Mà không ngỡ ngàng làm sao được. Mới sáng sớm nay thôi, đơn vị của Đạt còn núp mình dưới tán lá cây tràm trong rừng tràm Cái Chanh. Suốt cả đêm hôm qua, đơn vị bộ đội chủ lực huyện Hồng Dân của anh dường như không một ai chợp mắt, mặc dù chỉ thị của cấp trên là các anh được tạm nghỉ để sáng mai chuẩn bị cho một trận đánh lớn.
“Trận đánh lớn”. Lúc nghe anh Bảy Khoa, Đại đội trưởng phổ biến như vậy, Huỳnh Công Đạt đã thấy vô cùng háo hức. Bởi từ trước đến nay, đại đội của anh chỉ đánh những trận tập kích nhỏ vào đồn địch hoặc mai phục dọc bờ kênh đánh chặn bọn địch dựa vào tàu sắt vừa chạy phầm phầm trên kênh vừa bắn loạn xạ vào rừng...
“Trận đánh lớn”. Chỉ nghe phổ biến ngắn gọn thế thôi nhưng Huỳnh Công Đạt đã có bao mường tượng. Có thể là bộ đội ta đánh thẳng vào chi khu Hồng Dân? Có thể là quân địch dùng lực lượng lớn tàu sắt và bộ binh đánh phá thẳng vào căn cứ? Cũng có thể... Huỳnh Công Đạt nằm trên võng vắt ngang lối mòn mà thao thức không sao ngủ được. Anh ghì chặt cây AR-15 vào bụng, đối với anh, cây súng này có nhiều kỷ niệm. Đó chính là cây súng đầu tiên anh được đơn vị phát mà lại là cây súng thu được của địch.
Huỳnh Công Đạt nhớ lại, trận tập kích đồn Ấp 5 diễn ra trong đêm. Dưới ánh sáng mù mù, các chiến sĩ rời xuồng lội bộ men theo bờ kênh. Theo sơ đồ được phổ biến trước thì con kênh này dẫn thẳng vào đồn Ấp 5. Cả đơn vị âm thầm lội kênh. Chỉ nghe tiếng nước ồm ộp, chỉ nghe tiếng chim bìm bịp chốc chốc lại vang lên phía bên trái.
Tới chừng sát đồn Ấp 5, mọi người đã nhìn thấy ánh đèn pha của đồn lia loang loáng. Nằm như bẹp sát bờ kênh, toàn đơn vị chờ hiệu lệnh nổ súng. Lúc này Đạt mới cùng hai chiến sĩ nữa, họ là tổ đánh bộc phá phá hàng rào thép gai ngang quanh đồn.
Đạt lặng lẽ ôm bộc phá dò dẫm lội, những bước chân của họ hết sức nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng đến mức người thính tai nhất cũng không nghe thấy. Đã tới chân hàng rào thép gai. Có bàn tay bấu nhẹ vào bắp chân Đạt, anh gật đầu vì đã hiểu đó là mệnh lệnh nhắc anh lên đặt bộc phá.
“Uỳnh!”. Một tiếng nổ vang lừng rồi ánh lửa bùng lên phá toang màn đêm đen kịt. Vừa dứt tiếng nổ, lợi dụng ánh lửa còn yếu ớt, chưa kịp tắt, các chiến sĩ nhất loạt lao vụt từ lòng kênh lên. Họ vừa bắn vừa xung phong vào đồn.
Quân ta tiêu diệt bọn lính ngoan cố chống trả và thu vũ khí. Một trận đánh diễn ra mau lẹ và đơn vị cũng rút ra mau lẹ. Họ lại theo dòng kênh hối hả lội ngược hướng đi ban đầu để rút nhanh vào rừng. Đại đội trưởng cầm cây AR-15 đến trước mặt giao cho Đạt. Đây chính là phần thưởng Đạt được nhận sau khi đặt quả bộc phá đánh mở đường để quân ta xung phong chiếm đồn.
Huỳnh Công Đạt mừng rơn. Vậy là từ giờ, anh thực sự có riêng cho mình một cây súng mới toanh. Tuy là súng Mỹ nhưng được dùng súng địch đánh quân địch thì sung sướng nào bằng.
