Mỗi ngày tuần tra lãnh hải, Bằng dần đã thuộc làu ngóc ngách của từng hòn nhô, bãi đá trên vịnh biển. Đảo lớn nhất chỉ hơn 10km2 nhưng bốn bên đều là đường biên. Sểnh ra là lập tức có ghe, tàu khai thác hải sản trái phép, đi hàng lậu, buôn hàng cấm, xâm phạm chủ quyền... Lúc nào cũng sẵn sàng chạm trán. Nhiều lần đồn phải phối hợp với các lực lượng, chuyện vây bắt có xô xát là thường.
Nhưng với chị Diệu, chỉ với việc Bằng xa chị cũng đã tạo thành nỗi lo lắng thường xuyên. Nhớ ngày Bằng nhận quyết định công tác đến chốn biên thùy tận trùng dương xa xôi, chị Diệu đốt ba nén nhang để đứa em trai duy nhất thắp cho ba má mà mắt chị ướt nhẹp.
Biết lòng chị không an, Bằng dìu chị ngồi lên ghế, nắm chặt tay chị, dỗ dành:
- Chị đừng buồn! Chừng nào xin được phép đơn vị em về thăm chị.
Chị Diệu lấy tay chặm nước mắt, nhìn đứa em nhỏ còm cõi ngày nào giờ đã cao vổng. Nhớ hồi ba mất trong trận bão lịch sử, Bằng mới lọt lòng. Trong kỳ hậu sản, không chịu được cú sốc quá lớn khi người chồng đầu gối tay ấp chết mất xác, mấy ngày sau má cũng ra đi. Chị Diệu hồi ấy mới mười tuổi vẫn còn dại ngây sau một đêm phải vội trưởng thành để cùng bà ngoại chăm sóc đứa em còn đỏ hỏn. Được mấy năm thì ngoại cũng qua đời. Bây giờ Bằng hai mươi bốn thì chị Diệu đã ngoài tuổi băm. Ở xóm quê Bằng, phụ nữ như vậy đã coi như lỡ thời, chẳng còn trông mong gì nữa. Hồi chị Diệu đương thì xuân sắc, không phải là không có mối nào dạm hỏi, chỉ là mỗi lần có nơi đánh tiếng chị đều lắc đầu. Chị sợ mình có gia đình riêng rồi sẽ phải chăm chồng, chăm con, không còn lo cho Bằng được nữa. Bằng đã mồ côi nên chị không nỡ để em bơ vơ. Vậy rồi năm tháng xa đưa, chị Diệu dần quen với chiếc bóng, gác luôn giấc mơ xuân về mái ấm hạnh phúc cho riêng mình.
Giọng chị Diệu dịu dàng:
- Em đi làm nhiệm vụ, chị đâu dám cản. Chỉ là em ra ngoài ấy, thông tin liên lạc đã khó mà phép về lại ít thì chị em xa cách.
Bằng cười:
- Chị này! Dù thế nào em vẫn nhớ tới chị luôn.
Dang hai tay, Bằng ôm trọn bờ vai chị Diệu gầy thon. Tóc chị đã có sợi bạc. Gương mặt chị rám nắng vì ruộng cạn đồng sâu. Trông chị già hơn tuổi thật. Bằng thấy mình nợ chị quá nhiều.
Nhẹ gỡ tay Bằng, chị bảo:
- Thôi để chị vào xếp đồ cho em.
Chị Diệu cầm chiếc ba lô con gọn ghẽ bước ra. Bằng mở chiếc khăn tay bên trong là nhúm hoa khô thơm dìu dịu, bẽn lẽn đưa tặng chị. Chị Diệu nhận lấy rồi cười nhẹ. Trông chị, lòng Bằng quặn thương. Cả đời của chị đã dành trọn cho em trai, đến cái lẽ lãng mạn thương yêu nam nữ thường tình chị cũng chưa bao giờ có được.
Biết chị thích cây xanh có tán che rộng trồng trước nhà để làm bóng mát, Bằng bảo:
- Khi nào em về sẽ mang cho chị hai cây bàng quả vuông.
