Vững - Mạnh - Nghiêm - Bền”

Sau năm 1963, trước thất bại không tránh khỏi của “Chiến tranh đặc biệt” (hình thức chiến tranh dùng người Việt đánh người Việt, dưới sự chỉ huy của hệ thống cố vấn Mỹ, dựa vào vũ khí, trang bị, phương tiện của Mỹ), đế quốc Mỹ ráo riết thực hiện âm mưu đưa quân Mỹ vào xâm lược Việt Nam. Cách mạng miền Nam cần có “quả đấm” của bộ đội chủ lực để thực hiện những đòn tiêu diệt lớn dành cho quân địch. Đáp ứng yêu cầu ấy, Trung đoàn 320 được thành lập vào ngày 20-3-1964, để cùng với Trung đoàn 33 là hai trung đoàn chủ lực đủ quân đầu tiên của Quân đội ta vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên năm 1964.

Ra đời trong hoàn cảnh ấy, Trung đoàn 320 mang trong mình những điều đặc biệt, mới mẻ, những “cái đầu tiên” mà các đơn vị tiếp bước có thể lấy làm kinh nghiệm, rút ra những hệ quả thiết thực cho quá trình xây dựng và phát triển của mình.

Sau Tết Giáp Thìn 1964, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, các Sư đoàn 308, 304 và Lữ đoàn 350 chọn lựa cán bộ, chiến sĩ của mình tổ chức ra những tiểu đoàn bộ binh tương ứng (d334, d966, d635); những đơn vị khác thì điều động, thành lập các đại đội: Trinh sát, công binh, thông tin, ĐKZ, súng máy cao xạ 12,7mm; sau đó chuyển giao tất cả cho Trung đoàn 320. Chính vì vậy, trung đoàn kế thừa truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ từ nhiều đơn vị, khi vào chiến trường, lại có sự lãnh đạo của Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Quân khu 7, Phân khu 23; Tỉnh ủy và Bộ CHQS các tỉnh: Long An, Đồng Tháp; Đảng ủy và chỉ huy Sư đoàn 8, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 8 và Quân khu 9; sự giúp đỡ của nhân dân các địa phương mà trung đoàn trải qua... tạo nên những sắc vẻ độc đáo.

Ban chỉ huy trung đoàn khi thành lập gồm: Trung đoàn trưởng, Thiếu tá Đồng Sỹ Phiên (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36, Sư đoàn 308); Chính ủy, Trung tá Bùi Dư; Tham mưu trưởng, Đại úy Lê Thị; Chủ nhiệm Chính trị, Đại úy Vũ Đình Chính; Chủ nhiệm Hậu cần, Đại úy Trần Xuân Phố. Phương châm, tư tưởng chỉ đạo xây dựng trung đoàn được quán triệt ngay từ đầu là: “Vững về chính trị tư tưởng. Mạnh về kỹ thuật, chiến thuật. Nghiêm về kỷ luật. Bền về sức khỏe” (cán bộ thường nói tắt là: “Vững-Mạnh-Nghiêm-Bền”. Tất cả cán bộ, chiến sĩ phải luôn nâng cao ý thức trách nhiệm chính trị, đề cao cảnh giác, tuyệt đối giữ bí mật; xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.

Với nhiệm vụ quan trọng như vậy nên cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn được lựa chọn kỹ lưỡng về mọi mặt, rèn luyện chu đáo. Tất cả đều tình nguyện đi B. Nghĩ đến phút xuất quân vào Nam, có đồng chí gia đình neo đơn, sợ bị để lại, đã viết huyết thư gửi ban chỉ huy bày tỏ quyết tâm. Chiến sĩ Tính lo dọc đường hành quân không có chỗ cắt tóc nên ra hiệu nài nỉ bác thợ cạo cắt trọc tếu... (về sau, khi vượt Trường Sơn, Tính bị sốt rét nặng. Đơn vị gửi anh lại trạm giao liên nhưng anh vẫn quyết tâm bám đơn vị, khi khỏe mạnh còn giúp đồng đội mang súng. Trong một trận công đồn ở Tây Nguyên, anh nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương để tiếp tục đánh quả bộc phá, mở cửa cho bộ đội tiến vào đồn giặc. Tiếc thương thay, anh đã hy sinh ngay trên cửa mở đó). Đại úy Nguyễn Nhì, Trưởng tiểu ban Tác chiến, quê ở Hà Nam, sắp lên đường đi B thì con trai bị ngã xe, qua đời. Thượng úy Đỗ Xuân Bôn quê ở Huế, vợ ốm nằm tại bệnh viện phải cách ly. Khi từ biệt, hai người chia tay qua song sắt... Và nhiều hoàn cảnh thực tế éo le khác phát sinh, nhưng không ai vắng mặt trong giờ xuất phát vào chiến trường B. Thông tin với gia đình, nếu bố mẹ và vợ có hỏi thì nói là đi công tác xa, tuyệt đối không nói với ai về nhiệm vụ của mình và tình hình đơn vị.

Chương trình huấn luyện quân sự của trung đoàn so với trước đó cũng có một số mục khác biệt. Đó là tiến hành gấp rút theo yêu cầu của chiến trường miền Nam. Lấy đối tượng tác chiến là quân viễn chinh Mỹ có trang bị hiện đại và có sức cơ động cao. Không học các chiến thuật tiến công và phòng ngự trận địa theo cách đánh của quân đội chính quy. Lấy chiến thuật truyền thống: Phục kích, tập kích, vận động tiến công, công kiên làm trung tâm. Sau huấn luyện cơ bản, từng đơn vị diễn tập thực binh; yêu cầu thành thạo kỹ thuật chiến đấu cơ bản, nhất là kỹ thuật bắn súng và sử dụng bộc phá tạo cửa mở.

Do những năm hòa bình, bộ đội chủ lực miền Bắc được huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cá nhân và phân đội nhỏ rất cơ bản; hầu hết cán bộ từ cấp đại đội trở lên đều trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp nên khi chuyển sang học các chiến thuật truyền thống, bộ đội tiếp thu khá nhanh. Rèn luyện mang vác nặng, leo dốc được đặc biệt coi trọng. Đêm đêm, bộ đội đeo ba lô chứa đầy gạch nặng 30kg (chủ nhiệm thông tin, trợ lý quân lực nhiều đồ dùng, mang tới 40kg; đồng chí Năm, y sĩ mới ra trường, gánh thêm hai chục cân sách vở quân y) chống gậy tập trèo lên những dãy đồi cao ở khu vực Xuân Mai. Ai không chịu đựng nổi thì đành phải trở lại đơn vị cũ để thay người khác...

Cuối giai đoạn huấn luyện, Trung đoàn trưởng Đồng Sỹ Phiên vì tuổi cao, vết thương cũ tái phát nên đành phải trở lại Trung đoàn 36. Đến ngày đi B vẫn chưa có người thay, cấp trên giao Trung tá Hà Vi Tùng, cán bộ của Quân khu 5 phụ trách Phân khu Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo trung đoàn tổ chức hành quân. Đến tháng 4-1965, sau khi trung đoàn tới Kon Tum, chuẩn bị vào Pleiku, cấp trên mới bổ nhiệm đồng chí Tô Đình Khản làm trung đoàn trưởng.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hậu (thứ hai, từ trái sang) ở xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, nguyên xạ thủ Đại đội súng máy 12,7mm, Trung đoàn 320 kể chuyện ngày 13-9-1968 ông bắn hạ chiếc máy bay trực thăng của Mỹ tại Lộc Ninh, tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước).

“Khắc đi khắc đến”

Khoảng 17 giờ ngày 16-8-1964, trung đoàn bắt đầu rời Xuân Mai. Bộ đội lên xe tải bịt mui kín mít, đi theo lộ trình đã định. Đêm đi, ngày nghỉ. 10 hôm sau, lực lượng đi đầu đến trạm giao liên Làng Ho, thuộc huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), kết thúc quá trình hành quân bằng xe ô tô. Tại đây, nhận bổ sung quân trang của Quân giải phóng miền Nam, quần áo bà ba, mũ tai bèo, lương khô và bột ngọt. Mỗi đoàn nhận một con lợn to để làm bữa liên hoan.

Từ Làng Ho trở vào, hành quân bộ theo Đường Hồ Chí Minh, vượt Đường 9, sông Sê Pôn (đoạn gần bản Đông trên đất Lào). Càng vào sâu càng hiểm trở. Suốt 3 tháng dằng dặc vượt Trường Sơn-suối sâu, đèo cao, núi chọc trời... trong mùa mưa bão. Mọi bất thường rình rập ở trước mặt. Anh Tiến quê ở Thái Bình bị cây đổ đè ngang người. Cầu khỉ gãy, đồng chí Hảo, 18 tuổi, quê ở Hải Phòng rơi xuống suối nước chảy xiết, bị thương nặng...

Chưa có kinh nghiệm đi rừng, bộ đội căng võng bên dòng suối cạn, nửa đêm, nước lũ đột ngột đổ về, ba lô trôi hàng trăm mét. Chưa biết mẹo làm cột phụ chống nước mưa chảy vào võng, ngủ say ướt như chuột lột. Nhiều người “ngã nước”, sốt rét ác tính tử vong như chơi vì chưa có kinh nghiệm điều trị. Tổ Cơ yếu chỉ có hai người, khi có người bị ốm, thủ trưởng phải mang tài liệu giúp vì không ai khác được giữ tài liệu. Bộ đội cõng gạo, mỗi ngày, mỗi người được ăn 0,5kg gạo. Cơ cực những bữa cơm chấm muối dưới mưa rừng. Đi một tuần, nghỉ một ngày để bổ sung gạo, muối...

Hành trình vượt Trường Sơn gian nan ấy, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 320 đã đúc kết những vần điệu mộc mạc thành một “Triết lý hành quân đường dài”: “Nhằm phía địch lên đường xốc tới/ Níu cành cây vượt dốc tiến lên/ Đầu người dưới, cuối người trên/ Ta vượt được dốc là lên cổng trời/ Khắc đi khắc đến”.

Giữa tháng 11-1964, toàn trung đoàn vào tới huyện 40-Đắc Lây, Kon Tum (T23), bắt đầu chặng đường chiến đấu, hy sinh vô cùng oanh liệt... qua những chiến dịch oai hùng, như: Plei Me (1965), Sa Thầy (1966), Đắc Tô 1 (1967). Từ giữa năm 1968, vào miền Đông Nam Bộ, Long An, Đồng Tháp Mười tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (20-10-1976), trung đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Tây Nam rồi làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia... và mãi mãi vang danh trung đoàn “Trung dũng-Bất khuất-Đoàn kết-Chiến thắng”.

leftcenterrightdel

Họp mặt truyền thống cựu chiến binh Trung đoàn 320 khu vực Bắc Giang, tháng 3-2021.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG