Một trong những kết quả có thể xem là nổi bật, để lại dấu ấn đậm nét, giúp văn học về đề tài công nhân có động lực là Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, Báo Lao động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức mới đây.
Cuộc thi này được phát động và thực hiện từ ngày 23-11-2021 đến 31-8-2023. Tổng kết cuộc thi, theo thông báo của Ban tổ chức, đã có 498 tác phẩm tham dự, trong đó có 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả đại diện mọi tầng lớp tham gia. Ban tổ chức cũng thông báo trên truyền thông, phần lớn là các tác giả không chuyên, có cả học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, Việt kiều gửi tác phẩm dự thi. Tác giả lớn tuổi nhất tham gia cuộc thi 86 tuổi, tác giả nhỏ tuổi nhất 12 tuổi. Từ số liệu này cho thấy nhu cầu thưởng thức văn học trong công nhân và đặc biệt là số người viết về đề tài công nhân trong xã hội ta không phải hiếm, nếu không muốn nói là rất hùng hậu.
|
|
Trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn năm 2023. Ảnh: HẢI NGUYỄN
|
Một số nhà văn chia sẻ rằng, cuộc thi đã thành công trên nhiều phương diện. Đặc biệt, tiền giải thưởng rất cao (giải nhất dành cho thể loại truyện ngắn trị giá 150 triệu đồng và thể loại tiểu thuyết có giá trị gấp đôi, 300 triệu đồng). Điều này chứng tỏ sự đầu tư khá lớn, bài bản của Ban tổ chức và sự ủng hộ rất nhiệt thành của các doanh nghiệp, doanh nhân.
Ngoài cuộc thi này, những năm gần đây, trên diễn đàn văn học, thỉnh thoảng cũng xuất hiện một vài tác phẩm truyện ngắn về đề tài công nhân. Một trong số đó có thể kể đến tác phẩm “Vết dầu khô nổi giận” của nhà văn Quân đội, Đại tá Nguyễn Đình Tú. Trong tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Đình Tú tập trung miêu tả, phản ánh đời sống, công việc của những người công nhân đóng tàu trước sự tác động mạnh mẽ của xã hội hiện đại. Nhà văn Nguyễn Đình Tú đã cho độc giả thấy được cách nghĩ, cách làm thậm chí là cả cách hưởng thụ rất khác nhau giữa thế hệ công nhân bố và thế hệ công nhân con trong một nhà máy. Mâu thuẫn được đẩy lên cực điểm khi người con của một quản đốc vốn được giáo dục chu đáo theo nếp cũ, nhưng lại phạm tội và bị đi tù vì không chấp nhận lối sống khác biệt của bạn cùng lớp, không chấp nhận bị bạn cùng trang lứa sỉ nhục.
Lịch sử văn học Việt Nam từ năm 1954 đến nay từng ghi nhận thời hoàng kim về đề tài văn học công nhân, nhất là ở giai đoạn 1955-1980. Thực tế cho thấy, ở giai đoạn này, tại miền Bắc nước ta triển khai xây dựng nhiều nhà máy, công trường, xí nghiệp, hầm lò cùng các thị xã ở TP Hà Nội, TP Hải Phòng và các tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh... Cũng trong giai đoạn chuẩn bị cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, có nhiều công trình thủy lợi, thủy điện được khởi công. Đây là những nơi tập trung đông thanh niên từ các miền quê về tụ hội. Nhờ vậy, phong trào đọc và thưởng thức các tác phẩm văn học phát triển rất mạnh.
Từ đây, nhiều nhà văn đã thành danh trong đề tài công nhân, đáng kể có Nguyên Hồng với bộ tiểu thuyết “Cửa biển”; Ma Văn Kháng với “Mưa mùa hạ”, “Một chiều dông gió”; Trần Nhuận Minh với “Âm điệu một vùng đất”, “Thành phố bên này sông”, “Trước mùa mưa bão”, “Hòn đảo phía chân trời”... Đó là Lý Biên Cương lăn lộn làm Báo Vùng Mỏ và từ đó đã viết ra những tác phẩm ấn tượng như: “Khoảng không của đất”, “Người đãi vàng”; Xuân Cang với “Suối gang”, “Lên cao”, “Trước lửa”, “Chặng đường nóng bỏng”. Đó là Võ Huy Tâm, người con của tỉnh Nam Định đã theo gia đình đến sinh sống và lập nghiệp ở vùng mỏ. Những ngày tháng làm thợ ở mỏ than Uông Bí (Quảng Ninh) giúp ông có những trải nghiệm quý giá để viết nên tác phẩm nổi tiếng "Vùng mỏ". Ngoài ra, ông còn nhiều tác phẩm khác vẫn trung thành với người thợ mỏ như: “Chiếc cán búa”, “Ngõ ngang xóm thợ”, “Những người thợ mỏ”... Đó là Võ Khắc Nghiêm với “Xung đột âm thầm”, “16 tấn vàng”, “Tìm lại chính mình”, “Mạnh hơn công lý”. Đó là Tạ Vũ, người không ngại xông pha, xung phong đi khôi phục đường sắt ở miền Tây, đi làm công nhân thăm dò địa chất để rồi cho ra đời những tác phẩm thật sự ám ảnh với độc giả.
Có thể nói, chính nhờ việc thâm nhập vào đời sống công nhân mà các nhà văn đã có những tác phẩm văn học xứng tầm, được bạn đọc hiểu hơn và yêu hơn nghề nghiệp, công việc và những vùng đất in đậm thời thanh niên sôi nổi.
Nhà văn Phong Điệp, Trưởng ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân đã lý giải nguyên nhân giai đoạn này văn học đề tài công nhân phát triển mạnh mẽ trong cuốn “Đường băng trong sáng tạo nghệ thuật”. Nữ nhà văn quê thành Nam nhận định: Văn học-nghệ thuật giai đoạn đó đã thật sự đồng hành với đất nước. Các nhà văn cũng đồng thời là những người thợ. Có người làm thợ mỏ, có người làm thợ lái tàu, có người làm công nhân của khu gang thép Thái Nguyên... Họ đến với văn chương, để trước hết, viết nên những câu chuyện của chính mình. Những nhà văn dù không phải là công nhân, thì cũng sẵn sàng lao vào cuộc sống của người thợ để được "3 cùng" (cùng ăn, cùng sống, cùng làm việc) với công nhân. Bởi vậy, những tác phẩm văn học về đề tài công nhân giai đoạn này thật sự sống động, hấp dẫn và có sự ám ảnh với công chúng.
Khi xem xét, phân tích tổng thể các yếu tố tác động, nhận thấy còn một nguyên nhân khác khiến văn học về đề tài công nhân kém sức hút và chưa phát triển là do sự tác động của nhu cầu sản xuất hàng hóa. Hiện nay, công nhân thường rất bận với công việc sản xuất, nhiều doanh nghiệp tổ chức tăng ca nên thời gian dành cho đọc sách ít đi. Ví dụ, khi làm việc trong các nhà máy giày da hoặc may mặc, vào dịp cuối năm, khi đơn hàng nhiều, công nhân thường tăng ca có khi đến 20 giờ hằng ngày mới về đến nhà trọ. Họ mệt mỏi, căng thẳng và dường như không còn đầu óc để hưởng thụ cái hay, cái đẹp trong mỗi tác phẩm văn học.
Hơn nữa, trong thời điểm này, sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã sản sinh ra nhiều sản phẩm hữu ích, đặc biệt là mạng xã hội. Lao động chạy theo công nghệ, theo tiến độ nên công nhân thích nghi nhanh với Facebook, Zalo, YouTube... hơn là đọc sách văn học. Ví dụ, sự bùng nổ của truyền hình. Nếu như giai đoạn trước, chúng ta chỉ có một kênh truyền hình thì nay đã có mấy chục kênh với nhiều chương trình giải trí, thu hút đông đảo người xem.
Nhiều bạn trẻ làm công nhân nhưng lại đam mê các trò chơi điện tử hoặc xem phim. Ở ngoài xã hội, các loại hình giải trí khác cũng bùng nổ. Đặc biệt, nhu cầu du lịch trong giới trẻ tăng cao khiến nhu cầu đọc sách và hưởng thụ các tác phẩm văn học bị lép vế. Điều này lý giải tại sao trong những giai đoạn trước, chúng ta có nhiều nhà văn trưởng thành từ công nhân, còn hiện nay thì việc tìm ra một nhà văn xuất thân từ công nhân giống như “đốt đuốc tìm sao”.
Trong hai năm gần đây, phong trào sáng tác văn học trong nước có nhiều khả quan khi có nhiều người, nhiều cơ quan, đơn vị ngoài nhà nước phối hợp để tổ chức các giải văn chương tư nhân. Những giải văn học này đã kích thích người viết gửi tác phẩm dự thi, trong đó có không ít tác giả làm việc tại các doanh nghiệp cả trong và ngoài nhà nước. Tuy nhiên, những tác phẩm văn học mang đậm hơi thở cuộc sống về đề tài công nhân thì vẫn chưa thấy xuất hiện.
Văn học trước tiên là sản phẩm của nhà văn thông qua sự sáng tạo về ngôn ngữ, kỹ năng xây dựng nhân vật điển hình, hoàn cảnh điển hình để phản ánh hiện thực phong phú, đa dạng, nhiều chiều, nhiều cạnh của cuộc sống. Thông qua tác phẩm và hình tượng nghệ thuật, nhà văn giúp độc giả cảm nhận những cái đẹp, cái hay, tránh xa cái ác.
Cũng từ văn học, con người được dạy cách yêu quý những gì gần gũi, thân thương nhất như quê hương, gia đình và làng xóm. Văn học bồi dưỡng lòng vị tha, dạy cho con người biết cảm thông với những phận đời bất hạnh, kém may mắn. Văn học giúp con người có động lực để nuôi dưỡng sức sáng tạo, ước mơ và hoài bão, hướng tới xây dựng một tương lai tốt đẹp, mở rộng thế giới tình cảm hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống.
Thiết nghĩ, việc xây dựng động lực cho văn học đề tài công nhân hiện nay rất cần những giải pháp dài hơi, chứ không chỉ một vài cuộc thi đơn lẻ.
VÂN VŨ