Lần đầu tiên đi liền hai chuyến tàu mất cả ngày ra đảo, Bằng mới cảm nhận sự gian nan. Đêm về trạm biên phòng, Bằng cố chợp mắt nhưng không tài nào ngủ được. Tiếng sóng vỗ gần sát bên tai cứ rì rào, ầm ào. Cách trạm không xa là rừng, giữa đêm leo nheo mấy tiếng côn trùng da diết. Hòa vào dạ khúc đó là tiếng gió u u vi vút, lao xao. Tiếng cây già kẽo kẹt như những lời thở than trong đêm thanh dằng dặc. Xa xa, loài mắt đêm kiếm ăn, vỗ đôi cánh phành phạch rồi sà xuống đậu vào nhánh cây, mắt liên láo gần xa. Bằng nghe hết từng tiếng động. Cái lạnh của mùa gió cuối năm thì vô cùng.
Đận đó đang đợt gió mùa Tây Nam. Gió to thêm mưa lớn kéo dài kèm theo dông và lốc xoáy. Bằng cùng anh em trong đơn vị phải ra xóm chài để giúp dân chằng chống, làm kín nhà cửa, hỗ trợ di dời người già và trẻ em. Ở đảo, chuyện chuyển bến dời nhà hai lần mỗi năm đã trở thành lệ thường. Chừng này thì đang là mùa khô, trời nắng nóng như nung như thiêu, nước sinh hoạt phải dè sẻn từng giọt. Chạy máy phát nên phải sáu giờ tối mới có điện. Không phải ca trực và để tránh muỗi nên Bằng ra đỉnh dốc ngồi.
Không biết làm gì, Bằng lấy ảnh chị Diệu ra xem. Không biết giờ này chị đang làm gì, đã ăn cơm chiều chưa hay đang loay hoay nhốt gà, nhốt vịt? Những ngày cô đơn lặng lẽ, dậy sớm thức khuya rồi sẽ khiến cho những nếp nhăn trên gương mặt chị Diệu mỗi ngày một sâu hơn. Ý nghĩ ấy khiến sóng mắt của Bằng cay xè.
Chợt có tiếng bước chân từ sau gốc bằng lăng cổ thụ, Bằng vụng về giấu cảm xúc đang chực rơi ra thành nước mắt. Bóng lưng ngồi xuống bên cạnh người thuộc cấp hãy còn trẻ xanh. Một mình giữa buổi hoàng hôn nghe sóng thế này thì hẳn đang rất nhớ nhà.
“Hai chị em giống nhau quá!”, anh Chiến-Đồn phó mỉm cười ngắm bức ảnh. Ánh mắt anh hiền như đêm. Bất giác nỗi nhớ xóm làng và chị Diệu đang đè nén bỗng dâng lên trong Bằng, mênh mông và da diết. Không cách gì ngăn lại được.
Anh Chiến như hiểu được tâm sự của người đồng đội trẻ, vỗ vai động viên. Rồi anh kể về quê nhà của anh, rẻo đất có vạt rừng bần phòng hộ xanh ngút ngát bao bọc lấy cù lao ở cuối nguồn dòng Bassac nơi sông đổ về biển. Biết Bằng sớm mồ côi, anh Chiến nhiều lần quan tâm, thăm hỏi xem công việc, đời sống có gì khó khăn. Dần dà thân nhau, anh kể về niềm vui, nỗi buồn, những tâm tình riêng tư. Kể như chuyện vừa ra trường anh đã tình nguyện xin ra đảo công tác, canh giữ vùng biên. Kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp có thừa nhưng tình duyên thì hơi lận đận. Hồi còn ở trong đất liền anh có thầm thương mến cô hàng xóm. Nhưng đời lính đảo xa, cả năm có khi chưa được một lần về phép thì đâu phải ai cũng có thể vững dạ đợi chờ. Cô hàng xóm một ngày cũng về bến khác. Anh Chiến thất tình, nhưng thời gian và công việc rồi cũng làm nỗi buồn cũ nguôi ngoai. Gần bốn mươi tuổi, anh vẫn làm bạn với gió biển, mây ngàn, biên cương vững vàng tay súng. Có lần, Bằng nửa đùa nửa thật bỏ ngỏ: “Hay anh làm anh rể em!”.
*
Từ những ngày đầu ra đảo gặp mùa hạt bàng quả vuông khô rụng, Bằng đã nhặt lấy đem ươm. Từng đợt cây đều lớn khỏe và ra dáng lắm. Bằng tính để mang trồng phủ xanh những hòn đất nổi trong vịnh và không quên dành lại hai cây đẹp nhất rồi ngóng mãi xem có ai về đất liền gần Điền Hải để gửi theo cho chị Diệu làm quà. Nhưng trong đơn vị chẳng có ai là đồng hương vùng đất muối. Còn chị Diệu thì chưa biết chắc bao giờ có thể ra thăm. Chiều nay khi trèo lên tít ngọn cây cao hứng sóng gọi được về nhà thì Bằng nghe chị dặn cứ an tâm công tác, đừng lo gì cho chị. Bao giờ cũng vậy, chị Diệu luôn kể những điều vui vẻ, về những thửa muối ở quê diêm dân trúng mùa lại được thu mua để xuất khẩu, về những niềm vui bé mọn của chị trong cái xóm nhỏ ai nấy đều san sẻ, đùm bọc khi tối lửa tắt đèn. Chị vẫn khỏe lắm, vẫn trồng dây mướp, chăm bụi cà, nhà cửa trước sau yên ổn, cốt để Bằng không lăn tăn nghĩ ngợi. Chị còn bảo đang thu xếp để ra đảo một chuyến trong một ngày thật gần. Chừng đó chị sẽ gói bánh tét, mang theo mớ gỏi bồn bồn thêm ít tép chua lên đơn vị cho Bằng mời anh em đồng đội.
Khi Bằng đáp đất thì đã thấy anh Chiến ở đó. Anh bảo anh vừa xin được phép về quê. Phải gần hai năm rồi, khi thì nhường phép cho anh em ở xa, khi thì thời tiết không thuận lợi nên mãi chưa về thăm nhà được.
Lúc xe chở hàng của trạm đến đón người đưa ra cảng, anh Chiến bắt tay hết thảy anh em trong đơn vị bảo mấy ngày rồi anh lại ra. Đến lúc mặt đối mặt với Bằng, anh ngước lên cười:
- Thế hai cây bàng con của cậu đâu, đưa đây thì người ta mới mang giúp về Điền Hải được chứ.
Bằng còn chưa hiểu chuyện gì, miệng cứ lắp bắp:
- Ơ, anh...
Anh Chiến nháy mắt cười xách đôi bầu cây non lá mơn mởn xanh bước lên xe, chẳng mấy chốc đã khuất vào dãy nhà san sát.
*
Đi hai chuyến tàu, anh Chiến cập đất liền khi ngày đã trôi quá nửa. Đường về Điền Hải, hai bên cây lá dường như xanh hơn. Anh Chiến chưa từng đến đây nhưng nghe nói đó là nơi có những ruộng muối hồng trứ danh xứ sở cơ cầu mà diêm dân gọi là muối Ba Thắc. Từ đấy về cù lao quê anh chắc sẽ mất thêm một quãng dài tít tắp nữa bởi thật ra đâu phải là tiện đường. Xe dừng ngoài lộ cái, phải cuốc bộ thêm mấy trăm mét mới đến cổng rào dâm bụt. Bên trong là ngôi nhà nhỏ khá yên bình. Dưới buổi chiều nắng đã gần như tắt hẳn, khói bếp khiến đôi mắt của chị Diệu leo nheo. Anh bộ đội biên phòng không mặc áo xanh, đứng gọi cửa. Trên tay anh là hai cây bàng quả vuông con.
Miền biển, đảo phía Tây Nam của Tổ quốc chưa xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn chương. Truyện ngắn này là tác phẩm hiếm hoi viết về chủ đề đó. Bằng giọng văn dung dị nhưng chất chứa nhiều tình cảm, “Quà của đảo” là một truyện ngắn lấp lánh thứ ánh sáng của tình thân gia đình ruột thịt, tình đồng đội và hé mở cho người đọc niềm hy vọng, sự lạc quan về một tình yêu sẽ đến, như là một bù đắp xứng đáng cho lòng tốt, sự nhân hậu của con người. “Quà của đảo” là một truyện ngắn sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho độc giả. (TS HÀ THANH VÂN) |
Truyện ngắn của LINH XUÂN