Gần hai năm nay, dịch Covid-19 gây bao khó khăn cho nền kinh tế đất nước và đời sống người dân. Từ đó cũng đã xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm sẵn sàng đóng góp tiền, tặng những tài sản quý của mình và gia đình để góp phần cùng cả nước phòng, chống dịch.

Câu chuyện này khiến nhiều người liên tưởng tới những ngày trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, nhất là về kinh tế-tài chính, một số nhà tư sản dân tộc, doanh nhân yêu nước, trong đó có cụ Nguyễn Sơn Hà-ông tổ của nghề sản xuất sơn công nghiệp Việt Nam, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, có nhiều đóng góp cho kháng chiến, cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ cũng như cho đồng bào trong lúc khó khăn.

Ý chí tự học vươn lên

Cụ Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894, tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội), nhưng trưởng thành ở đất cảng Hải Phòng. Từ thân phận của một người làm thuê, cụ đã phấn đấu, học hỏi vươn lên, trở thành ông tổ của ngành sơn dầu Việt Nam.

Khi còn làm nhân viên cho hãng sơn dầu nổi tiếng Sauvage Cottu của Pháp ở Hải Phòng, chàng trai trẻ Nguyễn Sơn Hà thường tranh thủ thời gian đọc thêm tài liệu nói về kỹ thuật chế tác sơn dầu. Sau đó, Nguyễn Sơn Hà mở một cửa hiệu quảng cáo để có điều kiện sống độc lập và nghiên cứu thêm. Buổi tối, Nguyễn Sơn Hà lặng lẽ làm thí nghiệm chế biến, sản xuất sơn từ kiến thức học được. Chỉ ít lâu sau, sản phẩm của Nguyễn Sơn Hà đã có mặt trên thị trường Việt Nam với giá thành rẻ nên được khách hàng người Hoa, người Việt rất ưa dùng. Người Pháp không muốn mất thị phần ở Việt Nam nên tìm mọi cách chèn ép. Điều đó càng làm Nguyễn Sơn Hà quyết tâm để có sản phẩm tốt hơn của Pháp. Nguyễn Sơn Hà âm thầm nghiên cứu và tìm ra được loại sơn có chất lượng cao, nhanh khô, phù hợp với môi trường, thời tiết và độ ẩm ở Việt Nam, giá thành lại rẻ hơn so với sơn của Pháp bán trên thị trường lúc bấy giờ.

Vấn đề khan hiếm nguồn nguyên liệu để sản xuất sơn là thách thức lớn. Thời đó, nguyên liệu chủ yếu phải nhập từ Pháp, nên càng dễ bị các nhà tư sản Pháp chèn ép, gây khó dễ. Nguyễn Sơn Hà ngày đêm trăn trở và thấy cần sớm tìm ra nguồn nguyên liệu trong nước để bảo đảm chủ động cho sản xuất. Đồng thời, với việc mua đồn điền để trồng trẩu lấy dầu, khai thác mỏ đá màu, Nguyễn Sơn Hà còn tiếp tục nghiên cứu tìm ra nguyên liệu quý từ các mỏ đất sét xanh ở Sơn Tây, đất sét trắng, đỏ, vàng ở Hải Dương. Từ nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước và giá trị chất xám của chính mình, sản phẩm sơn của Nguyễn Sơn Hà ngày càng có uy tín trên thị trường.

leftcenterrightdel
Cụ Nguyễn Sơn Hà. Ảnh tư liệu

Tấm lòng với đồng bào

Năm 1939, cụ Nguyễn Sơn Hà đến thăm cụ Phan Bội Châu lúc này đang bị Pháp quản thúc tại Huế. Cuộc gặp gỡ đã tác động sâu sắc đến cụ Nguyễn Sơn Hà. Trở về Hải Phòng, cụ tham gia tích cực các hoạt động xã hội của Hội Trí Tri, Hội Ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi hội Truyền bá Quốc ngữ, mở trường Dục Anh nuôi dạy trẻ lang thang, cơ nhỡ...

Trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám, cụ đã cho phép em gái mình là Nguyễn Thị Thảo (từng hoạt động với đồng chí Nguyễn Văn Linh-nguyên Tổng Bí thư) cùng chồng khi đó là Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Châu Đốc sử dụng tiền của cụ từ đại lý sơn tại Sài Gòn trên đường Charner (đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay), tổ chức một đoàn tàu vượt biển ra Côn Đảo đón các tù chính trị đang bị Pháp giam giữ trở về đất liền an toàn trước thời điểm Pháp nổ súng chiếm lại Nam Bộ ngày 23-9-1945. Nhờ đó, nhiều đồng chí kịp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và cả nước, trong số đó có những người sau này trở thành lãnh đạo cấp cao như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hùng, Lê Thanh Nghị...

Đầu năm 1945, nạn đói xảy ra khắp nơi, cụ Nguyễn Sơn Hà đã lấy hàng trăm tấn thóc thu từ 200 mẫu ruộng ở Hải Dương cứu đói cho hàng vạn người. Trong Tuần lễ vàng sau Cách mạng Tháng Tám, cụ Nguyễn Sơn Hà và gia đình tích cực đóng góp tiền, vàng và vận động các nhà tư sản khác tham gia. Cụ bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình (gồm 10,5kg vàng bạc, đá quý). Cụ Hà cũng không ngần ngại hiến tặng ngay chiếc nhẫn quý bằng platin gắn kim cương đang đeo trên tay, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ảnh và Mặt trận Việt Minh cấp giấy khen.

Kháng chiến toàn quốc nổ ra, người con trai cả yêu quý của cụ Nguyễn Sơn Hà là Nguyễn Sơn Lâm, Đội trưởng tự vệ Hải Phòng, người có vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng trong buổi lễ mừng Độc lập (2-9-1945) tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hải Phòng, đã anh dũng hy sinh từ những ngày đầu chống giặc Pháp. Gác đau thương riêng, bỏ lại cả nhà xưởng, cửa hàng, cửa hiệu, đồn điền, cụ lên Chiến khu Việt Bắc tham gia đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho cách mạng.

leftcenterrightdel
Hội thảo khoa học về doanh nhân Nguyễn Sơn Hà do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hải Phòng tổ chức, tháng 1-2021. Ảnh: hpusta.org.vn 

Áo mưa, lương khô, kẹo ngậm... phục vụ bộ đội

Chứng kiến sự khắc nghiệt của thời tiết ở núi rừng Việt Bắc, trong khi bộ đội ta ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, đánh giặc trong điều kiện quá thiếu thốn khó khăn, cụ Nguyễn Sơn Hà đau đáu suy nghĩ, cuối cùng tìm được công thức làm ra loại sơn phù hợp phủ lên vải làm áo mưa cho bộ đội. Chiếc áo mưa đa dụng đã giúp bộ đội ta che mưa, chống rét, chống vắt rừng và trải nằm khi giải lao giữa đường hành quân đánh giặc trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được chiếc áo mưa do cụ Nguyễn Sơn Hà biếu, Người đã viết thư cảm ơn: “Gửi cụ Nguyễn Sơn Hà, đại biểu Quốc hội, cảm ơn cụ đã gửi biếu tôi một chiếc áo mưa do cụ chế ra. Tôi mong cụ sẽ tìm cách chế áo mưa cho mau, cho nhiều, cho tốt và rẻ giá để làm kiểu mẫu cho các nhà công nghệ ta trong cuộc thi đua ái quốc”.

Những năm đầu của cuộc kháng chiến muôn vàn khó khăn, ta chưa sản xuất được và cũng rất khó mua loại nguyên liệu cách điện cho các phương tiện liên lạc phục vụ chiến đấu, cụ Nguyễn Sơn Hà đã dày công nghiên cứu, sản xuất ra loại vải nhựa cách điện ở điện áp thấp dùng vào việc nối dây điện thoại và các mối hàn khác trong kỹ thuật thông tin. Đặc biệt hơn, dây điện trần từ sở chỉ huy đến các đơn vị chiến đấu thường không bảo đảm an toàn thông tin liên lạc đã được cụ nghiên cứu bọc lên một loại sơn đặc biệt từ nhựa thông, nhựa tràm, dầu xe, rất an toàn, hiệu dụng. Cục Thông tin liên lạc Bộ Quốc phòng (nay là Binh chủng Thông tin liên lạc) ghi nhận đóng góp to lớn của cụ cho ngành từ những buổi đầu cuộc kháng chiến. Không chỉ nổi tiếng với công việc làm sơn, cụ Nguyễn Sơn Hà còn chế tạo được lương khô và thuốc ho. Lương khô theo công thức chế tạo của cụ vừa bảo đảm cung cấp đủ năng lượng cần thiết, lại vừa bảo quản được lâu ngày mà không bị mốc. Cụ cũng đã chưng cất tinh dầu của lá cây khuynh diệp, chế ra một loại kẹo ngậm để chống ho, được bộ đội ta ưa thích sử dụng.

Ngành công nghiệp quốc phòng với cánh chim đầu đàn là Thiếu tướng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa và những cộng sự ở Phòng Quân giới sau phát triển lên Cục Kỹ thuật quân giới, Bộ Quốc phòng... đã có nhiều đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến vĩ đại. Bên cạnh đó cũng có những người không mặc quân phục như cụ Nguyễn Sơn Hà nhưng luôn trăn trở, sát cánh cùng Cục Kỹ thuật quân giới, Cục Hậu cần lo cho bộ đội, góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của dân tộc. Cụ từng thay mặt Quốc hội khóa I trao thanh kiếm “Mã đáo thành công” cho Đại đoàn 308 tại Chiến khu Việt Bắc.

Biết cụ Nguyễn Sơn Hà có tài ở lĩnh vực kinh tế, kinh doanh nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ đã mời cụ đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, nhưng cụ đã khước từ với tâm sự: “Tôi tự thấy mình học ít, tài sơ nên không dám nhận chức vụ quá to lớn ngoài sức mình, sợ sau này sẽ ảnh hưởng đến những vấn đề quốc kế dân sinh”. Tháng 3-1952, cụ Nguyễn Sơn Hà được Chính phủ cử đi dự Hội nghị kinh tế quốc tế tại Liên Xô. Về nước, cụ cùng một số người lập ra công ty lọc đường ở Việt Bắc, tiếp tục phục vụ bộ đội và nhân dân.

Sau những năm tháng lên Việt Bắc tham gia kháng chiến, hòa bình lập lại, cụ Nguyễn Sơn Hà trở về sinh sống ở Hải Phòng, tiếp tục hiến tiền bạc và tài sản cho Chính phủ với trị giá khoảng 370 cây vàng. Quãng đời còn lại, cụ sống thanh tao, đạm bạc và dành thời gian viết sách, ghi lại kỹ thuật làm sơn. Cụ và gia đình không hề đòi hỏi sự đền đáp của Chính phủ, chỉ coi đó là trách nhiệm đóng góp của bản thân và gia đình với nền công nghiệp quốc phòng từ buổi sơ khai, với dân tộc và nhân dân Việt Nam.

Cụ là nhà tư sản dân tộc yêu nước thương dân, là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa V với nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam.

NGUYỄN NHÂN TỎ