So với những năm trước đây, đường sá lên A Lưới hôm nay đã dễ đi hơn nhiều, tuy vẫn còn quanh co, gập ghềnh. Nhìn từ xa, mây trắng bao phủ đỉnh núi tạo nên nét đẹp mơ màng cho thị trấn có phiên chợ vùng cao cuối tuần này.
Là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, A Lưới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong các thung lũng dọc Trường Sơn, giáp với biên giới nước bạn Lào. Nơi đây là căn cứ địa cách mạng của cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nơi mảnh đất hiểm trở này, đồng bào các dân tộc A Lưới đã anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, đóng góp hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm; hàng nghìn lượt dân công hỏa tuyến, 7.850 lượt công dân lên đường nhập ngũ, 1,5 triệu ngày công phục vụ chiến đấu... Toàn huyện có 577 liệt sĩ, 1.086 thương binh, hàng nghìn gia đình có công, gần 10.000 người và 5.000 gia đình tham gia cách mạng...
Ghi nhận những đóng góp to lớn cho cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước đã tuyên dương, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân cho Đảng bộ và nhân dân huyện A Lưới cùng 18 tập thể, 8 cá nhân. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 3-1976, huyện A Lưới được thành lập và có thêm 3 xã kinh tế mới: Sơn Thủy, Phú Vinh và Hương Phong.
A Lưới hôm nay đã thay da đổi thịt, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục từng bước phát triển. Thầy Hoàng Văn Liêm, Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Vân dẫn chúng tôi dạo quanh khuôn viên trường giữa vùng đất vắng, sau lưng là núi non trùng điệp. Thầy Liêm cho biết, trường hiện có 546 học sinh và 49 thầy cô giáo. Hơn 90% học sinh của trường là người Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy... đến từ các xã Trung Sơn, Hồng Vân, Hồng Thủy. Nhiều em nhà cách xa trường hơn 30 cây số, bố mẹ chủ yếu sống bằng nghề làm rẫy, chăn nuôi, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, nhiều em phải nghỉ học giữa chừng. Bằng tấm lòng yêu thương học sinh nghèo, các thầy cô không quản nhọc nhằn, vào từng bản, lội từng con suối để thuyết phục các em quay trở lại trường.
Dẫu còn bao vất vả, song A Lưới là vùng đất sâu nặng ân tình. Thầy giáo Hà Văn Thuận, người có 17 năm gắn bó với trường vùng cao A Lưới nửa đùa nửa thật với chúng tôi rằng ai đã lên A Lưới thì khó lòng mà về xuôi được, A Lưới giữ chân mất rồi. Thầy Thuận kể cho tôi nghe câu chuyện của những thầy giáo, cô giáo lên đây công tác rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái và thế là gắn bó cả cuộc đời nơi núi rừng miền Tây với nhiệm vụ gieo chữ cho học sinh nghèo đến lúc nghỉ hưu. Là thầy Lê Hải Hiệu ở Thanh Hóa, lấy cô giáo Trần Thị Lan; thầy Lê Hồng Quang ở Phú Thọ kết hôn cùng cô giáo vùng cao ở A Ngo và chọn A Lưới để thủy chung với nghề dạy học của mình...
Dọc theo Đường Hồ Chí Minh, cầu A Nô, cầu A Lin hiện lên trong buổi sáng bình minh nơi đại ngàn vẫn còn hoang sơ mà thơ mộng. Bên con đường dẫn vào bản làng là những ngôi nhà rông của đồng bào dân tộc. Màu xanh núi rừng, những triền dốc thoai thoải, đồi núi quanh co, sông A Sáp, thác A Nô, suối A Lin, những đàn dê bên bãi cỏ, người mẹ địu con trên lưng, sắc màu thổ cẩm, phiên chợ vùng cao... tất cả làm nên bức tranh mang vẻ đẹp riêng của đất và người giàu truyền thống cách mạng A Lưới.
|
|
Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Kan Lịch. |
Trong những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi tìm đến các nhân chứng để được nghe nhiều câu chuyện xúc động và cũng để trân trọng hơn những trang sử vàng oanh liệt của ông cha ta. Theo chân thầy giáo Hà Văn Thuận, tôi tìm đến nhà nữ Anh hùng Hồ Kan Lịch. Nhà bà ở ngay thị trấn A Lưới, bên Đường Hồ Chí Minh. Ngôi nhà khá khang trang, gian giữa đặt bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; ở phòng khách là những bức ảnh đen trắng nữ Anh hùng chụp chung với Bác Hồ, với đồng đội một thời vào sinh ra tử. Sinh năm 1943, năm nay tròn 80 tuổi, nhưng người anh hùng ấy vẫn rất minh mẫn, tiếp chuyện chúng tôi vui vẻ, thân tình.
Ngoài trời, cơn mưa dông trắng xóa cả thị trấn. Trong nhà, Anh hùng Kan Lịch say sưa kể về hành trình đi chiến đấu, những tháng ngày thanh xuân nơi chiến trường ác liệt của mình. Bà bảo khi bà quyết định cầm súng, mẹ bà đã ngăn cản: "Mẹ sợ chết hoặc gãy chân, gãy tay không ai lấy". Dù gia đình ngăn cản, bà vẫn cứ đi: "Không ai lấy thì thôi. Không cần chồng con gì". Với lòng yêu nước sục sôi, cô gái người Pa Cô năm ấy đã quyết tâm xông pha nơi trận mạc. Vào năm 1961, sau nhiều năm làm nhiệm vụ giao liên cho cách mạng, Kan Lịch gia nhập đội nữ du kích địa phương và cô nhanh chóng được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy đội du kích gồm 160 người trực tiếp đánh 49 trận lớn nhỏ.
Nhớ lại những trận đánh xưa, bà Kan Lịch cho biết: "Khi vô chiến đấu, chị em rất dũng cảm. Người không có súng thì cầm gậy, làm bẫy. Tất cả đều không sợ chết”. Chiến công ấn tượng nhất của Hồ Kan Lịch là dùng súng trường bắn rơi một chiếc máy bay và trong máy bay chở nhiều lính Mỹ. Đây cũng là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Với những chiến công lẫy lừng, Hồ Kan Lịch là người phụ nữ dân tộc đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nhưng có lẽ đối với bà, niềm tự hào, hạnh phúc hơn cả là những lần được gặp Bác Hồ. Vừa chỉ tay lên bức ảnh chụp chung với Bác, Anh hùng Kan Lịch vừa xúc động khi nhớ lại cuộc đời bà 7 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Đã mấy chục năm trôi qua nhưng những lời thăm hỏi, nói chuyện, dặn dò ân cần của Bác, rồi những lần được Bác mời ăn cơm tại Phủ Chủ tịch vẫn in đậm trong ký ức, trong trái tim người nữ Anh hùng.
Trong những câu nói của Bác, bà Kan Lịch vẫn nhớ nhất lời mà Bác vừa động viên, vừa nhắc nhở: “Làm ra anh hùng thì khó nhưng không khó lắm, giữ anh hùng mới thật là rất khó”. Khắc cốt ghi tâm lời của Người, trong và sau chiến tranh, người phụ nữ Pa Cô ấy vẫn giữ vững phẩm chất của một anh hùng, luôn xung phong, xông pha; sống nhiệt tình, gương mẫu... Hiện nay, nữ Anh hùng đang sống bình yên bên con cháu. Con trai và con gái của bà đều đang công tác trên quê hương A Lưới. Thỉnh thoảng, bà được mời đến trường nói chuyện nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ...
Tạm biệt Anh hùng Kan Lịch, chúng tôi tiếp tục đến xã A Ngo để gặp gỡ, thăm hỏi Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Thị Đơm. Đang ngồi chơi với cháu trong ngôi nhà đơn sơ của con trai, bà Đơm đứng dậy tiếp đón chúng tôi chân tình và cảm động.
Sinh năm 1940, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, người con gái Pa Cô Hồ Thị Đơm (còn gọi là Kăn Đơm) đã tham gia tích cực hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 18 tuổi, cô du kích Kăn Đơm can đảm, kiên cường, đem sức mạnh tuổi thanh xuân để phục vụ cách mạng. Tên tuổi cô gái Pa Cô lúc này vang dội khắp vùng. Nữ anh hùng Kăn Đơm đã cùng bộ đội chủ lực tham gia 316 trận chiến đấu, bắn rơi 2 máy bay, diệt hơn 300 tên địch, thu 25 súng các loại. Rồi Kăn Đơm đã vận động bà con đào hàng nghìn mét đường hầm, đi rải truyền đơn. Bước chân người phụ nữ có dáng hình bé nhỏ in dấu khắp nơi, với tâm niệm chiến đấu đến cùng bảo vệ quê hương.
Thập niên 1960, A Lưới là điểm yết hầu trên Đường Hồ Chí Minh, nơi thường xuyên diễn ra các trận đánh ác liệt. Trò chuyện với chúng tôi, bà Kăn Đơm vẫn còn xúc động khi kể về trận đánh trên đồi A Bia lịch sử năm 1969. Bà kể: “Đây là trận đánh ác liệt, lúc này anh em chúng tôi rất đói. Mỗi người chia nhau một nắm cơm. Trong cái bi-đông của tôi lúc đó còn một ít nước, tôi đưa cho 9 người, mỗi người nhấp một tí cho qua cơn khát. Ác liệt là vậy, chúng tôi vẫn kiên quyết vững chắc tay súng”...
54 năm qua, anh hùng Kăn Đơm vẫn cất giữ chiếc bi đông bên mình dù đã phai màu. “Chiếc bi đông này nó theo suốt cuộc đời tôi. Tôi cất giữ nó để làm kỷ niệm. Mỗi lần nhìn bi đông, tôi lại nhớ về đồng đội của mình, về trận đánh trên đồi A Bia năm xưa”-bà chia sẻ. Bước qua tuổi 83, sức khỏe của bà Kăn Đơm giảm sút. Tàn dư chiến tranh với vết thương 59% trên cơ thể đã hành hạ bà mỗi khi trái gió trở trời. Song trong trái tim bà vẫn khắc sâu về những lần tham gia chiến đấu cùng bộ đội. Đôi mắt của bà vẫn sáng lên niềm tin vào Đảng, vẫn dõi theo sự đổi thay của vùng đất A Ngo, A Lưới cùng cả nước.
|
|
Dòng suối A Lin ở A Lưới, Thừa Thiên Huế.
|
Chia tay nữ Anh hùng Kăn Đơm khi hoàng hôn buông xuống. Lúc này cơn mưa kéo dài suốt chiều đã tạnh hẳn. Tôi lại chia tay anh bạn, chia tay thị trấn được ví như Đà Lạt thu nhỏ để trở về thành phố. Những cung đường quanh co hiện ra, lòng tôi thật ấm áp khi trở về mang theo bên mình nụ cười hiền hậu của Anh hùng Kăn Đơm, giọt nước mắt xúc động khi kể về những lần được gặp Bác Hồ của Anh hùng Kan Lịch. Lúc này trong tôi vang lên câu hát của nhạc sĩ Huy Thục: "Người con gái Pa Cô con cháu Bác Hồ/ Dù gian khổ vượt núi băng rừng/ Dù mưa bom em không ngại chi? Đi đánh Mỹ giữ núi rừng"...
Ghi chép của TRẦN VĂN TOẢN