Khu di tích Mỹ Sơn trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

Khu di tích Mỹ Sơn đến ngày nay vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn và khó giải thích đối với các nhà khoa học, vì vậy nó trở thành một trong những điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến khám phá, nghiên cứu và thăm quan nhất của tỉnh Quảng Nam. Khu di tích Mỹ Sơn nằm gọn trong một thung lũng kín đáo rộng khoảng 2km thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách thành phố Đà Nẵng khoảng hơn 60km về phía tây nam. Đây là nơi tổ chức cúng tế của các vương triều Chămpa. Ngoài chức năng hành lễ, nơi đây còn là nơi giúp các vương triều tiếp cận với các thánh thần nên thánh địa trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng của các triều đại Chămpa. Năm 1999, Khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Khu di tích Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Đến nay dấu tích của chữ Phạn cổ thể hiện trên những tấm bia đá vẫn còn lại. Dựa trên các tấm bia văn tự khác, người ta biết nơi đây đã từng có một đền thờ đầu tiên được làm bằng gỗ vào thế kỷ IV. Hơn 2 thế kỷ sau đó, ngôi đền bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ 7, vua Sambhuvarman trị vì từ năm 577 đến năm 629 đã dùng gạch để xây dựng lại ngôi đền và tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó tiếp tục tu sửa lại các đền tháp cũ và xây dựng các đền tháp mới để thờ các vị thần. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadresvara, vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.

Nhiều người Chăm ở Ninh Thuận vượt hàng trăm cây số về thăm Khu di tích.

Trong nhiều thế kỷ người Chăm đã dựng lên một quần thể kiến trúc đền tháp độc đáo, liên hoàn: Đền chính thờ Linga-Yoni biểu tượng của năng lực sáng tạo. Bên cạnh tháp chính (Kalan) là những tháp thờ nhiều vị thần khác hoặc thờ những vị vua đã mất. Tháp Chàm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác, chia làm 3 phần: Đế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc. Thân tháp tượng hình của thế giới thần linh, kỳ bí mê hoặc. Phần trên cùng là hình người dâng hoa trái theo nghi lễ hoặc hình cây lá, chim muông, voi, sư tử... động vật gần gũi với tôn giáo và cuộc sống con người. Gạch là nguyên liệu chính để xây dựng tháp Chàm, những hoa văn tạo dựng bởi gạch nung, chất liệu gắn kết và phương thức xây dựng đến nay vẫn là một điều bí ẩn.

Sau khi phát hiện ra khu tháp cổ Mỹ Sơn, nhiều hiện vật tiêu biểu trong đó đặc biệt là những tượng vũ nữ, các thần linh, những con vật thờ cũng như những cảnh sinh hoạt cộng đồng người Chămpa đã được đưa về thành phố Đà Nẵng xây dựng thành bảo tàng kiến trúc Chămpa.

Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích chỉ còn lại 20 tháp, nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn là những kiệt tác đánh dấu một thời huy hoàng của văn hóa kiến trúc Chămpa. Hiện tỉnh Quảng Nam đang tiến hành trùng tu, tôn tạo để Mỹ Sơn mãi là điểm đến để du khách khám phá những điều bí ẩn còn lại.

Bài và ảnh: HẢI LÝ