Mấy hôm sau, tôi ghé qua thì vẫn thấy cây ghi-ta ở đó. Tôi khuyên nó, người già có những góc ký ức có thể phủ bụi, mốc meo nhưng không muốn ai động tới.
Kể từ khi mẹ mất, bố tôi ít nói hơn, cứ thế này ông lại trở thành hòn đá cản đường nó mỗi ngày. Lúc dăm ba tin nhắn, lúc một đoạn thoại gay gắt trong Zalo. Chỉ có điều tại sao bố con xung khắc thế mà nó vẫn không dọn ra ngoài, cứ ở lại với ông cụ đến giờ.
- Lần cuối bố chơi đàn là khi nào nhỉ?
Có thể vì bất ngờ trước câu hỏi của tôi, ông cụ lặng im không trả lời. Tôi cũng không hỏi gì thêm nhưng những lần sau tôi về qua nhà đều thấy cả em trai và bố đều như đang chờ đợi một điều gì đó ở mình. Có lẽ ở gia đình nào cũng thế, câu chuyện của những món đồ có khi mở ra những tranh luận bất tận. Lợi ích của mỗi người đặt vào những kỷ niệm khác nhau. Vì thế, ai cũng muốn đặt dấu ấn cuộc đời mình trong không gian chung sống.
Chừng nửa tháng sau, một chiều cuối tuần đón con về qua nhà ông nội. Ngồi sau xe, cu Mít nói với tôi: “Bố Việt ơi, mấy hôm nay con thấy ông nội chơi đàn hay lắm”.
Tôi đem chuyện ấy nói với cậu em, nó hình như hay vắng nhà và không để ý nên hết sức ngạc nhiên. Bỗng như nhớ ra điều gì, nó bảo: “À, mấy lần tổ chức sự kiện, em quen nghệ sĩ ghi-ta Trịnh Hải. Mấy nữa em mời anh ấy qua giao lưu, “bổ túc” lại cho bố với cả kèm cặp cu Mít. Em thấy nó thích nghịch cây đàn lắm”. Tôi thấy đó cũng là ý kiến hay nên bảo nó cứ đặt vấn đề xem sao.
Chẳng ngờ, nó bận việc này, việc kia nên đến mấy tháng vẫn chưa mời được thầy đến. Tôi sốt ruột bảo: "Cho anh xin số điện thoại, anh liên hệ thử, không được thì thôi". Sau cuộc gọi, nghệ sĩ cho tôi địa chỉ, hẹn qua nhà. Nhà ông nằm ngay khu phố tấp nập của thành phố. Nghệ sĩ Trịnh Hải ra mở cửa. Người đàn ông khoảng ngoài sáu mươi tuổi, dáng người cao gầy, nhìn phong thái toát lên sự chuyên nghiệp của một cựu giảng viên âm nhạc...
Sau vài lời hỏi thăm, tôi ngỏ ý mời ông đến dạy cho lũ trẻ và bổ túc thêm cho một ông cụ ngoài bảy mươi tuổi. Nghệ sĩ Trịnh Hải lấy làm lạ, nhìn tôi có vẻ khó hiểu:
- Anh muốn tôi giữ chân bọn trẻ hay trông nom một người già?
Nghe ông nói thế, tôi nhận ra mình đã hơi đường đột nên động đến sự tự ái của người nghệ sĩ. Sao mình cứ phải tìm thầy dạy khi con cháu mình chưa bộc lộ phẩm chất gì vượt trội. Còn bố tôi với cây ghi-ta ở góc phòng bụi bặm thì có đáng gì với xu thế tiếp cận bài bản của thế hệ trẻ hôm nay. Tôi khéo léo đưa câu chuyện sang một hướng khác.
- Tôi chỉ nghĩ được đơn giản là âm nhạc cũng như hạt giống gieo vào tâm hồn những đứa trẻ ước mơ. Lớn lên, chúng có thể làm kỹ sư, bác sĩ hay một người thợ thì “hạt mầm” ấy sẽ nảy mầm thành sự lương thiện.
Không ngờ, câu trả lời của tôi lại khiến người nghệ sĩ xúc động. Ông vào xách hộp đàn ra xe đi cùng tôi luôn. Nhìn cách người nghệ sĩ nâng niu từng cây đàn trong căn phòng mới thấy nếu ai muốn bước chân vào địa hạt của nghệ thuật cũng chẳng hề dễ dàng. Tôi nhắn cho cậu em ở nhà chuẩn bị bày một tiệc nhỏ với rượu vang, đồ ăn nhẹ và hoa quả. Đặc biệt dặn nhớ phải chọn đúng chai rượu vang Pháp hiệu Domaine Fontaine.
Trên xe, chúng tôi nói chuyện rất nhiều về văn hóa phương Tây, về sự ra đời của ghi-ta, piano, violin và nhiều nhạc cụ khác. Cu Mít hăng hái ra mở cổng. Vừa bước vào nhà, tôi đã giật mình với những mùi vị chẳng ăn nhập gì với thực đơn mà mình đã dặn dò. Một cảnh tượng thật bất ngờ: Trên mâm là chai rượu trắng nút lá chuối, đĩa lạc rang, một nắm lá sung trong vườn và ít nem chua gửi từ xứ Thanh ra. Chả lẽ, cậu em trai và bố tôi ở nhà lại nghe nhầm, ai lại tiếp nghệ sĩ nhạc cụ phương Tây bằng những thứ quê mùa thế này nhỉ, lệch tông mất rồi. Nhưng bây giờ sao còn kịp nữa, ngay sau lưng tôi là nghệ sĩ Trịnh Hải. Tôi đành chờ đợi xem phản ứng của ông thế nào.
Thật bất ngờ, ông không để tâm gì đến các món trên bàn mà đưa mắt ngó khắp căn phòng và dừng lại trước cây ghi-ta cũ kỹ treo ở góc phòng. Đợi khi người nghệ sĩ cầm cây đàn lên, ngắm nghía ba sợi dây còn lại và bắt đầu dạo những nốt đầu tiên thì từ trên cầu thang, bố tôi bước xuống cất tiếng:
- Thế nào, nghệ sĩ còn nhớ cây đàn của ông lão này không đấy?
Nghệ sĩ Trịnh Hải ngỡ ngàng, vội đặt cây ghi-ta xuống bàn, chạy đến nắm tay cha tôi:
- Thầy, sao thầy không cho em biết, bất ngờ quá. Thầy về đây ở lâu chưa?
Chẳng cần nói, ai cũng biết từ giây phút đó trong nhà đầy ắp không khí hội ngộ vui vẻ. Cha tôi và nghệ sĩ Trịnh Hải đem hết những kỷ niệm xưa ra hâm nóng, anh em tôi thì chăm chú nghe như thể người đàn ông trước mặt có dáng nhỏ nhắn, mái tóc hoa râm không phải người cha, người ông mọi khi nữa. Trong câu chuyện của họ thấy cả một trời ký ức hiện về.
Nghệ sĩ Trịnh Hải quay sang tôi:
- Anh Việt có biết sao thầy lại để cây đàn ghi-ta ba dây này không?
Tôi thấy ngại. Đúng là hàng ngày anh em tôi sắm sửa chả thiếu thứ gì nhưng có bộ dây đàn thì chả đứa nào nhớ ra mà mua cho bố. Cậu em tôi chữa thẹn bảo sẽ sắm một cây ghi-ta bên Đức cho ông chơi nhưng anh Hải vội lắc đầu.
- Thầy để như thế chắc có ý chờ tôi đấy. Ngày xưa, trong chiến trường, tôi được thầy dạy bằng chính cây ghi-ta chỉ có ba dây này thôi.
Cha tôi nhìn anh Hải cười:
- Anh cứ nói thế chứ tôi chỉ là người chơi bập bẹ, anh Hải giờ là nghệ sĩ lớn rồi, may mà anh còn nhớ đến tôi.
Anh Hải bối rối, có lẽ anh không ngờ gia đình tôi lại chuyển đến sống ở thành phố này. Sau bữa hội ngộ vui vẻ ấy, nghệ sĩ Trịnh Hải bảo từ nay sẽ qua đây thường xuyên như một người thân trong gia đình. Anh Hải về rồi, tôi với cậu em thắc mắc: “Biết là ngày xưa bố đi bộ đội nhưng có bao giờ thấy ông kể chuyện chơi đàn đâu nhỉ?”. Tôi cố vắt óc suy nghĩ: “Còn trước khi đi bộ đội, bố làm nghề gì?”... Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi chỉ thấy ông cuốc đất be bờ ao, đào hố trồng cây, đóng gạch xây nhà..., bàn tay ông chai sạn vì mưu sinh, trông không có vẻ gì có thể phiêu diêu với những dây đàn này được nữa...
Câu hỏi ấy của tôi được trả lời bằng tiếng đàn ghi-ta của bố tôi mỗi ngày sau cuộc gặp bất ngờ hôm ấy. Hình như từ lúc gặp anh Hải, ông như trẻ lại, tiếng đàn tươi mới và tha thiết như chồi biếc của mùa xuân.
Một sáng, tôi nhận được tin nhắn của nghệ sĩ Trịnh Hải: “Chiều về, anh qua nhà cho tôi gửi món quà này cho thầy. Tôi có chương trình gấp, không qua gặp thầy được”. Tôi hồi hộp chẳng rõ anh muốn gửi gì. Khi tôi mang về, cha tôi xúc động mở ra và mỉm cười: “Là một bộ dây đàn mới”. Như sợ chúng tôi chưa hiểu hết ý tứ sâu xa, cha tôi giảng giải: “Giờ thì cha sẽ không chơi đàn ba dây nữa”. Tôi thắc mắc:
- Thật ra con vẫn chưa hiểu giữa bố và nghệ sĩ Trịnh Hải có kỷ niệm gì liên quan đến cây đàn ghi-ta ba dây này?
Bố tôi lặng lẽ đặt cây đàn xuống và kể. Đó là những ngày ở lán trại của đoàn văn công phục vụ các đơn vị trong chiến trường. Cả đoàn có năm anh em cùng quê. Cha tôi chơi ghi-ta, một đồng chí kéo phong cầm, một ca sĩ, một thổi sáo. Trịnh Hải vốn là anh lính mới nhưng từ khi gặp cha tôi đã mê mẩn tiếng đàn. Anh ấy có khiếu nên học rất nhanh. Mấy anh em có lời hẹn khi chiến tranh kết thúc sẽ về lập một nhóm nhạc cùng đàn hát. Nhưng rồi đồng chí ca sĩ và thổi sáo đã hy sinh trong một trận bom của đế quốc Mỹ. Người kéo phong cầm đã bị thương ở tay, không thể chơi được nữa. Sau ngày giải phóng, anh Hải được đi học nhạc, trở thành nghệ sĩ biểu diễn khắp nơi rồi làm giảng viên âm nhạc. Bố tôi sau khi xuất ngũ về quê, cuộc sống mưu sinh, lo cho gia đình khiến ông không có điều kiện để nghĩ đến nghệ thuật nữa, dù chưa khi nào ông quên lời hẹn ước năm nào với đồng đội.
- Bố vẫn có ý để cây đàn ba dây như một kỷ niệm. Hôm rồi anh Hải bảo bố rằng, những ngày tháng cùng đồng đội ở chiến trường sẽ là ký ức mãi không quên, nhưng giờ chúng ta hãy chơi những nốt nhạc mới, khép lại mất mát, đau thương, mang tiếng hát làm xanh tươi cuộc đời hôm nay...
Kể từ hôm đó, cha tôi vui vẻ, nói chuyện nhiều hơn. Ông bước ra khỏi bốn bức tường, khỏi cái thói quen ít chuyện trò để đến với các buổi gặp gỡ, giao lưu của cựu chiến binh, tham gia câu lạc bộ văn nghệ của phường nơi ở mới. Tiếng đàn của ông, đi đến đâu cũng được mọi người nhắc nhớ. Tiếng đàn nâng đỡ đôi chân ông đi xa hơn, tiếng đàn như hồi sinh một tâm hồn và thanh xuân ở lại...
Sự hiếu thuận của những người con đã đưa một “ông thầy” dạy đàn về nhà, để mong giúp cho người cha giữ mãi cây đàn cũ, chỉ còn ba dây. Nhờ thế mà có một cuộc hội ngộ bất ngờ. Người nghệ sĩ được mời về dạy đàn, không chỉ gặp được cây đàn quen thuộc mà còn gặp được người thầy đầu tiên đã dạy ông chơi ghi-ta từ những ngày ở chiến trường ác liệt. Hình ảnh người cha, với phẩm chất người chiến sĩ và nghệ sĩ được Bùi Việt Phương khắc họa rõ nét. Và dẫu có những lời hẹn ước không thành nhưng ký ức, tình đồng đội vẫn luôn được trân trọng, khắc ghi... (Nhà văn NGUYỄN VĂN HỌC) |
Truyện ngắn của BÙI VIỆT PHƯƠNG