Có thể nói, Nam Cao là một nghịch lý. Ít ai có một nghịch lý dồi dào đến thế và cũng rõ rệt đến thế!
Yêu nghề, mải mê với nghề, hy sinh mọi thứ vì nghề, tuy không đặt nghề viết cao hơn mọi nghề. “Tạng người y không cho y cầm súng, cầm gươm. Y sẽ cầm bút mà chiến đấu”. Đó là ý nghĩ trong một lúc bốc hứng lên của Thứ, ông giáo thất nghiệp trong tiểu thuyết “Sống mòn” của Nam Cao. Nhưng với Điền, Hộ, những nhân vật nhà văn quen thuộc trong các truyện ngắn khác của Nam Cao, như: “Nước mắt”, “Đời thừa”, “Mua nhà” thì chuyện viết văn lắm khi cũng chỉ là để có tiền nuôi vợ, nuôi con. Cả một đời lầm lụi trong cái nợ viết lách ở một cái chợ văn láo nháo hồi tiền cách mạng, Nam Cao hẳn chưa có lúc nào nghĩ đến danh thơm, đến tên tuổi, nhưng rồi, công chúng độc giả và lịch sử đã trả lại công bằng cho nhà văn thuộc vào số ít gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ 20.

Tất cả những Thứ, Điền, Hộ, rồi những “gã”, “hắn”, “y” được Nam Cao đưa vào truyện như là tự truyện của mình, như là hình ảnh phản chiếu qua tấm gương của chính đời mình. Thế mà rồi, không những chỉ một lớp người một thời có thể vận vào mình, mà cho đến hôm nay, biết bao tầng lớp, bao thế hệ vẫn cứ thấy bóng dáng mình trên từng trang văn Nam Cao, trong số phận những anh viết văn, những ông giáo khổ, những cặp vợ chồng nghèo, những bạn láng giềng, cùng những người thân kẻ sơ không ngớt vật lộn với cái sự sống mòn và chết mòn muôn thuở trong cảnh sống tinh thần và vật chất của con người.

Nam Cao viết về làng Vũ Đại quê ông, nhưng dường như những làng quê Việt Nam tiền cách mạng đều được thu nhỏ vào đấy, xếp lớp nhiều tầng các mặt tốt-xấu, vừa trái ngược nhau, vừa bổ sung cho nhau. Những chuyện no-đói và sống-chết; ma chay và cưới xin; xó bếp và chốn đình trung; mua danh và đi làm mõ... rồi ăn và mặc; làm lụng và sinh nhai. Chuyện con chó của lão Hạc có tên "cậu Vàng", lại chuyện người hẳn hoi có tên "cái Cún con" hoặc "anh đĩ Chuột"... Thú vị thay, đến hôm nay, cái tên làng Vũ Đại vẫn chưa chịu lùi hẳn vào quên lãng. Vũ Đại-không chỉ gợi một đơn vị làng với những ao chuôm, những lũy tre, những vườn chuối, giàn trầu quen thuộc ở một vùng chiêm trũng Hà Nam mà còn là biểu tượng chung cho sự phong bế, trì trệ, nhếch nhác của bất cứ quần thể cư dân nào, cả nông thôn và thành thị.

Những gì của Nam Cao in dấu ấn, mang giọng điệu, thành sở hữu của Nam Cao đã được đón nhận ở tính phổ quát của nó, tính đại diện của nó và ở nghịch lý này, mang đầy đủ nhất giá trị văn học của tác phẩm, mang rõ nét nhất chất văn ở một tác giả. Nam Cao, chỉ tên gọi ấy đủ nói với ta về “Sống mòn” và “Chết mòn”, về “Đời thừa” và “Nước mắt”, về “Trăng sáng” và “Nửa đêm”, về “Một bữa no” và “Đòn chồng”, về “Cười” và “Điếu văn”, về “Truyện tình” và “Những chuyện không muốn viết”, về “Những cánh hoa tàn” và một “Cái mặt không chơi được”, về “Đôi móng giò” dành cho kỳ mục và “Trẻ con không được ăn thịt chó”... (tên các truyện ngắn Nam Cao viết trước năm 1945). Đó là cả một trữ lượng bên trong, một của kho dư đầy về con người và đất nước, về trí thức và nông dân, về nông thôn và thành phố, về người lớn và trẻ con, về đàn ông và đàn bà, về những người lành lặn và những kẻ dị dạng... những vế vừa gắn bó, vừa như đối lập, thế nhưng, bao giờ cũng tìm được sự hội tụ và hòa hợp ở văn ông.

