Tôi cứ tưởng tượng hình ảnh của cụ trong chuyến bay dài dằng dặc ấy: Cụ muốn tháo cái mũ bay da đã bạc phếch khỏi mái đầu của mình nhưng cái mũ ấy cứ lẽo đẽo lơ lửng bên cạnh-nó như không muốn rời đi sau hơn nửa thế kỷ gắn trên đầu cụ.
Trước khi mất 3 tháng, cụ gọi điện cho tôi: “Mày xuống tao chơi đi, vì con đường mới làm xong và nhà tao làm bấy lâu nay đã hoàn thành hạng mục cuối cùng là cái hàng rào!”. Tôi chợt nghĩ: “Thế là hết các chuyến đi thuyền vào nhà cụ rồi!". Thực ra tôi hay bày vẽ ra chuyện đi thuyền vào nhà cụ chỉ để các vị khách thành phố hay các vị phi công Hoa Kỳ được hưởng cái cảnh cụ già Nam Bộ lèo lái con thuyền đi trên sông nước như một lối sống chưa xa của miệt vườn Sa Đéc, Đồng Tháp, để khoe câu chuyện tình nổi tiếng của nàng thiếu nữ Pháp và công tử xứ này đã được dựng thành phim, khoe thảm hoa đủ sắc mênh mông xen lẫn các vườn quýt xanh mướt, khoe nem chua Lai Vung nức tiếng mà cụ hay nói về sự phong phú đó: “Đầy nhóc”.
Cụ dẫn hai cháu tôi xuống thuyền chở đi chơi, xem vịt bơi, xem gỡ cá ở trà, xem bèo tây trôi. Sau khi các cháu làm quen với sông nước thì cụ lên bờ và ngồi nghỉ trên chiếc ghế bằng đuy ra để ngay trên con đường mới làm đẫm nước sau cơn mưa chiều. Con gái tôi đã chụp cảnh cụ ngồi nghỉ: Hai bàn tay rũ xuống sau bao năm cầm cần lái máy bay MiG-17 và cũng bấy nhiêu năm cầm cuốc xẻng, khuôn mặt thể hiện điều gì đó xa xôi của một cuộc đời không ngưng nghỉ...
|
|
Anh hùng , ACE Nguyễn Văn Bảy hút thuốc thư giãn bằng điếu làm từ gốc rễ tre, năm 2018. |
Một điều đặc biệt ở cụ là đã học cái gì thì vận dụng rất tuyệt cái đó. Cụ từng truyền đạt kinh nghiệm không chiến cho tụi tôi: “Nè! Tao bảo chúng mày đánh nhau chớ có lên cao quá hai nghìn mét, lên cao không khí loãng thì lực nâng yếu, động cơ thiếu khí lại càng yếu, sao đọ được với thằng F4 hai động cơ to tổ chảng và lại có 4 con mắt!” (máy bay F4 có hai người lái nên quan sát tốt gấp đôi). Ví như cụ chỉ được gặp Bác Hồ có hai lần nhưng những lời dạy bảo ngắn gọn của Bác đã được cụ làm theo suốt đời không thay đổi-niềm tin ví như cây tre dài thì còn có thể bẻ gãy được, nhưng đoản tre già gốc kiểu này của cụ thì không ai có thể bẻ gãy được nó.
Tôi có cảm giác không còn bất kỳ một sự kiện nào bây giờ xảy ra khiến cụ quan tâm nữa, vì cụ từng nói với tôi: “Mình già thì ra chỗ khác chơi”. Cụ chỉ còn quan tâm tới việc đầu tháng đi lên thành phố họp chi bộ, đóng Đảng phí, nhận lương và sau cuộc họp là một chuỗi các cuộc nhậu, rồi hỏi thăm ai ốm đau thì đi thăm, hiếu, hỷ, giỗ, Tết thì đi dự, trẻ em ở quê đứa nào gia đình khó quá thì cụ tính đi cho tiền từ đồng lương của mình....
Bà Bảy (vợ cụ) kêu: “Cả tuần cả tháng, ổng chỉ đi đám là hết ngày, có mấy khi ổng ăn cơm nhà. Cuộc sống của ổng gắn liền với bà con lối xóm”...
Cách đây đã lâu, có lần cụ thủ thỉ với tôi: “Đời thằng đàn ông có 3 việc lớn mà tao tính đã làm xong. Một là đối với Tổ quốc thì tao cũng làm được theo lời Bác dạy; hai là đối với gia đình thì con cái tao đều có nhà ở đàng hoàng; ba là đối với bà con lối xóm, tao uống rượu chả thua thằng nào! Tao chỉ còn chút xíu nữa hoàn chỉnh cái hàng rào cho bả ở đàng hoàng là xong. Mày coi tao nói đúng không?”.
