Đất anh hùng ghi những chiến công

Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954 đã chia đất nước thành hai miền Nam-Bắc với vĩ tuyến 17 của “sông Bến Hải bên bồi, bên lở/ Cầu Hiền Lương bên nhớ, bên thương”. Sông Bến Hải-dòng sông hiền hòa, thơ mộng trở thành giới tuyến quân sự tạm thời. Cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt đất nước và khát vọng thống nhất non sông của cả dân tộc suốt 20 năm.

Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Quảng Trị cũng trở thành chiến trường nóng bỏng và ác liệt nhất của Khu 4 anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mỹ và tay sai đã tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt với hàng chục vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học cùng các kiểu chiến tranh thâm độc nhất hòng đưa Quảng Trị trở thành “vành đai trắng”, biến Quảng Trị thành vùng đất lửa, nơi thử nghiệm các loại chiến thuật chiến tranh hiện đại và vũ khí chiến tranh tân tiến nhất.

Vượt lên mọi gian khổ, khó khăn, đau thương mất mát của chiến tranh, quân và dân Quảng Trị đôi bờ vĩ tuyến 17 đã kiên cường chiến đấu chống quân thù. Sông Bến Hải vẫn đêm đêm tấp nập những chuyến đò chuyển quân từ “lũy thép” Vĩnh Linh vào chia lửa cùng miền Nam ruột thịt. Bờ Nam sông Bến Hải, quân và dân các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hóa vẫn ngày đêm ngoan cường chiến đấu, bám đất, giữ làng trước họng súng quân thù.

Mùa xuân Mậu Thân năm 1968, cùng với nhân dân miền Nam đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy tập kích vào các cơ quan đầu não của địch, quân và dân Quảng Trị cũng đã giáng những đòn sấm sét vào mưu đồ của địch ở Khe Sanh, góp phần cùng cách mạng miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.

Đầu năm 1971, phối hợp với quân đội Lào, quân và dân Quảng Trị đã chiến đấu ngoan cường, đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của quân viễn chinh Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, làm nên Chiến thắng Đường 9-Nam Lào.

Với thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu anh dũng, ngoan cường 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị đã làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, tác động trực tiếp làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam, tạo nên thế và lực mới trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, góp phần làm nên thắng lợi chung của toàn thể dân tộc trong Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị chuẩn bị thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn tri ân các anh hùng liệt sĩ, năm 2021. Ảnh: XUÂN DIỆN 

 

Chiến tích lịch sử

Trong khói lửa đạn bom của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phát huy truyền thống và kinh nghiệm của người dân Củ Chi (Sài Gòn), quân và dân Vĩnh Linh đã kiến tạo nên địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh-một công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất, bởi “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất/ Nơi con tìm ra sức mạnh Việt Nam”.

Với khẩu hiệu “Quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực”, nhân dân huyện Vĩnh Linh đã tiến hành đào hầm hào với nhiều công năng: Trụ sở, kho hậu cần, trường học, bệnh viện, khu sinh hoạt của từng gia đình. Hệ thống hầm hào được bố trí khắp các điểm dân cư, dọc đường đi, ven ruộng, bờ biển và được nối thông nhau bằng hệ thống chằng chịt thay cho đường trên mặt đất. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, hệ thống địa đạo, làng hầm thể hiện sức sáng tạo tuyệt vời, ý chí ngoan cường bám trụ chiến đấu bảo vệ quê hương và giữ thông mạch máu ra tiền tuyền-một kỳ tích sống của Quảng Trị anh hùng.

Thi gan cùng địa đạo, làng hầm ở Vĩnh Linh, đảo Cồn Cỏ nằm vắt ngang vĩ tuyến 17 của huyện Vĩnh Linh có vị trí chiến lược về quân sự-vọng gác tiền tiêu của miền Bắc, là cửa ngõ phía nam vịnh Bắc Bộ. Từ đảo Cồn Cỏ, dùng các khí tài quan sát có thể theo dõi mọi động tĩnh ở đất liền và các tàu, thuyền từ ngoài khơi xa. Vì vậy, địa danh này đã trở thành mục tiêu đánh phá có tính hủy diệt của không quân, hải quân Mỹ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân đảo Cồn Cỏ suốt 1.500 ngày đêm đã ngoan cường chiến đấu với máy bay, tàu chiến Mỹ qua 1.000 trận ném bom, bắn phá. Để bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến, hải thuyền địch, gần 200 chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo, viết nên trang sử huyền thoại. Đảo Cồn Cỏ hiên ngang giữa trùng khơi, đánh tan mọi cuồng vọng đen tối của kẻ thù, vinh dự được Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cũng như nhiều địa phương trên đất nước này, chứng tích sau những cuộc kháng chiến là các nghĩa trang liệt sĩ. Quảng Trị là một tỉnh với diện tích nhỏ bé nhưng có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia (Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn). Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nằm ở vị trí thượng nguồn sông Bến Hải với hơn 10.000 phần mộ chí. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ. Và trong mùa hè đỏ lửa của 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 50 năm trước, cũng gần ngần ấy đồng đội đã ngã xuống trong đạn bom của kẻ thù. Máu xương của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là một phần trầm tích sâu dày ở Quảng Trị. Dòng sông Thạch Hãn của mùa hè đỏ lửa ấy cũng như đục hơn bởi bom đạn, đỏ hơn bởi xương máu của biết bao chiến sĩ đã nằm xuống nơi này. Một kỷ lục cho sự đau thương mà không địa phương nào muốn giành lấy.

Làm thế nào để Quảng Trị có thể khai thác hiệu quả di tích lịch sử chiến tranh cách mạng trên các chiến trường Quảng Trị năm xưa, để bảo tồn, phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa cho sự phát triển của địa phương? Đó là mong muốn không chỉ riêng tỉnh Quảng Trị mà còn là của nhân dân cả nước.

leftcenterrightdel
Cựu chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị kể chuyện với cán bộ, chiến sĩ Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 43, Trung đoàn 842, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị trước di tích Thành cổ. Ảnh: KIÊN THÁI 

Giáo dục lịch sử từ những chứng tích

Lịch sử đã đi qua nhưng những mốc son mà đất và người Quảng Trị làm nên không bao giờ phôi phai trước gió bụi thời gian, trước những biến thiên của lịch sử. Những “địa chỉ đỏ” đó là những tài sản có giá trị nhân văn sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Giáo dục lịch sử cho học sinh không chỉ hạn hữu trong một cuốn sách giáo khoa, không chỉ giới hạn trong một lớp học, một ngôi trường. Những di tích lịch sử của Quảng Trị một thời hoa lửa không còn là địa danh của một địa phương mà trở thành biểu tượng chung, niềm tự hào chung của cả dân tộc. Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương của tỉnh Quảng Trị được cả thế giới biết đến như là một biểu tượng của nỗi đau chia cắt nhưng cũng là biểu trưng cho khát vọng thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam suốt 20 năm. Để rồi quân và dân Quảng Trị đã góp phần làm nên thắng lợi chung của cả dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những giá trị nhân văn nêu trên là thiêng liêng, là sức mạnh tiềm tàng không bao giờ vơi cạn. Những giá trị lịch sử bất biến đó luôn cần các thầy giáo, cô giáo dạy Lịch sử truyền đạt và khắc sâu cho các thế hệ học trò biết tôn trọng lịch sử, trân trọng quá khứ; biết tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.

TRẦN TRUNG HIẾU