Từ cậu bé làm thuê trở thành “vua tàu thủy”
|
Chị Bạch Quế Hương trước mộ cụ Bạch Thái Bưởi. Ảnh: HƯƠNG QUẾ |
Cụ Bạch Thái Bưởi là một trong 4 doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam được truy tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu do có công trong việc chấn hưng tinh thần kinh doanh của dân tộc (3 người còn lại là các cụ: Trịnh Văn Bô, Lương Văn Can và Nguyễn Sơn Hà).
Đã có rất nhiều sách, báo viết về gia đình cụ Bạch Thái Bưởi, người được mệnh danh là “vua tàu thủy” Việt Nam, “Người giàu nhất nước Nam”. Cụ cũng là người đã truyền cảm hứng cho các thế hệ doanh nhân Việt về lòng tự tôn dân tộc cùng ước mơ vươn ra biển lớn. Thế nhưng có lẽ ít người biết rằng, cháu đích tôn của cụ đã từng là phóng viên của Báo Quân đội nhân dân và chuyện khởi nghiệp của cụ có những chi tiết khá lý thú.
Người đang thờ cúng và giữ gìn nhiều tư liệu quý về cụ Bạch Thái Bưởi là chị Bạch Quế Hương, ở phường Nam Đồng (quận Đống Đa, TP Hà Nội). Chị Hương là con gái duy nhất của Thượng úy Bạch Thái Hải, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Thượng úy Bạch Thái Hải là cháu nội của cụ Bạch Thái Bưởi.
Chị Hương khẳng định với chúng tôi, cụ Bạch Thái Bưởi không phải là con nuôi một gia đình giàu có họ Bạch ở Trung Quốc như một số sách, báo đã viết. Cụ nội của chị nguyên gốc họ Đỗ ở làng Yên Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (trước đây), nay là phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Tên khai sinh của cụ là Đỗ Thái Bửu. Do cha mất sớm nên ngay từ lúc còn nhỏ, Đỗ Thái Bửu đã phải đi làm thuê cho các hãng buôn của Pháp. Trong lúc làm thuê, Đỗ Thái Bửu đã học “lỏm” tiếng Pháp và cả cách kinh doanh của người Pháp.
Chị Hương chia sẻ: “Các cụ trong gia đình tôi kể rằng, lúc lập nghiệp, cụ vẫn dùng tên Đỗ Thái Bửu cho đến khi làm nên sự nghiệp, thành danh trên thương trường. Để đánh một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và khắc ghi những tháng ngày gian khó, cụ đã đổi họ thành Bạch-mang ý nghĩa là từ hai bàn tay trắng mà cụ làm nên sự nghiệp lớn”.
Với số tiền tích cóp được sau nhiều năm làm thuê, chàng thanh niên Đỗ Thái Bửu đã thuê lại 3 chiếc tàu vận chuyển hành khách của người Pháp. Vừa khởi nghiệp, anh đã phải đối mặt với hai đối thủ nặng ký là chủ tàu người Pháp và chủ tàu người Hoa. Cuộc đụng độ không cân sức đã xảy ra, ông hạ giá vé xuống một thì người Hoa và người Pháp hạ giá vé xuống hai. Ông mua trà mời khách đi tàu thì họ mua bánh ngọt... Các chủ tàu người Hoa, người Pháp trường vốn đã quyết chí đánh bại Đỗ Thái Bửu bằng đủ mọi cách. Trong tình thế đó, ông đã nghĩ tới một thứ vũ khí mà người Hoa, người Pháp không thể có, đó là tinh thần dân tộc. Ông cho người tới các bến tàu nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, kêu gọi tình đồng bào, tinh thần “tương thân tương ái”. Ông treo một cái ống trên tàu để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích thì bỏ tiền vào, giúp cho chủ tàu giảm lỗ. Kết quả, hành khách dần bỏ tàu Hoa, tàu Pháp mà đi tàu Việt. Từ thành công đó, ông đã thâu tóm các đội tàu của các công ty của người Pháp và người Hoa bị phá sản.
Sau lĩnh vực vận tải, Bạch Thái Bưởi cũng thành công trong các lĩnh vực đóng tàu, khai thác mỏ... Cụ không chỉ là một doanh nhân tài ba mà còn là người giàu lòng nhân ái, không ngừng học hỏi, học ngay cả đối thủ cạnh tranh với mình.
Chiến sĩ trên Đoàn tàu Không số thành "Chúa đảo Tuần Châu"
Với tên gọi “Chúa đảo Tuần Châu” mà nhiều người dành tặng, đại gia Đào Hồng Tuyển trở thành một trong những người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản khổng lồ. Thế nhưng mỗi khi gặp chúng tôi, không bao giờ ông nhận là đại gia mà chỉ nhận là đồng đội, bởi ông từng là chiến sĩ trên Đoàn tàu Không số thực hiện nhiều chuyến vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam theo tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại thời chống Mỹ, cứu nước.
Rời quân ngũ vào những năm 80 của thế kỷ trước với số tiền trợ cấp ít ỏi khi phục viên, Đào Hồng Tuyển đã lao vào trận tuyến mới, đó là trận chiến đấu với đói nghèo. Ông từng làm nhân viên dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu, rồi cùng một số bạn bè thành lập một nhóm mua bán ve chai để kiếm sống tại TP Hồ Chí Minh. Lúc bấy giờ, phế liệu sau chiến tranh tràn ngập trong thành phố và ông đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội kinh doanh này. Ông sử dụng một số kiến thức về máy móc đã được học trong lúc còn tham gia quân ngũ để tái sử dụng các loại máy móc và đầu tư sản xuất các loại bia, nước giải khát cung cấp cho người dân.
Dấu ấn khởi nghiệp của Đào Hồng Tuyển được tính từ giữa thập niên 1990, khi thành lập Công ty TNHH Âu Lạc thực hiện một dự án được xem là “điên rồ nhất” vào thời đó là đổ 80 tỷ đồng để lấy đất, đá lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo hoang Tuần Châu (Quảng Ninh). Tiếp đó đầu tư xây dựng bến du thuyền lớn nhất thế giới cùng hàng trăm công trình giải trí và biệt thự ở hòn đảo này.
Ông Tuyển nhớ lại: Cuối năm 1998, con đường từ đất liền đã chạm tới đảo, đó cũng là lúc mọi nguồn vốn cạn kiệt, không thể vay mượn được ai. Nhà cửa, sản nghiệp đã thế chấp hết để vay vốn ngân hàng. Nhiều thứ bán không có người mua vì thị trường đã đóng băng. Bạn bè xa lánh, mỏi mệt và chán nản khiến ông tưởng như phải bỏ cuộc dở chừng. Nếu bó tay chỉ có nước là chờ ngân hàng đến siết nợ rồi vào tù, rồi sẽ được cả nước biết đến như một vụ án... lừa đảo. Thế nhưng chính những lúc đó, nghị lực và bản lĩnh của người chiến sĩ trên Đoàn tàu Không số đã thôi thúc ông phải cố gắng. Ông đã thuyết phục anh chị em công nhân cho nợ lương, thuyết phục các nhà thầu, các đối tác cho nợ tiền và phải chấp nhận “bán non” một số lô đất để “lấy ngắn nuôi dài” nhằm thực hiện đến cùng biến đảo hoang thành đảo ngọc...
Tiếp nối thành công tại đảo Tuần Châu, ông Tuyển tiếp tục đầu tư dự án Tuần Châu Hà Nội, với tổng diện tích lên đến 200ha, tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội và hiện đang triển khai một số dự án tại nhiều địa phương trong cả nước.
Không chỉ nổi tiếng bởi dám nghĩ, dám làm, doanh nhân Đào Hồng Tuyển còn được nhiều người biết đến bởi các hoạt động tri ân, nghĩa tình với đồng đội và giúp đỡ người nghèo. Ông từng đấu giá căn biệt thự trị giá 12 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào bị thiên tai. Năm 2020 vừa qua, trước cảnh thiên tai lũ lụt hoành hành các tỉnh miền Trung, gây ra nhiều thiệt hại về người và của, ông Đào Hồng Tuyển đã ủng hộ gần 6 tỷ đồng giúp người dân vượt qua khó khăn. Khi dịch Covid-19 bùng phát, ông kêu gọi mọi người quyên góp chống dịch bệnh. Cá nhân ông đã ủng hộ 5 tỷ đồng và cung cấp 3 triệu chiếc khẩu trang miễn phí.
“Đại gia Đường bia” và khát vọng hòa bình
Mới đây, tại khách sạn Hanoi Golden Lake (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội), khách sạn dát vàng từ trong ra ngoài đầu tiên trên thế giới và chắc cũng là khách sạn sang trọng vào loại bậc nhất Việt Nam hiện nay, chúng tôi đã được ông chủ của công trình này kể về quá trình khởi nghiệp. Ông tên là Nguyễn Hữu Đường nhưng mọi người thường gọi là “đại gia Đường bia”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình.
Là một trong những người giàu nhất Việt Nam nhưng doanh nhân Nguyễn Hữu Đường ăn mặc lại rất giản dị, tác phong giống hệt như một sĩ quan tại ngũ. Ông luôn tự hào “tôi là cựu chiến binh”. Ông Đường nhập ngũ vào đầu thập niên 1970, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Môi trường quân đội đã tôi luyện chàng thanh niên Nguyễn Hữu Đường cả về thể lực và ý chí, đó cũng là phẩm chất cần có của một doanh nhân sau này.
Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), ông được phục viên. Với khoản tiền trợ cấp của Nhà nước, ông “tậu” một chiếc xe xích lô đi chở bia thuê cho hợp tác xã vận chuyển bia của Công ty Bia Hà Nội. 10 năm vận chuyển bia, ông đã được tiếp xúc với nhiều người sản xuất bia và học “mót” được cách làm bia. Đến năm 1987, khi tích lũy được số vốn kha khá, ông Đường quyết định rủ một số đồng đội là thương binh lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình xây dựng Nhà máy Bia Hòa Bình. Đây là cơ sở sản xuất bia đầu tiên của kinh tế tư nhân ở Hà Nội. Với chất lượng tốt, giá lại rẻ, bia của Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình (người dân thời đó thường gọi là bia Thương binh) đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường đồ uống có cồn. Biệt danh “Đường bia” cũng được người ta gán cho ông từ ngày đó.
Thành công với lĩnh vực đồ uống, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường rót vốn vào lĩnh vực bất động sản và thành công với một loạt dự án bất động sản chất lượng, uy tín như: Tháp đôi Somerset Hòa Bình (106 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), chung cư cao cấp khu Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, Hà Nội)... Đặc biệt, tại khách sạn Hanoi Golden Lake ở vị trí đắc địa với 3 mặt giáp đường Nam Cao, đường Trần Huy Liệu và đường nội bộ hồ Giảng Võ, ông đã cho xây bằng các viên gạch phủ vàng. “Các viên gạch phủ vàng 24k của chúng tôi giúp cho ngôi nhà tiết kiệm được năng lượng vì hấp thụ nhiệt ít hơn tối thiểu từ 3 đến 5 độ C so với gạch thông thường. Và đặc biệt là gạch phủ vàng của chúng tôi có độ bền cao”, ông Đường khẳng định. Theo ông Đường thì: “Thế giới chưa có nước nào có tòa nhà dát vàng từ trong ra ngoài. Ở Việt Nam, tiêu chuẩn cao nhất chỉ có 5 sao. Hiện nay, Abu Dhabi có khách sạn 8 sao, Dubai có khách sạn 7 sao, tôi hy vọng nơi này sánh ngang với khách sạn 8 sao của Abu Dhabi”.
Ông Nguyễn Hữu Đường nói với chúng tôi: “Nhiều người gọi tôi là đại gia này nọ, nhưng mấy chuyện đó tôi chẳng quan tâm. Cái tôi quan tâm là liệu mình đã làm được những gì, để khi nhắc tên tôi, người ta khen nhiều hơn chê”.
Tại dự án Hòa Bình Green City, ông Đường đã từng gây “sốc” với tuyên bố miễn phí cho thuê 25.000m2 mặt bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng Việt Nam chất lượng cao.
Cách đây gần 10 năm, tôi đã hỏi ông Đường vì sao chọn cái tên khởi nghiệp là Hòa Bình, ông trả lời: “Với những người đã đi qua chiến tranh như chúng tôi, khát vọng lớn nhất là hòa bình. Tôi luôn mong ước hòa bình sẽ là vĩnh viễn trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Tất nhiên, để đạt được điều này thì đất nước phải giàu, quân đội phải mạnh”.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng khởi nghiệp từ mì ăn liền
Giờ đây, cái tên Phạm Nhật Vượng đã được hàng chục triệu nhân dân Việt Nam và cũng phải đến vài chục triệu người ở nước ngoài biết đến bởi ông là “người đàn ông giàu nhất Việt Nam”, “tỷ phú đô la Mỹ đầu tiên của Việt Nam”, sản phẩm do các doanh nghiệp của ông sản xuất đã được hàng trăm triệu người sử dụng. Thế nhưng có lẽ ít người biết rằng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng khởi nghiệp từ gói mì ăn liền và bản lĩnh “thắng không kiêu, bại không nản’’ của ông học được từ người cha, một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Năm 1987, nhờ thành tích xuất sắc về Toán học, ông Vượng đã giành được một suất học bổng du học tại Moscow (Nga). Tại đây, ông học về chuyên ngành kinh tế và địa chất ở Học viện Địa chất Moscow. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp đại học và kết hôn với người bạn gái cùng học, ông cùng vợ chuyển tới thành phố Kharkov, mở một cửa hàng ăn lấy tên Việt Nam là Thăng Long. Lúc đó, do khủng hoảng kinh tế tài chính, những kệ hàng trong siêu thị Kharkov trống không và người dân buộc phải mua nhiều loại sản phẩm bằng tem phiếu. Tận dụng cơ hội ấy, ông Vượng về Việt Nam mua một dây chuyền mì ăn liền hai vắt thô sơ, quay tay đưa sang Ukraine và bắt đầu sản xuất mì ăn liền bán cho dân nơi đây. Sản phẩm này hoàn toàn xa lạ với Ukraine nhưng lại nhanh chóng được đón nhận. Để có vốn mở rộng dây chuyền sản xuất mì, ông Vượng chấp nhận mạo hiểm đi vay 10.000USD từ bạn bè với lãi suất 8%/tháng. Sau đó, ông còn tiếp tục vay Ngân hàng châu Âu với lãi suất 12%/năm để sản xuất thêm các sản phẩm khác như rau thơm khô đóng gói, bột khoai tây, soup...
Năm 2000, song song với việc điều hành công việc kinh doanh ở Ukraine, ông Vượng mở hai công ty tại Việt Nam. Ông bắt đầu thu lợi nhuận từ các doanh nghiệp Ukraine đầu tư bất động sản ở Việt Nam sau khi thành lập Vinpearl năm 2000 và Vingroup vào năm 2002.
Từ hai dự án đầu tiên mang tính biểu tượng tại Việt Nam là Vinpearl Nha Trang và Vincom Bà Triệu (Hà Nội), Vingroup đã lớn mạnh với tốc độ cực kỳ nhanh chóng trong suốt hai thập niên đầu thế kỷ 21. Trong lĩnh vực bất động sản, hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị, nghỉ dưỡng của tập đoàn này đã ra đời và thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị cũng như khu du lịch tại Việt Nam. Sự thành công nhanh chóng của lĩnh vực bất động sản của Vingroup tạo đà giúp doanh nghiệp này mở rộng ra hàng loạt lĩnh vực khác trong hệ sinh thái khép kín mang họ “Vin” gồm: Trung tâm thương mại Vincom, Bệnh viện Vinmec, trường học Vinschool-VinUni, siêu thị Vinmart (hiện đã bán cho Masan), điện thoại Vsmart, ô tô VinFast...
Năm 2013, Phạm Nhật Vượng trở thành người Việt Nam đầu tiên được Tạp chí Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng tỷ phú USD của thế giới, ở vị trí 974, với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Thứ hạng của ông tăng đều theo các năm và tới nay, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng ở vị trí 286 tốp những người giàu nhất hành tinh, với tổng tài sản trị giá 7,3 tỷ USD.
Không chỉ nổi tiếng về sự giàu có, ông Vượng còn được nhiều người biết đến về thiện nguyện. Forbes vừa công bố danh sách anh hùng thiện nguyện lần thứ 14, trong đó xướng tên tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Việt Nam. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng với Quỹ từ thiện Thiện Tâm của Vingroup đã quyên góp 77 triệu USD trong năm qua cho các hoạt động cứu trợ Covid-19 cũng như cấp học bổng giáo dục và hỗ trợ các chương trình chăm sóc sức khỏe trên khắp đất nước. Được biết, trong giai đoạn 2006-2019, Quỹ từ thiện Thiện Tâm đã chia sẻ tới cộng đồng 8.172 tỷ đồng.
Bầu Hiển, từ “chúa Chổm” tới đại gia
Tôi quen thân với ông Đỗ Quang Hiển từ những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó, với số vốn ít ỏi là tiền trợ cấp sau khi rời cơ quan nhà nước, ông Hiển đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (gọi tắt là Công ty T&T, nay là Tập đoàn T&T). Công ty của ông lúc đó chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông của Nhật Bản.
Vừa mới khởi nghiệp, doanh nghiệp của ông Hiển đã bị làn sóng hàng nhập lậu và hàng kém chất lượng nhấn chìm. Hàng ông Hiển nhập về chất lượng cao nhưng giá bán lại cao nên không cạnh tranh được với hàng nhập lậu và hàng chất lượng thấp. Không bán được hàng nhưng vẫn phải chịu thuế nhập khẩu. Chỉ tính riêng tiền nợ thuế của T&T lúc đó lên tới 7 tỷ đồng, Một tờ báo lúc ấy đã đưa Đỗ Quang Hiển lên trang nhất với cái tựa đề đầy chua chát: “Chúa Chổm”. Rất may sau đó, hải quan và thuế vụ đã xuống tận nơi xác nhận việc nợ thuế của T&T là do hàng còn tồn kho nên đã cho nợ và cũng chỉ một thời gian ngắn, sau khi người tiêu dùng bão hòa với hàng kém chất lượng, các cơ quan chức năng siết lại hàng rào nhập khẩu, hàng hóa của T&T đã được giải tỏa và khoản thuế nợ được hoàn trả.
Có được nguồn vốn kha khá trong tay, Đỗ Quang Hiển tranh thủ sự tư vấn của bạn bè, âm thầm nghiên cứu, đón bắt nhu cầu thị trường để rồi tung ra những sản phẩm mà thị trường chấp nhận như điện thoại, xe máy, mô tô, thiết bị điện tử...
Đến năm 2005, ông Hiển bước vào lĩnh vực vô cùng mới mẻ là đầu tư tài chính. Không lâu sau đó, ông trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) và đảm nhận trọng trách Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng này cho đến nay. Sau đó một năm, ông Hiển quyết định đầu tư tài sản của mình vào bóng đá. Ông cho thành lập Câu lạc bộ Hà Nội T&T, Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng và xây dựng nhiều trung tâm huấn luyện bóng đá. Cái tên “bầu Hiển” ra đời từ đó.
Từ năm 2015, với mục tiêu đưa T&T Group trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành mang tầm quốc tế, ông Hiển đã bắt tay với nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới mở rộng đầu tư kinh doanh cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Ông cũng đã đầu tư và thành công trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, năng lượng tái tạo, khai thác than, dệt may công nghiệp...
Ngoài kinh doanh và bóng đá, ông Hiển còn rất chú trọng và quan tâm đến các hoạt động xã hội, các chương trình vì cộng đồng. Từ năm 2015 đến nay, T&T Group và SHB đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động an sinh trên cả nước. Mới đây, tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của “bầu Hiển” đã ủng hộ 30 tỷ đồng cho người nghèo.
Trong buổi lễ vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018, ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ: “T&T Group không làm giàu bằng mọi giá, mà trước hết phải làm giàu bằng cái tâm, sự cống hiến và phải có lòng tự tôn dân tộc. Bên cạnh đó, muốn phát triển bền vững cần phải quan tâm đến nhân viên, thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, đóng góp cho cộng đồng, phát huy sức mạnh ủng hộ của toàn xã hội”.
Có lẽ ít người biết rằng, trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, ông bầu của các đội bóng có tên tuổi, Đỗ Quang Hiển từng là chiến sĩ. Ông từng rèn luyện qua ba tháng đào tạo sĩ quan dự bị tại Trường Sĩ quan Pháo binh, sau khi tốt nghiệp ngành vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). “Ba tháng làm người chiến sĩ đối với tôi thật ngắn so với cuộc đời, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn để đến khi bước vào thương trường. Hiện nay, tôi vẫn mang cốt cách của người chiến sĩ”, bầu Hiển tâm sự với tôi như vậy.
ĐỖ PHÚ THỌ