Cứu hai trẻ sơ sinh sắp bị chôn sống vì hủ tục

Vào một ngày đầu tháng 9-2023, tôi nhận được điện thoại của Đại tá Đậu Xuân Tường, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 470 mời dự buổi gặp các nhân chứng đặc biệt là con nuôi của Bộ đội Trường Sơn... Tôi vội vã đến trước giờ hẹn nhưng đã thấy Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền, Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Đại tá Đậu Xuân Tường, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 470; Thượng tá Nguyễn Đức Tín, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn Viện Quân y 48 và hai người được Đại tá Đậu Xuân Tường giới thiệu là con nuôi của Bộ đội Trường Sơn. Mắt tôi nhiều lần nhòe đi vì xúc động khi nghe câu chuyện cứu và nuôi hai trẻ sơ sinh người Lào của Bộ đội Trường Sơn nửa thế kỷ trước...

Chuyện xảy ra vào đúng dịp kỷ niệm 29 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (tháng 12-1973), tại Binh trạm 37-Binh trạm cuối cùng sâu nhất và cũng ác liệt nhất trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn ở khu vực tiếp giáp 3 nước Đông Dương. Binh trạm 37 lúc bấy giờ do Sư đoàn 470 quản lý.

Đang chuẩn bị ăn cơm trưa, Đội điều trị của Binh trạm 37 nhận được lệnh đến bản Nọi, xã Phăng Đen, huyện Xaysetha, tỉnh Attapeu, Lào cấp cứu một cặp song sinh của bộ đội Pathet Lào. Tới nơi, hai cháu sơ sinh đã được dân bản chuyển ra chuẩn bị chôn cùng mẹ theo tập tục ở đây, vì mẹ cháu đã chết. Hai bé trai nặng 1,2kg và 1,5kg, người tím tái đang thoi thóp thở. Tổ cấp cứu xin ý kiến, được cấp trên chỉ đạo phải cứu và đưa hai cháu về Đội điều trị ngay.

Trong khi gia đình còn đắn đo, phân vân, tổ cấp cứu đã thuyết phục dân bản rằng, bộ đội Việt Nam đưa cháu đi, nếu ma có bắt thì sẽ bắt bộ đội Việt Nam. Bố hai cháu là anh Thạo Bun Ma, chiến sĩ bộ đội Pathet Lào khóc, nói: “Cảm ơn các đồng chí bộ đội Việt Nam. Mẹ cháu đã mất, còn tôi đi chiến đấu nay ở chiến trường này, mai chiến trường khác, gia đình lại chẳng còn ai thân thích. Nếu tôi đem các cháu về nuôi thì chúng cũng chết mất thôi. Trăm sự, vạn sự nhờ bộ đội Việt Nam chăm sóc, nuôi nấng hộ, ơn này tôi không bao giờ quên!”.

Sau khi cho các cháu uống sữa, tiêm thuốc, tổ cấp cứu nhanh chóng đưa cả hai bé sơ sinh về Đội điều trị. Lãnh đạo Đội điều trị phân công Trung úy, bác sĩ Bùi Xuân Quang, người miền Nam là bố đỡ đầu của hai cháu. Hai mẹ nuôi là Trung sĩ, y tá Phan Thị Thanh Huyền và Trung sĩ, y tá Nguyễn Thị Minh Đồng đều quê ở Thanh Hóa.

Được hai cô y tá giỏi trực tiếp nuôi dưỡng cùng với sự chăm sóc yêu thương, đùm bọc của cả đơn vị, hai bé khỏe lên lớn nhanh, cả Đội điều trị đều vui mừng, ai cũng như nở ra từng khúc ruột. Tên hai cháu ban đầu được lấy họ Bác Hồ, đệm là quê của hai cô y tá, ghép với Binh trạm 37 là Hồ Thanh Ba và Hồ Thanh Bảy.

Tháng 2-1974, anh Thạo Bun Ma đã viết giấy đề nghị (có xác nhận của xã Phăng Đen và chứng nhận của Ủy ban hành chính huyện Xaysetha, tỉnh Attapeu, Lào) cho bộ đội Việt Nam ở Binh trạm 37 nuôi hai bé. Binh trạm 37 khai lý lịch và để bảo đảm chế độ nuôi dưỡng nên đã ra quyết định nhập ngũ cho các cháu. Có lẽ Ba, Bảy là hai chiến sĩ trẻ nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam vì lúc đó các cháu mới được hơn 2 tháng tuổi. Quyết định do Thiếu tá Hồ Tấn Mạnh, Phó chính ủy Binh trạm 37 ký xác nhận.

Hành trình ra miền Bắc của hai chiến sĩ tí hon

Tháng 3-1974, Binh trạm 37 chuyển thành trung đoàn thực hiện nhiệm vụ xây dựng đường ống xăng dầu, hai cháu Ba, Bảy được chuyển ra bàn giao cho Viện Quân y 48 thuộc Sư đoàn 472 (Bộ tư lệnh Trường Sơn). Viện Quân y 48 đổi tên hai cháu thành Quang và Trung (tên của Đoàn vận tải quân sự Quang Trung, mật danh của Bộ tư lệnh Trường Sơn hồi đó). Y tá Hoàng Thị Cúc, quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa đảm nhận việc chăm sóc cháu Quang. Y tá Nguyễn Thị Thập, quê ở Đan Phượng, Hà Tây (nay là Hà Nội) đảm nhận việc chăm sóc cháu Trung. Cả hai cô y tá hồi đó còn rất trẻ, chưa có gia đình nhưng tận tình chăm sóc chẳng khác gì mẹ đẻ. Cả tập thể cán bộ, nhân viên của Viện Quân y 48 và các thương binh, bệnh binh đang điều trị tại Viện đều coi cháu Quang, cháu Trung là người thân ruột thịt của mình, dành tiêu chuẩn đường, sữa cho hai cháu.

Do khí hậu núi rừng ẩm thấp, các cháu hay ốm đau, nhiều khi bị bệnh mà thuốc Tây chữa mãi không khỏi, các cô phải tìm thuốc Nam trong rừng chữa cho hai cháu. 

Cuối năm 1974, các sư đoàn của Bộ tư lệnh Trường Sơn chuyển sang phía Đông Trường Sơn để xây dựng đường cơ bản, vận chuyển khối lượng vũ khí trang bị và vật chất để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào đầu năm 1975. Viện Quân y 48 cũng được lệnh di chuyển cùng Sư đoàn 472 sang phía Đông Trường Sơn. Dự kiến mặt trận phía Đông Trường Sơn khốc liệt hơn phía Tây và yêu cầu của chiến dịch lớn phải bảo đảm bí mật, không thể mang trẻ nhỏ đi theo đội hình của đơn vị. Ban chỉ huy Viện Quân y 48 đã điện báo cáo cấp trên xin ý kiến chỉ đạo. Viện nhận được chỉ thị nếu tình huống khó khăn quá thì giao các cháu cho phía bạn Lào.

Phải xa các cháu ai cũng thương xót, nhất là hai mẹ nuôi. Các cô nghẹn ngào nói các cháu đã hai lần phải xa mẹ, bây giờ lại phải xa mẹ lần nữa. Nếu trả về cho các bạn Lào thì sau này không biết có được gặp cháu không? Mặt khác, hai cháu vẫn còn quá bé (mới được 20 tháng tuổi). Hai mẹ nuôi đề nghị đơn vị chuyển các cháu ra miền Bắc nuôi dưỡng.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Hoàng Kiền (giữa) cùng hai con nuôi của Bộ đội Trường Sơn là Đỗ Thế Quang (đeo túi) và Lâm Quang Trung. Ảnh: ĐẬU XUÂN TƯỜNG 

Đề nghị của hai mẹ nuôi được cấp trên nhất trí, nhưng vấn đề là ai bảo lãnh các cháu, ra miền Bắc rồi, sau đó sẽ giao cho ai tiếp tục nuôi dưỡng. Sau một đêm suy nghĩ, Chính ủy Viện Quân y 48 Đỗ Thế Nhung xin nhận cháu Quang (Ba) làm con nuôi và bàn với bác sĩ Lâm Văn Chiến, Chủ nhiệm khoa Nội nhận cháu Trung (Bảy) làm con nuôi. Chỉ huy đơn vị mừng quá, liền điện báo cáo lên Sư đoàn. Thủ trưởng Sư đoàn 472 đồng ý và điều động ngay một xe ô tô chở hai chiến sĩ tí hon, hai bố nuôi cùng hai cô y tá, một y sĩ đi kèm để chăm sóc và giải quyết mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra trên suốt cả chặng đường dài ra Bắc.

Sau mấy ngày đêm vật lộn trên các cung đường, đoàn hộ tống cũng đã về được đến Ninh Bình và Thái Bình, quê hương của hai bố nuôi, làm mọi thủ tục giấy tờ “xuất ngũ”, khai sinh lại cho các cháu, bàn giao với hai gia đình và chính quyền địa phương, để lại một ít đường sữa, thuốc men cho hai cháu rồi lên đường trở lại chiến trường tiếp tục nhiệm vụ.

