Cầu che bộ đội, cầu chôn quân thù
Cầu Ông Nở hiện tại dài hơn 10m, bằng bê tông khá vững chắc. Nó giản dị và quen thuộc với người dân như biết bao công trình giao thông nội đồng ở các vùng nông thôn. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cầu Ông Nở với địa thế hiểm trở đã che chắn cho lực lượng của ta và là mồ chôn quân xâm lăng. Nơi đây, LLVT địa phương cùng những người dân yêu nước đã tiêu diệt một đại đội quân xâm lược Mỹ hồi cuối năm 1967.
Ngày ấy, xã Lộc Quý (nay là xã Đại Thắng) ở vùng giải phóng (vùng B) huyện Đại Lộc. Giữa làng Phú An và làng Phú Bình có một mương nước rộng chừng 10m. Hai bên dòng mương là bờ đất cao với những lũy tre ken dày vững như thành. Từ “chân tre” trở ra là cánh đồng trống trải bốn mùa xanh lúa, tươi khoai. Phú An và Phú Bình được nối với nhau bằng chiếc cầu tre lắt lẻo bắc qua mương nước ấy, trên phần đất của gia đình ông Nở-người dân sở tại. Vì vậy, chiếc cầu mang tên “Ông Nở”. Nó cũng từng là nơi hò hẹn, “cho chàng bên ấy thương em bên này”...
Từ xa xưa, mọi ngả đường qua lại giữa các thôn trong xã Lộc Quý hoặc đến xã Lộc Sơn (nay là Đại Thạnh) ở phía tây nam, đều phải qua địa điểm này. Giữa tháng 7-1966, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Đà đã rời căn cứ trên núi xanh, trở về xã Lộc Quý, đứng chân ở khu vực gần cầu Ông Nở, mang đến vùng đất này một sinh lực đặc biệt. Ngày 17-7-1966, radio của cơ quan Tỉnh ủy phát vang lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc chống Mỹ, cứu nước-“Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Ngay lập tức, Tỉnh ủy Quảng Đà chỉ đạo phát động quân và dân trong tỉnh căm thù giặc Mỹ leo thang chiến tranh, nâng cao cảnh giác cách mạng, mài sắc ý chí chiến đấu chống quân xâm lược. Ban Tuyên huấn phối hợp với Báo Giải phóng Quảng Đà ghi âm lời hiệu triệu của Bác làm tài liệu học tập, đồng thời in khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” với nhiều kích cỡ, số lượng lớn rồi cấp phát trong vùng giải phóng. Cán bộ đeo băng khẩu hiệu trên ống tay áo. Các gia đình trưng pa-nô, khẩu hiệu trước cổng và mái hiên. Nhà bị giặc đốt thì treo băng rôn in câu ca nổi tiếng về thành tích đánh giặc: "Trên trời có phản lực cơ/ Dưới đất có “Rờ hai mươi” (Tiểu đoàn R20 bộ đội Quảng Đà) lên tường.
Khi đế quốc Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, quân và dân xã Lộc Quý, với tinh thần yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, mưu trí, sáng tạo đã biến vùng đất hiểm trở này thành "lũy thép", tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân làm thất bại nhiều đợt càn quét của địch. Đặc biệt, trận đánh tại cầu Ông Nở ngày 2-11-1967 tiêu diệt một đại đội giặc Mỹ, làm nức lòng quân và dân Đại Lộc, Quảng Đà...
Theo tư liệu sử sách lưu truyền, mấy ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11-1967, địa bàn xã Lộc Quý bỗng im ắng-một điều lạ lùng tại nơi bom đạn Mỹ giội xuống hằng ngày như cơm bữa. LLVT và nhân dân địa phương cảnh giác cao, đã “tương kế tựu kế”, đánh cho kẻ thù một trận tơi bời.
Tờ mờ sáng ngày 2-11, địch mở màn cuộc càn quét lớn. Đại pháo từ các căn cứ Đức Dục, Thượng Đức, Bồ Bồ, Núi Lở, Giao Thủy cấp tập giội lửa đạn xuống mảnh đất Lộc Quý. Máy bay phản lực F105, trực thăng, trinh sát L19, CV10 quần thảo ầm ĩ không trung. Lúc 6 giờ, 5 tiểu đoàn bộ binh Mỹ có xe tăng, xe bọc thép, xe lội nước yểm trợ, từ căn cứ Ái Nghĩa vượt sông Vu Gia, qua các xã Lộc Phước (nay là Đại Cường), Lộc Hòa (nay là Đại Minh) đi thẳng vào Lộc Quý. Biết là đang dấn thân vào một “điểm đỏ”, nơi dành cho chúng đầy rẫy những bất trắc, có thể gặp “thần chết” bất cứ lúc nào; nên khi tới bìa làng Phú Bình, quân giặc lò dò từng bước. Chúng cho máy bay các loại ném bom, bắn phá dữ dội, triệt hạ phía nam làng Phú Bình qua cầu Ông Nở, dọc làng Phú Xuân, đến làng Xuân Đông và một phần đất làng Phú Long. Chừng sau nửa giờ ken dày hố đạn bom dưới mặt đất, bộ binh Mỹ vượt cầu Ông Nở tiến vào làng Phú An.
