Ngày 28-2-1972, nhà trường đã tổ chức trọng thể lễ giao 53 sinh viên cho Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị trực tiếp quản lý.

Sau hơn hai tháng vừa tích cực huấn luyện quân sự, vừa học tập cấp tốc về chuyên môn nghiệp vụ, 53 học viên binh nhì túi xanh đã được cấp trên đưa vào Mặt trận Trị Thiên thực tập, làm quen với chiến trường và tuyên truyền về chiến thắng của quân dân Trị Thiên sau chiến dịch xuân 1972. Kết thúc đợt thực tập, anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ mà mặt trận giao cho. Nhiều tin, bài, ảnh của học viên C28 từ Mặt trận Trị Thiên gửi ra đã được các báo, đài ở Trung ương sử dụng kịp thời; góp phần cổ vũ quân, dân Trị Thiên tiếp tục chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng giải phóng và tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Trận địa phía tây nam Thành cổ, Trai gái Triệu Phong lên đường đánh Mỹ, Bên bờ Kiến Giang, Tay súng B40 xuất sắc, Uy lực của quả lựu đạn cuối cùng, Trận địa bên dòng Thạch Hãn, Không dứt tiếng “Hoa Mua”, Lái xe tăng trở về với cách mạng, Phòng ngự tốt nhất là biết tiến công...

Sau 3 tháng thực tập, hầu hết học viên C28 lại hành quân trở về hậu phương tiếp tục học tập. Hơn 40 học viên vừa ra Hà Nội được ít ngày lại được Tổng cục Chính trị điều động về các đơn vị, địa phương viết bài tuyên truyền, cổ vũ cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong trận “Điện Biên phủ trên không” khi giặc Mỹ dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. 8 học viên ở lại Mặt trận Quảng Trị đã kiên cường bám trụ đến cuối tháng 12-1972 mới về Hà Nội để tiếp tục học tập. Thật may mắn, trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vô cùng ác liệt nhưng 53 học viên C28 đều an toàn trở về hậu phương để hoàn thành chương trình khóa học (1969-1973). Duy chỉ có nhà báo Hồ Minh Khởi là cán bộ quản lý lớp nằm lại mảnh đất Quảng Trị do bị trúng bom Mỹ.

Nói về lớp phóng viên C28 trong thời gian đi thực tập ở Mặt trận Trị Thiên năm 1972, sinh thời, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn phụ trách công tác chỉ đạo tuyên truyền-báo chí tại mặt trận, đánh giá: “Thử thách ở mặt trận này là toàn diện, cả ý chí, sự chịu đựng gian khổ, ác liệt và khả năng hành nghề. Vậy mà anh em đều vượt lên thử thách, ác liệt ghê gớm. Tin, bài và phim ảnh ở các hướng gửi về mặt trận được chuyển ra Hà Nội kịp thời, nhiều tác phẩm được sử dụng ngay. Có cả ảnh chụp trong Thành cổ-nơi trọng điểm quyết chiến của cả mặt trận. Kết thúc đợt thực tập ấy, anh em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở tất cả các hướng của mặt trận”. Với đóng góp đó, năm 2012, trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, 55 cán bộ, học viên C28 vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng Kỷ niệm chương “Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị”, vì đã có thành tích xuất sắc trong chiến dịch chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

leftcenterrightdel
Một cuộc gặp gỡ của Lớp phóng viên tiền phương C28.   Ảnh do nhà báo Diệp Xuân Phong cung cấp 

Tháng 8-1973, sau khi Tổng cục Chính trị làm lễ bế giảng lớp học, phong, thăng quân hàm, học viên C28 được cấp trên phân công, điều động về các cơ quan báo chí trong quân đội. Đó là Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân (Đài Tiếng nói Việt Nam), Chương trình Phát thanh Quân giải phóng Miền Nam (Đài Phát thanh Giải phóng), Phòng Thông tấn Quân sự (Cục Tuyên huấn), Chương trình Phát thanh Binh vận (Cục Địch vận), Báo Quân giải phóng Trị-Thiên, Báo Quân giải phóng Trung Trung Bộ, Báo Quân giải phóng Tây Nguyên, Báo Quân giải phóng miền Nam. Cuối năm 1974 và đầu năm 1975, khi các quân đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chính lực lượng phóng viên này đã làm nòng cốt cho các tờ báo của Binh đoàn Quyết thắng (Quân đoàn 1), Binh đoàn Hương Giang (Quân đoàn 2), Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 3) và Binh đoàn Cửu Long (Quân đoàn 4).

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, trên những hướng tiến quân vào các chiến dịch: Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đều có mặt các nhà báo-chiến sĩ C28, cựu sinh viên của Trường Tuyên huấn Trung ương bổ sung vào quân đội năm 1972. Điều đặc biệt vui mừng là trong 5 hướng tiến quân vào giải phóng Sài Gòn, nhiều anh em đã có mặt và hội quân ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4 và 1-5-1975. Hai nhà báo Đậu Ngọc Đản và Hoàng Văn Thiểm thuộc Phòng Thông tấn Quân sự đã cùng mũi đột kích của Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304 và Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, chụp ảnh nội các Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện và quang cảnh hùng tráng của Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Những tấm ảnh, thước phim vô cùng quý giá của các anh đã được đăng trên nhiều báo ở Hà Nội ngay trong ngày đầu tháng 5-1975. Phóng viên Hoàng Văn Thiểm vinh dự được đồng chí Lê Duẩn gặp trực tiếp để hỏi về tình hình Sài Gòn trong ngày đầu giải phóng. Cùng với anh em phóng viên, hai nhà báo nguyên là cán bộ quản lý C28 là Phan Tấn Trang và Trần Huy Vĩnh Ổn cũng có mặt trong suốt các chiến dịch của mùa xuân đại thắng 1975. Trong đợt này, lớp có nhà báo Phạm Quang Dụ hy sinh ở chiến trường Khu 5 cuối năm 1974 và một số người bị thương nhẹ.

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, 10 năm Quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, các nhà báo-chiến sĩ C28 đều có mặt, hoạt động xông xáo, năng nổ và có hiệu quả; tuyên truyền cổ vũ, động viên kịp thời các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta ở hai đầu đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn. Trong những năm kháng chiến gian khổ, ác liệt và đầy hy sinh ấy, các phóng viên C28 luôn vững vàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua bao trận đánh, bao chiến dịch, những nhà báo-chiến sĩ của C28 như những người lính xung trận cùng bộ đội và đã góp phần cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Như thầy giáo Trần Bá Lạn, nguyên Trưởng khoa Báo chí và Xuất bản, Trường Tuyên huấn Trung ương đã khẳng định: “Từ mái trường này ra đi, sánh vai cùng hành quân với bộ đội, tay bút, tay súng, xông pha khắp các chiến trường, đội ngũ này đã dũng cảm, không quản hy sinh, tới tận nơi đầu sóng ngọn gió, từ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, tới Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, đưa tin Khmer Đỏ trong cuộc tàn sát dân lành ở biên giới Tây Nam và nạn diệt chủng ở Campuchia... Công tích của anh em thật không nhỏ”.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ Tổ quốc, nhiều nhà báo C28 đã lần lượt rời quân ngũ, chuyển ngành sang các cơ quan báo chí, xuất bản ở Trung ương và địa phương. Hầu hết anh em đều phát huy tốt truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của nhà trường, không ngừng phấn đấu và trưởng thành trong môi trường mới như các đồng chí: Nguyễn Duy Quyền, Đỗ Khánh Toàn, Nguyễn Đắc Sinh, Đậu Ngọc Đản, Nguyễn Hải Chinh, Đỗ Xuân Trường, Dương Văn Xuyển, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Đức Thiện... Còn các đồng chí khác đều trở thành phóng viên, biên tập viên nòng cốt của các cơ quan báo chí-xuất bản ở Trung ương và địa phương. Số anh em còn lại tiếp tục gắn bó với quân đội cho đến khi nghỉ hưu đều trở thành sĩ quan cấp cao; đồng thời là những cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên nòng cốt của các cơ quan báo chí quân đội.

Thật vinh dự, sau khi đất nước thống nhất, từ Báo Quân Giải phóng miền Nam và các binh đoàn, một số anh em đã được điều động về công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Đó là các nhà báo: Nguyễn Việt Ân, Nguyễn Hoàng Huân, Nguyễn Quốc Việt, Lê Nhật, Trần Đình Bá... Các anh đã gắn bó, rèn luyện, trưởng thành và có những đóng góp tâm sức của mình vào quá trình xây dựng Báo Quân đội nhân dân, giữ vững vị thế là tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước trong thời kỳ đổi mới, để lại nhiều tác phẩm báo chí gây được ấn tượng đối với bạn đọc.

Nhớ về chặng đường 50 năm ra đời và trưởng thành của Lớp Phóng viên tiền phương C28, chúng tôi không khỏi bùi ngùi nhớ tới 14 đồng đội hôm nay đã không còn nữa. Các anh đã đi về miền xa thẳm nhưng những tác phẩm báo chí, văn học, nhiếp ảnh của các anh vẫn còn được lưu giữ và chúng tôi luôn nhớ mãi.

XUÂN PHONG