Kỷ lục phát hành 20.000 bản/kỳ
Năm 1946, sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp bóc lột, đày đọa cùng cực, hiểu biết về khoa học của nhân dân ta rất thấp, lối sống lạc hậu, lại sốt rét, bệnh tật triền miên; toàn Đông Dương chỉ có hơn 100 bác sĩ. Trong bối cảnh đó, bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y (sau này là Anh hùng LLVT nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế) đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép ra mắt một tờ báo mang tên Vui Sống; mục đích nhằm tuyên truyền, vận động toàn dân sống khoa học, hợp vệ sinh, phòng, chống bệnh tật, cải thiện đời sống, rèn luyện sức khỏe trong cuộc chiến chống giặc dốt. Chủ nhiệm báo đầu tiên là bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Chủ bút đầu tiên là bác sĩ Phạm Ngọc Khuê, Thư ký tòa soạn là bác sĩ Từ Giấy. Từ năm 1948, bác sĩ Từ Giấy được phân công làm Chủ nhiệm báo; Thư ký tòa soạn là nhà thơ Thanh Huyên.
Tờ báo lấy chữ “Vui” có nghĩa là chọn yếu tố tinh thần lạc quan cách mạng là mục tiêu đầu tiên trong cuộc sống đầy khó khăn thời đầu chính quyền non trẻ Việt Nam Dân chủ cộng hòa: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Việt gian khắp nơi... Chữ “Sống” là tồn tại để bảo vệ thành quả cách mạng, như Lênin đã dạy: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Từ Đễ, con trai trưởng của Giáo sư (GS) Từ Giấy kể lại: “Khi mới thành lập tờ báo Vui Sống, cha tôi đang là bác sĩ phẫu thuật tại Mặt trận Khánh Hòa được điều về báo. Tờ báo có sức lôi cuốn lớn đến mức phát hành tới 20.000 bản/kỳ mà vẫn không đáp ứng nhu cầu của công-nông-binh. Trong khi đó, các tờ báo hồi kháng chiến số nhiều nhất cũng chỉ phát hành 3.000 bản/kỳ. Cục Quân y yêu cầu phát hành báo đến tận cấp đại đội và các địa phương, vì đây là ấn phẩm duy nhất về sức khỏe, về văn hóa giải trí mà anh em cán bộ, chiến sĩ mong chờ. Vì vậy, để thuận tiện cho phát hành, Cục Quân y đã tổ chức tờ báo Vui Sống ở Liên khu 5 (do y sĩ Phạm Nguyên Phẩm phụ trách) và tờ Vui Sống ở miền Nam (do bác sĩ Trần Hữu Nghiệp phụ trách)".
Vậy điều gì làm nên sự hấp dẫn của tờ báo như vậy?
Ông Từ Đễ cho biết, thời trẻ, cụ Từ Giấy vốn biết đến nhà báo nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh. Cụ ham thích nghề báo đến mức lập ra một tờ báo nhỏ trong trường tên là Văn, nhưng chỉ ra được hai số thì bị đình bản vì có tư tưởng chống Pháp. Sống ở nông thôn, cụ Từ Giấy hiểu sự dốt nát và cuộc sống đói khổ đến cùng cực của nông dân nên cụ muốn đưa những kiến thức lối sống vệ sinh, y học đến với tầng lớp công-nông-binh, sao cho họ hiểu và áp dụng ngay trong cuộc sống kháng chiến bộn bề. Bài viết phải rất ngắn, dễ hiểu, bày cách làm ngay, không hàn lâm và thêm yếu tố phải vui, dễ vào tai. "Trên cương vị Chủ nhiệm báo, cha tôi đã vận động được hầu hết các vị trí thức đại thụ, họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng tham gia làm báo. Cụ còn lựa chọn những câu nói hay của các danh nhân, các mẩu chuyện vui để tăng sự hấp dẫn...".
Quả thực, các tác phẩm trên tờ Vui Sống đã mang lại giá trị thiết thực đối với đời sống bộ đội và nhân dân ngày ấy. GS Tạ Quang Bửu, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từng đánh giá về vai trò của tờ báo: “Vui Sống là một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng Vui Sống thay đổi những thói quen lạc hậu, xóa bỏ những thành kiến sai lầm, xây dựng một nếp sống mới khoa học”. Điểm qua các chuyên mục của báo, như: “Vui sống ngày xuân”, “Vui sống lý luận”, “Vui sống thường thức”, “Vui sống nói chuyện”, "Bệnh quỷ thuốc tiên", “Những thành kiến sai lầm”... có rất nhiều bài văn, bài thơ vui, dí dỏm, hài hước, châm biếm đã được đăng tải, như: “Căn bệnh Chu Du” của Nguyễn Tấn Ghi Trọng, “Cái chết của Tào Tháo” của Trần Ngọc Ninh, “Con nuôi” của Phạm Khuê, “Một thứ nước uống” của Đỗ Tất Lợi, “Dưa chua” của Trương Công Quyền, “Khổng Minh chết vì bao biện” của Từ Giấy, “Nguyên nhân táo bón" của Đỗ Đạo Tiềm, “Mấy lời cùng bạn sắp lên đường” của Tôn Thất Tùng và bài của nhiều tác giả, như: Phạm Gia Lăng, Vũ Văn Cẩn, Từ Bích... Các bài báo đều được những họa sĩ nổi tiếng vẽ minh họa, như: Lê Thanh Đức, Sĩ Ngọc, Mai Văn Hiến, Bùi Xuân Phái... Báo còn trích dẫn các câu châm ngôn về sức khỏe của Mạnh Tử, Pavlov, Russo, Shakespeare, Christin, Herbert.
