Sớm giác ngộ theo cách mạng

Ông Đặng Quân Thụy sinh năm 1928 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Từ tuổi niên thiếu, ông được bố cho theo học ở Hà Nội, đến năm 1941 thi đỗ vào Trường Bưởi nổi tiếng đất Hà thành và cả miền Bắc. Ở đây, ông được học tiếng Pháp và văn học Pháp. Với tố chất thông minh và ham học, ông còn học thêm tiếng Anh, tiếng Latin và mượn thẻ của các anh lớn tuổi để vào đọc sách ở Thư viện Pierre Pasquier (nay là Thư viện Quốc gia Việt Nam). Năm 1945, ông thi và đỗ tú tài khi vừa học xong chương trình năm thứ tư trung học.

Từ đầu năm 1944, chàng trai trẻ Đặng Quân Thụy và một số bạn bè bí mật tiếp xúc với phong trào cách mạng ở Hà Nội. Đến tháng 10-1944, ông gia nhập tổ chức Việt Minh, tham gia hoạt động bí mật như học tập chính trị, luyện tập quân sự, rải truyền đơn và đi vào nhà máy, về nông thôn tuyên truyền các chủ trương của Mặt trận, vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 19-8-1945, ông cùng những người dân khu vực đường Huế (phố Huế, Hà Nội ngày nay)-do ông vận động-hăng hái đi biểu tình, ủng hộ và phối hợp với lực lượng có vũ trang vào chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, góp phần vào thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội.

Chính quyền non trẻ bị đe dọa, quân Pháp trở lại miền Nam nổ súng gây hấn ở nhiều nơi. Tháng 9-1945, ông xung phong nhập ngũ và tình nguyện vào miền Nam chiến đấu trong đội hình Chi đội Vi Dân Nam tiến (Chi đội Vi Dân là một trong những đơn vị Việt Nam Giải phóng quân đầu tiên của Hà Nội-tương đương hơn một tiểu đoàn, tham gia chiến đấu ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên từ cuối năm 1945). Đại đội của ông chiến đấu anh dũng bảo vệ thị xã Buôn Ma Thuột (nay thuộc tỉnh Đắk Lắk). Trong một trận chiến đấu hồi đầu năm 1946, không may ông bị thương khi đang là Chính trị viên đại đội và được ra Bắc điều trị.

Những ngày đầu chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến, ông được Phòng Tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu phân công đi kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu ở nhiều địa phương và tại địa bàn Hà Nội, cùng Phòng Tác chiến báo cáo kịp thời và chính xác tình hình địch-ta để Bộ Tổng Tham mưu đề ra quyết sách đúng đắn.

Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947, Phòng Tác chiến cũng đóng góp công sức đáng kể làm nên thắng lợi. Đến Chiến dịch Biên Giới năm 1950, ta giành thắng lợi lớn hơn, tiêu diệt hai binh đoàn lính Âu-Phi và các lực lượng khác của địch, bắt sống hàng nghìn tù binh, trong đó có hai đại tá, thu nhiều vũ khí, giải phóng tuyến biên giới Cao Bằng-Lạng Sơn... Trong chiến dịch này, ông Đặng Quân Thụy và một số đồng chí của bộ phận trực ban tác chiến thường xuyên tổng hợp tình hình, chuẩn bị tài liệu để Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái báo cáo với Bác Hồ. Thời gian này, ông có may mắn là mấy lần được gặp Bác, được nghe Bác nói chuyện với cán bộ sau thắng lợi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đặng Quân Thụy được cử làm phái viên tác chiến của chiến dịch đi cùng các đại đoàn 308, 316 và một số trận đánh cụ thể khác...

Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tại chiến trường miền Nam ác liệt, với vai trò của người cán bộ tham mưu tác chiến, ông Đặng Quân Thụy liên tục có những đóng góp đáng kể vào thắng lợi của một số chiến dịch như chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City của Mỹ đánh vào căn cứ của Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam năm 1967. Ông được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Những năm 1968-1973, ông liên tục chiến đấu trên các chiến trường ác liệt ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ với cương vị Phó trưởng phòng Tác chiến rồi Tham mưu phó Bộ chỉ huy tiền phương của Miền, chủ trì xây dựng kế hoạch đánh Mỹ ở Trảng Lớn, Tây Ninh và Đường 22, kế hoạch giải phóng Lộc Ninh. Ông cũng tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động của lực lượng ta sang tác chiến giúp cách mạng Campuchia.

Sau này, ông Đặng Quân Thụy tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc trên cương vị Phó tư lệnh Quân khu 2, trực tiếp làm Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên. Trong những năm 1987-1992, ông đảm nhận trọng trách Tư lệnh Quân khu 2. Năm 2002, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam...

leftcenterrightdel

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tặng Trung tướng Đặng Quân Thụy, tháng 11-2023.

Những dấu ấn thời bình

Đặc biệt, dấu ấn lớn trong cuộc đời ông sau những năm đất nước đổi mới là ông được Đảng tin tưởng phân công, Quốc hội khóa IX bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh-một ủy ban quan trọng được thành lập từ nhiệm kỳ 1992-1997 theo Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Quốc hội. Nhiệm vụ chủ yếu của Ủy ban là tập trung vào những vấn đề thuộc phạm vi chính sách vĩ mô về quốc phòng, an ninh như: Xây dựng hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh; giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh và các chính sách đối với LLVT; kiến nghị bảo đảm ngân sách cho quốc phòng, an ninh,...

Mặc dù Ủy ban Quốc phòng và An ninh khóa này chỉ duy nhất đồng chí Chủ nhiệm là đại biểu Quốc hội chuyên trách, còn các thành viên khác đều kiêm nhiệm, nhưng tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa IX, Ủy ban đã “trình làng” một bản thuyết trình về tình hình và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước trong thời kỳ đổi mới và một số kiến nghị có thể nói là thành công. Lĩnh vực giám sát cũng rất rộng và nhạy cảm, nhưng Ủy ban đã chọn chuyên đề cần giám sát đầu tiên là tình hình biển, đảo, tập trung vào quần đảo Trường Sa, những năm tiếp theo là giám sát các địa bàn biên giới, biển, đảo phía Bắc, phía Nam... đóng góp quan trọng vào chương trình, kế hoạch xây dựng và bảo vệ biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới. 

Tôi có nhiều thời gian tiếp xúc và phục vụ ông Đặng Quân Thụy trong công việc tại Quốc hội khóa IX và một phần của Quốc hội khóa X, tôi thấy ông luôn điềm đạm, nhẹ nhàng, khiêm tốn, giản dị và dễ gần. Ông hầu như không nói về mình nên có thể nhiều cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội không biết quá khứ lẫy lừng trận mạc khắp các chiến trường của ông gần một nửa thế kỷ.

Tôi được biết ông đã 3 lần vào chiến đấu ở miền Nam với bao gian truân, thử thách. Đầu tiên là những ngày Nam tiến, tiếp đến là chuyến vượt Biển Đông trên tàu không số cả tháng trời vật lộn với bão tố và sự săn lùng gắt gao của máy bay, tàu chiến Mỹ-ngụy. Và lần thứ ba mất nhiều tháng hành quân bộ cực kỳ gian khổ vượt Trường Sơn vào tận miền Đông Nam Bộ càng tôi luyện ý chí kiên cường ở một sĩ quan tham mưu tác chiến dày dạn như ông.

Là cán bộ ở cương vị cao như vậy nhưng ông luôn quan tâm đến anh em cán bộ cấp dưới. Dù việc to hay nhỏ nhưng có liên quan đến công bằng, uy tín của cấp dưới, ông thấy cần là sẽ lên tiếng kịp thời, giúp anh em phấn khởi, yên tâm công tác.

Trong gia đình, ông Đặng Quân Thụy là người rất mẫu mực, tấm gương sáng cho con cháu nội ngoại noi theo. Hiện nay, ở tuổi 96 nhưng ông vẫn minh mẫn, không khí gia đình lúc nào cũng ấm cúng, hạnh phúc viên mãn, các con trưởng thành, các cháu đều chăm ngoan học giỏi, kính trọng ông bà. Niềm vui của gia đình càng nhân lên khi năm 2023, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

NGUYỄN NHÂN TỎ