Phong cách là một giá trị
Phóng viên (PV): Chúc mừng chị vừa được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh! Từ môi trường sáng tác tự do chuyển qua làm công tác quản lý, sự chuyển đổi này có ảnh hưởng gì đến phong cách và cảm hứng sáng tác của chị?
Nhà văn Võ Thu Hương: Trước khi sáng tác tự do, tôi từng có nhiều năm làm phóng viên ở một số tờ báo. Đó là giai đoạn khá bận rộn nên không có nhiều thời gian cho sáng tác. Việc chuyển qua công tác ở Văn phòng Hội Nhà văn thành phố có những thuận lợi hơn so với công việc trước đây. Tôi được thường xuyên tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ. Trong số họ, có không ít người là tấm gương để tôi học hỏi về nghề. Vì thế, dù bận rộn hơn so với việc sáng tác tự do nhưng tôi vẫn có thể thu xếp để vừa làm việc, vừa sáng tác được.
Tôi nghĩ, với đa số nhà văn chứ không riêng tôi, công việc có thể ảnh hưởng tới thời gian, tới cảm hứng sáng tác chứ không ảnh hưởng đến phong cách sáng tác. Phong cách là một giá trị mà không phải nhà văn nào cũng có thể tạo ra được để độc giả nhận ra mình. Vì thế, dù làm công việc gì, hoàn cảnh nào thì tôi vẫn cố gắng giữ gìn và phát huy phong cách của mình.
PV: Trong lúc phần nhiều giới cầm bút khá chật vật với cuộc sống thì chị được đồng nghiệp đánh giá là nhà văn “sống khỏe” bằng ngòi bút của mình. Có phải viết sách cho thiếu nhi, cho độc giả tuổi mới lớn là bí quyết “sống khỏe” của chị?
Nhà văn Võ Thu Hương: Nói thế không hẳn. Đối với tôi, việc viết cho thiếu nhi là cách nuôi dưỡng cảm xúc, giúp gắn bó tôi với nghề viết vốn dĩ là nghề nhiều người thấy nhọc nhằn. Khi đối tượng độc giả là thiếu nhi, tuổi mới lớn, nhà văn được thường xuyên sống với thế giới tâm hồn tuổi thơ trong veo, tươi trẻ nên dĩ nhiên sẽ thấy “khỏe” về tinh thần. Còn để sống được bằng ngòi bút, tôi phải viết nhiều thứ, từ tản văn, viết sách, chấp bút cho các cuốn tự truyện... Nói chung là làm những công việc liên quan đến chữ nghĩa, phù hợp với khả năng của mình. Và đến giờ, có lẽ có thêm sự may mắn, tôi có thể sống với nghề viết của mình.
PV: Văn học Việt Nam đã sản sinh ra nhiều tên tuổi lớn viết cho thiếu nhi, như: Tô Hoài, Phạm Hổ, Trần Hoài Dương, Nguyễn Nhật Ánh... Chị có ảnh hưởng phong cách của một thần tượng nào không? Tại sao?
Nhà văn Võ Thu Hương: Tôi không ảnh hưởng rõ phong cách của ai cả, dù khi đọc tác phẩm văn học thiếu nhi của các nhà văn thành danh, tôi vẫn luôn đặt mình trong tâm thế của một người học hỏi. Tôi học hỏi được nhiều thứ trước những nhà văn lớn, như Paustovsky, Andersen, Trần Hoài Dương... đặc biệt là cách các nhà văn viết văn học thiếu nhi sao cho người lớn đọc cũng thấm những giá trị nhân văn trong ý nghĩa câu chuyện, thấm những nét đẹp văn chương trong từng câu chữ. Tôi coi trọng nét đẹp văn chương, những giá trị đẹp trong tác phẩm thiếu nhi và không cho phép mình hay độc giả của mình có suy nghĩ “viết cho con nít đọc thì dễ mà”.
PV: Từ thế giới thần tiên của những vùng quê Việt mang đậm phong cách dân gian trong truyện của các thế hệ nhà văn đi trước đến thế giới của công nghệ số hiện nay là cuộc chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế-xã hội. Làm thế nào để nuôi dưỡng thế giới tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên của trẻ em là một thách thức lớn của các nhà văn viết cho thiếu nhi. Chị chuẩn bị cho bản thân như thế nào để vượt qua thách thức này?
Nhà văn Võ Thu Hương: Tôi viết văn học thiếu nhi từ khi còn là một cô bé lớp 9. Và giờ đã ở tuổi "U40". Tôi vẫn nghĩ, thiếu nhi ở thế hệ nào cũng có chung những niềm yêu thích, sự rung cảm, sự trong trẻo, hồn nhiên... khá giống nhau. Ở thế hệ nào thì thiếu nhi cũng vẫn mang trong mình trái tim tươi vui, nhân hậu, yêu cả từng nhành cây, bông hoa, con chó, con mèo... Đó là lý do vì sao cổ tích Việt Nam vẫn có giá trị qua bao đời. Những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng như: “Không gia đình”, “Cánh buồm đỏ thắm”, “Lũ trẻ đường tàu”... có những tác phẩm ra đời từ hàng trăm năm trước, vẫn rung động độc giả các thế hệ. Nếu có gì khác, đó chính là sự thay đổi về hoàn cảnh sống, như việc thích ngắm một lũy tre xanh hay mê iPad như anh đề cập.
Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ, những em bé như trang giấy trắng, bạn vẽ vào tờ giấy đó bông hoa, lũy tre hay để iPad vẽ vào đó những điều gì khác... là nằm chính ở mong muốn và sự chú tâm của bạn. Gia đình tôi cũng có con nhỏ, và việc chọn vẽ cho con một thế giới tâm hồn phong phú, tôi nghĩ không quá khó. Cần dành thời gian, sự chú tâm, tình yêu thương và trân trọng để làm bạn cùng con thì bố, mẹ nào cũng có thể làm được. Người lớn nào cũng từng là trẻ con, từng đi qua những khát khao, yêu ghét, mong muốn... mà tuổi thơ nào cũng có. Cúi xuống làm bạn cùng trẻ con, nhất định chúng ta sẽ tìm ra sự đồng điệu để sẻ chia.
Với tôi, tôi trọng sự chân thành, chia sẻ trong những câu chuyện thiếu nhi tôi kể. Bên cạnh đó là việc viết sao cho đẹp để các bé có thể rung động, yêu thích không chỉ bởi cốt truyện mà còn bởi văn chương. Ngoài ra, tôi thường xuyên đến các trường học trò chuyện với các bé để hiểu hơn độc giả của mình, thường xuyên đọc những tác phẩm hay của các tác giả trong và ngoài nước để học hỏi và để nuôi dưỡng cảm hứng của mình... Đó là cách để tôi đi "dài hơi" với việc viết cho thiếu nhi.
Cần tình yêu và sự chân thành
PV: Tác giả viết cho thiếu nhi đang ngày càng ít. Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh có kế hoạch gì để phát triển mảng văn học thiếu nhi?
Nhà văn Võ Thu Hương: Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục kết nối tốt hơn với các tác giả thông qua việc tổ chức các trại viết, tọa đàm... về văn học thiếu nhi. Thực ra đây là công việc thường xuyên của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trong nhiều nhiệm kỳ. Mới đây nhất, hội tổ chức tọa đàm về “Con người và tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương”, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày mất của ông. Hoạt động ý nghĩa này được dư luận, các nhà văn, nhà phê bình văn học và báo giới quan tâm, đánh giá cao về chất lượng. Nhiều tác giả có tham luận, ý kiến chia sẻ tại tọa đàm đều từng viết cho thiếu nhi và có nhiều tác phẩm được độc giả đón nhận, như: Văn Thành Lê, Trương Huỳnh Như Trân, Phương Huyền, Hồ Huy Sơn... Điều này cho thấy một sự kết nối qua nhiều thế hệ nhà văn viết cho thiếu nhi ở TP Hồ Chí Minh, sự kết nối ấy đã và đang lan tỏa những hiệu ứng tích cực.
PV: Theo chị, nhà văn hiện đại viết cho thiếu nhi muốn thành công cần những yếu tố gì?
Nhà văn Võ Thu Hương: Tôi nghĩ điều cần nhất chính là tình yêu, sự chân thành, thấu hiểu với thiếu nhi, sự nghiêm túc với những trang viết của mình cộng thêm cái duyên và một chút may mắn nữa, nhà văn sẽ có những tác phẩm được độc giả đón nhận. Tôi không bỏ qua cơ hội nếu được cùng chơi với trẻ nhỏ. Tôi thường chơi với con, tham gia giao lưu với học sinh, sinh viên ở các trường từ mầm non đến đại học, nhiều nhất là giao lưu với các cháu ở các trường tiểu học. Việc gần gũi, yêu thương trẻ em sẽ cho mình cơ hội thấu hiểu, đồng cảm. Đó là cách để giúp bản thân không rơi vào trạng thái sáng tác cho thế hệ mới, nhưng chỉ quẩn quanh với những kỷ niệm thế hệ thiếu nhi "8X" trong ký ức của mình.
Ngoài ra, một trong những công việc không thể thiếu của nhà văn là đọc. Tôi thích đọc văn học thiếu nhi nước ngoài. Thậm chí, có những tác phẩm tôi có thể đọc 3-4 lần vì luôn cảm thấy thú vị, thấy còn có thể học tập nhiều điều trong từng trang viết. Duy trì việc đọc và viết song hành với nhau là cách để nhà văn có thể đi dài, đi lâu trên con đường văn chương vốn không bằng phẳng.
PV: Chị có thể chia sẻ một vài điều về cuộc sống và những dự định của mình?
Nhà văn Võ Thu Hương: Tôi có hai con nhỏ đang học tiểu học. Làm việc trong môi trường văn học-nghệ thuật là một thuận lợi để tôi tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với nghề cầm bút và tâm huyết với mảng đề tài thiếu nhi. Tôi vốn dĩ không có những dự định to lớn trong nghề viết, chỉ là đã, đang và sẽ tiếp tục viết những điều mình quan tâm, thấu hiểu, yêu mến. Với tôi, viết văn là một hành trình thú vị và hạnh phúc.
PV: Cảm ơn chị đã chia sẻ! Mong sớm được đón đọc những tác phẩm mới của chị!
Nhà văn Võ Thu Hương sinh năm 1983 tại Nghệ An; là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị đã xuất bản 15 cuốn sách, trong đó có 10 cuốn viết cho thiếu nhi. Chị quan niệm về nghề viết: "Viết văn cho tôi niềm hạnh phúc khi được thể hiện rõ mình nhất và có thể tìm thấy được ở những trang viết sự đồng cảm, sẻ chia...". |
THANH KIM TÙNG (thực hiện)