Đến nay, kết quả là khả quan, cuộc sống của nhân dân đã trở lại bình thường. Cám ơn những chiến sĩ áo trắng, bộ đội, công an cùng toàn thể nhân dân đã ngày đêm chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh, viết nên những câu chuyện nghĩa tình, ấm áp yêu thương giữa đời thường. Cũng từ những tên đất này, nhân dịp tháng 3 nhiều ký ức Tây Nguyên, xin ghi lại mấy mẩu chuyện đầy nhân nghĩa, thấm đậm tình người của Bộ đội Cụ Hồ và đồng bào các dân tộc nơi đây trong những ngày đánh chặn địch ở Đường 7-Cheo Reo nổi tiếng năm xưa.

leftcenterrightdel
Một góc thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai hiện nay. Ảnh: gialai.gov.vn 

Sau khi ta tấn công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, địch tổ chức phản công tái chiếm nhưng thất bại nên hoảng sợ rút chạy khỏi Kon Tum và Pleiku, Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 được lệnh cấp tốc cơ động về Nam Cheo Reo chặn quân địch rút chạy. Nhiều năm ở Tây Nguyên, bộ đội chịu đựng gian khổ cùng đồng bào, đói ăn, nhạt muối, hy sinh nhiều, nay một trận đột phá chiến lược đã giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, rung chuyển cả Tây Nguyên nên anh em rất phấn khởi, mặc dù đã gần chục ngày tấn công, truy kích địch phải chịu đói ăn, thiếu ngủ, mệt nhoài. Đêm 16-3, đơn vị bí mật vượt dãy núi Chư Niêng, gần sáng 17-3 vừa đến khu rừng khộp cách cầu Sông Bờ 2km thì máy bay, pháo binh địch bắn phá dọn đường cho quân của chúng tháo chạy. Gặp quân ta đánh chặn, bọn chúng chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy hoặc đầu hàng vì đã quá hoang mang, rệu rã. Trung đoàn 64 cùng các đơn vị bạn đã thực hiện tốt kế hoạch truy kích, đánh chặn làm tan rã cả quân đoàn 2 và quân khu 2 của địch. Chưa bao giờ ta lại bắt được nhiều tù binh như thế. Nhưng cũng có rất nhiều tình huống phát sinh ngoài dự kiến, như công tác khai thác, làm chính sách tù, hàng binh và nhất là lo ăn uống cho các gia đình ngụy quân, ngụy quyền cùng chạy theo.

Chiều hôm ấy, trận đánh kết thúc, một trung đội đang truy quét tàn quân địch gần bờ sông Ba thì thấy một tên lính ngụy núp trong bụi cây trâm bầu, tay ôm chặt một cái làn nhựa, bộ đội ta quát “giơ tay lên”, hắn vội đặt cái làn nhựa xuống đất, chắp hai tay vái và lắp bắp: “Con lạy các ông giải phóng, các ông bắn con cũng được, nhưng xin hãy tha cho con gái con được sống làm người”, rồi tay chỉ vào chiếc làn, run rẩy, khóc lóc. Trong làn là một hài nhi còn sống, được quấn vội bằng mảnh áo lính. Người hàng binh cho biết, anh ta là lính quân đoàn 2 ngụy, cùng vợ chạy từ Pleiku xuống đây, dọc đường cô vợ chuyển dạ sinh đứa bé này rồi chết luôn. Đột nhiên có tiếng pháo rít, cả mấy anh bộ đội vội khom lưng che cái làn. Anh Luật, Trung đội trưởng bảo: “Một người viết cho nó cái giấy chứng nhận Quân Giải phóng đã tha để nó vào buôn xin sữa cho con bú, ai còn gì ăn được bỏ cả ra đây”. Thế là mấy anh em gom được vài thanh lương khô đưa cho tên lính ngụy tội nghiệp. Anh ta ngơ ngác nhìn bộ đội ta rồi sụp lạy và xách cái làn, liêu xiêu chạy vào trong buôn. Đã mấy chục năm, không biết bây giờ người lính ngụy và cháu nhỏ khi ấy cuộc sống ra sao?

Năm 1994, một đồng chí bộ đội đã nhiều năm chiến đấu, gắn bó với Mặt trận Tây Nguyên quyết định đưa gia đình từ miền Bắc vào Tây Nguyên sinh sống. Anh tìm mua nhà ở thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai. Không rõ cơ duyên thế nào mà anh được giới thiệu đến gặp chủ nhà đang cần bán để đi Mỹ định cư theo diện sum họp với con bên Mỹ. Bác chủ nhà xởi lởi kể chuyện con của ông bà là con lai, được ông bà nuôi từ nhỏ. Mấy năm trước, cháu đã được sang định cư ở Mỹ do bố cháu là lính Mỹ tìm lại nhờ chính sách của hai nhà nước. Chính ông bà cũng là dân di tản từ Pleiku tháng 3-1975, nhưng bị dồn lại ở Đường 7-Cheo Reo. Con nuôi của ông bà khi đó là một cháu nhỏ khoảng một tuổi đang khóc lóc do lạc mất người thân, được bộ đội ta chăm nuôi, sau đó giao lại nhờ nhân dân nhận nuôi giúp. Cuối câu chuyện, ông chân thật tâm sự: “Trong những ngày đạn bom tang tóc ở Đường 7-Cheo Reo, tôi chứng kiến bộ đội giải phóng rất là nhân đạo, họ nhường đồ ăn, nước uống cho dân, lại còn đỡ đẻ cho phụ nữ nữa. Cảm ơn bộ đội giải phóng”.

Tại số nhà 154 Hùng Vương, thành phố Pleiku hiện nay, có một cô chủ cửa hiệu tạp hóa khoảng 60 tuổi, quê gốc Bình Định, sinh tại Kon Tum. Cô kể: “Tháng 3-1975, gia đình em chạy từ Kon Tum tới Phú Bổn thì gặp giao tranh giữa Quân Giải phóng với quân ngụy đang rút chạy trên Đường 7. Không may, em bị mảnh đạn trúng vào người, máu chảy nhiều, được mọi người dìu chạy vào rừng. Đang lo sợ thì được mấy chú bộ đội miền Bắc đưa vào trạm quân y. Ban đầu, em hơi hoảng loạn. Nhưng các chú đã băng bó, cứu chữa cho em cùng nhiều trẻ em, người dân khác trước cả những chú thương binh. Cùng những lời động viên, an ủi chân tình và việc nhường suất ăn, chỗ ngủ, sau mấy ngày được chăm sóc ở trạm quân y, các chú gửi em và những người dân mới được cứu chữa lại cho đồng bào trong vùng Cheo Reo chăm sóc để hành quân đi chiến đấu tiếp. Tiếc là khi đó, chúng em thật vô tình, không hỏi tên các chú bộ đội đã cứu mình. Đã mấy chục năm, tình cảm và việc làm nhân hậu của các chú bộ đội giải phóng, các y sĩ, bác sĩ trạm quân y ngày ấy (nghe nói thuộc Sư đoàn 320) vẫn sống mãi trong lòng chúng em và những người di tản trên Đường 7 hồi tháng 3-1975”. Nghe chuyện của cô, tôi nói: “Không chỉ bộ đội Tây Nguyên mà gặp bộ đội giải phóng bất cứ ở đâu, thuộc đơn vị nào, cũng sẵn lòng giúp đỡ, cứu chữa cho dân, chăm sóc các cháu nhỏ như thế, dù họ đang thiếu thốn, khó khăn”.

Đồng chí Phan Cự Hảo, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: Ở đây có hàng chục đứa trẻ ngày ấy trong đoàn người của các gia đình ngụy quân, ngụy quyền di tản từ Kon Tum, Pleiku chạy đến đây rồi bị bỏ rơi hay thất lạc, được bộ đội ta cứu giúp, gửi lại các gia đình đồng bào các buôn, bản bên đường chăm nuôi, nay đã lớn khôn, vẫn sống tại đây, lập gia đình, cùng nhân dân địa phương xây dựng quê hương mới. Đó là cô Nguyễn Thị Yến ở phường Sông Bờ, khi bị bỏ rơi mới 5 ngày tuổi, được bà Văn Thị Liễu mang về nuôi dưỡng. Hay ở buôn Phu Ma Miong, xã Ia Rtô có cô gái vốn là người Kinh, được một gia đình dân tộc cưu mang, nhận nuôi lúc mới 5 tuổi, đặt tên là Kso Hyer, hiện nay cô thạo tiếng Gia Rai.

Nhiều năm qua, nhờ báo chí, truyền thông, nhiều người, nhiều gia đình đã được đoàn tụ, trong đó có một số thân phận đã từng thất lạc tháng 3-1975 trên Đường 7-Cheo Reo, Phú Bổn. Hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa may mắn tìm lại được người thân sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Nhưng nhờ tình người của bộ đội giải phóng và nhân dân nơi đây mà họ đã “có cuộc sống đầy đủ trên mảnh đất này, được sống với đồng bào nơi đây, tôi rất vui, cảm thấy mình may mắn lắm rồi” như lời của cô Kso Hyer, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa chia sẻ.

NGUYỄN NHÂN TỎ