng 50 năm qua có sự bứt phá mạnh mẽ ở một chiều kích mới mẻ, sâu sắc, cá tính hóa cao, nhà văn, nhà thơ tự do bộc lộ chính mình, sống đến tận cùng cái tôi bản thể.

Chưa một thời kỳ nào trong lịch sử văn học dân tộc, các nhà văn, nhà thơ lại được tự do biểu hiện mọi suy nghĩ của mình như giai đoạn đổi mới vừa qua. Sự đổi mới này diễn ra sôi động, sâu rộng, mạnh mẽ, quyết liệt với muôn vàn cách thức biểu hiện phong phú, đa dạng nhằm khai thác tối đa chiều sâu tâm linh và những góc khuất trong sâu thẳm tâm hồn con người. Thêm vào đó, thời đại intetnet đã cho ra đời hàng loạt website, blog của các tổ chức, cá nhân càng thúc đẩy mạnh mẽ mọi sự tìm tòi khám phá.

50 năm là một chặng đường khá dài, trong đó, văn học viết về chiến tranh cách mạng và người lính đã đạt được những bước tiến rất quan trọng trong sự phát triển chung của nền văn học dân tộc. Tuy nhiên, những năm gần đây, hình ảnh người lính xuất hiện rất ít ỏi trong văn học. Những tác phẩm viết về bộ đội chưa nhiều, chưa có được những tác phẩm đỉnh cao về người lính. Thế hệ nhà văn trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đa số đã lớn tuổi, sức viết không còn nhiều, những nhà văn sau năm 1975 do nhiều lý do ít quan tâm tới mảng văn học viết cho người lính. Lực lượng nhà văn trẻ, đang còn sức viết cũng rất mỏng và đa số không chuyên tâm với đề tài lực lượng vũ trang...

Thực tế trên đòi hỏi ngay từ bây giờ, các cơ quan có trách nhiệm cần phải tập trung các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn, bằng nhiều hình thức quan tâm, đầu tư thỏa đáng ở mọi cấp. Từ đó tạo ra động lực mới để động viên, khuyến khích các nhà văn tự nguyện dấn thân, đam mê sáng tác nhiều tác phẩm hay về đề tài xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn mới...

Nhà thơ TRẦN ANH THÁI