Đây là chuyến bay đầu tiên của người Việt Nam và châu Á vào vũ trụ, trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống của nhân dân hai nước; là biểu tượng về quan hệ hữu nghị, sự hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam-Liên Xô. Người phóng viên Việt Nam ghi lại những hình ảnh đầu tiên việc chuẩn bị cho chuyến bay đặc biệt này là nhà báo Phạm Tiến Dũng, khi đó là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Liên Xô.
Nhiếp ảnh như cơ duyên
Trung tướng, Anh hùng phi công Phạm Tuân khi đến xem Triển lãm ảnh “Nơi ấy nước Nga” do 5 cựu sinh viên Khoa Báo chí, Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow mang tên Lomonosov tổ chức, trong đó có những hình ảnh về chuyến bay vũ trụ quốc tế Việt-Xô 40 năm trước, đã nói rằng tất cả những bức ảnh mà tác giả ghi lại đều thể hiện tình hữu nghị anh em bền chặt và sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây (Liên bang Nga ngày nay). Ông cũng cho rằng đó không hẳn là những hình ảnh của cá nhân ông mà là hình ảnh đại diện của người Việt Nam đã tham gia vào một sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế như thế. Chuyến bay lịch sử này đã đặt cơ sở và tạo dựng truyền thống cho công cuộc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ ở Việt Nam.
|
|
Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân (bên phải) - Gorbatko chuẩn bị vào bệ phóng. |
Nhà báo Phạm Tiến Dũng cho biết, ông đi học về báo chí cũng là sự tình cờ và may mắn nữa, bởi sau khi trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn sinh viên đi học nước ngoài cho học sinh phổ thông, ông được cử đi học ở Liên Xô. Thời đó, sinh viên đi học gì, học ở đâu là do sự sắp xếp của Bộ Đại học và Trung học (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) chứ không được tự lựa chọn. Khi đến học tại Khoa Dự bị tiếng Nga ở Moscow, ông được phân công học chuyên ngành Lịch sử và sau khi tốt nghiệp khoa này sẽ đi học ở một thành phố khác. Thế nhưng cũng là cái duyên với báo chí, khi kết thúc năm học với số điểm giỏi ở tất cả các môn, ông được chuyển sang học Khoa Báo chí của Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov. Đây là niềm vui cực lớn với cậu sinh viên Tiến Dũng khi đó mới 17 tuổi.
Hôm nay, ngồi kể lại cho chúng tôi, ông vẫn còn xúc động khi nhớ đến ngày khai giảng năm học đại học đầu tiên trên xứ sở bạch dương. Khi ấy, ông cùng các bạn học và sau này đều là những nhà báo, nhà quản lý báo chí tên tuổi như: Lê Phúc Nguyên (Trung tướng, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân), Nguyễn Đăng Phát (nguyên Trưởng ban biên tập tin thế giới TTXVN, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương) và Nguyễn Đình Lanh (nguyên Phó trưởng ban biên tập tin thế giới TTXVN) vô cùng tự hào khi được thầy Chủ nhiệm khoa, GS, TS Zaxurxki giới thiệu một cách trân trọng: “Hôm nay, khoa chúng ta vinh dự được đón 4 đại diện đến từ đất nước Việt Nam anh hùng. Thầy đề nghị chúng ta cho một tràng pháo tay”. Ông bảo, đã mang danh đến từ đất nước anh hùng nên không cho phép mình được học kém, vì đó không những là học cho mình mà còn học cho danh dự của một quốc gia.
Ông học ảnh báo chí cùng với nhóm sinh viên Việt Nam sang học sau ông một năm do Báo Ảnh Việt Nam cử đi gồm: Vũ Huyến, Lê Hải, Nguyễn Vinh Quang, Vũ Đức Tân. Ông cho biết, để trở thành nhà báo, một phóng viên ảnh, lượng kiến thức nhà trường cung cấp cho sinh viên rất lớn để khi ra trường có kiến thức toàn diện ở mọi lĩnh vực, phục vụ cho công việc làm báo của mình. Với sinh viên học ảnh báo chí còn đòi hỏi năng khiếu và lao động miệt mài. “Chúng tôi thường xuyên đi chụp theo những đề tài được giao và tự đi chụp để nâng cao tay nghề. Có những ngày chúng tôi đứng trong buồng tối mấy tiếng đồng hồ để phóng ảnh. Tuy trường cấp máy ảnh và phim chụp nhưng chúng tôi vẫn phải dành đồng tiền học bổng ít ỏi để trang bị thêm ống kính, mua máy phóng ảnh, giấy ảnh về ký túc xá rồi lấy rèm che phòng lại để làm buồng tối. Học ảnh báo chí rất khó nên ngay cả sinh viên các nước khác cũng “rơi rụng” nhiều trong quá trình học, buộc phải chuyển sang học những chuyên ngành khác phù hợp hơn”, nhà báo Phạm Tiến Dũng nhớ lại.
Những bức ảnh để đời
Trở lại với câu chuyện về chuyến bay vũ trụ quốc tế Việt-Xô cách đây 40 năm, nhà báo Phạm Tiến Dũng nói đấy cũng là sự may mắn trong cuộc đời làm báo của ông khi được có mặt và ghi lại những sự kiện lớn, mang tính lịch sử của đất nước. Đầu năm 1980, ông được TTXVN cử sang Moscow làm nhiệm vụ hợp tác với Nhà xuất bản Progress của Nga để xuất bản Báo Ảnh Việt Nam tiếng Nga. Cũng thời gian này, trong khuôn khổ Chương trình Intercosmos, năm 1980, đến lượt phi công vũ trụ Việt Nam bay lên vũ trụ cùng với phi công vũ trụ Liên Xô. Là phóng viên ảnh của TTXVN thường trú tại Moscow nên nhà báo Tiến Dũng được giao nhiệm vụ vào Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ mang tên Gagarin ở thành phố Ngôi Sao để ghi lại toàn bộ quá trình tập luyện chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ của phi công Việt Nam. Ở trung tâm này, ngoài các bài tập thể lực ngặt nghèo, Phạm Tuân còn được huấn luyện điều khiển thành thạo tất cả các hệ thống trong tàu vũ trụ cũng như trên trạm “Chào mừng” và thực hiện các chương trình nghiên cứu, thí nghiệm khoa học.
|
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trung tâm đào tạo phi công vũ trụ, năm 1980. Ảnh: PHẠM TIẾN DŨNG |
Không những ghi lại quá trình tập luyện đầy gian khổ của các nhà du hành vũ trụ, ông còn chụp được những bức ảnh chân thực, sinh động về các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí của gia đình họ. Chắc chắn khi xem lại phóng sự ảnh này, người xem sẽ khó có thể rời mắt với những bức ảnh như hai nhà du hành vũ trụ mỉm cười tự tin trong giờ tập luyện hay bức ảnh Viktor Gorbatko chỉ dẫn tận tình cho Phạm Tuân các kỹ thuật điều khiển trong khoang tàu, rồi bức ảnh hai nhà du hành vũ trụ vẫy tay chào mọi người trước khi lên bệ phóng, hoặc bức ảnh gia đình hai nhà du hành vũ trụ đến thăm nhau như những người bạn thân thiết, phu nhân của Gorbatko ôm thân thiết con gái của Phạm Tuân. Đặc biệt, trong số phóng sự ảnh có bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ấy là Phó thủ tướng Chính phủ, đến thăm hỏi, động viên các nhà du hành vũ trụ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong bức ảnh quý này, ngoài Đại tướng và các nhà du hành vũ trụ còn có sự có mặt của Giáo sư, Viện sĩ Vật lý Nguyễn Văn Hiệu, người phụ trách tổ chức các thí nghiệm của Việt Nam sẽ thực hiện trên tàu vũ trụ và nhà ngoại giao Vũ Khoan, khi ấy là Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô.
Nhà báo Phạm Tiến Dũng cho biết, khoảnh khắc làm ông xúc động nhất là khi chứng kiến con tàu vũ trụ Liên hợp 37 được tên lửa đẩy đưa vào không gian, rất nhanh trở thành một đốm sáng trong bầu trời đêm ở Baikonur, Kazakhstan. Cũng trong năm 1980, ông còn ghi vào ống kính hình ảnh đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tiên tham dự Olympic thế giới tổ chức ở Moscow. Ngồi ở sân vận động, ông được chứng kiến hình ảnh hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatko gửi lời chào từ không gian đến các vận động viên và khán giả dự Lễ khai mạc Olympic Moscow.
Giờ đây, dù đã bước vào tuổi 70 nhưng ngày ngày, trong con ngõ nhỏ ở phố Âu Cơ (Hà Nội), người ta vẫn thấy bóng dáng một người nghệ sĩ với chiếc máy ảnh rong ruổi đi về sớm tối. Có thể thấy ông vẫn chưa hết đam mê với công việc nhiếp ảnh. Ông bảo chỉ khi nào không cầm được máy nữa thì mới dừng thú vui này. Ông cũng bảo, để thành công trong lĩnh vực ảnh báo chí, ngoài kiến thức cần phải có tình yêu, lòng đam mê và sự lao động nghiêm túc. Chỉ có phản ánh hiện thực một cách khách quan, trung thực thì những tác phẩm ảnh báo chí mới có giá trị lịch sử, mới sống mãi với thời gian và các phóng viên ảnh mới thực sự được coi là những người “chép sử đất nước bằng ống kính”.
NGÔ KHIÊM