QĐND - Vươn lên bằng một ý chí sắt đá, Nguyễn Sơn Hà vừa làm giàu cho bản thân, vừa giúp ích cho cách mạng và ông trở thành một trong những đại biểu đầu tiên của Quốc hội Việt Nam. Sau đó, ông tiếp tục được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội Việt Nam 4 khóa liên tiếp...

Tay trắng khởi nghiệp

Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894 tại Hà Nội. Quê gốc ông ở Quốc Oai, Sơn Tây, vì thế, cha ông - Nguyễn Mễ, đã đặt tên ông là Sơn Hà để nhớ về quê hương. Ông Nguyễn Mễ từng tham gia Đội quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc từ những ngày đầu. Ông có mặt trong hầu hết những chiến công của đội quân này, trong đó có 2 vụ giết sĩ quan Pháp là Ăng-ri Ri-vi-ê (Henri Rivière) và Phrăng-xít Gác-ni-ê (Francis Garnier). Sau một thời gian bị địch bắt và tù đày, Nguyễn Mễ mắc bệnh và qua đời. Khi đó, Nguyễn Sơn Hà mới 14 tuổi.

Là con cả, dưới còn 5 người em nên sau khi cha mất, Nguyễn Sơn Hà phải đứng ra gánh vác cả gia đình. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng Nguyễn Sơn Hà đã thành thạo cả chữ Nho lẫn chữ Quốc ngữ. Vì thế, ông kiếm được chân làm phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp. Sau đó do lương thấp, ông đã bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng.

Vốn là người có chí tự lập, Nguyễn Sơn Hà quyết tâm học bằng được nghề sơn dầu. Việc đầu tiên, ông tầm thầy học tiếng Pháp. Khi có được vốn tiếng Pháp kha khá, những lúc nhà chủ đi vắng, Sơn Hà “mượn” đọc trong tủ sách nhà chủ những sách quý về hóa học, về công nghệ sản xuất sơn, về nghề in... Cùng đó, ông tìm các anh em công nhân để hỏi han kinh nghiệm. Tuy chỉ làm thư ký cho hãng nhưng mọi việc lớn nhỏ, từ kỹ thuật đến cách tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ông đều để tâm học hỏi. Ít lâu sau, khi đã nắm được những bí quyết trong nghề làm sơn, kinh doanh sơn dầu, Sơn Hà xin thôi việc, bán chiếc xe đạp làm vốn, mở cửa hàng nhỏ nhận việc kẻ biển, quét vôi, sơn nhà cửa và bắt tay vào chế thử sơn dầu ở Hải Phòng.

Số vốn ít ỏi ban đầu chỉ đủ để Sơn Hà mua 1 chiếc cối đá và nguyên liệu để thử nghiệm. 6 anh em ông vừa là chủ, vừa là thợ, chung lưng đấu cật quyết tâm lập nghiệp. Sau nhiều lần sản xuất thất bại, Sơn Hà vẫn kiên trì vừa làm vừa rút kinh nghiệm và dồn tâm sức nghiên cứu cách dùng nguyên liệu trong nước như cây trẩu, cây thầu dầu, nhựa thông... Chẳng bao lâu, những dòng sơn xay từ cối đá được “đóng hộp” đem bán ra thị trường, với nhãn hiệu Resistanco (có nghĩa là bền chặt), giá thành hạ, chất lượng tốt, mau khô, bóng đẹp hơn sơn của Tây.

Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Ảnh tư liệu
Hàng tốt, giá phải chăng, sơn Resistanco nhanh chóng chinh phục thị trường. Hãng sơn của Sơn Hà cũng phát triển nhanh như vũ bão. Ông đã mua được máy xay bằng sắt thay cho cối đá nên chất lượng sơn ngày càng tốt hơn. Ông mua được cửa hàng trên phố La Côm, tức phố Hoàng Văn Thụ ngày nay. Lúc đầu, ông chỉ có khả năng dựng nhà tre vách đất cho thợ ở, khi khá giả, ông mua hẳn 41 căn hộ (mỗi căn hơn 120m2) ở ngõ Sơn Lâm bây giờ, để thưởng dần cho thợ thuyền.