Tôi là lính của cụ đã hơn 50 năm, từng bay MiG-17 nên mới thấu hiểu sâu sắc và khâm phục sự giỏi giang của cụ cùng các bậc đàn anh: Họ chỉ bằng súng trên máy bay cũ kỹ MiG-17 mà bắn rơi tới 5, 7 chiếc máy bay Hoa Kỳ (lại còn là máy bay không quân của hải quân Hoa Kỳ mới đáng nể). Máy bay tốc độ nhỏ, động cơ yếu đã đành, mà trong điều kiện máy bay địch vây 4 phía xung quanh, các cụ vẫn bình tĩnh ngắm, bóp cò vài lần để điều chỉnh luồng đạn sao cho trúng máy bay địch. Như lời ACE Lê Hải ví: Đạn nổ trên lưng cánh máy bay địch như “chân chó chạy”-một hình tượng mà chỉ phi công lái MiG-17 mới ví von chính xác đến vậy được, chứ MiG-21 thì chỉ tạo được đủ điều kiện phóng tên lửa là ấn nút, sau đó nhanh chóng rút lên tít trên cao, còn trúng hay không do tên lửa!
Máy bay MiG-17 lạc hậu lại chậm chạp, nhưng họ vẫn phải căng sức ra để nhào lộn với máy bay địch “đầy nhóc" xung quanh, rồi lại phải quan sát phía đuôi nó bám theo rình phóng tên lửa điều khiển, ngó lên trời phòng tên lửa hải quân từ ngoài biển bắn vô, ngó xuống đất canh chừng tên lửa ta nổi lửa màu da cam bắn nhầm!... Rồi họ lại phải quan sát hỗ trợ cho nhau để cùng rút về... Họ không bỏ đồng đội để thoát thân một mình.
Có thể điểm một vài cái tên phi công từng lái MiG-17 của Không quân Việt Nam: Trí tuệ như phi công Trần Mạnh (đã mất), vốn là một Chính ủy, là "kiến trúc sư" của Không quân ta, đã đấu trí thắng lợi với 4 tướng 4 sao của không quân Hoa Kỳ trong suốt 10 năm (1965-1975), người tổ chức đánh B-52, tìm lối đánh cho MiG-21, đánh tàu chiến, rồi đánh sân bay Tân Sơn Nhất.
Khôn ngoan như ACE, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân huyền thoại Nguyễn Văn Bảy (đã mất); ranh mãnh như ACE, Anh hùng LLVT nhân dân Lưu Huy Chao (đã mất); liều mạng như ACE, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hải; chỉn chu như Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Văn Quỳ-người chủ động gây hấn và nổ phát súng đầu tiên làm bị thương chiếc máy bay tiêm kích trên hạm F8U-biểu tượng cho sự tự hào và điển hình kênh kiệu nhất của không quân hải quân Hoa Kỳ (NAVY) và không quân Hoa Kỳ (USAF); lầm lì như Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Cao Thanh Tịnh; kiên quyết như ACE, Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Lê Quang Trung; nhanh nhẹn như ACE, Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Phi Hùng; dũng mãnh như Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Võ Văn Mẫn; bắn giỏi như liệt sĩ Hoàng Văn Kỷ-chuyên bắn vào buồng lái máy bay đối phương. Và ném bom thia lia giỏi như Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy, biệt danh "Bảy B” làm bị thương tàu khu trục của hạm đội 7 Hoa Kỳ-một hạm đội mà từ ngày thành lập không ai dám nghĩ có thể chạm đến!...
Trung đoàn 923 Anh hùng của chúng tôi có cả thảy 26 Anh hùng LLVT nhân dân. Trong truyền thông, chúng ta hay được nghe về các chiến công của các anh hùng lái MiG-21, nhưng các phi công của Trung đoàn 923 lái MiG-17 cũ rích cũng bắn rơi 107 máy bay Mỹ hầu hết là máy bay của Hải quân (không kém Trung đoàn Anh Cả Đỏ 921 là bao)! Họ còn đánh bị thương hai tàu khu trục của hạm đội 7 mạnh nhất Hoa Kỳ khiến các tàu chiến này chấm dứt bắn pháo dọc bờ biển vào con đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh.
Thắng lợi này mang tính chất chiến dịch (Trung đoàn trưởng khi ấy là Thiếu tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lâm Văn Lích, nay đã mất). Họ còn dùng máy bay thu được của địch ném bom vào sào huyệt chính quyền Sài Gòn tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến bộ tổng tham mưu quân ngụy gần đấy khiếp sợ mà tan rã, đánh dấu thời khắc sụp đổ của ngụy quân-ngụy quyền, thực hiện trọn vẹn lời Bác dạy: “Đánh cho ngụy nhào”. Đây cũng lại là chiến công mang tính chiến dịch! (Trung đoàn trưởng lúc này là Thiếu tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy).
Tôi nghĩ rằng, thế hệ các phi công lái MiG-17 như các cụ là những người cực kỳ dũng cảm. Họ “phớt” đời một cách kỳ lạ. Tôi xin gọi họ theo tên bộ phim nổi tiếng “The last Mohican": “The last pilot-Mohican"-“Những phi công cứng đầu cuối cùng”.
Mong cụ ACE huyền thoại Nguyễn Văn Bảy trong đội hình với các cụ tiền bối của Trung đoàn 923 đang bay lượn vươn tới vườn địa đàng.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân TỪ ĐỄ