Trong mục “Hỏi-Đáp” của bác sĩ Lang Khoai (bút danh của cụ Từ Giấy), với ngôn ngữ bình dân, dí dỏm, tác giả mang lại tiếng cười đầy sảng khoái cho người đọc với những câu hỏi và trả lời, như: “Thưa bác sĩ Lang Khoai, tôi đi ỉa trên suối mà thấy phân cục nổi, cục chìm thì bị bệnh gì ạ?". Trả lời: “Bệnh nguy hiểm: Ỉa bậy!”.
|
|
Một số hình ảnh về tờ báo Vui Sống (1946-1952). Ảnh tư liệu |
"Nghèo mà vẫn vui"
Theo ông Từ Đễ, trong thời gian làm báo Vui Sống, cụ Từ Giấy vừa phải lo tổ chức ăn ở cho những người làm báo sẵn sàng di chuyển tòa soạn để chống thực dân Pháp nhảy dù, vừa phải tổ chức vận chuyển vỏ cây dó, giang, nứa về xưởng làm giấy ở chân núi Tam Đảo, chế mực, đặt bài rồi biên tập, chế bản, in ấn (cả tòa báo chỉ có một máy in tay nên rất vất vả), rồi kiểm tra bản in và phát hành... Thế nhưng, vốn là người vui tính nên cụ luôn lạc quan, tin tưởng. Như tuyên ngôn của tờ báo Vui Sống trong số ra mắt tháng 6-1946 đã nhấn mạnh: “Nghèo mà vẫn vui". Có "Vui Sống" mới có tin tưởng, có tin tưởng mới có thắng lợi. Ta nhất định thắng...
Thực hiện tuyên ngôn của báo là vui vẻ, lạc quan nên thời điểm đó, trong khi một số ngành quân nhu, pháo binh, thông tin đều có bài ca truyền thống thì ngành quân y chưa có bài hát nào, nên cụ Từ Giấy luôn mong muốn ngành quân y có một bài hát truyền thống. Vì thế, năm 1949, cụ Từ Giấy đã "đặt hàng” bạn mình, người tự coi là “du tử"-nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ người Hà Nội Nguyễn Đình Phúc viết bài hát “Ngày mai trời lại sáng", nói về cảm xúc lạc quan tươi sáng của bệnh nhân sau khi được chữa khỏi bệnh để đăng trên tờ báo Vui Sống. Sau này, ông Từ Đễ có hỏi cha mình: "Vì sao bố lại có ý tưởng "đặt hàng" bạn mình viết bài hát như thế?", GS Từ Giấy trả lời rằng: "Ta hồi đó đang yếu, quân y có bao nhiêu người đâu, nên cần động viên yếu tố tinh thần-một phần sức khỏe"... Cụ quả là người có tầm nhìn xa và luôn chú trọng yếu tố tinh thần, sức khỏe của bộ đội.
Ngày 19-5-1950, bác sĩ, nhà báo Từ Giấy cùng các nhà báo Xuân Thủy, Lưu Văn Lợi thay mặt Ban Chấp hành Hội Những người viết báo Việt Nam (sau này đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam) đến chúc thọ Bác Hồ 60 tuổi tại Việt Bắc. Tối hôm ấy, Bác gặp riêng đoàn đại biểu quân đội. Sau khi hỏi về tình hình sinh hoạt của các đơn vị bộ đội, nói về tờ báo Vui Sống, Bác góp ý: “Vui Sống vui, nhưng không được tếu".
Có thể nói, dù tồn tại trong 7 năm nhưng Báo Vui Sống đã góp phần đặt nền móng cho sự phát triển về công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, giữ vững sức khỏe cho chiến sĩ trong Chiến cuộc Đông Xuân nói riêng và đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Nói đến Báo Vui Sống, hầu như tất cả cán bộ, chiến sĩ thời chống Pháp còn nhắc đến với một niềm thích thú và cảm tình đặc biệt. Điều rất thú vị là nhiều bài báo đến nay vẫn mang đầy đủ tính thời sự... Đây là một kỷ niệm khó quên của một thời chiến đấu hào hùng, gian khó nhưng đầy khí thế lạc quan cách mạng, tin tưởng ở tương lai, yêu đời, vui sống” (trích "Thư mừng sinh nhật GS Từ Giấy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp", sách "Bác sĩ Từ Giấy", Nhà xuất bản Y học 2010).
Tại cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 70 năm Báo Vui Sống (tổ chức tại Hà Nội năm 2016), nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đến dự và cũng phát biểu rằng: "Báo Vui Sống thực sự như ngôi sao băng của báo chí cách mạng Việt Nam. Bác sĩ Từ Giấy và Báo Vui Sống là biểu tượng cho lòng vui sống và lạc quan. Để phòng bệnh cho quân đội, cho nhân dân, cần một ấn phẩm như Vui Sống: Dễ gần, dễ hiểu, thân thiện và yếu tố vui, dí dỏm là hồn cốt của ấn phẩm này”.
|
|
Giáo sư, bác sĩ Từ Giấy. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp |
GS, bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Từ Giấy sinh ngày 10-10-1921, mất ngày 27-9-2009. Quê quán: Thôn Khê Hồi, xã Hà Hồi, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì; Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì.
Năm 1993, ông được Tạp chí Những vấn đề dinh dưỡng lâm sàng châu Á-Thái Bình Dương bình chọn là “Nhà dinh dưỡng xuất sắc nhất châu Á”; năm 2009 được tôn vinh là một trong 20 huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới tại Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng.
|
TỐ NGÂN