Trước sự mở rộng thị trường nhanh chóng của sơn Resistanco, bọn thực dân và tư bản Pháp, tư bản Hoa kiều hùa với nhau mở chiến dịch đánh gục Nguyễn Sơn Hà. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trước hai đối thủ không cân sức, Nguyễn Sơn Hà đã sử dụng thành công tinh thần dân tộc như một vũ khí sắc bén để chiến thắng và vươn lên làm giàu cho gia đình, cho đất nước. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nguyễn Sơn Hà quyết định bỏ thêm vốn, mở rộng xưởng, tăng sản lượng sơn mà thị trường đang cần, đưa Resistanco trở thành một hãng sơn danh tiếng, cạnh tranh thắng lợi với các hãng sơn lâu đời của Pháp. Để chủ động nguồn nguyên liệu, ông mua đất ở Quảng Yên, Hải Ninh, trồng các loại cây như trẩu, thông... Ông đăng tuyển những thợ giỏi nhất và mày mò nghiên cứu dùng các loại bột đá màu của Thanh Hóa. Những cố gắng của Nguyễn Sơn Hà đã cho ra đời hàng loạt sơn tốt như sơn Resistanco A, B, dùng cho sơn xe đạp. Đặc biệt, sơn Durolac dùng để sơn ô tô từng đoạt giải trong một cuộc triển lãm tại Pháp. Bột đá xanh của mỏ đá Thanh Hóa đã được nghiên cứu thành một loại sơn tường rất bền và được khách hàng thời đó ưa chuộng. Ngay cả bã sơn cũng được Sơn Hà nghiên cứu để chế thành Colophan thay thế cho nhựa đường trong thời kỳ khan hiếm. Sản phẩm sơn của Nguyễn Sơn Hà không chỉ được khách hàng trong nước tín nhiệm mà còn chinh phục được khách hàng ở nhiều nước trong khu vực.

Từ Hà Nội, Huế, Hội An, Sài Gòn, sơn Resistanco vượt biên giới sang Phnôm Pênh, Viêng Chăn, Thái Lan… Sơn Resistanco được ưa chuộng đến mức làm không đủ bán.

Xin “không làm bộ trưởng”

Năm 1939, trong một lần vào miền Nam để giải quyết công việc kinh doanh, Nguyễn Sơn Hà đã tới thăm chí sĩ Phan Bội Châu đang bị Pháp quản thúc tại Huế. Lần gặp gỡ nhà yêu nước ở Huế đã tác động sâu sắc đến doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Chí sĩ Phan Bội Châu đã viết tặng Nguyễn Sơn Hà một đôi câu đối: Hóa học bác Âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất/ Công khoa tôn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi cơ (dịch nghĩa: Lấy hóa học của người Âu, tô điểm cho sơn hà bởi tấm lòng son sẵn có/ Dùng công nghệ của đất Việt, thay đổi thời thế làm nên bởi tự tay mình).

Trở về Hải Phòng, Nguyễn Sơn Hà quyết định ra tranh cử hội đồng thành phố, tham gia tích cực các hoạt động của Hội Trí tri, Hội Ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi hội Truyền bá Quốc ngữ. Ông từng đấu tranh với Pháp, Nhật đòi mở kho tấm cám để cứu đói, đứng ra lập Trường Dục Anh tại số nhà 46, phố Lạch Tray, để nuôi dạy các em bé mồ côi.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng mới thành lập đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là về kinh tế, tài chính. Chính phủ tổ chức “Tuần lễ vàng” từ ngày 17 đến ngày 24-9-1945. Hưởng ứng Sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông bà Nguyễn Sơn Hà đã ủng hộ hơn 105 lạng vàng và được tuyên dương là người góp nhiều nhất thành phố Cảng. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ảnh và Mặt trận Việt Minh cấp giấy khen. Nguyễn Sơn Hà đã quyết định đi theo con đường giải phóng dân tộc: Bỏ lại toàn bộ tài sản như nhà xưởng, đồn điền, tiền của... đưa toàn bộ gia đình đi theo kháng chiến, mặc dù nhận được nhiều đề nghị từ phía thực dân Pháp sẽ trả lại hoặc đền bù tài sản bị thiệt hại nếu như ông từ bỏ kháng chiến. Người con trai cả của ông tên Nguyễn Sơn Lâm, Đội trưởng Tự vệ Hải Phòng, đã hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tại Mặt trận Đông Khê (Hải Phòng).

