Đây là giải thưởng danh giá được tổ chức 3 năm một lần nhằm tôn vinh các lãnh đạo doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh; nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong quá trình phát triển doanh nghiệp; tích cực tham gia vào công tác xã hội; đóng góp cho nền kinh tế của đất nước và nâng cao đời sống người lao động. Trong danh sách 100 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu giai đoạn 2016-2018 có Đại tá, Tiến sĩ Ngô Minh Khải, Giám đốc Nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP).
Bài thuyết minh của ban tổ chức khi xướng tên Đại tá Ngô Minh Khải nêu rõ: Trong 3 năm vừa qua, Đại tá Ngô Minh Khải đã chỉ đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, với mức tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 10%; doanh thu đạt hơn 1.400 tỷ đồng, tăng gần 55% so với năm 2015; lợi nhuận đạt hơn 80 tỷ đồng, tăng 45%; thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động đạt hơn 13 triệu đồng, tăng 37,6%... Đặc biệt, nhà máy đã đẩy mạnh Phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” để nâng cao năng suất và chất lượng; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; áp dụng hiệu quả nhiều phương pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại… được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen trong công tác khoa học, công nghệ. Nhiều đề tài, sáng kiến của nhà máy được cấp trên khen thưởng.
|
|
Đại tá, tiến sĩ Ngô Minh Khải, Giám đốc nhà máy Z131 Tổng cục Công nghiệp quốc phòng |
Còn nhớ mùa hè năm 2015, khi đang là Phó tham mưu trưởng Tổng cục CNQP, Đại tá, Tiến sĩ Ngô Minh Khải được điều động về làm Giám đốc Nhà máy Z131, nhiều người chúc mừng anh được về một đơn vị có bề dày truyền thống, hai lần được tuyên dương danh hiệu anh hùng và nhiều năm liên tục là lá cờ đầu trong Phong trào Thi đua Quyết thắng của tổng cục. Bấy giờ,
Đại tá Ngô Minh Khải cho rằng, niềm phấn khởi tự hào ấy cũng chính là những khó khăn, thách thức mà anh và tập thể lãnh đạo, chỉ huy nhà máy phải phấn đấu vượt lên; bởi trong thời đại ngày nay, không quyết liệt vượt lên thì sẽ bị tụt hậu, thụt lùi.
Với suy nghĩ ấy, Đại tá Ngô Minh Khải đã cùng ban lãnh đạo và chỉ huy nhà máy bàn bạc thống nhất, thực thi nhiều giải pháp để tiếp tục đưa nhà máy phát triển. Nhà máy Z131 là doanh nghiệp quốc phòng-an ninh, có nhiệm vụ sản xuất một số loại vũ khí, đạn, trang bị quân dụng phục vụ quốc phòng và tham gia sản xuất, kinh doanh; kết hợp quốc phòng với kinh tế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, nhà máy có thế mạnh về sản xuất một số mặt hàng kinh tế có uy tín trong nước và xuất khẩu với số lượng lớn, như: Vật liệu nổ công nghiệp, các sản phẩm cơ khí, nhựa... với đa dạng chủng loại, mẫu mã. Để phát huy những thế mạnh này, nhà máy đã chủ động đầu tư trang thiết bị công nghệ, nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới, đầu tư về nguồn nhân lực và đặc biệt là đổi mới trong công tác quản lý, áp dụng các phương pháp quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
|
|
Đại tá Ngô Minh Khải tại lễ trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019 |
Theo Đại tá Ngô Minh Khải, bản chất của đổi mới phương pháp quản lý, quản trị là nâng cao sức sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Để hướng đến mục tiêu này phải có mô hình, phương pháp quản trị hiện đại, hợp lý. Đảng ủy và Ban giám đốc nhà máy đã xác định phương hướng đổi mới theo nguyên tắc: Những gì cũ, lạc hậu, gây cản trở, không hiệu quả thì phải điều chỉnh, thay đổi để thích nghi. Đổi mới, sáng tạo để cải tiến mẫu mã, thêm các chủng loại vũ khí và hàng dân dụng thích ứng với sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Để làm được điều này thì công tác quản trị của doanh nghiệp cũng phải thích ứng, đủ năng lực để cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đổi mới mô hình quản lý trước tiên xuất phát từ yêu cầu tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào vật tư để đầu ra có giá cả cạnh tranh. Những năm qua, nhà máy đã triển khai rất nghiêm túc, triệt để “Chương trình 5S”; thường xuyên có đánh giá, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật… Từ đó, chất lượng sản phẩm, năng suất, ý thức người lao động và an toàn lao động được nâng cao rõ rệt. Bên cạnh đó, nhà máy áp dụng phương pháp “cải tiến thường xuyên” (Kaizen) rất nghiêm túc, thành một quy trình chuẩn mực. Cùng đó là phải thường xuyên giáo dục, động viên người lao động tích cực sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; kết hợp chặt chẽ quyền lợi của người lao động với các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Mỗi sáng kiến, ý tưởng của người lao động khi được áp dụng triển khai trong thực tiễn đều được nhà máy khen thưởng xứng đáng với giá trị của sáng kiến. Đặc biệt, mô hình “Mỗi tuần một ý tưởng” do Đoàn Thanh niên nhà máy phát động đã chắp cánh cho nhiều ý tưởng trở thành hiện thực, có những ý tưởng trở thành đề tài cấp toàn quân. Nhà máy Z131 là đơn vị đầu tiên của Tổng cục CNQP có “ngân hàng ý tưởng”. Mô hình này được phát triển từ năm 2016. Hằng tuần, mỗi đoàn viên, thanh niên phải có một ý tưởng, chủ yếu tập trung vào bảo đảm vệ sinh môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất. Hằng tuần, sau khi tổng hợp ý tưởng, đội khoa học kỹ thuật trẻ của nhà máy sẽ lựa chọn ra 4 ý tưởng tốt nhất để thực hiện, triển khai trong hoạt động sản xuất. Các ý tưởng sẽ được chính tác giả viết thành sáng kiến gửi lên hội đồng khoa học nhà máy xem xét, góp ý, hỗ trợ và khen thưởng. Đến nay, trung bình mỗi năm, “ngân hàng” này có khoảng 150 đề tài sáng kiến được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Nòng cốt của mô hình trên đây là tuổi trẻ nhà máy, nhưng người khơi gợi và “truyền lửa” cho họ chính là Tiến sĩ Ngô Minh Khải, cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự hơn 30 năm trước; hiện nay, ngoài chức danh Giám đốc Nhà máy Z131, đồng chí còn là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, Thường trực Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp quân đội. Với tư cách là giám đốc và là nhà khoa học, Đại tá Ngô Minh Khải thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ và cán bộ quản lý trong toàn nhà máy để lắng nghe đề xuất, kiến nghị; từ đó có những điều chỉnh hợp lý trong chủ trương, chính sách của nhà máy. Với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Nhà máy Z131, Đại tá Ngô Minh Khải có 4 năm liên tục (từ năm 2015 đến 2018) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2018; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; “Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên” năm 2019 và nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, UBND tỉnh Thái Nguyên...
Hơn một tuần sau lễ vinh danh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu và trao Cúp Thánh Gióng, chúng tôi được lên tham quan Nhà máy Z131 nhằm dịp đơn vị đang đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiến hành các hoạt động sôi nổi chào mừng Đại hội Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2014-2019 của Tổng cục CNQP. Chúng tôi đã được chứng kiến cơ ngơi xanh-sạch-đẹp từ khu vực cơ quan đến khu vực sản xuất, mà theo các đoàn khách hàng nước ngoài từng đến đây nhận xét là “đạt tiêu chuẩn quốc tế”; được cùng anh chị em công nhân dùng những bữa cơm buffet (tự chọn) và được tặng vé vào khu điều trị vật lý trị liệu dành cho công nhân nhà máy. Và chúng tôi cũng đã được lãnh đạo chỉ huy nhà máy dẫn ra xem thực địa dự án khu đô thị Z131 rộng hơn 16ha đang triển khai giải phóng mặt bằng, mà theo ý kiến của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên khi giao khu đất dự án cho nhà máy, là phải quy hoạch xây dựng thành một khu đô thị kiểu mẫu cho địa phương. Được biết, đây không chỉ là dự án giúp cho nhiều cán bộ, công nhân, viên chức của nhà máy “an cư lạc nghiệp” mà còn góp phần giúp nhà máy thực hiện chủ trương “trải thảm” thu hút nhân lực chất lượng cao.
Tôi chợt nhớ đến tâm sự của Đại tá, Tiến sĩ Ngô Minh Khải ngày anh nhận quyết định về làm Giám đốc Nhà máy Z131, cách nay gần 5 năm: “Sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực. Đây là nền tảng giúp tạo ra sự khác biệt, mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong xu thế hội nhập, phát triển kinh tế tri thức như hiện nay”. Gần 5 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của thủ trưởng và các cơ quan cấp trên, sự ủng hộ của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân địa phương, sự đoàn kết, chủ động khắc phục mọi khó khăn, năng động, sáng tạo của cán bộ, công nhân viên nhà máy, anh đã cùng tập thể lãnh đạo và chỉ huy nhà máy ráo riết triển khai thực hiện nhiều biện pháp thiết thực và những kết quả đạt được đã góp phần phát huy truyền thống nhà máy hai lần được tuyên dương danh hiệu anh hùng, tiếp tục phát triển vững chắc trong thời kỳ mới.
Bài và ảnh: TRỊNH VÕ