QĐND - Đọc cuốn sách Lịch sử báo chí Huế của nhà báo Nguyễn Xuân Hoa (NXB Thuận Hóa, 2013), có thể nhận ra ở Huế những năm 1927-1975, không khí báo chí ở Huế sôi động không kém gì Sài Gòn, Hà Nội. Báo chí ở Huế thời kỳ này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình dân chủ, vận động cách mạng ở miền Trung.
|
Bìa cuốn sách "Lịch sử báo chí Huế".
|
Các triều đại phong kiến Việt Nam từ xa xưa cho tới triều Nguyễn không có khái niệm báo chí mà thông tin chỉ có chiếu, chỉ, sở dụ, sắc phong… Báo chí theo chân quân viễn chinh Pháp đến nước ta vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đầu tiên ở Sài Gòn, tiếp theo là ở Hà Nội, Hải Phòng... Còn ở Huế, theo sách Lịch sử báo chí Huế thì vào tháng 11-1866, Viện Cơ Mật đã trình vua Tự Đức ý kiến ra báo: “Các nước ở phương Tây đều lập nhà công luận, phàm việc không cứ công hay tư đều in vào giấy để truyền báo; người nước Anh gọi là Tân văn, người nước Pháp gọi là Nhật báo…”. Vua Tự Đức chuẩn y, nhưng mãi đến khi vua qua đời vào năm 1883, ý tưởng này vẫn chưa thực hiện được.
Năm 1867, trong Tế cấp bát điều (tám đều cần làm gấp) gửi lên triều đình, Nguyễn Trường Tộ cũng đề nghị: “Cần phải phát hành một tờ nhật báo đăng tải các chiếu, chỉ, sở dụ, những việc làm của các bậc có tiếng tăm, những công vụ quốc gia hiện thời, cho học sinh đọc để biết công việc trong nước. Đó cũng là một lợi ích lớn…”. Nhưng ý kiến này cũng không được triều đình xem xét. Tháng 1-1886, Viện Cơ Mật lại tâu trình lên vua Đồng Khánh và được vua cho lập Cục Đại Nam công báo, nhưng rồi báo cũng không ra được. Cho đến năm Thành Thái thứ 3 (1891), vua mới cho lập tờ Đại Nam Đồng văn Nhật báo bằng chữ Hán, nhưng lại phát hành ở Hà Nội.
Phải đến năm 1913, ở Huế mới có tờ báo tiếng Pháp Le Rigolo (Kẻ ngộ nghĩnh). Năm 1914, tập san Những người bạn của Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huế, viết tắt là BAVH) ra mắt bạn đọc do thừa sai Léopold Cadière làm chủ biên, viết bằng tiếng Pháp. BAVH ra đến năm 1944 thì tự đình bản do nhiều biến động lịch sử. Tạp chí BAVH là một trong các tạp chí khoa học nổi tiếng có giá trị nhất, chuyên viết về các vấn đề văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, tôn giáo, phong tục, mỹ thuật, ngôn ngữ… của Huế và Việt Nam. Chính tập san này đã vinh danh tên tuổi cho những người chủ trương và cộng tác, đứng đầu là Linh mục Léopold Cadière. Ông làm chủ bút suốt 30 năm tồn tại của tạp chí và đóng góp trên dưới 160 bài viết được đánh giá có chất lượng cao, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Hơn 90 năm sau, vào năm 1997, Nhà xuất bản Thuận Hóa bắt đầu cho dịch và xuất bản trọn bộ BAVH ra tiếng Việt. Những nhà biên kịch các chương trình của Festival Huế đã tham khảo BAVH để phục dựng các lễ hội văn hóa ở Huế như: Lễ tế Đàn Nam Giao, Lễ điện Hòn Chén, Đàn Âm hồn Huế, ẩm thực Cung đình Huế v.v..
Năm 1896, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời ở Huế, đó là báo Trung kỳ bảo hộ Quốc ngữ Công báo. Phải nói rằng, báo chí ở Huế sôi nổi nhất là hai giai đoạn. Giai đoạn 1925-1945 và giai đoạn 1967-1975, khi trí thức, sinh viên học sinh xuống đường chống Mỹ, đòi hòa bình. Giai đoạn đầu, khi các đảng: Tân Việt, Quốc dân Đảng, đặc biệt là Đảng Cộng sản ra đời, ở Huế báo chí nở rộ. Đầu tiên là tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tên báo Tiếng Dân là do cụ Phan Bội Châu đặt. Báo Tiếng Dân là tờ báo lớn viết bằng tiếng Việt đầu tiên ở Huế, hoạt động 16 năm, từ năm 1927-1943. Những người cộng sản nổi tiếng như: Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp… đều cộng tác với Tiếng Dân. Nhà báo Võ Nguyễn Giáp tham gia viết bài rất hăng hái. Bài báo đầu tiên là bài Vũ trụ và tiến hóa đăng trên báo Tiếng Dân trong hai số 218 và 222 ngày 28-9 và 5-10-1929 với bút danh Hồng Thanh. Khi còn là học sinh Quốc học, năm 1927, mới 16 tuổi, Võ Nguyên Giáp đã viết bài báo bằng tiếng Pháp: À bas le tyranneau de Quoc hoc! (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học!), gửi đăng ở tờ L’Annam của luật sư Phan Văn Trường ở Sài Gòn. Bài báo tố cáo mạnh mẽ nền giáo dục ngu dân của những kẻ cai trị. Nhà văn, nhà báo Dương Phước Thu, người đang soạn sách “Lịch sử báo chí Thừa Thiên-Huế” đã tìm theo những bút danh trên báo Tiếng Dân và thống kê được 27 bài của Võ Nguyên Giáp đăng trên 36 số báo, trong đó có các bài ký tên Vân Đình ở mục "Thế giới thời đàm".
Do tác động của Tiếng Dân, một loạt tờ báo có xu hướng "độc lập" ra đời như: Tràng An, Sông Hương (cả hai tờ đều do cụ Phan Khôi sáng lập), Phụ Nữ Tùng San, Phụ Nữ Tân Tiến, thần Kinh tạp chí, Du học báo… Nhiều tờ báo chuyên ngành như: Văn học tuần san, Khuynh Diệp (Thương mại), Vệ sinh Y báo (Y tế), Cười, Giáo dục Tạp chí, Viên Âm (Phật Giáo), Vì Chúa (Thiên chúa giáo) v.v.. Thời kỳ này, tại Huế cũng xuất hiện nhiều tờ báo có xu hướng chống Pháp như: Le Nhà Quê, Tân Thế Kỷ, Nhành lúa, Kinh tế Tân văn, Sông Hương tục bản, báo Dân, Dân Tiến… Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, ở Huế còn xuất hiện hàng chục tờ báo bí mật của Đảng Cộng sản như: Cờ đỏ, Vô sản, Chỉ đao, Công Nông Binh, Việt thường, Tranh Đấu, Việt Minh Trung Kỳ… Sau Cách mạng Tháng Tám, báo chí cách mạng ở Huế vẫn phát triển mạnh mẽ, như: Nhật báo Quyết Chiến do Vĩnh Mai phụ trách, báo Quyết Thắng do Lê Chưởng làm chủ bút, báo Đại Chúng do GS Tôn Thất Dương Kỵ làm chủ bút… Ngoài ra, còn có các tờ như: Báo Reo, Lòng Dân, Tay thợ, Xã hội mới, Ánh Sáng, Chiến sĩ, Quê Hương, Kinh tế, Giải thoát v.v..
Thời kỳ sôi động thứ hai trong lịch sử báo chí ở Huế là thời kỳ nở rộ báo, đặc san, tập văn của trí thức, học sinh, sinh viên đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Những tờ báo, đặc san như: Ngày Mai kêu gọi tự do dân chủ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ của các trí thức yêu nước như: Tôn Thất Dương Kỵ, Nguyễn Hữu Đính, Thân Trọng Phước… hay các tờ khác như: Công lý, Tiền Phong, Văn nghệ Tiền phong, Công Dân, Lập trường v.v.. Cho đến thời kỳ 1964-1975, ở Huế đã hình thành đội ngũ báo chí tranh đấu công khai và bán công khai, chống lại sự có mặt của người Mỹ, đòi hòa bình, độc lập. Một đội ngũ nhà báo, nhà văn rất đông đảo đã “xuống đường” đấu tranh bằng báo chí như: Trần Quang Long, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Hữu Lục, Trần Duy Phiên, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Châu Phan, Trần Viết Ngạc, Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Xuân Hoa, Võ Quê v.v.. với hàng loạt tờ báo ra đời: Đấu tranh , Lực lượng, Máu hồng, Đất mới, Dân tộc, Sinh viên Huế, Sinh viên Quật khởi, Cứu lấy quê hương, Vượt sóng, Đỉnh Triều ,Việt, Đất Lành, Thân Hữu, Động Mạch (báo văn học-nghệ thuật), Sinh hoạt, Sinh viên Phật Tử, Tiếng gọi sinh viên, Phụ nữ Huế, Vận động, Báo Đại học của Viện Đại học Huế…
Từ sau năm 1975, thực hiện chủ trương của đảng, địa phương nào cũng có tờ báo Đảng, đài phát thanh-truyền hình và nhiều tờ báo ngành. Thừa Thiên-Huế cũng có báo Thừa Thiên-Huế, Văn hóa Huế, Huế Xưa & Nay, Thông tin & truyền thông Huế, Nhà báo Huế, Đại học Huế v.v.. Trong đó, Tạp chí văn nghệ Sông Hương là tờ báo có lượng độc giả và cộng tác viên đông đảo trong cả nước.
NGÔ MINH