Sáng sớm 2-11-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta sang Liên Xô dự kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười Nga và dự Hội nghị đại biểu của 81 đảng cộng sản và công nhân thế giới. Chiều 6-12-1960, Bác cùng đoàn đại biểu Đảng ta về nước. Ngày 17-12, với bút danh T.L, Bác viết bài báo “Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đoàn kết, đấu tranh, thắng lợi” đăng Báo Nhân Dân, số 2464, giới thiệu vắn tắt những nội dung chính trong bản tuyên ngôn của 81 đảng cộng sản và công nhân họp ở Moscow, thể hiện niềm vui mừng, phấn khởi trước sự lớn mạnh của các nước anh em, bạn bè năm châu. Bài báo đã kết luận với niềm tin: “Với sự đoàn kết, nhất trí của phe xã hội chủ nghĩa, của giai cấp công nhân quốc tế, của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình, chúng ta nhất định thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình thế giới, cho độc lập dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội”.

Đặt vào bối cảnh ấy sẽ thấy bài thơ “Cánh chim không mỏi” của Tố Hữu viết về Bác có một nét nghĩa rất cơ bản, quan trọng: Cánh chim Hồ Chí Minh kết nối các bầu trời văn hóa phe xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc cùng các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Thành công trước hết của thi phẩm là học tập, kế thừa, kiến tạo biểu tượng cánh chim Hồ Chí Minh vừa truyền thống, cổ điển, vừa mới mẻ, tỏa sáng. Thể thơ lục bát cân đối, uyển chuyển, nhuần nhụy là thích hợp nhất. Hai câu lục bát đăng đối như đôi cánh chim, bay suốt bài thơ, bay vào trời văn hóa đoàn kết, yêu nước, yêu người của Việt Nam và bạn bè thế giới. Cánh bay “không mỏi”, bền bỉ, mạnh mẽ, nhẹ nhàng. Xét kỹ, một phương diện của văn chương là sự tiếp tục hoàn thiện, nâng cao, làm giàu có thêm ý nghĩa biểu tượng. Bài thơ này là như vậy.

Biểu tượng chim phượng hoàng đã vỗ cánh từ thời tối cổ, bay suốt chiều dài lịch sử nhân loại, đến mỗi đỉnh cao thời đại, chim dừng lại để con người chiêm ngưỡng và tô điểm thêm những sắc màu văn hóa mới. Trong văn hóa phương Đông, chim phượng là chủ của lửa (hỏa), mùa hạ và phía Nam, mang ý nghĩa cho sự sống. Phải chăng bay đến bầu trời văn hóa Lạc Việt, “tiếp biến” cùng các loài chim bản địa mà trở thành chim Lạc tượng trưng cho ước mơ vượt không gian, cho tâm hồn, bản lĩnh Việt yêu tự do. Trong thế giới hiện đại, cánh chim bồ câu của Picasso là biểu tượng tuyệt vời cho tình yêu hòa bình... Thơ Hồ Chí Minh cũng có nhiều cánh chim bay đa ý nghĩa, sinh động. Kế thừa truyền thống và từ chính Bác Hồ, Tố Hữu đã xây dựng hình ảnh ẩn dụ mang tính biểu cảm cao. Cũng nên rõ thêm, trong thơ Tố Hữu có nhiều cánh chim bay, không chỉ trong bầu trời vật lý, bay cả trong thế giới tâm trạng.  

leftcenterrightdel
 Tranh cổ động của họa sĩ Trần Từ Thành.

Bài thơ 6 khổ, nhưng biểu tượng cánh chim chỉ “bay” ở hai khổ giữa: “Hỡi Người, tim những thương yêu/ Cánh chim không mỏi, sớm chiều vẫn bay/ Chim bay tung cánh chim bay/ Ba mươi sáu triệu chim bầy gọi nhau!/ Chim kêu ríu rít trên đầu/ Mùa cam đương ngọt địa cầu của ta/ Giá sương đương hẹn mùa hoa/ Nắng xuân từ Mạc-tư-khoa đã về”. Vì sao vậy? Ví Bác Hồ là “cánh chim không mỏi”, như trên đã giới thuyết, là phù hợp với tầm vĩ đại mang ý nghĩa dẫn đường của Bác đối với cách mạng Việt Nam. Với phong trào cộng sản quốc tế, qua chuyến công tác này, Bác là người gắn nối, gắn kết các đảng anh em và bè bạn năm châu. Câu thơ “Chim bay tung cánh chim bay/ Ba mươi sáu triệu chim bầy gọi nhau!” là nói về ý ấy. Trong “ba mươi sáu triệu chim bầy” tức 36 triệu đảng viên của 81 đảng cộng sản, có Bác. Trong câu “lục”, chủ ngữ, vị ngữ không phân biệt, cứ lẫn vào nhau, trộn vào nhau. Xuống câu “bát”, tất cả nhập vào thành danh từ chung “ba mươi sáu triệu chim bầy”. Ý thơ lột tả xuất sắc tầm sứ giả văn hóa kết nối, cũng là đức tính khiêm nhường tuyệt vời của Bác Hồ (coi mình cũng chỉ là một đảng viên). “Chim kêu ríu rít trên đầu/ Mùa cam đương ngọt địa cầu của ta/ Giá sương đương hẹn mùa hoa...”. Hẳn nhiên “chim kêu” là biểu tượng cho niềm vui với “mùa cam đương ngọt”, tức hạnh phúc trong mùa thu hoạch thắng lợi của phong trào cách mạng quốc tế. Nhưng vì sao lại “Giá sương đương hẹn mùa hoa...”? Đúng với quy luật thiên nhiên cả phương Đông, phương Tây, “giá sương” là một yếu tố thời tiết để có “mùa hoa”-đây là nghĩa đen. Con người phải trải qua thử thách “giá sương” gian nan, vất vả để có được “mùa hoa” thành tựu-đây là lớp nghĩa thứ hai. Nghĩa thứ ba quan trọng, sâu sắc, ngầm ẩn: Lúc này đang có dấu hiệu “giá sương” rạn nứt vì sự hiểu lầm giữa các đảng anh em. Bác là người góp phần làm tan “giá sương” ấy để đem lại “mùa hoa” đoàn kết cho tất cả!

Như vậy có thể tạm hiểu mạch ý tứ của bài: Chuyến hành trình công tác của Bác, bắt đầu từ Việt Nam, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ, Bác trở về. Phải chăng vì vậy mà phần mở đầu và phần cuối bài thơ là hình ảnh Bác về, Bác ra đi trong không gian Việt Nam. Thiên nhiên kết một biểu tượng “nắng” đưa tiễn và đón Bác. Vốn là biểu trưng nghệ thuật với ý nghĩa xua tan cái giá lạnh, đem cái ấm áp, cái mới mẻ, niềm vui, lẽ sống, chân lý... có nhiều trong thơ Bác, đến lượt Tố Hữu học tập, kế thừa hình tượng “nắng” để cấu trúc một không gian nghệ thuật mới: “Chiều nay gió lặng. Nắng hanh/ Mây hồng trắng nõn, trời xanh. Bác về/ Sông Hồng nắng rực bờ đê/ Nắng thơm rơm mới, đồng quê gặt mùa/ Bác đi, muôn dặm đường xa/ Hôm nay tuyết lạnh, nay vừa nắng lên”. Một không gian nghệ thuật trong vắt, tinh khôi, ấm áp nhưng có gì đấy như ngập ngừng, bồi hồi, đúng với tâm trạng phấp phỏng, chờ mong (qua dấu chấm trong câu “gió lặng. Nắng hanh”, “trời xanh. Bác về”). Vừa là danh từ, vừa làm động từ, “nắng” rực rỡ, tỏa sáng không gian, tỏa sáng trong thơ. Không gian như ngừng lại, gió lặng, mây ngừng bay, trời xanh ngắt để “nắng” sưởi ấm, mang sự sống, sức sống cho tất cả: “Rực bờ đê”, “thơm rơm mới”... Không có “nắng” không có sự sống. Bác Hồ là “nắng” để đất nước ta hồi sinh, phát triển. Hình tượng được điệp lại (ở khổ 1 và khổ 5): “Sông Hồng nắng rực bờ đê/ Nắng thơm rơm mới, đồng quê gặt mùa” nhấn mạnh ý nghĩa cả về nghĩa đen (nắng), nắng như xôn xao, tươi mới sự vật; cả nghĩa bóng, Bác đem lại sự sống, sức sống cho đất nước.  

Có một sự chơi chữ tinh tế trong câu: “Hoa ơi, con gái của cha/ Cha nâng con nhé, làm hoa mừng Người”. “Hoa” vừa là tên con gái nhà thơ, vừa là hoa-biểu trưng cái đẹp, thành tựu, hạnh phúc, thành công. Động từ “nâng” đa nghĩa, là nâng niu, yêu quý (với vật/người được “nâng”); là tin tưởng, kính trọng, biết ơn người được dâng tặng. Đặt trong mối quan hệ với khổ cuối: “Bác về, vui đó, con ơi!/ Bác hôn các cháu, Bác cười với dân”, thì “hoa” còn là “các cháu”, là thế hệ tương lai. Bài thơ chỉ khép lại câu chữ nhưng mở ra cả “mùa xuân” mới, rộng dài, bất tận, sinh sôi: “Ngày vui, vui những hai lần/ Bác về, mang cả mùa xuân lại nhà”. “Vui” vì Bác “là Cha, là Bác, là Anh” đã về sau chuyến đi xa. Bác về còn đem theo cả “quà” là niềm vui đoàn kết, tin yêu của bạn bè cùng bao niềm vui khác. Nên hiểu “hai lần” chỉ là ước lệ, gói trong đó “nhiều lần hơn”. 

Thơ hay như tấm gương soi. Vươn tới tầm văn hóa, hình tượng sẽ trở thành biểu tượng. Hoàn toàn đáp ứng điều ấy (cả nội dung, hình thức bài thơ và đối tượng ngợi ca), bài thơ lan tỏa, đi vào đời sống. Cụm từ “cánh chim không mỏi” được thêm chữ “như” ở đầu, trở thành thành ngữ chỉ những nhân vật xuất sắc mang tính dẫn đường bền bỉ (Như cánh chim không mỏi). Tựa vào tứ bài thơ, nhạc sĩ Thuận Yến có bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” rất thành công: “Bác đem mùa xuân về, dâng hoa đẹp cho đời/... Như cánh chim không mỏi, bay khắp trời Việt Nam...”.

 TỐ HỮU

      Cánh chim không mỏi

Chiều nay gió lặng. Nắng hanh
Mây hồng trắng nõn, trời xanh. Bác về
Sông Hồng nắng rực bờ đê
Nắng thơm rơm mới, đồng quê gặt mùa.
 
Bác đi, muôn dặm đường xa
Hôm nay tuyết lạnh, nay vừa nắng lên
Bác về, tóc có bạc thêm?
Năm canh, bốn biển, có đêm nghĩ nhiều?
 
Hỡi Người, tim những thương yêu
Cánh chim không mỏi, sớm chiều vẫn bay
Chim bay tung cánh chim bay
Ba mươi sáu triệu chim bầy gọi nhau!
 
Chim kêu ríu rít trên đầu
Mùa cam đương ngọt địa cầu của ta
Giá sương đương hẹn mùa hoa
Nắng xuân từ Mạc-tư-khoa đã về.
 
Sông Hồng nắng rực bờ đê
Nắng thơm rơm mới, đồng quê gặt mùa
Hoa ơi, con gái của cha
Cha nâng con nhé, làm hoa mừng Người.
 
Bác về, vui đó, con ơi!
Bác hôn các cháu, Bác cười với dân
Ngày vui, vui những hai lần:
Bác về, mang cả mùa xuân lại nhà.
                           Tháng 12-1960

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