Đó là lời của một đồng chí cán bộ phường Thống Nhất, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) nói về cựu chiến binh Vũ Minh Thám, 82 tuổi, nhân dịp ông được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng vào đầu năm 2024. Một chị đảng viên trẻ trong buổi lễ hôm ấy đã đưa ra so sánh khá thú vị: “Bác Thám thương binh nặng, mất trên 70% sức khỏe mà chỉ với gần 30% sức lực còn lại, thời gian qua bác đã làm được bao nhiêu việc cho bà con, chúng cháu thanh niên cũng theo không kịp!”...

Tuổi 18, chàng trai Vũ Minh Thám quê Yên Trị, Ý Yên, Nam Định hăng hái lên đường nhập ngũ, dù năm đó đã có vợ. Sau mấy tháng huấn luyện ở Xuân Mai, Hà Tây (nay là Hà Nội), anh được biên chế về một tiểu đoàn độc lập, phiên hiệu 966, tháng 10-1963 đơn vị vào Nam, nằm trong đội hình mới thành lập của Sư đoàn 1, sư đoàn chủ lực đầu tiên của Mặt trận B3.

Có một “chuyện nhỏ” trong bước đường phấn đấu của người binh nhì lúc còn ở ngoài Bắc. Sẵn bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh say sưa tập luyện, công tác, chấp hành nghiêm kỷ luật, song đã hai năm trong quân ngũ mà vẫn chưa được kết nạp Đảng. Đơn vị về quê xác minh, do lý lịch bên nhà vợ “có vấn đề” mà bị ách lại. Anh ngầm hứa với mình: Lần này vào Nam chiến đấu ta sẽ luôn có mặt trên tuyến đầu! Và thực tế hơn 6 năm ở chiến trường Tây Nguyên gian khổ ác liệt đã minh chứng cho phẩm chất cao đẹp của người lính ấy, đó là dũng cảm đi đầu.

Trong trận Plei Me lịch sử, Trung đội trưởng Vũ Minh Thám chỉ huy đánh cao điểm đồi Cây Độc lập. Địch trong công sự, phía ngoài có xe bọc thép yểm trợ chống trả ác liệt, trung đội anh đã bắn cháy 3 xe M113, diệt hàng trăm lính ngụy. Chiến thắng nhưng trung đội hy sinh gần hết, anh trong số ít ỏi còn lại bị thương. Có hai chiến sĩ bị thương nặng đưa ra miền Bắc trước, đến một bến phà ở Quảng Bình cũng bị máy bay địch ném bom hy sinh cả. Lần ấy anh bị thương vào cổ không nói được, điều trị tại chỗ một thời gian, trên định giữ làm trưởng tiểu ban bảo mật, anh nằn nì được đi chiến đấu.

Lần thứ hai vào đầu năm 1966 ở trận làng Mít Dép thuộc tỉnh Kon Tum, khi bị thương, thấy vết thương không trầm trọng, anh chủ động xin tiếp tục ở lại chiến đấu không muốn về tuyến sau. Đến lần bị thương thứ ba ở Đông Sa Thầy (Kon Tum). Đạn xuyên gãy một cánh tay, người chỉ huy có ý dứt khoát đưa anh về dưỡng thương, cuối cùng thì anh vẫn tìm cách về lại đơn vị. Đến năm 1969, anh đã là tiểu đoàn trưởng. Trong trận đánh vào thị xã Plei Cu, anh đi với đại đội đột phá khẩu, lúc sắp toàn thắng thì bất ngờ một viên đạn bắn thẳng của địch trúng vào một phần mặt và chân, anh gục xuống. Nhiều ngày anh nằm mê man. Lần này thì anh được chuyển thẳng ra Hà Nội chữa trị và chỉnh hình hàm mặt ở Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)...

leftcenterrightdel

Con cháu chúc mừng ông Vũ Minh Thám (đứng giữa) nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Cũng cần nói thêm, thời kỳ Vũ Minh Thám chỉ huy tiểu đoàn độc lập ở Tây Nguyên, đã đánh nhiều trận làm quân địch khiếp đảm, chúng gọi anh là “Hổ xám Plei Cu”. Hiện ở nhà còn treo một tấm ảnh kỷ niệm, Tiểu đoàn trưởng Vũ Minh Thám chụp với Anh hùng Núp, khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trong một hội nghị mừng công năm 1968.

Bốn lần bị thương và lần thứ tư rất nặng mới chịu về hậu phương. Điều trị và an dưỡng một thời gian, Tiểu đoàn trưởng Vũ Minh Thám lại tỏ ra rất mừng thấy mình “được” giám định thương binh loại 2, mất 71% sức khỏe, vì nếu chỉ thêm vài phần trăm nữa, lên loại 1, loại nặng nhất, thì anh sẽ không thể được ở trong quân ngũ, lúc nào trong anh cũng khao khát trở về đội hình chiến đấu.

Ra Bắc, anh được phong quân hàm Đại úy rồi lần lượt lên Thiếu tá, Trung tá. Khi sức khỏe đã dần ổn định, anh được điều về làm Giám đốc Xí nghiệp May thương binh 134 thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam). Tiếp đến, đầu thập niên 1980, Quân khu 3 rầm rộ phong trào “Vươn ra Biển Đông làm giàu đánh thắng”, Trung tá Vũ Minh Thám lại được điều làm Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Đoàn 500 lấn biển ở vùng bãi triều Cồn Thoi, Ninh Bình. Trên mặt trận xây dựng kinh tế, vẫn là tác phong xông xáo đi đầu, Vũ Minh Thám không nề hà bất cứ việc gì, luôn sống thanh thản vô tư, không chút so đo cấn cá thiệt hơn cho cá nhân.

Năm 1987, Trung tá Vũ Minh Thám được nghỉ hưu sau 26 năm liên tục trong quân ngũ. Ông về với vợ con ở phường Đồng Tiến, thị xã (nay là thành phố) Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Cấp ủy địa phương muốn ông đứng ra gánh vác công việc của phường. Dẫu sức khỏe, tuổi tác đã có nhiều hạn chế, nhưng phẩm chất đi đầu của người lính thì vẫn nguyên đó, ông không thể phụ niềm tin của bà con lối xóm. Ngày ấy, cái thị xã miền núi chạy dọc Quốc lộ 6 này chưa lên thành phố loại 3, các hộ dân xung quanh đều nghèo và đây còn là cửa ngõ trung chuyển ma túy từ Tây Bắc về, đầy rẫy tệ nạn nghiện hút... Ông Thám được tập thể tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND phường.

Việc đầu tiên ông thấy là muốn nói bà con nghe thì trước hết gia đình mình phải gương mẫu. Ông chủ động đưa ra cuộc họp việc trong nhà, anh con rể tương lai bị nghiện hút và bà xã hay chơi đề đóm, nhờ đoàn thể và bà con góp ý cùng ông giải quyết dứt điểm. Ông còn bảo, phường này, ngõ này, thời chiến bom đạn bời bời thế mà chưa đến chục người hy sinh ngoài trận mạc, thời bình có mấy năm lại có nhiều thanh niên, thiếu niên chết vì ma túy, thậm chí có nhà hai, ba đứa. Đau xót lắm! Khi biết con gái mình yêu một anh mới dính nghiện, ông không cấm đoán mà chỉ hết sức khuyên bảo cả hai, rồi thấy chúng quyết gắn bó với nhau, ông nhờ chính quyền, đoàn thể đứng ra tổ chức đám cưới ngay, sau đó tiếp tục tạo điều kiện cho con rể có việc làm, cai dứt điểm.

Sự rốt ráo và kiên trì giáo dục như thế đã mang lại hạnh phúc thực sự cho gia đình bé nhỏ của con gái ông. Còn với việc chơi đề đóm của bà dễ giải quyết hơn, chỉ một thời gian ngắn trong nhà đã yên ổn. Sự minh bạch, sòng phẳng của ông cũng đã có tác dụng lan tỏa tốt đến những nhà xung quanh, cho xã hội và giúp ông có điều kiện toàn tâm toàn ý lo công việc chung.

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc theo dự án PAM, chủ yếu là trồng cây keo. Lúc đó nền kinh tế nước ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, mọi thứ còn rất khó khăn, việc tham gia dự án sẽ có ý nghĩa thiết thực cho xóa đói giảm nghèo. Đồng Tiến cũng nghèo như nhiều phường khác, dân chỉ đi làm thuê hoặc chạy chợ buôn bán vặt.

Ngay từ đầu, ông Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến Vũ Minh Thám đã nhận thức được ý nghĩa thiết thực ích nước lợi nhà của “sổ gạo PAM”. Ông đặt vấn đề: Phường mình không có đất trồng rừng thì vẫn có thể tham gia dự án bằng cách tận dụng đất trống đồi trọc của xã, phường bạn. Còn trở ngại nữa là về tâm lý. Không ít công dân phường có suy nghĩ, mình dân “thị xã” mà đi cuốc đất trồng cây à? Trồng đại trà trên đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” như thế thì có được thu hoạch gì... Ông kiên trì giải thích, thuyết phục, trước hết nhắm vào những hộ nghèo thực sự muốn đổi đời, những cựu chiến binh, đảng viên gương mẫu đi đầu.

Xã Sủ Ngòi, huyện Kỳ Sơn (nay thuộc TP Hòa Bình), nơi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, vốn liền đất với phường Đồng Tiến, còn nhiều vùng đồi hoang hóa. Ông đã lặn lội đi khảo sát thực địa, sau đó để nhiều ngày vận động, thuyết phục cấp ủy, chính quyền sở tại. Cuối cùng, ông thương thảo thành công, có được hơn 100ha đất trống đồi trọc của xã bạn dành cho dân phường Đồng Tiến làm dự án. Để minh bạch, chính gia đình ông lại không nhận mét đất trồng rừng nào. Đi đôi với tái định cư là việc mở đường để các hộ có thể sống lâu dài trên vùng đất được giao 50 năm. Một khu xóm mới hình thành. Ông lại vận động bà con hiến đất mở đường, liên hệ với đơn vị bộ đội vào thi công, chẳng bao lâu đã có một con đường phẳng phiu rộng 6m, dài trên một cây số nối xóm mới với Quốc lộ 6, với thành phố. Thế là, xóm Can heo hút ngày xưa đã nhanh chóng hình thành một tổ dân phố mới với hơn 110 hộ, gần 600 nhân khẩu.

"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", nhiều năm nay xóm mới phát triển mọi mặt, người dân giàu lên nhờ biết sinh kế trên đất rừng. Hộ của cựu chiến binh Hồ Văn Quý, quê Hà Nam là một điển hình thoát nghèo. Năm 1992, ông Quý nghe theo Chủ tịch UBND phường Vũ Minh Thám, đưa vợ con lên đồi Cháy, xóm Can dựng lều tá túc và nhận 5ha đồi dốc trồng keo. Dưới tán rừng lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông cần mẫn trồng xen canh ngô, sắn, khoai sọ. Còn chăn nuôi lợn, gà và đặt nhiều đõ ong lấy mật. Từ năm 2000, gia đình ông đã có thu nhập lứa rừng đầu tiên. Nhờ vốn ban đầu, cộng với các nguồn thu khác, ông Quý xây nhà cửa, chuồng trại, mở rộng sản xuất. Sau cho các con ra ở riêng, đời sống đại gia đình ngày càng khấm khá...

Giờ đây, du khách đến thăm tổ 24, xóm Can, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình còn được nghe bà con nói câu cửa miệng: “Chúng tôi biết ơn ông Vũ Minh Thám lắm!”.

Sẽ còn “kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Và đến hôm nay, vẫn còn đấy người lính già đầu bạc Vũ Minh Thám của chúng ta. Trong hoàn cảnh nào, người đảng viên-cựu chiến binh ấy cũng luôn đi đầu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đại tá, nhà văn PHẠM QUANG ĐẨU