Nguyễn Sơn Hà trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hải Phòng. Sau kháng chiến chống Pháp, ông trở về Hà Nội và tiếp tục trúng cử vào Quốc hội Việt Nam khóa  II, III, IV, V. Ông mất tại Hải Phòng năm 1980. Phát biểu trong cuộc gặp mặt gia đình Nguyễn Sơn Hà nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (13-9-1994), đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc đó là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nói: “Tôi vui lòng kể một đôi kỷ niệm về một người bạn mà tôi luôn ghi nhớ trong lòng. Đó là nhà yêu nước, nhà doanh nghiệp Nguyễn Sơn Hà, luôn có đầy nghị lực, năng động, sáng tạo. Tôi nghĩ Nguyễn Sơn Hà là một tấm gương sáng đối với các nhà doanh nghiệp cũng như đối với mọi người và nhất là đối với các nhà doanh nghiệp trẻ ngày nay về lòng yêu nước và ý chí kinh doanh”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nhớ về ông: “Tôi biết anh Nguyễn Sơn Hà từ trước Cách mạng Tháng Tám với hãng sơn Resistanco. Sau Cách mạng Tháng Tám, có ý kiến của Bác và anh Trường Chinh, tôi có mời một số các anh ở Hải Phòng lên gặp, anh Vũ Trọng Khánh và Nguyễn Sơn Hà. Biết anh Hà có kiến thức về kinh tế nên mời làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong Chính phủ, anh Vũ Trọng Khánh là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Anh Vũ Trọng Khánh nhận lời. Anh Hà nói anh rất cảm ơn nhưng xin cho mấy ngày suy nghĩ. Mấy hôm sau, anh trở lại và nói: “Tôi rất cảm ơn sự tín nhiệm của Bác Hồ và các anh, nhưng công việc lớn quá sợ khả năng có hạn chế nên xin được chỉ làm một số việc về kinh tế nước nhà”. Tôi rất quý trọng sự trung thực của anh. Anh Sơn Hà là một người yêu nước. Có thể nói, anh đã không từ bỏ bất cứ việc gì làm cho ích nước, lợi dân, phục vụ công cuộc kháng chiến như chế tạo vũ khí, chế vải dầu che mưa cho bộ đội tốt lắm, dầu lau súng... góp ý kiến cho những vấn đề kinh tế Chính phủ. Tôi nhớ, trong kháng chiến, Quốc hội có tặng Đại đoàn Quân Tiên phong thanh kiếm “Mã đáo thành công”. Quốc hội đã ủy nhiệm cho anh Nguyễn Sơn Hà trao tặng cho Đại đoàn 308”.

Cũng nhân 100 năm Ngày sinh của Nguyễn Sơn Hà, giới sử học Hải Phòng đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học tưởng niệm tròn 100 năm Ngày sinh nhà doanh nghiệp yêu nước Nguyễn Sơn Hà. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến xác nhận về công lao, về những cống hiến to lớn của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà và gia đình đối với cách mạng của các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Quốc Việt; Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Quang Đạo; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng Hoàng Tùng... Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, tuy không phải là hoạt động cách mạng chuyên nghiệp hay một người anh hùng xuất chúng, nhưng trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Sơn Hà không thiếu những tư chất của người làm cách mạng, những hành vi thấm đẫm tính chất anh hùng. Nguyễn Sơn Hà trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, từ tay trắng làm nên sự nghiệp, khẳng định tài trí của người Việt.

LAM CHI (biên soạn)