Ngày 12-3-1960, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Thống nhất Trung ương, tại thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), lễ kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam được tổ chức. Tiếp đó, theo chỉ đạo của tỉnh ủy đôi bên, huyện Tĩnh Gia và huyện Đại Lộc tổ chức kết nghĩa. Trong thời kỳ chống Mỹ, hòa vào sự nghiệp chung của cả nước, huyện Tĩnh Gia đã ra sức xây dựng và bảo vệ hậu phương vững chắc, chi viện đắc lực nhân tài, vật lực để huyện Đại Lộc cùng tiền tuyến miền Nam quyết chiến, quyết thắng. Thi đua với hậu phương Tĩnh Gia, Đảng bộ và nhân dân Đại Lộc đã trung dũng kiên cường, lập nhiều chiến công xuất sắc, cùng góp phần vào toàn thắng 30-4-1975, thống nhất đất nước.
“Hòn đá chống Mỹ” ở Tĩnh Gia và Địa đạo Phú An-Phú Xuân ở Đại Lộc cùng được khởi nguồn vào một thời điểm, vừa như lời đáp nghĩa tình giữa hai đầu hậu phương-tiền tuyến, vừa như “song mã” chở chiến công.
Biểu tượng của "Thành đồng Tổ quốc"
Tháng 3-1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam nước ta, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ. Trên đất Đà Nẵng, chúng mở rộng vành đai chiếm đóng. Lúc này, tại chiến trường Đại Lộc (Quảng Nam), quân ngụy ráo riết củng cố xây dựng đồn bốt, ra sức càn quét, đánh phá lấn chiếm vùng giải phóng, “xúc tát” dân vào khu dồn, hòng chia cách quân và dân ta. Trước tình hình đó, Huyện ủy Đại Lộc (do đồng chí Phan Thanh Thủ làm Phó bí thư, đến tháng 5-1965 làm Bí thư) chỉ đạo lực lượng cách mạng gấp rút chuẩn bị cơ sở, phương tiện để bộ đội, du kích bám trụ chiến đấu bảo vệ xóm làng. Địa đạo Phú An-Phú Xuân thuộc xã Lộc Quý (nay là xã Đại Thắng) ở vùng B (vùng giải phóng) huyện Đại Lộc, được khởi công xây dựng tại thời điểm lịch sử ấy.
|
|
Quang cảnh nhà trưng bày kỷ vật Địa đạo Phú An-Phú Xuân. |
Địa đạo là công trình được bảo đảm bí mật tuyệt đối, bí mật đến không ngờ, nằm sát nách đồn bốt Mỹ-ngụy, được sông Thu Bồn và sông Vu Gia như hai cánh tay cùng những lũy tre quanh năm xanh tốt bao bọc 3 phía. Các bộ phận đào địa đạo gồm: Du kích địa phương, nhân dân các thôn Phú An, Phú Xuân, có lúc cả Đại đội 32 thuộc Ban An ninh Mặt trận Quảng Đà cũng tham gia. Hằng đêm, phụ nữ, nam giới, các cháu thiếu nhi sát cánh cùng du kích luân phiên nhau, người thì canh chừng trọng pháo của kẻ thù, báo động có máy bay Mỹ đến ném bom, người thì len lỏi vào từng ngách hầm đào bới, bê, gánh sọt đất đá đổ xuống sông hoặc hố bom, để xóa vết tích trên mặt đất. Cho dù nhà riêng có thể bị bom, bị pháo địch phá nát nhưng người dân đều hăng hái đào địa đạo. Câu ca “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh thắng giặc Mỹ, cực chừ sướng sau” ra đời từ đấy.
Địa đạo dài 800m, nằm sâu dưới lòng đất, có chỗ sâu tới 2m, độ rộng hẹp khác nhau tùy theo địa chất từng vị trí. Nơi đây có 21 ngõ ngách và hệ thống giao thông hào, lối đi chằng chịt xuyên qua dưới nền nhà dân, bụi cây, lũy tre... cùng với hệ thống lỗ thông hơi được bố trí rất khéo. Tất cả tạo nên thế liên hoàn, vừa tránh quân địch phát hiện, lại vừa tiện cho việc hỗ trợ nhau khi chiến đấu.
Trong địa đạo có hầm chỉ huy, hầm hội họp, hầm cấp cứu thương binh, người ốm đau và hầm dự trữ vật phẩm hậu cần. Mỗi đoạn lại có những nhánh “chân rết” nối liền với hai đường hào giao thông chạy song song đôi bên địa đạo để cảnh giới và tác chiến khi địch hành quân càn quét. Ở giao thông hào, cứ khoảng 20m lại có một hầm cá nhân và lỗ thông hơi để người đi lại tránh phi pháo bất ngờ của địch khi chưa kịp rút xuống địa đạo.
|
|
Bia ghi dấu Địa đạo Phú An-Phú Xuân. |
Địa đạo Phú An-Phú Xuân hoàn thành vào năm 1967, là một trong những căn cứ tiền phương của Đặc khu ủy Quảng Đà tiếp nhận các nguồn cán bộ và quân chủ lực từ miền Bắc bổ sung cho chiến trường. Đây cũng là nơi làm việc và hội họp của Đặc khu ủy Quảng Đà, Khu ủy Khu V, Mặt trận 44 suốt 7 năm (1965-1972). Căn cứ này đặt sở chỉ huy tiền phương của các đơn vị Quân Giải phóng để tấn công các căn cứ Đức Dục, An Hòa; là vị trí thuận lợi để làm bàn đạp tiến công giành thắng lợi ở các mặt trận thuộc Khu V, tạo thời cơ để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ở Khu V và Đặc khu Quảng Đà.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Địa đạo Phú An-Phú Xuân từng là nơi trú chân an toàn của nhiều đồng chí lãnh đạo Khu V, như: Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy; Chu Huy Mân, Phó bí thư, Tư lệnh quân khu; Đoàn Khuê, Phó chính ủy quân khu; Nguyễn Chánh, Tư lệnh Mặt trận 44; Giáp Văn Cương, Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 44... cùng nhiều vị lãnh đạo, tướng lĩnh từng chiến đấu, công tác tại chiến trường Quảng Đà. Đồng chí Phạm Đức Nam, Chủ tịch UBND cách mạng, Chủ tịch Hội đồng tiền phương tỉnh Quảng Đà lúc bấy giờ (sau giải phóng là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) đã nhận xét: “Địa đạo Phú An-Phú Xuân là công lao to lớn của nhân dân Đại Thắng. Bây giờ nhớ lại, chúng tôi vẫn còn cảm kích, biết ơn Đảng bộ, chính quyền, bà con nhân dân, những người còn sống cũng như những người đã ngã xuống với mảnh đất anh hùng này".
Có thể nói, Địa đạo Phú An-Phú Xuân là một biểu tượng của "Thành đồng Tổ quốc". Khu vực này được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2002. Sau đó, di tích từng bước được trùng tu tôn tạo, xứng với tầm vóc một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ và là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.
Sáng tạo với “Hòn đá chống Mỹ”
Bước vào năm 1965, để làm tốt nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam, vấn đề giao thông vận tải được Đảng và Nhà nước ta đưa lên hàng đầu, trong đó có nhiệm vụ phải bảo đảm giao thông vận tải trên các trục đường giao thông chiến lược tại các tỉnh Khu IV, đáp ứng yêu cầu về vũ khí, chất đốt và những vật phẩm khẩn thiết khác cho miền Nam và Lào. Thực hiện chủ trương của trên, Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ, cứu nước gồm 18.000 cán bộ, chiến sĩ, phiên chế thành 4 đội, kết hợp với Ty Giao thông vận tải bảo đảm công tác giao thông vận tải thời chiến; trong đó tuyến giao thông vận tải đi qua địa bàn huyện Tĩnh Gia giữ vị trí chiến lược trọng yếu.
Một đêm tháng 6-1965, giữa lúc quân và dân xã Lộc Quý (Đại Lộc, Quảng Nam) đang khẩn trương xây dựng Địa đạo Phú An-Phú Xuân, thì ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), máy bay Mỹ ném bom, khoét một hố rộng 20m, sâu 4m giữa đoạn Quốc lộ 1A chạy qua xã Hải Lĩnh. Đoàn xe quân đội chở vũ khí trên đường vào Nam phải dừng lại bên miệng hố. Lúc ấy, lực lượng công binh và TNXP sửa đường đang khắc phục ách tắc giao thông ở địa điểm cách đó 10km. Không thể chậm trễ, lãnh đạo xã Hải Lĩnh đã huy động dân quân và đồng bào địa phương phối hợp cùng anh em lái xe san lấp hố bom. Nhưng khi chiếc xe thứ 3 vừa qua được thì chỗ vừa được san lấp lại lún sâu xuống. Tình huống rất khẩn trương vì trời sắp sáng, máy bay địch oanh tạc, công việc sẽ càng thêm khó khăn. Bỗng một người nêu sáng kiến: Mang đá hộc dự trữ để làm nhà ra lót đường cứu xe. Ngay lập tức, những gia đình có đá vận động mọi người vào cùng với mình chuyển đá nhanh ra đường rồi tập trung lấp đầy hố bom, thông đường trước sự trầm trồ thán phục và biết ơn của các chiến sĩ lái xe...
Từ sự việc này, Đảng ủy xã Hải Lĩnh phát động Phong trào “Hòn đá chống Mỹ”, thu hút sự hưởng ứng của tất cả cụ già, các mẹ, các chị, các em nhỏ trong toàn xã. Bà con thi đua thu gom những hòn đá đủ các kích cỡ, thường là to bằng cái bát ăn cơm trở lên, có sẵn bao đời nay trong bờ tre, góc vườn, trên đồi, dưới khe suối, lòng sông... kể cả đá hộc gia đình chuẩn bị làm nhà. Tất cả được đưa ra xếp thành bờ cao, tới hàng trăm mét khối, dọc hai bên Quốc lộ 1A. Từ đó, sau mỗi lần máy bay địch ném bom phá đường, xe của chúng ta không còn bị ách tắc lâu nữa. Như một luồng gió mạnh, phong trào lan rộng ra 42 xã ở các khu vực trọng điểm đánh phá của địch trong toàn tỉnh Thanh Hóa.
“Hòn đá chống Mỹ” không chỉ có tác dụng đối với tuyến giao thông chính từ Bắc vào Nam đi qua đất Tĩnh Gia, mà còn truyền cảm hứng sáng tạo trong bảo đảm mạng lưới giao thông vận tải trên những địa bàn và những tuyến đường khác ở nông thôn. Tính đến năm 1967 (cùng thời điểm huyện Đại Lộc hoàn thành Địa đạo Phú An-Phú Xuân), nhân dân Tĩnh Gia đã làm được 212km đường mới liên xã, tu sửa cải tạo 312km đường giao thông từ làng ra đồng ruộng... Nhờ vậy, giao thông thông suốt trong mọi tình huống, góp phần chi viện kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam và làm thất bại chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Phong trào “Hòn đá chống Mỹ” đã đi vào sử sách, chứng tỏ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, ý chí quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân Tĩnh Gia anh hùng.
Địa đạo Phú An-Phú Xuân và Phong trào “Hòn đá chống Mỹ” là biểu tượng sóng đôi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là hai trong vô vàn thành quả của Phong trào “Hậu phương thi đua với tiền phương” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Địa đạo Phú An-Phú Xuân và Phong trào “Hòn đá chống Mỹ” cũng thể hiện sức sống của mối tình kết nghĩa Tĩnh Gia-Đại Lộc sâu nặng, trường tồn.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG