8 năm về thăm nhà một lần

Đến thăm cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần ở phường Long Trường (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), nhiều người có cảm giác như bước vào một doanh trại Quân đội, bởi hầu hết sinh hoạt của các bé đều rất nền nếp và đoàn kết. Người xây dựng mái nhà chung đó là ông Bùi Công Hiệp, Giám đốc của cơ sở.

Ông Hiệp sinh năm 1958 tại Bình Dương. Sau năm 1975, ông Hiệp tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Đến năm 1979, ông nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 17, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 (Quân khu 7), tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Hai môi trường đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời của ông. Tâm sự về cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần, ông Hiệp xúc động: “Tôi nhận ra rằng, không nhất thiết phải là anh em ruột mới thương yêu nhau, chỉ cần sống chung một môi trường, chung một mục đích thì tình đoàn kết vô cùng mạnh mẽ. Các em nhỏ ở đây không mồ côi, chúng có cha mẹ là vợ chồng tôi. Hàng trăm anh em dưới một mái nhà, các nhà hảo tâm đến đây đều là cô, dì, chú, bác... của các em”.

Nhớ lại ngày đầu tiên khi ông Hiệp bế một đứa trẻ về nhà và nói sẽ nuôi dưỡng đến khi trưởng thành, bà Hoàng Lan-vợ ông Hiệp hết sức bất ngờ, không đồng ý. “Nhìn bé rất thương nhưng tôi vẫn tỏ ra cứng rắn vì sợ ông ấy sẽ mang về nhiều bé hơn, thêm nữa, chăm sóc trẻ nhỏ đâu có dễ dàng, nhỡ không nuôi được cẩn thận thì lại mang tội”, bà Lan tâm sự.

Ít hôm sau, bà Lan về quê ngoại chăm mẹ ốm. Nhân “cơ hội quý”, ông Hiệp mang tiếp bé thứ hai về nhà. Từ quê lên, bà Lan không còn cứng rắn được nữa, bật khóc trong sự bất lực với những quyết định của chồng. Rồi con gái của ông bà cũng “tị” rằng: “Ba không còn thương tụi con nữa rồi nên mới đón các bé về nuôi”. Tuy nhiên, ông Hiệp vẫn tiếp tục mang các bé về.

Bà Lan còn bị sốc khi biết chồng không làm đúng lời hứa về ngôi nhà mới xây ở quận 9. Lúc bắt đầu xây, ông bà tính sau này nghỉ hưu sẽ dọn về ngôi nhà này để an dưỡng hưởng tuổi già. Ngờ đâu, khi xây xong, ông Hiệp đón các bé về để nuôi dưỡng. Thậm chí, ông còn giấu vợ, nhờ bạn bè làm giấy tờ, thủ tục để thành lập cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần.

Bế những đứa bé còn đỏ hỏn trên tay, người đàn ông khi đó đã ngoài 60 tuổi tỏ rõ sự vụng về. Tuy nhiên, với bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, quyết tâm làm bằng được, ông Hiệp đã chứng minh cho vợ về khả năng chăm trẻ của mình. “Đầu tiên tôi bỏ nhậu nhẹt, học cách cho bé bú bình, thay tã, ngủ, dỗ dành khi chúng khóc... Bà xã lúc đó còn giận dỗi chưa muốn cùng tôi chăm các bé, cũng như muốn tôi hiểu thế nào là sự cực nhọc của người mẹ chăm con. Bà nói, ngày xưa hai đứa con ông chẳng chăm được ngày nào, giờ ông có tuổi lại muốn chăm các bé thì ông phải làm được tôi mới cùng ông làm cha, làm mẹ bọn trẻ. Đến mãi tháng 3-2013, tôi mới vượt qua được thử thách bà xã đề ra, từ đó vợ chồng dốc mọi sức lực lo cho các bé”, ông Hiệp nhớ lại.

Số lượng các bé ở mái ấm Thiên Thần tăng lên nhanh chóng, công việc hằng ngày lo cho các bé rất nhiều khiến ông Hiệp chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhà ở ngay quận Bình Thạnh nhưng trong vòng 8 năm ông đều ở “mái nhà thứ hai” mà không ghé qua nhà mình. “Có lần đi về qua nhà cách 100m nhưng tôi không vào sợ quyến luyến rồi quên việc nên đi thẳng về luôn với các bé. Bà xã thì hằng ngày đi xe máy tới cơ sở phụ giúp tôi lo ăn ở, tắm giặt cho các bé, rồi tối lại về nhà”, ông Hiệp cho biết.

Dành trọn tâm huyết cho đàn con thơ

Chị Võ Dung Hạnh, bảo mẫu tại cơ sở Thiên Thần, chia sẻ: “Bố Hiệp dành hết thời gian cá nhân cho các bé ở đây. Bố quan tâm từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học hành của từng bé. Bố rất ít đề cập đến những khó khăn gặp phải mà luôn để cho mọi người thấy rằng, bố có thể vượt qua thử thách để mọi người tin tưởng”.

Chia sẻ về cái tên Thiên Thần, ông Bùi Công Hiệp cho biết, khi chúng ta gặp hoạn nạn thì luôn mong thiên thần xuất hiện và cứu giúp. Thiên thần mang yêu thương rải khắp muôn nơi. Ông mong các bé sẽ trở thành những thiên thần, mang yêu thương lan tỏa trong xã hội nên mới đặt cho cơ sở của mình cái tên Thiên Thần.

leftcenterrightdel

Ông Bùi Công Hiệp và những đứa con. 

Hiện nay, ở cơ sở Thiên Thần, ngoài vợ chồng ông Hiệp còn có 15 bảo mẫu chăm sóc các bé. Nhưng, bằng tấm lòng của một người cha, hằng ngày ông Hiệp đều dậy từ 4 giờ sáng, trực tiếp nấu ăn cho các bé, chuẩn bị quần áo cho các bé đi học và lái xe đưa các bé đến trường. Sau đó, ông Hiệp trở về mái ấm trực tiếp cùng các bảo mẫu dọn dẹp, giặt giũ quần áo, chuẩn bị bữa trưa cho các bé... Ròng rã như vậy hơn chục năm, ông Hiệp chưa bao giờ than phiền.

Áp lực cuộc sống, rồi việc kinh doanh ở xưởng cơ khí Công Huy do ông làm Giám đốc (giờ xưởng đã bàn giao lại cho con trai)-nơi mang lại nguồn thu chính của gia đình nhiều lúc cũng gặp khó khăn. "Những điều đó đôi lúc khiến tôi mệt mỏi, nhưng khi trở về với các bé, tôi như được tiếp một nguồn năng lượng đặc biệt để vượt qua. Tôi phải cảm ơn các bé đã giúp tôi tràn đầy năng lượng tích cực mỗi ngày”, ông Hiệp bộc bạch.

Hiện nay, các bé rất thích khi được sinh hoạt ở một mái nhà nền nếp, kỷ luật và đoàn kết như môi trường quân ngũ. Cứ mỗi chiều thứ bảy, ông Hiệp lại cho các bé đi bộ, dạo phố để rèn luyện sức khỏe mà ông và các bảo mẫu gọi vui là “hành quân dã ngoại”. Ông mong các bé sau này sẽ được trải qua môi trường bộ đội thực sự.

Với mong muốn sau này khi các bé trưởng thành, lập nghiệp phương xa thì cơ sở Thiên Thần vẫn là ngôi nhà, chốn đi về, ông Hiệp đã bàn bạc, thống nhất trong gia đình chuyển nhượng khu đất rộng 2.500m2 và ngôi nhà 3 tầng rộng 800m2 ở phường Long Trường trị giá hơn 100 tỷ đồng cho cơ sở Thiên Thần.

Mong những đứa trẻ thành người tử tế

Với hơn 100 người con, không ít người “ghen tỵ” với vợ chồng ông Hiệp. Họ nói, sau này chúng lớn lên sẽ báo hiếu ông bà, lúc đó tha hồ mát lòng mát dạ. Tuy nhiên, ông Bùi Công Hiệp không nghĩ vậy. Ông dành tài sản cả đời tích cóp để chăm sóc, nuôi dạy những đứa trẻ không phải trông chờ chúng báo hiếu mà chỉ mong các con trưởng thành và trở thành người tử tế, có ích cho quê hương, đất nước.

“Tôi và gia đình đã thống nhất, mọi tài sản làm ra sẽ đều dành cho các bé ở cơ sở Thiên Thần. Vừa rồi gia đình đầu tư thêm 7 tỷ đồng để xây một tòa nhà mới rộng 800m2, dành 2.000m2 làm sân vận động và một hồ bơi chuẩn quốc gia để dạy bơi và rèn luyện sức khỏe cho các bé. Tôi cũng đã mua 10ha đất rừng ở Lâm Đồng để hằng tháng cho các bé về học cách trồng cây, hòa mình vào thiên nhiên để biết yêu quý, trân trọng sức lao động”, ông Hiệp tâm sự.

Em Bùi Kim Giáp, năm nay 11 tuổi, là đứa trẻ đầu tiên ông Hiệp nhận về nuôi năm 2012. Tên các bé do ông đặt, còn họ thì ông để theo họ mẹ của các cháu. Có người hỏi, sao ông không đặt theo họ của mình? Ông Hiệp cho biết, không ép các con thuộc quyền sở hữu của ông. Ông muốn sau này các bé sẽ tìm lại mẹ ruột để mẹ con đoàn tụ, trong giấy khai sinh có họ mẹ, các con cũng đỡ tủi thân hơn.

Còn các con gọi ông là bố không phải theo máu mủ mà để nhắc nhở trách nhiệm của người làm bố đối với các con. Tên mỗi bé đều mang một ý nghĩa, như Kim Giáp là bộ áo giáp vàng cứng cáp để bảo vệ đàn em, vì Giáp là đứa con lớn nhất trong 133 bé.

“Tôi nói với bà xã, tôi muốn những đứa con của mình sau này trở thành những chú đại bàng sải cánh bay cao chứ không phải là chú gà con trong vườn. Muốn được vậy thì chúng ta phải dạy dỗ cho chúng tốt ngay khi còn bé”, ông Bùi Công Hiệp bộc bạch.

Bài và ảnh: HY NHÂN - DIỆU HUYỀN