QĐND - Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, Trung ương Cục miền Nam đã sử dụng báo chí làm một kênh tuyên truyền đối nội và đối ngoại rất hiệu quả. Một trong những tờ báo ra đời trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất ở miền Nam, tờ báo Giải Phóng đã đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền và cổ động về kháng chiến của nhân dân miền Nam từ các đô thị, tới nông thôn vào thời bấy giờ.

Báo Giải Phóng ra đời từ năm 1964, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sáng lập, được Ban Tuyên huấn của Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo sâu sát, trực tiếp về nội dung. Số báo đầu tiên của Giải Phóng ra vào ngày 20-12-1964, đã in và phát hành trong vùng giải phóng tại Tây Ninh - ngay căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nay thuộc vùng biên giới huyện Tịnh Biên, tỉnh Tây Ninh.

Ðể cho Báo Giải Phóng ra đời, đầu năm 1964, một đoàn cán bộ và phóng viên Báo Cứu Quốc (cơ quan ngôn luận của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) được điều từ miền Bắc vào chiến trường để xây dựng thành lập nên tờ báo. Người trực tiếp chỉ đạo Báo Giải Phóng lúc đầu là đồng chí Trần Bạch Ðằng, Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và đồng chí Trần Trọng Tân, Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam - đều là hai trí thức lớn của đất Nam Bộ và Sài Gòn tiêu biểu, chỉ đạo sát sao tòa báo đi đúng trọng tâm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề ra.

Vào đầu năm 1970, Mỹ-ngụy chuyển sang những lối đánh phá rất ác liệt, do đó Nhà in Báo Giải Phóng của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam - nơi in Báo Giải Phóng - được chuyển sang vùng rừng thuộc đất bạn Cam-pu-chia để in báo và chuyển ngược về trong nước phát hành cho các địa phương miền Nam, trong đó có địa bàn nội đô, ngoại đô Sài Gòn. Tại đây, nhiều phóng viên của báo đã có mặt ở các chiến trường đầy khói lửa, đi theo bộ đội tình nguyện sang cả đất bạn Cam-pu-chia. Ðến tháng 4-1975, theo chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Báo Giải Phóng tổ chức bộ phận tiền phương do đồng chí Nguyễn Văn Khuynh chỉ huy, nhằm hướng đi về Sài Gòn, trong lúc các cánh quân của chủ lực ta đang áp sát Sài Gòn. Trong ngày đại thắng, sáng 30-4-1975, các phóng viên Báo Giải Phóng cùng các cánh quân thuộc bộ đội chủ lực hành quân từ Bến Củi - Tây Ninh tiến về Sài Gòn. Tại đây, các phóng viên của Báo Giải Phóng chiếm lĩnh trụ sở Ðảng Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu ở ngay tại số 174 - Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu, quận 3) làm trụ sở hoạt động công khai ngay sau ngày vừa chiến thắng để tiếp tục có những tin tức chính xác, nóng hổi nhất về hoạt động những ngày ta giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Các số báo Giải Phóng và báo trong vùng giải phóng ở miền Nam đang được lưu trữ tại Cục Lưu trữ Trung ương 2 tại TP Hồ Chí Minh.

Cùng hoạt động sôi nổi trong các chiến dịch và trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 nhằm đưa tin, bài, ảnh sống động đi khắp cả nước, ra bạn bè thế giới, các phóng viên chiến trường đã không ngại gian khổ, hy sinh, cùng hành quân băng mình đi theo những cánh quân đầu tiên để tiến về Sài Gòn, kịp ghi nhận những tin, bài, hình ảnh của ngày lịch sử.

Vào những mùa xuân trước 1975, một cơ quan báo chí khác, tác nghiệp nhanh nhạy ngay từ chiến trường, đó là Ðài Phát thanh Giải Phóng (tiền thân của Ðài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh bây giờ). Từ trong cuộc kháng chiến gian khổ, Ðài Phát thanh Giải Phóng đã có vai trò rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại miền Nam. Tuy tồn tại nơi những địa bàn kháng chiến đầy ác liệt, song Ðài Phát thanh Giải Phóng đã chính thức được phát sóng ngày 1-2-1962, trong những ngày đầu xuân tại chiến khu bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Quảng Ðông, Bắc Kinh, Triều Châu và Khơ-me cho đồng bào trong và ngoài nước nghe. Lãnh đạo đài trực tiếp là lãnh đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Với vai trò quan trọng của đài trong chiến tranh, Trung ương Cục miền Nam đã chi viện thêm thiết bị, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật phục vụ 24/24 giờ hằng ngày. Nhà báo Đinh Phong cho biết, trụ sở của đài lúc đầu đặt ở Tân Biên-Tây Ninh, sát căn cứ Trung ương Cục miền Nam và đồng thời để an toàn, Ban Tuyên huấn Trung ương còn chỉ đạo xây dựng tại miền Bắc một bộ phận thứ hai của đài, đề phòng cơ sở miền Nam bị đánh phá.

Càng hòa mình trong những thời khắc quyết liệt của mùa Xuân 1975, các nhà báo của Thông tấn xã Giải Phóng, Báo Quân đội nhân dân (các phóng viên chiến trường), Văn nghệ Quân Giải phóng… đang cùng hành quân với những người lính hằng ngày, hằng giờ tiến về Sài Gòn và các đô thị miền Nam để làm nên những chiến thắng huy hoàng - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Và điều mà những nhà báo chúng ta hôm nay càng khâm phục là tính nhanh nhạy, chấp nhận khó khăn, cả sự hy sinh cao cả của những nhà báo chiến trường để có được những bản tin chiến thắng, những bài báo ra đời ngay từ trong chiến trường miền Nam. Đó là những điều đáng tự hào của các nhà báo chiến trường, mà các anh, các chị nhà báo đã lăn lộn cùng các chiến sĩ, các đơn vị để nhanh chóng có được tin, bài, ảnh… phát sóng kịp thời không chỉ trong nước mà ra cả trên toàn thế giới cùng chứng kiến niềm vui lớn của dân tộc, con người Việt Nam.

Điều mà nay, chúng ta biết được, là mỗi chiến thắng từ trong gian khổ, ác liệt, cũng như sự dũng cảm, bất khuất, kể cả hy sinh tính mạng nhà báo… của quân và dân miền Nam đã được Báo Giải Phóng, Ðài Phát thanh Giải Phóng, Thông tấn xã Giải Phóng... truyền đạt nhanh nhạy, đầy sức sống, thuyết phục - là những hình ảnh, tin, bài, ảnh sinh động về mỗi thời khắc đáng nhớ của dân tộc trong kháng chiến vì mục tiêu cao cả giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

ThS PHẠM BÁ NHIỄU