Cách đây hơn 30 năm, tôi đã “ăn gan hùm, mật gấu” đem cuốn sổ tay chiến sĩ dày đặc những bài thơ ngọng nghịu (theo cả nghĩa đen) của mình đến "trình diện" nhà thơ Đỗ Trung Lai tại số 8 Lý Nam Đế, TP Hà Nội. Đỗ Trung Lai niềm nở đón chào và dang tay đón tôi vào nghiệp viết. Đến hôm nay, tôi vẫn nhớ như in từng lời chia sẻ của anh. Đại ý anh căn dặn, đã đến với văn chương không chỉ cần tài hoa mà cốt yếu phải trung thực, như người lính chiến giữa lửa đạn phải dám hy sinh vì đồng đội, đúng như lời thơ anh từng viết: “Đem thân mình cho sống bạn mình”; “Đem sinh mệnh đúc khối tình tặng nhau”. Tôi luôn ghi nhớ lời anh dặn.

Cuộc sống luôn không ngừng chuyển động. Chuyển động đến mức, tôi hôm nay cũng đã mang nghiệp văn bút “vác đá tự ghè chân” mấy chục năm rồi! Đã nếm đủ mọi cung bậc của "trường văn, trận bút". Nhưng chất lính trong thơ Đỗ Trung Lai và con người anh luôn cho tôi sự bình tĩnh, mạnh mẽ bước về phía trước. Với chiến tranh, với người từng trải qua chiến trận như anh càng thấy được không chỉ sự mất mát là sâu thẳm mà người còn sống sau chiến tranh với những thiệt thòi vô tận càng luôn nhắc nhở chúng ta:

      Đời người thế cũng xong ư?

      Đầu xanh mà cũng “ba thu một ngày”

      Nói chi đến chuyện hao gầy

      Chị tôi đã chết từ ngày anh đi.

                                                          (Chị tôi)

leftcenterrightdel

Nhà thơ Đỗ Trung Lai.  Ảnh: QUỲNH NHƯ 

Tôi thuộc nhiều thơ Đỗ Trung Lai, thường hay đọc cho bộ đội nghe trong những chuyến đi Trường Sa, nơi biên giới, khi cuộc rượu đêm đông lúc trăng mờ sóng biển. Thơ anh dễ nhớ, càng dễ đọc, thậm chí dễ dàng “chế biến” thành thơ cho riêng mình với khung cảnh tại trận để phục vụ người đọc nói chung và chiến sĩ nói riêng. Anh là lính chiến với cây bút và tài thơ, tài viết báo, với những câu chuyện chỉ có ở trong chiến tranh mà anh là người trong cuộc, trải qua để ngấm rất sâu, trở thành tính cách-số phận mình.

Tôi rất nhớ một lần, trong đêm đông gió rét ở Đồn Biên phòng A Mú Sung (Lào Cai) đã đọc bài thơ “Đá và cờ ở Đồng Văn” cho bộ đội nghe. Ai cũng rưng rưng cảm động. Ai cũng thấy máu mình chuyển động trong huyết quản từ những lời thơ của Đỗ Trung Lai:

      Cả đá lẫn người đều lẫm liệt

      Muôn kiếp thi gan nhật nguyệt rồi

      Ngậm gió cổng trời buông tiếng thét

      Đá thề sống chết tựa người thôi.

Viết cho người chiến sĩ, viết về chiến tranh luôn là thế mạnh của Đỗ Trung Lai. Những câu thơ được viết ra không chỉ bằng trí tuệ mà bằng cả máu xương đồng đội:

      Mấy mươi năm nằm trong đá núi

      Mới được đưa ra nhìn mặt trời

      Công binh vừa mở hang vừa khóc

      Đá âm thầm, đá toát mồ hôi!

                                            (Hang ngậm người)

      Sống, đã vì đường mà sống

      Thác đi, nằm lại bên đường

      Con đường bây giờ rộng lắm

      Người xưa đã thành khói sương.

                                       (Đồng Lộc không còn như cũ)

Thơ Đỗ Trung Lai luôn có một mạch riêng: Giản dị mà ngang tàng. Trực ngôn mà sâu sắc. Thâm thúy mà thanh thoát. Trần trụi mà căn cốt sâu xa... để từ đó đưa ra những thông điệp cho người hôm nay và mai sau.

Hẳn nhiên Đỗ Trung Lai, nghiệp văn bút đều bắt nguồn từ cội nguồn văn hóa, lịch sử của dân tộc. Con người anh, khát vọng anh, trí tuệ anh, chữ nghĩa của anh đều từ đó mà ra chứ đâu. Những bài thơ của anh, dù bất kỳ bài nào, đều là để hướng tới, góp phần tạo nên chiều sâu văn hóa, lịch sử của người Việt, từ thượng cổ đến hôm nay và cả mai sau.

 Với Đỗ Trung Lai, từ những sáng tác đầu tiên tới hôm nay đã thấy hiển hiện một vóc dáng riêng, một đường đi mạnh mẽ với những dấu mốc trên thi đàn và trong lòng người yêu thơ cả nước. Thơ anh giải quyết cùng một lúc những vấn đề trong chiến tranh, sau chiến tranh và cuộc sống đang sầm sập chuyển động quanh ta một cách thẳng thắn, trung thực, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc và có trách nhiệm. Tư duy trong thơ anh là tư duy của một trí thức trước đời sống, với trách nhiệm và sự công chính, nhất là sự công bằng với những giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị đóng góp máu xương, giá trị mỗi con người nhỏ bé trong cuộc sống đang diễn ra. Tất cả điều đó đều được thể hiện trong mỗi câu thơ, bài thơ một cách tài hoa và giản phác.

Thơ Đỗ Trung Lai như con người anh-luôn là một cá tính rất mạnh, yêu-ghét đến tận cùng, được-mất rõ ràng, đen-trắng phân minh, nhưng không vì thế mà “có sao nói vậy”. Những câu chữ đời thường, qua chưng cất của Đỗ Trung Lai bỗng như những câu cách ngôn, đồng dao... thời hiện đại. Anh dùng những chữ rất cổ xưa cho những việc rất mới một cách hóm hỉnh, tươi ròng và vững chắc, khiến người đọc cười ngất khâm phục. Sự giàu có vốn từ ngữ, nhất là cách sáng tạo chúng để trở thành phong cách, tính cách riêng của Đỗ Trung Lai. Người đọc thêm tự tin và trưởng thành từ những thông điệp thơ anh. Anh nói rất giỡn chơi mà vô cùng nghiêm túc. Anh nói rất nghiêm túc mà vô cùng giỡn chơi, vừa là bản lĩnh, vừa là trí tuệ, vừa là duyên phận của Đỗ Trung Lai:

      Có một Thăng Long lẫm liệt

      “Pháo đài bay” rụng mặt hồ

      Có một Thăng Long răng trắng

      Cắn vào quả sấu đầu thu.

                                              (Thăng Long)

      Người ấy như người ta yêu

      Tiễn ta lên tàu ra trận

      Rồi quay về nhà lấy chồng

      Để ta phương trời lận đận!

                                        (Ngần ấy người ấy ơi)

      Một hồ nước đỏ như son

      Chiều chiều mình tẩm gót son chân mình

      Bao nhiêu sách viết thơ tình

      Ta đem xé hết cho mình thấm chân.

                                               (Ngũ hồ ở Bắc Ninh)

leftcenterrightdel

Tuyển thơ Đỗ Trung Lai (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2025). 

Thơ Đỗ Trung Lai luôn nhất quán ở giọng điệu, dù ở các thể thơ tự do, ngũ ngôn, lục bát, song thất lục bát, trường ca đều đồng quy về một mối hướng tới con người, hướng tới nhân dân và Tổ quốc. Đỗ Trung Lai, cho dù từ các điểm nhìn bên ngoài đất nước-những danh thắng, danh nhân thiên hạ-cũng đều để khơi thông mạch nguồn, vẻ đẹp của đất nước mình, nhân dân mình.

Thơ Đỗ Trung Lai câu chữ giản dị nhưng ý tứ sâu sắc, loang xa. Tôi, hơn 30 năm trước đọc thơ anh cười vang khoái trá, 30 năm sau đọc thơ anh cười rơi lệ. Chính Đỗ Trung Lai chứ không phải ai khác, đã “xúi giục” tôi bước vào địa hạt tiểu thuyết lịch sử, cũng là để góp cùng anh tạo những thông điệp về văn hóa, lịch sử, nhất là ở địa hạt quân sự, những võ công huy hoàng của tổ tiên.

Đỗ Trung Lai trong cuộc sống đời thường thanh cao, sâu sắc mà vẫn yêu tục lụy cõi người. Thơ Đỗ Trung Lai càng là như vậy-thẳm sâu cội nguồn mà rất hiện đại, măng tơ. Anh tả mỹ nhân từ thượng cổ hay mỹ nữ thời @ đều toát lên chiều sâu của nhân cách, của những vỉa tầng khát vọng và nhất là tư duy, hành động của bậc nữ lưu luôn biết tự quên mình, vượt qua mọi hoàn cảnh, thanh thoát bước vào trang sách.

Thơ Đỗ Trung Lai có nhiều vẻ đẹp. Đó là sự phản biện đến tận cùng với thói hư danh, sự nông cạn, sự lố bịch và nhất là sự giả dối-Đỗ Trung Lai không khoan nhượng. Trong đời sống hằng ngày, anh luôn sẵn sàng trực diện đối đầu với thói háo danh, nhất là sự hợm hĩnh, cửa quyền, cậy quyền lấn át lẽ phải, Đỗ Trung Lai sẽ “quyết đấu” đến cùng. Đây chính là phẩm chất lính chiến song hành cùng phẩm chất thi sĩ nơi anh.

Trong việc tôn vinh, tri ân tình nghĩa, nhắc nhở con người phải biết ơn tiên tổ, cội nguồn, nhất là máu xương đồng chí, đồng đội, Đỗ Trung Lai đã vận hết tài hoa của mình để tỏa hương thơm trong từng câu chữ.

Với những trăn trở thế sự, lẽ mất-còn, đạo đức và ý chí, pháp lý và đạo lý, việc phải hành xử như thế nào trong cuộc sống chuyển động dữ dội hôm nay, Đỗ Trung Lai luôn mạnh mẽ đặt ra, còn sẵn sàng cầm cân nảy mực. Đó luôn là tính cách của anh.

 Đối với cá nhân tôi, đã hơn 30 năm được gặp gỡ, được anh biên tập các sáng tác của mình và sau này được biên tập các sáng tác của anh, thật là mối lương duyên văn chương hiếm có. Tôi luôn cho rằng, văn chương nghệ thuật phải để con người mạnh mẽ hơn. Tôi đã tìm thấy điều đó trong thơ ca và con người Đỗ Trung Lai-một người anh đi trước.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI