Tôi có mặt ở nhà ông Thành vào một buổi sáng trong lành sau trận mưa đêm. Ngôi nhà của ông khang trang giữa một khu vườn râm mát, rộn rã tiếng chim. Phía trước mặt là cánh đồng lúa đang vào chắc. Ông Vũ Kim Thành sinh năm 1953, tại làng Hạ Nậu, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ-một làng quê trung du nằm bên hữu ngạn sông Hồng chỉ có nghề chăn nuôi và trồng trọt, những quả đồi thấp nằm rải rác giữa những cánh đồng nhỏ hẹp xen kẽ với ao, đầm tự nhiên.

Ông Thành sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cụ thân sinh ra ông Thành là cựu chiến binh thời chống Pháp. Nhà ông có 5 anh em trai thì 4 người nhập ngũ. Anh trai ông Thành là cựu chiến binh thời chống Mỹ. Hai em trai ông cùng nhập ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới. Ông Thành được học hết cấp 3 rồi nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, tháng 8-1971, cũng là giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông vào chiến trường B. Nhà nghèo, đông anh em, cuộc sống vốn đã kham khổ nên trong suốt thời gian quân ngũ, những khó khăn, thiếu thốn, gian nan và đạn bom ác liệt không làm hao mòn ý chí của người lính tuổi mới mười tám, đôi mươi. Năm 19 tuổi (1972), ông Vũ Kim Thành được phong là dũng sĩ phá bom và được kết nạp Đảng. Chứng kiến đồng đội hy sinh, bị thương, phải cắt cụt tay, chân... ngay từ chiến hào, ông đã ước mơ, nếu may mắn, lành lặn trở về sẽ quyết tâm tiếp tục học hành để trở thành bác sĩ.

Đất nước thống nhất, năm 1976, ông Thành nghỉ phép về quê cưới vợ, sau đó tiếp tục được đơn vị cử đi học để ôn luyện kiến thức văn hóa, chuẩn bị cho kỳ thi ông hằng mơ ước. Sau gần hai năm học tập, ông Vũ Kim Thành dự thi và trúng tuyển Học viện Quân y Khóa 13, vào tháng 9-1978. Sau 6 năm học tập, rèn luyện, tốt nghiệp ra trường, Trung úy, bác sĩ Vũ Kim Thành được điều về công tác tại Bệnh viện Quân y 109, Quân khu 2. Ngày đó, ông Thành là bác sĩ đầu tiên của làng và dòng họ nên ngoài việc làm tròn nhiệm vụ của một bác sĩ quân y, ông còn gánh trên vai niềm tin, niềm tự hào của bà con làng xã, họ mạc.

leftcenterrightdel

Ông Vũ Kim thành bên vợ và các con. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Thời điểm sau chiến tranh, lương thực ở miền Bắc thiếu trầm trọng. Đó cũng là giai đoạn chuyển giao mô hình sản xuất nông nghiệp, nông thôn miền Bắc chao đảo bởi những luồng tư tưởng "nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ" hay "một vạch ba sao không bằng một sào ruộng khoán", thì việc cả một đại gia đình "phi nông nghiệp" với tem phiếu, gạo sổ, chật vật giữa vùng nông thôn cũng khiến ông Thành đôi khi không khỏi chạnh lòng nghĩ tới vợ con ở quê.

Làm bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 109, ông Thành tạo được niềm tin với đồng nghiệp, bệnh nhân nhờ trình độ cũng như kinh nghiệm của bản thân. Với ý chí không ngừng học hỏi, đồng thời cũng là yêu cầu chuyên môn, ông Vũ Kim Thành đã học bác sĩ chuyên khoa I rồi cao học. Năm 1994, sau khi nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Phẫu thuật thần kinh, ông trở về tiếp tục công tác tại Bệnh viện Quân y 109 và đảm nhiệm cương vị Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm khoa Chấn thương-Chỉnh hình. Năm 2008, ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.

Năm 2011, sau 40 năm chiến đấu và cống hiến hết mình cho Quân đội, nhân dân, ông về nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng với tinh thần và nhiệt huyết cống hiến của một quân nhân, ông Thành tiếp tục trợ giúp về kỹ thuật chấn thương chỉnh hình cho bệnh viện huyện nơi quê nhà với nhiều ca thăm khám và điều trị phức tạp. Cũng ngay chính tại ngôi nhà ông ở, dù không có phòng khám nhưng bà con làng xóm, họ hàng gần xa, mỗi khi ai đó gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe đều tìm đến ông để được khám, tư vấn miễn phí.

Trẻ con ở làng nghịch ngợm bị tai nạn gãy tay, rạn xương, chệch khớp... đều qua ông bó bột đắp thuốc, chỉnh nắn. Người lớn thoái hóa xương, chấn thương do tai nạn, người nhà thường đem phim chụp đến cho ông xem giúp, tư vấn. Có người ông khuyên chỉ cần nằm im dưỡng thương sẽ khỏi, người lại được ông khuyên lên bệnh viện huyện điều trị, người thì cần phải đến bệnh viện tỉnh vì phương tiện ở đó khám, chữa tốt hơn, có người ông đề nghị gia đình phải đưa về bệnh viện Trung ương để kịp thời chữa trị... Nghề y có lẽ là nghề không có khái niệm nghỉ hưu khi người thầy thuốc còn sức lực và tâm huyết. Còn sức thì còn giúp đời. Nhất là với những người từng trải qua thời trai trẻ đứng trong hàng ngũ chiến đấu thì càng không dễ bị khuất phục bởi gian nan, vất vả, mà trở thành niềm tự hào theo họ suốt đời.

Còn nhớ mùa hè năm 2016, con trai tôi trong lúc chơi bóng bị bóng dội vào tay khiến cháu rất đau đớn, không thể cử động. Tôi lập tức đưa cháu đi chụp chiếu rồi mang qua nhờ ông Thành đọc phim. Có thể nói, đọc phim là sở trường của ông. Ông nói cháu bị gãy ngậm xương cổ tay, trẻ con bị như thế này không hiếm, bó bột 12 ngày sẽ lành. Sau đó, tay của con tôi được chữa lành và cháu đã trở lại sinh hoạt bình thường. Ông Thành luôn tư vấn và khám miễn phí cho bà con. Tại nhà, ông chỉ đọc phim, làm những thủ thuật đơn giản nhưng rất hiệu quả. Với những ca phức tạp, điều trị lâu dài hoặc phải dùng thuốc thì ông khuyên người bệnh tới bệnh viện. Ông cũng khiêm tốn nhận mình chỉ giúp bà con trong phạm vi và khả năng cho phép vì nghề y liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người nên phải rất cẩn trọng. Dù vậy nhưng đối với bà con làng xóm, ông Thành như một điểm tựa tinh thần để khi cần, được ông tư vấn, khích lệ, chỉ dẫn, ai cũng thấy an tâm.

Thời điểm ông nghỉ hưu cũng là giai đoạn vùng quê Tam Nông, Phú Thọ đang bước vào thời kỳ xây dựng nông thôn mới. Nhà nhà xây dựng, trường lớp tu bổ khang trang, những con đường mới liên thôn, liên xã trải nhựa, bê tông bằng nguồn xã hội hóa. Ngay tại làng Hạ Nậu, rất nhiều hạng mục công cộng được xây dựng, công trình nào cũng có sự đóng góp của ông Thành. Sau khi lo cho 4 con ăn học rồi xây dựng gia đình, ông toàn tâm toàn ý với công cuộc đổi mới ở nông thôn, tại chính mảnh đất quê hương. Ông luôn là người đi đầu trong các hoạt động "vì nông thôn đổi mới", là người con ưu tú của quê hương, một tấm gương sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.

Năm 2022, ở tuổi 69, ông Vũ Kim Thành vinh dự nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ cho tôi rất nhiều giấy khen, bằng khen, huân, huy chương treo trên tường, đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào nhưng cử chỉ và lời nói rất đỗi chân chất, giản dị: "Tuổi trẻ mà, lúc đã đeo ba lô và vác súng lên vai thì ai cũng thế thôi. Chỉ có chiến đấu thì đất nước mới thống nhất, hòa bình. Hòa bình rồi mới có thể trở về và tiếp tục những điều mình mơ ước". Rồi ông pha trà, rót nước và nói chuyện làng xã, thời cuộc chứ không kể gì về mình. Cuộc sống là thế, lúc bận rộn giúp đời, khi thảnh thơi điền viên, quây quần bên cháu con, khi đi thăm đồng đội, chiến trường xưa, lúc gặp gỡ người quen, họ hàng, sống chan hòa, gần gũi với bà con lối xóm... Cứ thế, ông Thành đã sống một cuộc đời bình dị nhưng thật đẹp và ý nghĩa.

TỐNG NGỌC HÂN