Chúng không ngờ rằng, Trung đội 1, Đại đội 1 bộ đội địa phương và lực lượng du kích xã Lộc Quý phối hợp với Tiểu đoàn R20 Mặt trận Quảng Đà đã giăng tường lửa bằng các loại hỏa khí, phục sẵn. Chờ đến lúc khoảng 2/3 số quân địch đã qua cầu xong, còn cách chiến hào ta ở bìa làng Phú An chừng 25m, tất cả tay súng của ta đồng thời bóp cò. Quân địch không kịp trở tay. Trung đội đi đầu bị tiêu diệt gần như toàn bộ. Số còn lại không dám tiến, sợ trực diện với mưa đạn của ta. Chọn đường lui, chúng phơi lưng trên cầu và ở cánh đồng trống trải đón “cơn giông lửa” từ các nòng súng thép của ta.
Số quân địch thoát chết co cụm tại Phú Bình, củng cố lực lượng rồi phản kích suốt từ 9 giờ tới 17 giờ cùng ngày. Biết là qua cầu Ông Nở, muốn sống sót thì chỉ còn nước tiến lên khuất phục đối phương, nhưng chúng không tài nào thực hiện được điều đó. Chúng không vào được làng Phú An, thành ra “một đi không trở lại”, đành chịu trận trên cánh đồng trống trải và cầu Ông Nở. Ta xóa sổ một đại đội quân Mỹ, thu toàn bộ quân trang, quân dụng.
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Chiến thắng cầu Ông Nở là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của xã Đại Thắng nói riêng và huyện Đại Lộc nói chung. Đó là một trong những yếu tố để xã Đại Thắng, địa phương đầu tiên của huyện Đại Lộc, được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1978). Toàn xã Đại Thắng có 5 cá nhân Anh hùng LLVT nhân dân và hơn 160 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 2007, Đảng bộ, chính quyền xã Đại Thắng và những người con xa quê công tác trên mọi miền đất nước cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn R20 anh hùng đã xây dựng bên cầu Ông Nở năm xưa khu di tích tượng đài chiến thắng.
Những hình ảnh chân thực và sinh động về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Lộc Quý, huyện Đại Lộc tại cầu Ông Nở nói trên được tái hiện ở các ấn phẩm lịch sử, văn hóa; trong đó có sách “Quảng Nam-ký họa thời kháng chiến 1960-1975” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam xuất bản năm 2015. Trong đó, bức ký họa cầu Ông Nở của họa sĩ Giang Nguyên Thái nổi bật một "cây cầu khỉ" bắt qua mương nước. Chân cầu là những cọc tre đóng chéo vào nhau. Bên trên, gác hai thanh gỗ làm thân cầu. Dưới tranh có chú thích: "Cầu Ông Nở, vùng B Đại Lộc, nơi đây du kích xã và bộ đội địa phương đã tiêu diệt 2 tiểu đoàn giặc Mỹ". Bên dưới là câu thơ: "Lấy xác Mỹ xây cầu Ông Nở/ Cho Long-An nối lại Phú Bình" (Long-An là nói tắt Phú Long và Phú An. Hai làng này cùng với làng Phú Bình đều thuộc xã Lộc Quý, nay là xã Đại Thắng). Đó là nguồn tư liệu quý giá góp phần giáo dục tinh thần cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương.
Đồng chí Mai Xuân Anh, Bí thư Đảng ủy xã Đại Thắng (thời kỳ xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Tượng đài chiến thắng cầu Ông Nở) khẳng định: “Giá trị các di sản của cha ông là nền tảng và điểm tựa rất quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng xã văn hóa. Với nhận thức đó, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song Đại Thắng vẫn quyết tâm đầu tư xây dựng và hoàn thành Khu di tích lịch sử cách mạng Tượng đài chiến thắng cầu Ông Nở-di tích lịch sử cấp tỉnh, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. Công trình trân trọng và ghi nhớ những chiến công đánh Mỹ nổi tiếng của du kích xã phối hợp với bộ đội huyện và Tiểu đoàn R20 tại đây, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ"... (Theo “Xây dựng xã văn hóa-nhìn từ Đại Thắng”, Cổng thông tin điện tử huyện Đại Lộc, ngày 18-9-2013).
Cầu Ông Nở hiện nay và Khu di tích lịch sử cách mạng Tượng đài chiến thắng cầu Ông Nở là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho các lớp con cháu về một thời quyết tâm đánh giặc giữ làng, giữ nước của cha ông trên mảnh đất Đại Thắng anh hùng.
PHẠM XƯỞNG