Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị (1972-2022), tôi đã cố gắng đánh máy lại một số đoạn trong cuốn nhật ký nói trên để làm tư liệu cho mình và nếu có thể thì công bố lên sách báo. Đoạn nhật ký sau đây ghi lại những ngày tôi làm lính ở một tổ bảo vệ đường dây, có cảnh đường dây bị địch ném bom, chúng tôi phải lao ra dưới làn bom để nối lại và cũng có cảnh sinh hoạt dã chiến của chúng tôi rất vui. Tất cả chất liệu đều được ghi nguyên văn từ cuốn nhật ký... Trân trọng gửi tới bạn đọc.
|
|
Tác giả-nhà thơ Anh Ngọc trong ngày nhập ngũ, năm 1971. |
12-5:
Đã ở một tổ bảo vệ (3B), chính nơi hôm nọ đi nắn dây đã ngủ lại một đêm. Ven suối. Rất xa đường cái. Vắng và hoang vu lắm. Tĩnh.
Sáng 10-5 chuẩn bị đi thì N.D, người đã gửi thư hôm nọ, đến. Anh ta đi tìm mình. Mình nhận nhiệm vụ mới đi bảo vệ anh ta và lên đường cùng hắn. Dọc đường trò chuyện thích quá. Hắn vừa thành công rất to trên Văn Nghệ, in 1 chùm 6 bài, và ngay sau đó Hoài Thanh có bài khen riêng, kiểu khen Lưu Quang Vũ. Số độc đắc thật. Hắn đang làm xôn xao dư luận thơ Hà Nội. Quả anh ta có nét rất riêng mà rất chung của bọn làm thơ trẻ có tài, nhận ra ngay. Hồn nhiên, duyên thầm, rủ rỉ, bản lĩnh, mãnh liệt... Không biết những nhận xét ban đầu này có đúng hoàn toàn không và tương lai thơ anh ta sẽ ra sao. Đọc những bài đó và nghe anh ta đọc thêm, thì thấy có nhiều nét độc đáo, kết hợp tài giữa cốt cách, giọng điệu cổ truyền và chất cảm xúc, suy nghĩ rất mới. Khôn lắm. Duyên đấy. Nhưng kể cũng không hoàn toàn đã vừa lòng, có cái gì hơi vần vè, thôn dã quá, thiếu một cái cốt cách tài hoa theo kiểu vang động. Nhưng anh ta cần gì cái đó? Liên tưởng khá lắm.
Anh ta biết mình và có lẽ cũng thích. Có thể các thủ trưởng sẽ cho mình đi dọc tuyến đường dây đến A34, tức là suốt tỉnh Quảng Trị, ngày mai anh ta sẽ vào đấy. Nếu được đi với anh ta thì vui lắm. Mệt, nhưng sẽ ghi và viết.
Về đến chỗ ở mới hôm qua. Lội suối rất dài, rất trơn, mệt đấy. Hôm nay đã yên ổn. Hai thằng bạn kia đi làm, mình ở nhà lau súng và làm bếp. Sức khỏe rõ ràng không hay ho gì cả. Lo sốt rét vô cùng, vì sốt rét thì hại gan lắm, ai cũng biết thế...
Ở đây ven suối, róc rách rì rầm cả ngày. Chiều qua đi mò ốc, bắn cá. Luộc hỏng nên ăn không ngon, có nhớt. Sáng nay nổ một phát CKC chết một con cá bé tí. Súng nổ to như sấm.
Cạnh suối có cây trầu không leo theo cây gỗ mục. Gợi về mẹ, đấy, tứ đấy...
Làm sao cho thơ hồn nhiên hơn nữa, liên tưởng hơn nữa, cô đúc hơn nữa, phát biểu những gì thân tình hơn nữa? Cộng với chất thực tế? Làm sao?...
17-5:
Nằm nhà trực máy. Như vậy là suốt 3 ngày qua cùng với bọn bạn làm việc cật lực đã đào xong hầm trú ẩn, lán ngủ, là nhà. Bây giờ thì mọi việc đâu vào đấy cả rồi. Lạy Trời, nếu dây không đứt luôn thì có thể rỗi ra tí chút để mà làm việc đấy.
Nằm ở nhà hầm này cũng sáng sủa, vui vui. Cứ ổn định là yên trí đã.
Các thủ trưởng đã đồng ý cho mình đi suốt tuyến vào tận A34, tức là còn 50km đi vào nữa, gần phía nam Quảng Trị. Mình sẽ chờ N.D chở vào và cả hai đi cho vui. Nhưng nếu anh ta không vào, mình cũng sẽ đi. Không sợ gì cả. Đi cho nó biết tí chút, còn dành vốn mà viết lách chứ.
Bây giờ thì, viết thôi!
19-5-1972:
Ngày sinh của Hồ Chủ tịch. Nhiều kỷ niệm trong ngày này lắm. Ngày vào Đoàn, ngày này năm 1970 nói chuyện trước toàn trường về thơ Hồ Chủ tịch...
...Còn hôm nay thì chứng kiến một cảnh chiến trường rất ác liệt. Sáng nay giặc đánh suốt buổi. Hai chiếc OV10 quần thảo liên tục ngay trên đầu, bắn pháo khói cho F4 đến đánh. Đủ loại bom rung nhà. Khói bom che kín bầu trời nhiều lần, tàn lửa bay tứ tung.
Vừa xong đã cùng hai thằng bạn chạy ra chính chỗ đó để chữa dây đứt. Vai vác cuộn dây bọc, bước đi trong lòng suối, trên đồi lửa vẫn cháy rất to, nổ lép bép như cháy nhà, khói, tàn tro... Khắp nơi đầy hố bom và bom bi, dây đứt lung tung. Con đường 13 từ Km26-27 bị đánh mạnh. Trơ thổ địa không có chỗ nào mà trú. Máy bay vẫn gầm rú xa xa, tiếng OV10 vo ve. Ghét vô cùng là cái thằng này. Trông bẩn mắt và cù nhầy hết chỗ nói. Trở về ven suối ngồi một mình chờ chúng nó. Giở ảnh và thư nhà ra xem. Quả thực trước mắt là cảnh khói lửa rồi, không sai tí nào... Tình hình mặt trận có những gay go, giặc Mỹ cố đấm ăn xôi đang tăng cường rất ghê. Có thể chúng đổ bộ, thả thám báo vào vùng mới giải phóng. Giai đoạn mình đang sống đây là một giai đoạn rất căng trong cuộc chiến đấu này. 5 anh em trong một căn lán nhỏ hẻo lánh bên bờ suối vắng, xa hẳn mọi người, xa đường, đầy lau lách, cây củi mục. Chỉ còn có nhau.
Ăn uống toàn của rừng. Bắp chuối, rau tàu bay, các loại rau chua, củ đoác, đánh cá bằng thủ pháo, câu, bắn... Loanh quanh chỉ có thế và ruốc. Đúng là một cuộc sống dã chiến 100 phần trăm.
Thấm thoắt mà đã gần 2 tháng. Thời gian ở chiến trường rất nhanh mà cũng rất chậm. Hoàn toàn không tính gì đến ngày thứ nữa. Nhưng mọi người bảo mình khỏe ra, rắn chắc. Lúc nào cũng nghĩ đến người thân, đến vợ con, đến bè bạn.
Đang bắt đầu một tuần trăng mới, trăng ở đây thật là rừng rú hoang vu hết chỗ nói. Nhưng vẫn thấy bình thường, có lẽ vì chất tiểu tư sản cũ có bớt nhiều. Nhưng cũng nên giữ những gì lãng mạn đẹp đẽ chứ.