Nắng lên cao chan hòa, ánh nắng chiếu vàng con đường trong thị xã. Đạt lại ngửa cổ ngước nhìn. Chưa bao giờ anh được nhìn ngắm bầu trời thỏa thuê đến thế. Hồi còn ở trong bưng, bầu trời với các anh chỉ là những tia nắng xuyên qua vòm lá. Bầu trời nhỏ xíu soi xuống mặt đất, soi xuống dòng kênh những đốm nắng xinh xinh như những bông hoa. Đạt mở to mắt nhìn rồi nhắm mắt lại. Nhắm mắt lại rồi lại mở to mắt nhìn những bông hoa nắng xao động, những bông hoa nắng thay đổi vị trí và thay đổi cả kích cỡ. Anh mỉm cười: “Không biết ai đã gọi đó là những bông hoa nắng nhỉ?”.
Đạt rời nhà vào bưng khi anh vừa tròn 17 tuổi. Buổi tối hôm anh nung nấu ý định rời nhà để vào bưng cũng là buổi tối cán bộ xã tới tận nhà. Anh cán bộ xã nghẹn giọng khi thông báo cho má anh hay: “Đồng chí Sanh đã hy sinh. Con xin má và các em bình tĩnh vượt qua nỗi đau này”. Nhanh và ngắn gọn. Tin anh ba hy sinh làm má anh lặng người đi. Má không khóc, mấy đứa em của Đạt dúm vào bấu quanh người má. Tất cả không ai khóc. Tiếng khóc có thể làm bọn lính đồn nghe thấy và chúng sẽ xông tới lôi má đi. Đạt lo sợ nghĩ vậy và anh cứ ôm chặt lấy người má. Mãi lâu sau, Đạt mới nói ngập ngừng: “Má à. Đêm nay con vào bưng với mấy anh má à”.
Má anh nghe tiếng thì thào vậy thì lập tức quay người giữ chặt lấy hai vai Đạt, má nói trong hơi thở thổn thức: “Anh hai, rồi anh ba mày đã hy sinh. Má không muốn mất thêm một đứa con nào nữa”. Đạt lặng người, anh biết câu nói của má là lời ngăn không muốn cho anh vào bưng như hai anh đã làm mấy năm trước.
Nhưng lòng đã quyết, Đạt cắn chặt vành môi để không phát ra tiếng khóc. Lâu lâu như thế, chừng như má cũng đã dịu nguôi đôi chút, Đạt lại nói nhỏ: “Giờ con đi nghe má. Chậm là sáng ra thì không đi được”.
Rất nhanh, Đạt rời tay má, anh quay người bước vội xuống con xuồng nhỏ đang đậu ở mé kênh. Trên xuồng đã có hai, ba người đợi sẵn, họ là những thanh niên trong ấp sẽ cùng Đạt vào bưng.
Má anh không đuổi theo, chỉ hơi nhổm người lên, với về phía anh gọi rất nhỏ: “Đi rồi về lẹ nghen Tư”. Đạt đưa mắt nhìn về mái nhà của mình. Trời tối mờ mờ, chỉ thấy dáng hình ngôi nhà nhỏ lợp lá dừa thoang thoáng xa dần.
*
Đường phố thị xã Bạc Liêu dậy tiếng reo hò. Đạt nắm chắc cây súng, anh bước những bước đi phấn chấn. Thú thực là trong bụng anh đang nóng lòng lắm, Đạt vẫn ghì chặt cây súng vào bên mạng sườn. Khẩu súng này từ hôm anh được giao nhận, đi đâu anh cũng xách theo. Khi ngủ anh vẫn ôm cây súng. Chỉ hơi tiếc là từ khi có nó đến giờ, anh vẫn chưa được bắn một phát đạn nào.
Vẫn ghì chặt cây súng bên sườn, Đạt ung dung bước đi giữa muôn vàn tiếng hò reo vang dội. Nhớ lúc sáng sớm nay, đơn vị của Đạt được lệnh rời bưng để tiến về thị xã. Chặng đường đi, nói đúng hơn là chặng đi xuồng trên kênh diễn ra náo nức. Lần đầu tiên đơn vị hành quân ban ngày. Lần đầu tiên đơn vị hành quân với yêu cầu hết sức mau lẹ.
Mới tối hôm qua thôi, khi được Đại đội trưởng phổ biến là đơn vị chuẩn bị hành quân rời vị trí thì mọi người đã xôn xao bàn tán. Người thì cho rằng có khả năng địch đánh lớn vào căn cứ nên phải nhanh chóng rời căn cứ. Người thì cho rằng đơn vị di chuyển để tham gia một chiến dịch nào đó, bằng chứng là trước đó, toàn đơn vị được lệnh chuẩn bị vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm để di chuyển.
Đạt nghe mọi người bàn tán thì vừa lo lắng lại vừa phấn khích. Kiểu gì thì cây súng này cũng được nhả đạn vào quân thù. Anh đưa khẩu súng được lau chùi sáng bóng lên, nheo nheo mắt rồi bóp cò đánh xoạch. Chỉ là tiếng xoạch của khóa nòng chứ không hề có tiếng đạn nổ đầu nòng rồi viên đạn bay vút đi.