Cuộc hội ngộ cảm động

Bé Quang được gia đình Chính ủy Đỗ Thế Nhung ở Thái Bình nuôi dưỡng và được đổi sang họ Đỗ. Bé Trung cũng được gia đình bác sĩ Lâm Văn Chiến nuôi dưỡng và đổi sang họ Lâm. Cả hai bé được sống trong vòng tay yêu thương của hai gia đình, được hai gia đình cho ăn học. Bố mẹ nuôi còn cưới vợ cho hai cháu. Đến nay cháu Đỗ Thế Quang (Ba) ở Thái Bình đã có hai con (một trai, một gái), cháu Lâm Quang Trung (Bảy) ở Ninh Bình có hai con gái.

Năm 2001, nhờ các cựu chiến binh Trường Sơn kết nối, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình quốc gia Lào đã tổ chức cầu truyền hình giữa thủ đô hai nước Hà Nội-Viêng Chăn, hai cháu đã gặp được người thân. Mẹ các cháu mất khi sinh hai cháu, bố là bộ đội Pathet Lào, sau năm 1975 được xuất ngũ và đã mất năm 1978. Quang và Trung còn hai anh trai và một chị gái ở Lào. Gặp nhau qua cầu truyền hình, tất cả đều xúc động, như thể trong mơ. Năm 2002, các cựu chiến binh Trường Sơn và một số tổ chức ủng hộ, tạo điều kiện, hai gia đình các cháu Quang, Trung được về thăm quê gốc ở Lào. Cả bản Nọi hôm đó tưng bừng như ngày hội.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 / 19-5-2019), Hội truyền thống Trường Sơn Viện Quân y 48 tổ chức gặp mặt kỷ niệm tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (Hà Nội) đã mời hai người con nuôi của Viện là Quang và Trung đến dự. Sau hơn 45 năm, hai cháu Đỗ Thế Quang và Lâm Quang Trung cùng vợ con được gặp lại các bác, các chú, các cô bộ đội Trường Sơn năm xưa trong niềm vui mừng xúc động, dạt dào tình yêu thương, sáng ngời hình ảnh và tình đoàn kết cao đẹp Việt-Lào.

Chia sẻ, kết nối yêu thương

Cháu Đỗ Thế Quang và Lâm Quang Trung cho biết, ngoài hai gia đình bố mẹ nuôi ở Việt Nam, gia đình chung ở Lào, hai cháu còn có đại gia đình lớn là Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Đặc biệt là Hội truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 470 và Hội truyền thống Trường Sơn Viện Quân y 48. Hai hội truyền thống này thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà đồng đội Đỗ Thế Nhung và gia đình cháu Lâm Thế Quang ở Thái Bình; đồng đội Lâm Văn Chiến và gia đình cháu Lâm Quang Trung ở Ninh Bình.

Thiếu tướng Hoàng Kiền và Đại tá Đậu Xuân Tường đã nhiều lần về thăm các cháu Quang và Trung. Quang được bố mẹ nuôi cho mảnh đất, làm nhà riêng, kinh tế gia đình tương đối khá. Còn cháu Trung thì điều kiện kinh tế gia đình hiện nay rất khó khăn. Do bố mẹ nuôi không có đất cho làm nhà, nên cháu phải sang ở nhờ gia đình nhà vợ. Con gái lớn tốt nghiệp đại học mấy năm rồi nhưng vẫn chưa có việc làm. Con gái nhỏ đang học lớp 11. Do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin nên sức khỏe của cháu Trung không được tốt, bị mắc bệnh ngứa khắp người, không làm được công việc nặng nhọc. Mấy năm trước, được các đồng đội cũ của bố Chiến giúp đỡ, cháu Trung đã được điều trị một tháng miễn phí ở cơ sở khử độc dioxin Thái Bình, nhưng vẫn không thuyên giảm. Hiện nay cơ thể cháu Trung đều bị sẩn đỏ do ngứa, không lao động nặng được.

Thiếu tướng Hoàng Kiền nói với tôi rằng, hoàn cảnh gia đình của cháu Lâm Quang Trung hiện nay rất thương tâm. Hội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã có công văn đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quan tâm giúp cháu làm các thủ tục cần thiết để được hưởng trợ cấp người bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cháu Đỗ Hồng Vân, vợ của Lâm Quang Trung nói rằng, cháu rất biết ơn Bộ đội Trường Sơn đã giúp đỡ gia đình cháu. Nguyện vọng của cháu muốn chữa trị dứt điểm căn bệnh hiểm nghèo cho chồng nhưng “lực bất tòng tâm”.

Đại tá Đậu Xuân Tường thay mặt các cựu chiến binh Sư đoàn 470 anh hùng mong muốn các cơ quan chức năng của Nhà nước và đồng đội của bác sĩ Lâm Văn Chiến tiếp tục quan tâm giúp đỡ, chia sẻ yêu thương tới gia đình cháu Lâm Quang Trung.

ĐỖ PHÚ THỌ