Đừng lo. Mình không bao giờ mất cái đó.
|
|
Bìa cuốn sổ ghi nhật ký ở Quảng Trị năm 1972 của nhà thơ Anh Ngọc |
21-5:
Sáng đi chạy dây. Lúc về la cà giữa trưa nắng dọc suối bắt cá, bắt cua, tôm... Lý thú lắm nhưng mệt.
Sau mỗi chuyến đi ra với cái chết như vậy trở về lại ngồi vào bàn (tự tạo) cố ghi và làm lấy vài dòng thơ. Cuộc sống hôm nay kỳ diệu thế đó. Tứ đấy.
22-5:
Suốt buổi sáng hôm nay cùng bọn bạn làm bánh cuốn. Lấy mũ sắt, đẽo chày (gỗ cây song tàu), ngâm 3,5kg gạo cho vào mũ, hì hà hì hục giã, lấy màn buộc quanh xoong, làm rây, rây bột. Thế mà đã nên bột mát lạnh, mịn tơi. Lấy mùi xoa làm vải căng, đun và tráng. Thế là có bánh ăn. Thịt hộp, mì chính làm nước chấm. Còn mời khách nữa cơ chứ (2 bác dân công hỏa tuyến, 1 anh y tá).
Một cảnh sinh hoạt bình dị, nực cười mà hết sức thơ của Trường Sơn đấy-“Bánh cuốn Trường Sơn”. Máy bay bay ầm ầm đã có bếp Hoàng Cầm, củi là cây song tàu không cần khô cũng cháy, ít khói. Không có rổ rá đã có hòm đạn AK, mũ sắt làm cái vo gạo, rửa rau. Rau thì tàu bay, rau chua, bắp chuối, củ đoác... Rửa nước suối, lại có thêm cá chuối, cá trắng, cá bống ở suối (bắt, câu, bắn, nổ bộc phá). Lại bắt được cả chim.
Bàn ăn là mặt hòm đạn pháo. Muôi là mảnh đuy-ra máy bay Mỹ. Thế là tươm.
Cảnh sống của mình ở đây thật dã chiến vô cùng.
Cuộc sống chiến đấu của nhóm 5 anh em ở đây là cả một thiên truyện lớn, rất hay.
“Bờ suối và mặt đường”: Những cảnh sinh hoạt ăn uống thơ mộng bên bờ suối vắng. 5 anh em. Những đêm trăng, “ngôi sao ban chiều”, những câu chuyện không đầu không cuối gia giảm riềng mẻ của Điển, Chư, Đột..., cái cáu gắt của Hùng... và cả mình nữa.
Nhưng bom nện xuống là tất cả ra mặt đường. Cảnh bom cháy, bom bi, bom phá... bên nhau đứng chữa dây. Lội suối. Lần trong đêm...
Biết bao nhiêu ý hay ra trò...
Có thể viết một cái gì về văn xuôi: Bút ký, hoặc truyện (thậm chí có thể viết dài, kịch?).
“Cây song tàu”: Rắn, trắng, mốc thếch, mọc rất nhiều trong Trường Sơn. Chỉ có nó mới có nhựa, không cần khô, chặt về là nấu ngay. Không biết nó thì còn là gay.
24-5:
Đã làm xong bài thơ khá dài “Khúc hát của đất đai chiến thắng”. Có cái gì sâu nặng, trầm trầm của tình cảm quê hương. Mặc dù thuộc loại ứng chiến và hô hào, nhưng vẫn không chịu đơn giản và sáo mòn quá. Có lẽ cũng được.
Bây giờ thì cố dành thời gian làm những cái nho nhỏ, ghi nhanh, cố gắng vừa có chất thực tế vừa kết hợp suy nghĩ. Nhưng phải tìm ra cách nói của mình.
Bắn AK và CKC thích thì thôi. Bộc phá cũng nhiều. Thật là lính chiến.
Sống những ngày cũng hay. Cố mà ghi và viết.
A.N.
Nhà thơ ANH NGỌC