Đầu năm 1972, từ Tuyên huấn Binh trạm 35, tôi được điều về Ban Tuyên huấn Sư đoàn 471 Bộ đội Trường Sơn. Tôi được phân về tổ tuyên truyền với nhiệm vụ phụ trách việc ra bản tin kiêm nhiếp ảnh của sư đoàn. Tôi làm việc trực tiếp với Đại úy Nguyễn Văn Liên, Trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn. Lúc này, Sở chỉ huy Sư đoàn 471 đang đóng tại một cánh rừng thuộc khu vực bản Nậm Hiêng (huyện San Xây, phía nam Ngầm Bạc, thuộc tỉnh Tàvenoọc, nay là tỉnh Sekong, Lào), đến cuối tháng 4-1972, Sở chỉ huy sư đoàn chuyển về bản Keng Nhang-Phù Trường (thuộc huyện Viêng Thoong, tỉnh Saravan, Lào).

Keng Nhang-Phù Trường là khu vực rừng nguyên sinh. Cả cánh rừng rộng lớn chưa từng có vết chân người. Muỗi ở đây thì thôi rồi! Không những nhiều mà chúng to một cách khác thường. Ở đây, chúng tôi bắt gặp nhiều đường voi đi. Kinh nghiệm cho chúng tôi biết, nơi nào nhiều voi sinh sống và hoạt động thì nơi đó khí hậu ẩm ướt, rất dễ sinh bệnh, đặc biệt là sốt rét. Chẳng thế mà có chiến sĩ văn công sư đoàn Phùng Thị Thắm (sinh năm 1954, quê ở Yên Từ, Yên Mô, Ninh Bình) đã bị sốt rét ác tính và ra đi ngày 19-6-1972. Phùng Thị Thắm ra đi được mấy ngày thì tôi cũng được anh em trong ban cáng đi cấp cứu vì sốt rét ác tính. Rất may, tôi được các bác sĩ của bệnh xá sư đoàn kịp thời cứu chữa nên đã qua khỏi.

Trở về sau một tuần nằm viện, tôi cùng anh em trong ban di chuyển cơ quan khẩn cấp vào sâu hơn trong khu rừng già nguyên sinh để tránh máy bay địch. Tại đây, tôi nhanh chóng làm bản kế hoạch chi tiết về việc xuất bản bản tin sư đoàn số đầu tiên nộp cho Trưởng ban Nguyễn Văn Liên. Đọc xong, ông gật đầu rồi "phán": “Tốt! Nội dung khá phong phú đấy! Nhưng nhiệm vụ của cậu bây giờ là tập trung cùng ban hoàn thiện cơ sở vật chất”... Thế là tôi lại cùng anh em lao vào củng cố hầm hào, làm bàn, làm giường, làm lán làm việc ngoài trời... Căn nhà hầm nửa nổi nửa chìm của Ban Tuyên huấn rộng đủ chỗ cho 8 anh em chúng tôi ngủ và làm việc. Vì nhà hầm của chúng tôi nằm dưới mấy cây cổ thụ, tán lá sum sê, tia nắng mặt trời lọt xuống mặt đất rất ít, ngồi trong hầm làm việc rất tối, vì thế, ngoài sân, chúng tôi phải làm thêm một cái lán nhỏ “kê” một loạt bàn bằng nứa để ngồi làm việc.

Đến ngày 10-10-1972, tôi chính thức bắt tay vào công việc chuẩn bị ra bản tin. Tôi phải mất một ngày lang thang trong rừng tìm cây gỗ mềm, thớ mịn để khắc chữ tít cho bản tin. Có lần vì khắc chữ tít mà tôi bị đứt tay, máu chảy khá nhiều, đến nay vẫn còn sẹo.

Ban Tuyên huấn chúng tôi được Cục Chính trị Bộ tư lệnh Trường Sơn trang bị cho một máy in roneo mới tinh. Bản tin được sản xuất từ chiếc máy này. Lúc này, cả sư đoàn bộ chỉ có hai chiếc máy đánh chữ do văn thư bảo mật quản lý. Bài vở phải nhờ văn thư bảo mật đánh chữ trên giấy stencil (tăngxin).

leftcenterrightdel

Bản chụp lại Bản tin số 7, tháng 3-1974 của Sư đoàn 471 ở Trường Sơn.

Tôi lao xuống các đơn vị để tìm hiểu, viết bài. Nửa tháng tôi lăn lộn tại các đơn vị. Tôi xuống các đơn vị công binh ở trọng điểm Đèo Long, Ngầm Bạc; đến Tiểu đoàn 56 xe của Binh trạm 36, rồi xuống Tiểu đoàn Thông tin 446... Tôi đã có trong tay một số bài viết về các đơn vị và cá nhân cho số bản tin đầu tiên của sư đoàn. Bản thảo bản tin số đầu tiên dày 20 trang được đặt trên bàn Trưởng ban Nguyễn Văn Liên. Tôi rất tự tin với nội dung khá phong phú: 3 bài viết gương chiến đấu tiêu biểu của các đơn vị công binh, lái xe và pháo binh; 4 bài viết điển hình về các đại đội; 1 gương sáng đảng viên; có 2 trang thơ chiến sĩ; có tin về khen thưởng năm 1972; tin tổng hợp thi đua; tin hoạt động thanh niên của sư đoàn...

Khâu đánh máy stencil thật vất vả. Cô Nguyễn Thích, nhân viên bảo mật người Nghệ An đánh máy khá thông thạo. Còn cô Nguyễn Thị Đông thì mới học đánh máy, lại sử dụng chiếc máy chữ không có dấu nên đánh máy xong, tôi lại phải dùng bút bi hết mực đánh các dấu trên giấy. Công việc này cũng khá vất vả và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Nguyễn Chí Công cùng tổ tuyên truyền với tôi từng được học in lưới ở Cục Chính trị về. Tôi phân công cậu ấy vẽ minh họa, vẽ bìa cho bản tin. Tuy nhiên, tất cả các tít bài đều do tôi đảm nhận viết trên giấy stencil. Vì chưa quen sử dụng máy in roneo nên hai bàn tay chúng tôi thường xuyên đen xì, bê bết mực in.

Quyết định của thủ trưởng Phòng Chính trị là xuất bản bản tin để cấp tới các đại đội và tương đương trong toàn sư đoàn. Bộ tư lệnh khu vực 471 chúng tôi ngày ấy có tới 5 binh trạm (35, 36, 38, 44, 47) và 4 trung đoàn (e210 cao xạ, e10 công binh, e593 cao xạ và e59 bộ binh), cùng nhiều tiểu đoàn trực thuộc: Tiểu đoàn (d) 18 quân y, Viện Quân y 46, d Thông tin 446, d Kho 405, d Sửa chữa 401, d15 huấn luyện. Như vậy là mỗi số bản tin, chúng tôi phải in tới 300 bản mới đủ cấp phát. Với 20 trang của một số bản tin, chúng tôi phải in tới 6.000 trang. Phải mất 3 ngày in cật lực, chúng tôi mới hoàn thành số bản tin đầu tiên. Sau đó lại mất thêm vài tiếng đồng hồ để in dấu chữ tít bản tin màu đỏ lên trang bìa.

Cầm trên tay số bản tin đầu tiên của sư đoàn, anh em chúng tôi rộn ràng niềm vui khôn tả. Đứa con tinh thần của chúng tôi sau 25 ngày chuẩn bị đã ra đời như thế. Bản tin được gửi xuống các đơn vị đầu tháng 12-1972.

Sau đó, mỗi tháng một số, bản tin được ra đều đều phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền của sư đoàn.

Đầu tháng 2-1973, vừa ra được 3 số bản tin ở Keng Nhang-Phù Trường thì chúng tôi được lệnh chuyển cơ quan sư đoàn bộ xuống tiếp quản cơ sở của Binh trạm bộ 35, cách nơi ở cũ khoảng 5-6km. Ở vị trí này, sư đoàn đã vinh dự được đón các đồng chí: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Đinh Đức Thiện... trên đường công tác nghỉ lại và làm việc với Bộ tư lệnh sư đoàn; Quốc vương Sihanouk, bà hoàng Monique Sihanouk và đoàn quan chức cao cấp của Campuchia đã dừng chân nghỉ lại sư đoàn trong cuộc hành trình vượt Trường Sơn về thăm vùng giải phóng Campuchia. Tại địa điểm này, Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn Đặng Tính và các đồng chí cùng đi dừng chân nghỉ lại, làm việc với Bộ tư lệnh sư đoàn. Nhưng thật không may, trưa 3-4-1973, trên đường đi công tác tại Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Trường Sơn, xe của Chính ủy đã trúng mìn chống tăng ở cửa ngõ vào Pắc Soòng vừa được giải phóng ít ngày. Chính ủy Đặng Tính và các đồng chí cùng ngồi trên xe đã hy sinh... Cũng tại đây, cán bộ, chiến sĩ sư đoàn chúng tôi đã gạt nước mắt xử lý kỹ thuật thi hài đồng chí Chính ủy và các đồng đội đi cùng để chuyển ra miền Bắc ngay tối hôm ấy... Hai số bản tin tiếp theo đã được xuất bản tại địa điểm có nhiều sự kiện như vậy của sư đoàn.

Tháng 5-1973, tại căn cứ Bến Giằng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Đà, nay là tỉnh Quảng Nam, lần đầu tiên chúng tôi ra được một bản tin có bìa được in 4 màu bằng kỹ thuật in lưới. Bìa bản tin này là một tranh cổ động khá đẹp do Nguyễn Chí Công vẽ và in lưới. Ở chiến trường lúc đó không có lụa để làm lưới in. Tiện có chiếc dù pháo sáng mà một lần đi công tác xuống Tiểu đoàn Công binh 41 ở khu vực Đèo Long tôi đã lấy được trong rừng, tôi đưa cho Công để làm lưới in. Không ngờ tranh in lưới tuyệt đẹp... Mất đúng một tuần chúng tôi mới in xong trang bìa màu của bản tin. Mất nhiều công sức nhưng cầm tờ bản tin in 4 màu, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào. Tôi nói vui với anh em trong ban: “Báo Trường Sơn của anh Lục Văn Thao ngoài Bộ tư lệnh được in bằng máy in tipô mà cũng chỉ “dám” in hai màu thôi. Thế mà bản tin của sư đoàn chúng ta được in tới 4 màu. Oách quá!”.

Để có tin, bài cho bản tin, tôi có nhiều chuyến công tác đi cùng với lái xe nhiều đơn vị, xuống Trung đoàn 10 công binh cùng anh em đang mở đường tránh Đắc Pét trên Đường 14, rồi ra Chao-nơi Trung đoàn 35 đang mở rộng Đường 14 mới; quay về Viện Quân y 46 chứng kiến ca mổ sọ não đầu tiên cho một nữ y sĩ của Quân khu 5 bị chấn thương áp xe não... Ở Bến Giằng, chúng tôi sản xuất được nhiều số bản tin nhất.

leftcenterrightdel
 Nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long (bên trái) và họa sĩ Nguyễn Chí Công một thời cùng làm bản tin Sư đoàn 471 gặp nhau tại Ninh Bình (tháng 4-2021).

Ảnh do nhân vật cung cấp

Tháng 7-1974, sư đoàn chúng tôi được lệnh hành quân ra Tân Lâm-Đầu Mầu, Quảng Trị để củng cố. Sư đoàn khu vực 471 được Bộ Tổng Tham mưu quyết định cho Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức lại thành Sư đoàn ô tô vận tải chiến đấu thứ hai của Trường Sơn. Từ Tân Lâm-Đầu Mầu, tháng 11-1974, sư đoàn chúng tôi lại hành quân vào thẳng Sê Sụ-khu vực Ngã ba Đông Dương trên đất bạn Lào. Tại Sê Sụ, chúng tôi tiếp tục ra nhiều số bản tin, trong đó có bài viết về chuyện đi tìm nhân sâm Trường Sơn của đồng chí y sĩ, phụ trách quân y Tiểu đoàn 102, Trung đoàn 32...

Tháng 3-1975 là số bản tin cuối cùng được xuất bản ở Sê Sụ. Tháng 4 và tháng 5-1975, do tình hình chiến sự phát triển quá nhanh, cơ quan sư đoàn bộ liên tục di chuyển bám theo đội hình các đơn vị của sư đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh nên bản tin không có điều kiện ra mắt. Sau khi Sài Gòn được giải phóng, chúng tôi chuyển ra Tổng kho Long Bình, Biên Hòa. Tại đây, các trung đoàn và cơ quan sư đoàn bộ ở khá tập trung, nên việc xuất bản bản tin giấy được thay thế bằng việc phát bản tin hằng ngày qua hệ thống loa truyền thanh. Việc phát thanh bản tin của sư đoàn được thực hiện mỗi ngày 30 phút, từ 17 giờ đến 17 giờ 30 phút...

Bản tin tháng 3-1975 là số bản tin giấy cuối cùng của Sư đoàn 471 mà chúng tôi đã xuất bản ở Trường Sơn. Có lẽ Bản tin Sư đoàn 471 là tờ tin duy nhất của cấp sư đoàn ở Trường Sơn được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ.

Hôm nay nhớ lại, tất cả hiện về như một giấc mơ xen lẫn chút tự hào. Những năm tháng vất vả, khó khăn làm bản tin sư đoàn là quãng thời gian với bao kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong tôi.

PHẠM THÀNH LONG