Riêng mà chung. Một vùng mà thành của nhiều nơi. Chuyện một thời mà thành mãi mãi. Đó là điều để nói về Nam Cao tính từ nửa sau thế kỷ 20, kể từ ngày mất của ông. Để có sự nhân rộng ra thế giới những người đọc ông và sự bảo lưu thế giới nhân vật vừa như xa lạ, vừa vẫn như quen thuộc của ông, bao gồm không chỉ những Thứ-Điền-Hộ, San-Đích-Oanh, Hoàng-“Tiên sư anh Tào Tháo” mà còn là cả Lão Hạc, Trạch Văn Đoành, Chí Phèo, anh cu Lộ, những Nhượng và Nhu... cam chịu và an phận, hoặc mong một cuộc đổi đời và đời đã có đổi, nhưng không hoàn toàn dễ đổi.
                                                                  

leftcenterrightdel

Nhà văn Nam Cao. Ảnh tư liệu

Nói đến Nam Cao là nói đến giá trị của những điển hình sống động trong sự gắn bó với tư tưởng, được xây dựng trên cả sức chứa (sự đúc kết) và sức mở (sự tỏa rộng). Có lẽ cần dừng lại kỹ hơn vào những giá trị này, bởi nó làm cho tác phẩm của Nam Cao còn có sức sống bền lâu. Cả sức chứa và sức mở này của nhân vật Nam Cao là rất khăng khít; ở không ít truyện, theo tôi, có thể đặt bên cạnh A.Chekhov và Lỗ Tấn.

Chí Phèo trường thọ với thời gian không phải chỉ ở chỗ Chí Phèo vẫn còn đó, ngật ngưỡng nơi này, nơi kia, mà còn là cái phần lặn ngầm, phần tiềm ẩn nơi anh, nơi tôi. Là vì Chí Phèo còn là tượng trưng cho cái phần bản năng, phần phá phách và khùng điên mà dường như bất cứ ai đã được sinh ra trên cõi đời này đều có, nhưng may mà số đông, tuyệt đại đa số đều chế ngự được, để tạo nên sự bình ổn, bình yên cho xã hội. Nhưng hãy xem chừng, chớ có chủ quan vào những lúc oi bức, hoặc những khi trái gió trở trời.

Nguyễn Minh Châu quả đã có một dự cảm khá sâu sắc trong một bài viết về Nam Cao năm 1986, khi cho Chí Phèo sống tiếp số kiếp của mình trong vai một gã lính ngụy say khướt, đi giày đinh, mang tiểu liên. Cái nhân vật là sự sống tiếp hoặc hóa kiếp của Chí Phèo này, theo Nguyễn Minh Châu, rất có thể là kẻ đã bắn vào Nam Cao (người khai sinh ra hắn) trong đoàn cán bộ địch hậu vào một ngày mùa đông tháng 11-1951, chẵn 35 năm trước đó, nơi thôn Miễu Giáp của đồng đất Ninh Bình... Mặt khác, cũng đừng tưởng Chí Phèo là thứ phải hoàn toàn bỏ đi. Chí Phèo mù tối mà cũng sâu sắc ra phết đấy, trong cái triết lý: “Không được! Ai cho tao lương thiện?... Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không?”. Hỡi ôi, con người từ lương thiện mà trở thành ác không dễ, nhưng từ ác mà trở lại làm người lương thiện còn khó hơn nhiều. Giữa phá và xây, cái nào dễ hơn tưởng ai cũng rõ. Đối với sự tồn tại của một xã hội, điều quan trọng là hãy rào chắn đừng cho cái ác nảy nở, hãy đầu tư công sức mà tạo những nền tảng cho cái ác hết đất nảy nở, nó đỡ tốn kém và có triển vọng hơn nhiều so với việc gieo trồng cây trái trên sa mạc, hoặc trên đất đai đã thoái hóa.

"Sống mòn" là thiên tiểu thuyết có rất ít hành động và hoạt động, dường như không có cả những xung đột và kịch tính bên ngoài. Nhưng sao con người trong đó rõ nét đến vậy và có sức ám ảnh dai dẳng đến vậy. Ám ảnh vì cái phần hiện thực, phần đời của cả một quần thể người, chứ không riêng giới trí thức nghèo. Và càng là ám ảnh ở cái phần đời tương lai, sao mà có sức dự báo và rọi xa. Nghĩ về "Sống mòn", trong tôi không bao giờ nhòa mờ hình ảnh nhà giáo Thứ lủng củng hòm xiểng bỏ trường, rồi ra ga chạy về quê trong tiếng còi báo động u u rền rĩ bầu trời ngoại ô Hà Nội những ngày tiền khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Chính ở thời khắc đó, là sự đồng hiện, sự tái hiện gần như toàn bộ cuộc đời anh giáo Thứ và cũng là toàn bộ nội dung "Sống mòn". “Chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống”-đó không là một dự cảm lớn ư? Nó đè nặng lên bao số phận con người trong chế độ cũ, cố nhiên. Nhưng nó đâu đã hết ám ảnh đối với không ít người của chế độ mới-một chế độ ta đang quyết tâm xây dựng hơn nửa thế kỷ qua, nhằm vào cái đích những tưởng là không xa lắm: Ai có trong mình một Raphael đều có hoàn cảnh phát triển.

Cả Nam Cao và ông giáo Trần Hữu Tri-tên khai sinh của Nam Cao-cùng nhân vật Thứ trong "Sống mòn" đã hơn một lần gặp gỡ Các Mác trong cái niềm ao ước lớn này: “Thứ vẫn không thể nào chịu được rằng sống chỉ là làm thế nào cho mình và vợ con mình có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại”.

Toàn bộ thế giới truyện của Nam Cao là một nỗi đau lớn, vì những nỗi khổ-hiện ra trong rất nhiều dạng của con người-cũng đồng thời là một niềm khắc khoải lớn, vì nhu cầu phát triển con người. Tôi đang nói về sức chứa và sức mở của những điển hình kiểu Nam Cao. “Sống mòn” cũng là “chết mòn”. Hai động từ "sống" và "chết" có nghĩa trái ngược nhau, loại trừ nhau, nhưng khi đứng bên định ngữ "mòn" thì lại ăn ý với nhau, bổ sung cho nhau. Ở đây có cái gì như một thứ ma lực của chữ nghĩa, mà chỉ riêng Nam Cao trong tác phẩm "Sống mòn" là nắm bắt được...

Đọc lại Nam Cao hôm nay, chúng ta không nguôi niềm xót thương và kính trọng một người viết văn chân chính thuộc trong số các nghệ sĩ công dân đã sớm hy sinh khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn quyết định thắng lợi-người xứng đáng được hưởng hạnh phúc của hòa bình và niềm vui lớn nhất là được viết, với tất cả tâm huyết về tất cả những gì mình từng khát khao và nếm trải.

Đọc Nam Cao để thấy ông không thuộc số người viết có may mắn được in sớm, in nhanh, được xưng tụng, vồ vập, nhưng dẫu vậy, thời gian và công chúng thật công bằng. Đọc Nam Cao để thấy không phải ở ngay sáng tác đầu tay, mà ở tất cả những gì Nam Cao viết trong quãng đời văn ngắn ngủi chỉ hơn 10 năm của ông, lúc nào cũng là những trang cảm động, giàu sức nghĩ và lấp lánh tài năng; để thấy ở con người trầm lặng, kín đáo và lắm lúc rụt rè này còn rất giàu trữ lượng bên trong, còn cả một kho hiểu biết về con người và đất nước, về trí thức và nông dân, về nông thôn và thành phố, về kháng chiến và thời bình, về người lớn và trẻ em, về người lương thiện và những kẻ dị dạng... những vế vừa gắn bó, vừa như đối lập, thế nhưng, bao giờ cũng tìm được sự hội tụ và hòa hợp ở văn ông.

Có lẽ rõ hơn một số người viết khác, ở Nam Cao, đời sống và đời văn vốn gắn bó với nhau như hai mặt của một tờ giấy mỏng, soi bên này có thể thấy bên kia. Soi vào văn ông để thấy đời và soi vào đời để nhận thêm các giá trị từ những trang văn im lặng.

GS PHONG LÊ