Cây súng đập nhẹ bên hông. Đoàn quân hăng hái tiến đi trên đường phố. Đạt nhớ, lúc tầm chín giờ sáng nay thì những chiếc xuồng con của các đơn vị rời khỏi căn cứ Cái Chanh. Theo kênh, đoàn xuồng tiến hối hả về thị trấn Ngan Dừa. Tới thị trấn tức là tới con sông Cái Trầu thì đã thấy rất nhiều thuyền to có máy của bà con đợi sẵn. Toàn đơn vị chuyển từ xuồng nhỏ sang thuyền lớn. Những con thuyền lớn nổ máy rầm rầm nối nhau chạy trên sông Cái Trầu.
Đại đội trưởng phổ biến giữa tiếng máy rền vang: “Tình hình ở thị xã đang diễn ra rất thuận lợi cho ta. Cấp trên vừa điện báo là phía địch đang bàn giao chính quyền cho cách mạng. Đơn vị ta được lệnh khẩn trương về tiếp quản thị xã cùng với các đơn vị khác”.
Thật là mừng hết chỗ nói. Mọi người lần nữa lại xôn xao bàn tán. Đạt ngồi im lặng nghe. Lần này thì chỉ thấy nói đến chuyện nhanh chóng tiến vào thị xã mà thôi. Đạt nghe mà háo hức. Anh chưa bao giờ được tới thị xã Bạc Liêu. Hồi ba anh còn sống, tức là hồi anh còn bé xíu, cũng đã đôi lần được nghe ba kể chuyện về thị xã. Ở đó có những đường phố dài với những ngôi nhà xây cao hai, ba tầng nối nhau san sát. Ở đó, tức là ở thị xã Bạc Liêu ấy có rất đông người. Họ là những người vui vẻ, ba anh bảo thế. Câu chuyện kể về thị xã Bạc Liêu chỉ ít có vậy nhưng Đạt nhớ mãi. Trong anh âm thầm ao ước được một lần tới chơi thị xã.
Có ai đó chạy tới sát hàng quân, người đó cứ vừa đi theo vừa nắm nắm tay từng chiến sĩ. Có ai đó cất tiếng gọi thật to: “Hai ơi! Ba ơi! Tư ơi! Năm ơi!”. Đạt thoáng rùng mình, hình như anh vừa nghe thấy tiếng má anh gọi? Tiếng gọi của má nhỏ nhẹ mà thân thương làm sao.
Đạt đưa mắt nhớn nhác nhìn những người dân vừa chạy tới. Anh ngó mắt nhìn những người dân đang đứng chật bên đường phố. “Má đâu rồi? Má đứng chỗ nào mà con không nhìn thấy?”. Những câu hỏi cứ dồn dập đến trong đầu. Đạt chưa bao giờ thấy mình nóng lòng đến như vậy. Rồi như một nhận biết mơ hồ, anh cất to câu gọi: “Má! Thằng Tư của má đây nè!”.
Đường phố thị xã Bạc Liêu buổi trưa 30-4-1975 bừng lên trong nắng. Đường phố thị xã Bạc Liêu buổi trưa 30-4-1975 xôn xao tiếng gọi. Đạt lại cất to câu gọi: “Má! Thằng Tư của má đã về rồi nè!”.
    |
 |
Tác giả Nguyễn Trọng Văn. |
Quê hương, gia đình, người mẹ là nơi xuất phát và cũng là nơi trở về của người chiến sĩ. Bởi “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước hành quân”, người thanh niên Huỳnh Công Đạt đã ra đi theo tiếng gọi non sông, tiếp nối sự nghiệp của hai người anh trai đã hy sinh. Và ngày 30-4-1975, ngày của niềm vui bất tuyệt, đã đi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son chói lọi-ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, núi sông liền một dải. Trong niềm vui hân hoan chung của dân tộc có niềm vui đoàn tụ của mỗi gia đình. Chiến sĩ trẻ Huỳnh Công Đạt có mặt trong đoàn quân giải phóng quê hương vào ngày cuối tháng Tư lịch sử đó. Tiếng gọi: “Má! Thằng Tư của má đã về rồi nè” vang lên giữa bầu trời giải phóng, tự do khác nào một khúc ca người lính-đầy tha thiết tự hào vì khát vọng hòa bình muôn thuở của con người. (Nhà lý luận phê bình BÙI VIỆT THẮNG) |
Truyện ngắn của NGUYỄN TRỌNG VĂN